(Đọc Thơ tình Hồ Chí Bửu 9 của Hồ Chí Bửu)
Trong 9 tập “Thơ tình Hồ Chí Bửu” thì tôi
may mắn đọc được 6 tập, và đã có bài đọc sách “Thơ tình Hồ Chí Bửu 8”. Hôm nay,
lại nhận được tập 9 của anh tặng để đọc trong lúc cả nước phải sống “giãn cách”
vì dịch bệnh. Bài viết này như một cách trả lời với anh rằng tôi đã đọc. Nhìn
chung trong “Thơ tình Hồ Chí Bửu 9” được NXB Hội Nhà văn cấp phép xuất bản vào
quý II/2021 này, tác giả vẫn nồng nàn tình cảm với người tình cách biệt một khoảng
không gian vời vợi và hoài niệm về một thời chinh chiến xa lắc xa lơ khó quên với
những người bạn chiến đấu.
1. Em là rượu ta say hoài không tỉnh
Nhà thơ nào cũng có những bài thơ tình và
một vài bóng giai nhân để ca tụng, để trải lòng mình, để mà khám phá... Nhưng
thơ luôn luôn hụt hơi trước tình cảm bởi tình cảm mãi chạy theo một bóng hình vừa
thực lại vừa ảo nên đôi khi ngỡ là tình cảm đã trói được “người thơ”. Rồi nhà
thơ lại mơ, lại mộng với “người thơ” để cho ra đời những bài thơ rất đỗi nên
thơ. Còn nhà thơ Hồ Chí Bửu thì quá tỉnh táo trong tình yêu:
Ta vẫn thế - đứng bên đời ngạo nghễ
Nhịp song hành vẫn là cốc rượu cay
Yêu em lắm – nhưng chắc là không thể
Xa mịt mù – khuất hẳn một tầm tay
(Tiếng gà khuya)
Tỉnh táo và ngang tàng ngạo nghễ là nét rất
rõ trong thơ Hồ Chí Bửu, ngay cả khi anh viết về tình yêu. Anh viết như chính
cuộc đời của anh. Không hề tô son trét phấn, không hề vòng vo; anh như chấp nhận
thực tại, chấp nhận sự an bài của xã hội, chấp nhận buông xuôi nhưng ta vẫn thấy
ở anh một thái độ ngang tàng, bất cần; thế mà rất thơ, mà rất ấn tượng:
Phong độ là nhất thời
Đẳng cấp là mãi mãi
Ta có gào cũng éo có ai nghe
Thì thôi – cứ làm thằng ngu thằng dại
Sáng tưng tưng – chiều cho chó ăn chè...
(Phong độ chỉ là nhất thời)
Đôi khi thơ trần trụi như chính cuộc đời. Hồ
Chí Bửu “Mệt... thiệt tình”, còn ta thì “thích...
thiệt tình” khi anh tự nói về mình... “dại
gái”:
Lâu lâu ghen nhéo đùi non một cái
Chuyện từ đời nào cũng nhắc xỏ xiên
Chắc là tại ta cả đời dại gái
Yêu em càng nhiều – đầu lại càng điên!
(Mệt... thiệt tình)
Giai nhân và rượu là bạn đồng hành của nhà
thơ Hồ Chí Bửu. Anh ví giai nhân như là rượu độc mà anh là kẻ tự nguyện uống để
rồi say hoài không tỉnh và thơ cũng bị nhiễm độc theo. Biết rượu độc nhưng vẫn
uống say; biết thơ nhiễm độc mà vẫn miệt mài làm. Thì ra biết mà dấn thân vào
cũng là niềm hạnh phúc vậy:
Em là rượu ta say hoài không tỉnh
Tình trăm năm còn lại một đời thơ
Em là rượu – cố nhiên là rượu độc
Nên thơ ta thương tích đến không ngờ.
(Độc tửu )
Hay là trong tình yêu, Hồ Chí Bửu chưa một
lần trọn vẹn để nỗi sầu cứ đeo đẳng mãi. Biết khi nào vơi nỗi sầu khi tác giả cảm
nhận chẳng một ai hiểu nỗi mình, kể cả người yêu. Mà thật vâỵ, mấy ai đã gặp được
hồng nhan tri kỷ cho đời mình. Thôi thì cứ vùi vào men rượu cho quên “hết nỗi sầu”:
Uống thêm ly nữa nghe hồn rụng
Biết đến khi nao hết nỗi sầu
Buồn như tiếng mõ hồi kinh tụng
Người chẳng bao giờ hiểu hết đâu...
(Người chẳng bao giờ hiểu hết đâu...)
Đọc thơ tình Hồ Chí Bửu, ta thấy hầu hết
là những mối tình không trọn vẹn. Có thể là anh đa tình, lãng mạn, hào hoa quá;
cũng có thể là anh ngang tàng, ngạo nghễ, kiêu bạc quá; mà cũng có thể là anh
tham lam quá nên thành kẻ nợ; hay là do tất cả:
Người ích kỷ - dồn ta thành kẻ nợ
Nợ cả đời nên trả mãi chưa xong
Kẻ trí huệ biết chắc rằng muôn thuở
Kiến trong ly thì chỉ chạy vòng vòng.
