Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

“XUỐNG PHỐ” QUA CON MẮT NGƯỜI NHÀ QUÊ

 

(Đọc và cảm nhận thơ Minh Đan)

 

Tôi đã đọc thơ Minh Đan nhiều nhưng chỉ là những bài thơ lẻ tẻ được đăng ở đâu đó. Trong những ngày cuối năm 2021 được tác giả tặng tập thơ PHÚT BÙ GIỜ và tôi có dịp đọc một cách có hệ thống những bài thơ sắp xếp trong một tập xinh xắn. Tập thơ được gom góp trong mười năm với 36 bài chia làm 5 chương: Khâu múi nhớ, Phố trôi, Ghi chép vụn thời Covid, Nước mắt xé trời, Lương tâm cô đơn. Trong 36 bài thơ, tác giả Minh Đan đã triệt để khai thác những vui buồn của cuốc sống. Từ những số phận hẩm hiu của phụ nữ làm mẹ đơn thân, đến mảnh đời bất hạnh của em bé ăn xin trên đường phố hoặc thức tỉnh lương tri con người trước đại dịch Covid 19, đến chủ quyền của đất nước và tội ác của con người đối với thiên nhiên. Sau khi đọc cả tập thơ, tôi lại chọn hú họa một bài theo kiểu bói Kiều. Và bài thơ chọn hú họa ấy là XUỐNG PHỐ trong chương PHỐ TRÔI.


Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

MUỘN MÀNG


                           Về Ba Má kính yêu

  

Ngẩng đầu lạy khoảng trời xanh

Cúi đầu lạy nấm đất thành thiên thu

Tro tiền nhang khói mịt mù

Lặng trong tiếng nấc khóc người trăm năm

 

Nhớ thương như khói đi vòng

Nỗi đau như đá nặng trong phận này

Mây xa vương ánh mắt đầy

Giật mình mình đã trắng đầu mẹ cho

 

Xưa qua sông mẹ làm đò

Đời mênh mông có bến bờ của cha

Bây giờ lạy bóng ngày qua

Liêu xiêu vàng mã, nhạt nhòa khói nhang

 

Lạy trời lạy đất muộn màng

Mình con giữa chốn trần gian... nát lòng!

                                 Ngô Văn Cư

(Bài in trên VNBĐ số 103, tháng 11/2021)

 

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

SAU BAO NHIÊU MẤT MÁT, CÒN NGUYÊN MỘT TÌNH YÊU


(Đọc “Quả đầu mùa” của Trần Thị Tĩnh)

Trong những tác giả thơ xuất hiện gần đây, có người in thơ chỉ để ghi lại một thời say mê viết lách và xem như gói ghém kỷ niệm đời mình. Người viết không có tham vọng làm văn chương, nhưng đôi khi cũng động đến xúc cảm của người đọc. Tập thơ đầu tay QUẢ ĐẦU MÙA của nhà giáo về hưu TRẦN THI TĨNH được NXB Hội Nhà văn cấp phép in vào những ngày cuối năm 2021 là một tập như thế; dẫu rằng người lớn tuổi thường viết về đề tài quen thuộc về quê hương và tình người. Trong quãng thời gian gần hết đời người, Trần Thị Tĩnh vẫn âm thầm sống với thơ, cho thơ để bật lên một tác phẩm có tên gọi khiêm tốn, dễ thương mà hôm nay ta khám phá.

 

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

NỖI NIỀM THÁNG CHÍN - Tản văn Ngô Văn Cư

 

Tháng chín! Tháng của những cơn gió bất chợt se buồn; tháng của những tia nắng vàng làm ấm áp nỗi thương yêu; tháng của trận mưa phảng phất nỗi nhớ nhung; tháng của hoài niệm với những ký ức u uẩn ngọt ngào. Cảm giác mùa hè đã vời vợi xa, khép lại sự nồng nàn, chói chang, rực rỡ khiến tâm hồn xao xuyến nhớ nhung. Cảm giác mùa đông đã đến thật gần, quanh quẩn, trầm lặng, ám ảnh trong làn mưa ngan ngát buồn, trong ngọn gió làm lạnh từng ngón tay, buôn buốt thịt da. Âm thanh tháng chín rón rén, thẻ thọt, dịu êm vừa đủ cho hoa nở; vừa đúng tầm cho trái ngọt; vừa nồng nàn cho trai gái yêu đương; vừa trong trẻo cho tinh khôi màu áo trắng đến trường...

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

CON VỀ ĐÂY HỠI MẸ ƠI! thơ Ngô Văn Cư

 


 

Ngày con khoác áo ra đi

Mẹ nhìn mắt lệ tràn mi mà cười

Bao năm lặn lội xứ người

Tuổi thanh xuân đã rơi rồi còn đâu.

 

Gót chân còn dính đất nâu

Bàn tay chai sạn nhuộm màu thời gian

Tiết xuân giỗ chạp về làng

Quà quê rau củ khẽ khàng mang theo.

 

Bao năm nghèo vẫn còn nghèo

Mẹ ngồi đếm những gieo neo buồn phiền

Thân con như thể đồng tiền

Trao qua trao lại khắp miền nhân gian.

 

Dẫu là còn lắm gian nan

Nhưng mẹ đã lãi một nàng dâu xinh

Một cháu nội mới vừa sinh

Và chiếc xe máy của mình đã lâu.

 

Vui như nước chảy qua cầu

Lúc buồn lại nhớ ruộng sâu nước phèn

Ốm đau nào kể sang hèn

Giật mình con nhớ mái hiên nhà nghèo.

 

Về nhà thôi! Dẫu cháo rau

Xóm làng còn lắm gieo neo bao đời

Con về đây! Hỡi mẹ ơi!

Giắt lưng có bấy nhiêu thôi, mẹ à!

Ngô Văn Cư

(Báo Bình Định, ngày 17/10/2021)

Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

‘Mở mắt là thấy’ - bức tranh đa diện, đa chiều của cuộc sống hiện đại

Đọc tập truyện ngắn Mở mắt là thấy của Ngô Văn Cư - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021.

NGUYỄN VĂN HÒA

Mở mắt là thấy (NXB Hội Nhà văn, 2021) là tập sách mới nhất của nhà giáo, nhà văn Ngô Văn Cư. Với 19 truyện trong tập sách này, Ngô Văn Cư vẽ lên bức tranh khái quát về hiện thực cuộc sống con người thời hiện đại, từ nông thôn đến thị thành.

Tập truyện ngắn 'Mở mắt là thấy' của Ngô Văn Cư (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021)
 /// Ảnh: N.V.H
Tập truyện ngắn 'Mở mắt là thấy' của Ngô Văn Cư (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021)
ẢNH: N.V.H

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

CÁI TÔI CỦA "MÁ NĂM"


(Đọc MÁ NĂM của NGUYỄN KIỀU PHƯƠNG)

 

Tôi quen biết Nguyễn Kiều Phương năm 2017, thông qua nhà thơ Đăng Huệ, khi tôi dự trại sáng tác tại Nha Trang và Kiều Phương mang ba lô từ Sài Gòn ra. Khi ấy, tôi chưa hề thấy Nguyễn Kiều Phương làm thơ và cũng chưa đọc câu thơ nào của tác giả này. Rồi năm ngoái (2020), chúng tôi cũng gặp nhau tại quận 1 - Tp HCM, nhưng Phương vẫn không hé môi khoe mình có làm thơ. Bất ngờ là sau ít tháng, tôi nhận tập thơ MÁ NĂM mà tác giả là NGUYỄN KIỀU PHƯƠNG do Nxb Hội Nhà văn cấp phép. Vừa ngạc nhiên vừa háo hức vì tiếp xúc với thơ của một nhà thơ mới toanh lần đầu xuất hiện, tôi đọc một mạch những bài thơ ngắn trong tập. Tôi nói ngắn là tính vào độ dài, vì hầu hết là thơ ngũ ngôn tứ tuyệt nhưng không theo luật lệ khắc nghiệt của thể thơ này.


Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

NHỮNG NGÀY THÁNG ÁC LIỆT “Ở ĐẤT K”


 (Đọc ĐẤT K của Bùi Quang Lâm)

 

Tôi quen Bùi Quang Lâm là từ cái duyên văn nghệ, rất ngẫu nhiên khi tôi hẹn cà phê với một người bạn văn khác. Rồi từ chỗ cà phê vỉa hè, chúng tôi cùng kéo sang quán nhậu. Đơn giản thôi nhưng rất ấm tình. Lần đầu gặp nhau nhưng như đã quen biết từ lâu bởi những câu chuyện trên trời dưới đất. Và anh rút ra từ chiếc cặp nhỏ mang bên mình tặng tôi cuốn “Đất K”. Thật tình, nhìn cuốn truyện ký viết về chiến tranh dày hơn 320 trang do Nxb Hội Nhà văn cấp phép, tôi nghĩ khó mà đọc hết tập. Nhưng vì được tặng nên phải đọc vì có quý nhau lắm mới tặng sách cho nhau. Thật bất ngờ là sách đã lôi cuốn tôi ngay từ trang đầu tiên, một cuốn sách chân thực về những người lính tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia.

 


(Bùi Quang Lâm và Ngô Văn Cư ở quán Đất Phương Nam năm 2020)

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021

CÓ MỘT LOÀI HOA BIẾT XẤU HỔ

Tản văn Ngô Văn Cư

 

Quê tôi gọi là hoa Xấu Hổ. Có nơi gọi là hoa Mắc Cỡ. Bọn trẻ chúng tôi gọi là hoa Giả Đò. Còn nhạc sĩ Trần Thiện Thanh Nâng nhẹ một cây lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say, … và “gọi hoa Trinh Nữ...”. 



Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

TRÁI TIM GỞI LẠI CÕI TÌNH


(Đọc GIÓ MIỀN LỤC BÁT của VẠN LỘC)

 

Tôi quen biết với chị Vạn Lộc từ năm 2011, khi công ty Đất Việt ra mắt tập thơ Lục Bát Việt tại Đà Nẵng, rồi năm 2013 lại gặp chị khi dự ngày Hội thơ Đường toàn quốc lần thứ tám ở Thanh Hóa. Tôi mặc định chị là người viết thơ Đường luật khi đọc tập Lá Thức (1912), dù chị có viết nhiều thơ tự do, lục bát trên báo, tạp chí... Đọc tập GIÓ MIỀN LỤC BÁT (nxb HNV, 5/2021) lại nhận ra giọng điệu thơ cũ đã có nhiều đổi mới, đầy bản sắc, không mòn cũ, khuôn sáo, đẹp đẽ trong nhịp sáu tám.

 



a

Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

CÁI ẤY

(thơ cổ- khuyết danh)
.
"Tài tử giai nhân giai thích chí
Chẳng gì hơn cái ý nữa mà thôi!
Khách văn nhân tài tử ai ai
Sinh cũng đấy, mà vui chơi cũng đấy
Dẫu lá tre, lá vông thì cũng vậy
Hở hang ra trông thấy, dễ càng đau!
Khách tài tình rày ước mai ao
"Mao" cũng thú, mà "vô mao" càng tuyệt thú!
Nền gấm lơ thơ tơ liễu rủ
Cửa son thấp thoáng hạt hồng non
Quyền thế gì một thú con con
Dẫu trăm khéo ngàn khôn thời cũng mắc!
Đố ai biết bên nào là chắc
Dẫu có chăng, bên "ấy" nữa mà thôi!
Của bà, bà vỗ bà chơi!
.
(Copy từ trang fb TTC)

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

VỀ TÂY SƠN ĂN BÁNH CUỐN

  

Tản văn của Ngô Văn Cư

 

Có lẽ ở địa phương nào cũng có món ăn mang nét đặc trưng cho địa phương ấy. Nơi nào cũng có đặc sản ẩm thực của nơi đó. Nó thầm ngấm và lan tỏa rất đỗi kỳ diệu trong tâm thức của mỗi người con quê hương, có khi hiện ra rất rõ, có khi bàng bạc mơ hồ. Nhưng không phải đặc sản  nào cũng làm cho mọi người nhớ mãi. Riêng món bánh cuốn ở Tây Sơn, Bình Định là món ăn truyền thống tạo nên dấu ấn khó quên cho ai đã một lần thưởng thức.

Mặc dù tôi là dân Bình Định chính gốc nhưng được ăn bánh cuốn ở Tây Sơn không nhiều. Lần đầu, tôi được một người bạn vong niên rủ rê đi ăn bánh cuốn với lời giới thiệu hấp dẫn: “Tương truyền, bánh cuốn là món ăn chính của quân Tây Sơn – Nguyễn Huệ mỗi khi hành quân bởi dễ chế biến, dễ mang theo... Nó góp phần vào chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn đấy. Bánh cuốn ở Tây Sơn ban đầu chỉ có bánh tráng cuốn với cơm nguội để người nông dân thuận tiện mang theo khi làm ở ngoài đồng hay lên rẫy. Dần dần, bánh cuốn thành món ăn truyền thống với nguyên liệu ngày càng phong phú, đa dạng... Hãy đến quán sẽ biết rõ!”

Tôi bị cuốn hút vào lời giới thiệu có cánh của người bạn văn chương  gốc Tây Sơn.


Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

THÁNG SÁU MƯA VỀ

 

Tản văn: Ngô Văn Cư

 

Tháng sáu, mưa về như một sự hò hẹn của mùa hè. Khi tiếng ve vẫn còn ồn ả trong nỗi nhớ nhung; cây bằng lăng đã phai bớt màu tím chờ đợi thì cái khí trời ngột ngạt gọi mưa về. Tháng sáu hiện lên đầy đủ sắc màu của nó: màu đỏ của hoa phượng cùng với màu vàng của nắng vẽ lên bầu trời xanh một hình ảnh rực rỡ, chói chang thì màu trắng đục âm u khi mưa về làm đất trời mát dịu xua tan oi bức mùa hè. Tháng sáu, nắng gắt mưa dày. Tháng sáu, mưa to lắm. Mưa ướt cả bầu trời; mưa đọng trên những tàn cây; mưa ngấm vào đất làm xanh thêm cây lá. Mưa làm mát những con đường đang hừng hực nắng. Mưa cho lòng người nhẹ nhàng hơn...


Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

về tập thơ NHỮNG KHÚC RU TÔI của Ngô Văn Cư.

 Bài viết của nhà thơ Huỳnh Duy Lộc

.
Cám ơn Nhà thơ Ngô Văn Cư - Bình Định với tập thơ "Những khúc Ru tôi" do Nhà Xuất Bản Văn hóa - Văn Nghệ phát hành ngày 26 tháng 03 năm 2020. Bìa tập thơ màu xám nhạt đẹp trang nhã, tập thơ khoảng 130 trang tính cả bìa, với 68 bài thơ đủ thể loại, trong đó có 24 bài theo thể thơ lục bát.
Không có mô tả ảnh.

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

TÌNH NHƯ CHÉN RƯỢU CAY VÀ ĐẮNG

                        

                   (Đọc Thơ tình Hồ Chí Bửu 9 của Hồ Chí Bửu)

 

Trong 9 tập “Thơ tình Hồ Chí Bửu” thì tôi may mắn đọc được 6 tập, và đã có bài đọc sách “Thơ tình Hồ Chí Bửu 8”. Hôm nay, lại nhận được tập 9 của anh tặng để đọc trong lúc cả nước phải sống “giãn cách” vì dịch bệnh. Bài viết này như một cách trả lời với anh rằng tôi đã đọc. Nhìn chung trong “Thơ tình Hồ Chí Bửu 9” được NXB Hội Nhà văn cấp phép xuất bản vào quý II/2021 này, tác giả vẫn nồng nàn tình cảm với người tình cách biệt một khoảng không gian vời vợi và hoài niệm về một thời chinh chiến xa lắc xa lơ khó quên với những người bạn chiến đấu.



 

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

THỨC NGHE SÔNG HÁT DẬY ĐÔI BỜ

  

(Đọc tập thơ BUÔNG VÀ GIỮ của Nam Thi)

 

Cứ mỗi lần viết về một tập sách nào đó lại phải thanh mình rằng đây không hề là bài tiểu luận; bài phê bình, cảm nhận gì cả mà là bài đọc sách. Mà bài đọc sách thì thích gì nói nấy, không thích thì làm ngơ chẳng đá động gì đến. Bài này cũng thế, viết như để trả lời với ông bạn già Nam Thi rằng tôi đã đọc xong tập thơ BUÔNG VÀ GIỮ do nxb Hội Nhà văn cấp phép vào quý 2/2021. Đây là tập sách thứ 5 của Nam Thi và là tập thơ thứ 3, sau tập TÔI KHÔNG TÌM THẤY TÔI và tập ĐI VÀ VỀ. Sau khi gấp tập thơ tôi nghĩ rằng Nam Thi có gì viết nấy; nghĩ gì viết nấy; thấy gì thích, phù hợp thì viết mà không cần xem sự viết ấy là lập ngôn bằng văn chương. Cho nên có thể xem BUỐNG VÀ GIỮ như một tập nhật ký bằng thơ... Và, tôi đọc tập thơ cũng trên nền tâm  thức ấy.


Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

.KHÓI MÂY MỘT THUỞ RỐI BỜI CHIÊM BAO

 

(Đọc tập thơ LÀ KHÓI HAY LÀ MÂY của Mạc Tường*)

 

Tôi với Mạc Tường sinh hoạt chung trong một Chi hội chuyên ngành văn học thuộc một Hội Văn học – Nghệ thuật của một địa phương. Nhưng tôi lại ít được đọc thơ Mạc Tường, ngoài những bài đăng trên tạp chí Văn nghệ tỉnh và một những bài anh đăng lên facebook. Hôm nay, mới đọc một cách hệ thống nhờ nhận được tập thơ anh tặng LÀ KHÓI HAY LÀ MÂY do NXB Văn học cấp phép vào tháng 4/ 2021. Tập sách sách dày 96 trang, gồm 50 bài thơ với nhiều thể loại. Nhưng với một tập thơ, không phải chỉ thống kê là đủ mà phải nhận ra nhịp rung cảm con tim trước cuộc sống mà tác giả gửi gắm. Cho dù tác giả có khiêm tốn: “Tập thơ chỉ là để kỷ niệm...” và lắng nghe: “tiếng má thủ thỉ: Má thích thơ của con.”; nhưng ta lại thấy hơn thế nữa.


Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

Sách nộp lưu chiểu.


Chúc mừng
nhà văn Ngô Văn Cư với tập truyện ngắn MỞ MẮT LÀ THẤY.
Đa dạng về đề tài, 19 truyện ngắn của tập MỞ MẮT LÀ THẤY tạo nên một bức tranh xã hội sinh động, đầy rẫy những thị phi, thiện-ác và điều đọng lại qua mỗi truyện là tấm lòng nhân ái, tình yêu và sự bao dung… Chuyện đời, chuyện người được kể bằng sự từng trải, chiêm nghiệm và trái tim mẫn cảm của người viết.
“Mở mắt là thấy” hàm nghĩa những điều trước mắt và cũng có nghĩa luật nhân quả ở đời. Chọn lối viết cô đọng, kiệm lời và thiên về đối thoại để tạo nút thắt-mở, đẩy đến tận cùng số phận của nhân vật là điểm mạnh của cây bút truyện ngắn Ngô Văn Cư.
Ngô Văn Cư là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định. MỞ MẮT LÀ THẤY là tập sách thứ 11 của anh.
Phạm Kim Sơn




Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

THƯƠNG NHỚ THÁNG GIÊNG Tản văn Ngô Văn Cư

  

Tháng Giêng đang về bên ta. Bắt đầu từ vạt nắng nhẹ nhàng trải dài trên những con đường còn rợp hoa khoe sắc và bảng lảng hương xuân. Mùa xuân đã về trong từng ngôi nhà, từng con phố với người xe đông vui rộn rã, với hàng cây xôn xao nẩy lộc, với lòng người phơi phới, tin yêu…

Tháng giêng về khiến lòng ta bỗng nhớ những ngã đường quen thuộc, những chuyến xe xuôi ngược, những con người với nụ cười giòn tan, và em, người con gái có đôi môi thắm đỏ, đôi má ửng hồng e ấp nụ cười duyên mỗi khi xuống phố. Tháng giêng yên bình như nụ cười thiếu nữ làm tâm hồn ta rực lên niềm yêu thương cháy bỏng; ấp ủ một giấc mơ hạnh phúc với gia đình, vui vẻ với bạn bè, thành công trong công việc… Nhưng điều đã đó thuộc về một góc khác của tâm hồn. Có một tháng giêng như thế của ngày xưa ta từng hò hẹn để bây giờ kỷ niệm lại miên man, day dứt. Ta đã để vuột mất một tháng Giêng của tuổi trẻ để mỗi lần gặp, bước chân lại hướng về chốn xưa hoài niệm mà ánh mắt rực lên nỗi sầu cũ kỹ! Tháng giêng trong ta đẹp như nụ cười duyên của thiếu nữ; mềm mại như mái tóc nuột nà của người ta yêu; dịu dàng thơm như hương của gái dậy thì…khiến lòng ta  cứ chênh vênh trong nỗi nhớ! Tháng Giêng này em có về chốn cũ để ta lại đứng chờ nụ cười xinh rơi trên vạt cỏ xanh thơm lừng hoài niệm.

Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

HẠNH PHÚC THẬT ĐƠN GIẢN

Đôi khi hạnh phúc đến với ta thật đơn giản. Chỉ một đoạn văn ngắn và cái tên cũng đủ thấy niềm vui như được quay về lại trường, nơi mình từng gắn bó một đời. 
Dù sao mình vẫn còn chút gì đó với ngành mình đã chọn...








 

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

QUÊ HƯƠNG VỚI CẢM THỨC VỀ NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ THIỀN

 (Đọc TRI ÂM của HUY LINH và PHỐ MƯA BAY)

 

Có một cơ duyên mà tôi đọc được tập TRI ÂM của HUY LINH-PHỐ MƯA BAY. Mới cầm tập sách tôi ngỡ là một tác giả ký tên kiểu Á Nam-Trần Tuấn Khải, Tản Đà-Nguyễn Khắc Hiếu, Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam... nhưng không phải, hai tác giả Huy Linh và Phố Mưa Bay. Nói là “có cơ duyên” vì tôi  nhận sách tặng nhờ vào bài viết trong trang facebook TẢN VĂN HAY được bạn đọc bình chọn là bài hay nhất trong tháng 2/2021, và đây là tặng phẩm. Tập “Tri Âm” do nxb Hội Nhà văn xuất bản vào quý 4,2020 dày 124 trang gồm 3 phần. Phần 1 là thơ của Huy Linh có tên là “Mẹ và em” gồm 45 bài thơ chia làm 3 nhóm: Hồn quê dáng mẹ; Phố và em; Hương xưa. Phần 2 của Phố Mưa Bay có tên là “Sen” chia thành 2 nhóm: Hương thiền gồm 10 bài thơ và Tản mạn mưa gồm 6 tản văn. Phần 3 là Tình khúc nhạc của 2 tác giả. Đó là nhìn qua hình thức của tập sách đầu tay của 2 tác giả mà tôi chưa hề quen biết này. Xuyên suốt cả tập sách là viết về tình yêu quê hương và con người. Nhưng mỗi tác giả khai thác ở mỗi khía cạnh khác nhau.

 

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

CHIM VỊT KÊU CHIỀU Tản văn: Ngô Văn Cư

  

Tôi là người nhà quê rặt, chim chóc không hề xa lạ với tuổi thơ tôi. Hồi lên phố thị để học thì tiếng chim quê rơi dần vào quên lãng, tôi không mấy chú ý nữa; tưởng chừng như không còn nhớ. Xa miền quê gần chục năm lại trở về dạy học ở An Lão, Bình Định, một vùng bán sơn bán địa thì tiếng chim tuổi thơ sống dậy trong tôi. Nhưng có lẽ làm tôi xúc động nhất là tiếng chim vịt kêu từ lúc xế chiều vắt sang đêm. Khi nắng trời đã nhạt, không gian mênh mông hơn, gió cũng lênh loang hơn; tiếng con chim vịt kêu vang động cả khu vườn và bay đi rất xa. Tiếng chim vịt kêu thành một chuỗi âm thanh vừa như thảng thốt; vừa như nỗi khắc khoải, chờ mong; vừa như tiếc nuối một cái gì đã mất, gợi trong lòng mỗi người một nỗi niềm riêng. Có lẽ vì thế mà vẳng nghe chim vịt kêu chiều, thương cha nhớ mẹ chín chiều ruột đau hoặc dị bản bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau chăng!

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

VÌ MẸ LÀ MẸ CỦA CON.- Trần Thảo Vy


Trong tất cả những bản tình ca, thì bản tình ca về mẹ là bản tình ca da diết nhất. Trong tất cả các thể loại về tình yêu thì tình yêu của mẹ là tình yêu vĩ đại nhất. Tình mẫu tử thiêng liêng rộng lớn bao la ấy, chẳng gì có thể sánh bằng.
Hình ảnh về mẹ luôn sống động và làm lay động triệu triệu tâm can chúng ta. Trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời chiến hay thời bình.
Hình ảnh về mẹ. Với đức tính của người phụ nữ hi sinh tần tảo, một nắng hai sương nuôi con khôn lớn thành tài, suốt rộng dài cuộc đời mẹ.
Và sâu đậm nhất, vẫn là hình ảnh người mẹ Việt Nam thời chiến, gồng gánh nuôi một đàn con mà vẫn thay chồng đảm việc nước, thạo việc làng. Hình ảnh về mẹ son sắc, bao la đẹp đẽ biết bao.
Nhưng không phải lúc nào, sự hi sinh thầm lặng của mẹ, cũng được chúng ta hiểu ra tình yêu lớn lao đó. Có khi phải đợi đến lúc mẹ nằm xuống, ra đi về bên kia thế giới. Chúng ta mới hiểu hết được tình mẹ bao la . Hoặc phải đến khi, chúng ta điểm trên đầu hai thứ tóc. Chỉ đến khi chúng ta dùng cả thanh xuân đánh đổi mọi thứ bằng mái tóc bạc màu của thời gian. Thì khi đó chúng ta mới hiểu hết nông sâu của tình mẫu tử thiêng liêng .
Kính mời độc giả trong gr TVH cùng tác giả, nhà thơ Ngô Văn Cư Tỏ lòng hiếu thuận, tri ân công ơn dưỡng thành với mẹ qua tác phẩm "Vì mẹ là mẹ của con" Được tạp chí Áo Trắng chọn bài đăng .
"Con lại lục tung ký ức tìm về bên mẹ để cảm nhận tiếng thở dài của mẹ và tìm trong đôi mắt mẹ sự lo lắng muộn phiền hoặc niềm hạnh phúc về cuộc sống của mỗi đứa con. Nhưng con tin rằng nhìn thành công của từng đứa con, mẹ sẽ biết mẹ tuyệt vời đến thế nào. Như ngày xưa, trong sự chậm rãi, điềm đạm nhưng mạnh mẽ của mẹ chính là điểm tựa thời gian, niềm tin vững chắc với con. "
Chúc mừng và chia sẻ niềm vui cuối năm với nhà thơ Ngô Văn Cư .

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

LẠI GẶP NGÀY RƯỢT ĐUỔI CỎ LÔNG CHÔNG - thơ Ngô Văn Cư


Con sông quê tôi đã không còn bờ tre
Con bìm bịp không còn chỗ giấu mình gọi nước ròng nước lớn
Con cá chép mùa giông lặc lè đau bụng trứng
Con ba ba lên bờ gặp phải bê tông đá chẻ
Quặn lòng đau đẻ
Quặn lòng đau.
Ôi quê nghèo trăn trở chuyện gieo neo
Cứ thả nỗi buồn vào dòng sông im lặng
Để biển cả mỗi ngày thêm mặn
Và triền sông nắng rát mặt người.
Câu ca xưa sông bên lở bên bồi
Đã đi vào trong từng giấc ngủ
Những con vật quê tôi mang dáng hình ủ rủ
Nhớ một thời rong ruổi giữa ngàn trùng xanh
Để vạt nắng nằm lặng lẽ giữa khối bê tông.
Đâu chiếc ao nhỏ sau vườn trong lắng
Chiều chiều mẹ khỏa nước rửa chân
Đâu chiếc giếng làng khua tiếng gàu vui vẻ
Trai xinh gái lịch thanh tân
Đâu giọt mưa gầy chiều tiễn biệt
Giọt nước từ nguồn biết còn đợi nhau không.
Vẫn biết đời là ngọn cỏ lông chông
Mà tự bắt lòng mình mang niềm đắng chát
Chiếc thuyền nan cũng mang hình hạt thóc
Lo nỗi lo đau đời…
Thèm như gã thương hồ ngửa mặt ngắm mây trôi
Ngửa bàn tay hứng miền quê cũ xa xôi
Đi qua nỗi nhớ
Chợt gặp ngày rượt đuổi cỏ lông chông.
NVC