(Trấn an)
Thôi ta cứ để nhà thơ “đu đưa” với tình, với cuộc đời mà mặc kệ nhân gian có thấu hiểu:
Không thể nào trộn lẫn vô thanh vào vô thức
Mật ngữ ta dành cho người
giống
như một thánh kinh
bởi lưỡng nghi luôn luôn là hai bản thể
ta với người cứ thế. Đu đưa...
( Mật ngữ)
2.
Khi kiếm khách đã buông gươm quy ẩn
Hồ Chí Bửu là người đã từng cầm súng và chấp
nhận là người thua cuộc. Đồng đội anh cũng thế. Sau bao nhiêu năm gặp lại “Ôm chặt anh nước mắt tôi rơi lã chã/ Tàn cuộc
rồi ta ở phía bên thua...”. Đó là một sự thật. Chấp nhận như thế đã là dũng
khí lắm. Nhưng dễ gì quên quá khứ:
Ai cũng thế - khi đứng bên bờ vực
Đều nhớ về thời kỷ niệm xa xưa
Hứa trong tim như một cách dối lừa
Mai ta sẽ về thăm quê lần cuối...
(Vọng quê)
Đôi khi nhìn một nấm mộ vô danh, trái tim
nhạy cảm của thi sĩ Hồ Chí Bửu lại nhói lên nỗi đau thân phận. Nói người nhưng
cũng là nói đến ta:
Ta cũng như người – cô thân độc mã
Gãy súng từ lâu từ bỏ chiến trường
Quê hương bây giờ - làm người xa lạ
Nâng chén rượu sầu nhắc để mà thương.
(Rằm tháng giêng thăm ngôi mộ vô danh)
Biết bao kẻ không chịu chấp nhận thực tế,
cứ khơi dậy vết đau xưa cũ hoặc ca ngợi một ký ức nào đó để sống với hào quang ảo
của một thời xa lơ xa lắc. Người đồng cảnh ngộ dễ dàng cảm thông mà đau với vết
thương đã lành da. Với trái tim nhạy cảm của Hồ Chí Bửu, tôi tin, không thể nào
không rưng rưng:
Người lính năm nào giờ thống thiết lời ca
Xoáy vào tim của một thời chinh chiến
Gã đang hát ngày xưa là lính biển
Áo trắng trùng dương hoa biển bạt ngàn.
(Cà phê vĩa hè)
Hoặc bất ngờ gặp lại bạn cũ, thấy “hắn bật khóc cũng như tôi đang khóc/ có cái gì lặng lẽ ở đâu đây/ ôi thương quá thằng bạn đời sương gió/ đang khuấy lên ngọn lửa đã tàn rồi/ bạn bè nhau trong thời chiến/ yêu nhau như tình nhân/ bạn bè thời @/ thằng ngồi salon phỉ phèo thuốc lá/ thằng lặn lội kiếm từng đồng bạc nuôi thân/ đù má cuộc đời... (Bất ngờ
gặp lại bạn). Kiêu bạc, ngang tàng, lãng mạn nhưng Hồ Chí Bửu rất thực, rất đời.
Cứ mỗi tháng tư về thì nhà thơ lại một lần “quyết
định” gắn cuộc đời mình với gia đình với bạn bè. Cái tình của nhà thơ thật
đáng yêu:
Ta quyết định cứ chơi cùng với lũ
Bởi vì ta còn mồ mả ông bà
Ta còn có những nấm mồ vô chủ
Của một thời binh biến đã trôi qua.
(Ký ức tháng tư)
Ta yêu Hồ Chí Bửu cũng vì: “Không phải tại già mà tóc bạc / Nhớ thương
thương nhớ tóc phai màu” (Tóc bạc), và ta cảm thông anh cũng vì:
Khi kiếm khách đã buông gươm quy ẩn
Chuyện sông hồ phút chốc cũng tàn theo
Ta quanh quẩn bên dốc đời bé nhỏ
Mộng viễn chinh như chiếc lá bay vèo.
(Mê cung)
3.
Ngộ ra còn có lời thề trăm năm
Hồ Chí bửu làm thơ từ khi tôi còn là học
sinh mài đũng quần trên ghế nhà trường và anh nổi tiếng khi tôi chưa viết nổi một
câu thơ. Bây giờ anh xem tôi là đứa em nhỏ, và thường được tặng thơ. Điều ấy
cũng là một vinh hạnh đối với tôi. Nên bài đọc sách này như một lời gởi đến anh
rằng tập “Thơ tình Hồ Chí Bửu 9” tôi
đã đọc xong:
Bước vào thơ – là cuộc chơi sang trọng
Vốn sống cả đời – chắc lọc tinh khôi
Là ngôn ngữ của một thời ngang dọc
Là những cuộc tình dang dở - chia phôi
(Rác)
Tôi tin với bút lực của anh thì chúng ta vẫn
còn được nhiều dịp đọc “Thơ tình Hồ Chí Bửu”,
bởi anh vẫn giữ “lời thề trăm năm” để mà yêu thương, để mà lên giọng ngang
tàng, kiêu bạc nhưng đầy ắp tình người.
NVC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét