SAU BAO NHIÊU MẤT MÁT, CÒN NGUYÊN MỘT TÌNH YÊU


(Đọc “Quả đầu mùa” của Trần Thị Tĩnh)

Trong những tác giả thơ xuất hiện gần đây, có người in thơ chỉ để ghi lại một thời say mê viết lách và xem như gói ghém kỷ niệm đời mình. Người viết không có tham vọng làm văn chương, nhưng đôi khi cũng động đến xúc cảm của người đọc. Tập thơ đầu tay QUẢ ĐẦU MÙA của nhà giáo về hưu TRẦN THI TĨNH được NXB Hội Nhà văn cấp phép in vào những ngày cuối năm 2021 là một tập như thế; dẫu rằng người lớn tuổi thường viết về đề tài quen thuộc về quê hương và tình người. Trong quãng thời gian gần hết đời người, Trần Thị Tĩnh vẫn âm thầm sống với thơ, cho thơ để bật lên một tác phẩm có tên gọi khiêm tốn, dễ thương mà hôm nay ta khám phá.

 

1.     Sông bên bồi bên lở, tình ta chẳng đổi dời.

Một đề tài muôn đời nhưng vẫn không hề cũ và nhàm chán, đó là quê hương. Ở Trần Thị Tĩnh, quê hương là Bắc Ninh, cái nôi hát quan họ, giao duyên, không trộn lẫn vào đâu được: “Nói nhớ Hội Lim để nhớ em/ Người chưa biết mặt, chỉ quen tên/ Ai về Kinh Bắc mùa xuân tới/ Nói hộ rằng tôi TỰA MẠN THUYỀN.” (Gửi người Quan Họ). Lãng mạn là vậy, nhưng tác giả vẫn luôn nhìn về hiện thực cuộc sống. Đôi khi có tiếng reo vui khi thấy quê nhà đổi mới:

“Đa Hội quê hương yêu dấu ơi

Cảnh xưa giờ đã đổi thay rồi

Điện, đường, trường, trạm... khang trang lắm

Nhà gác cao tầng mọc khắp nơi.”

(Quê hương tuổi thơ tôi)

Hoặc một nét đẹp toát ra từ con người:

“Sực nức không gian, thấm đẫm hương

Nồng thơm đầy ắp mọi con đường

Muôn hồng ngàn tía khoe tươi rói

Ai cũng xinh giòn thật dễ thương.”

(Nàng xuân)

Nhưng phải nói rằng làng quê phát triển đâu chỉ Bắc Ninh; người đẹp chung chung thì đâu cũng có; công việc và sức sống của tuổi thanh niên đâu đâu cũng gợi cảm, đáng yêu “Mấy cô thôn nữ từ trong xóm/ Kéo mạ ra đồng khoe dáng thon/ Gió nhẹ trêu đùa làn áo mỏng/ Không gian sực nức tiếng cười giòn.” (Nét xuân quê). Nhưng có lẽ chỉ ở Hội Lim, cái tình giao duyên mới sâu đậm, nhất là khi lỡ nhịp:

“Rộn ràng người trẩy hội Lim

Tôi thui thủi lội về miền không em

Với người, một hẹn thì nên

Còn tôi: chín hẹn lại quên cả mười.”

(Hội Lim)

Khi “lỗi nhịp trống cơm” thì nỗi buồn sẽ mang theo suốt cuộc đời. Có mấy ai quên được tình cảm mình đã gởi gắm vào một nơi... xa thẳm và nỗi buồn nào dễ phai phôi:

“Thui thủi đường về xa lắc lơ

Một bầy con nhện đã giăng tơ

Một đàn con xít sang sông... lội

Lỗi nhịp TRỐNG CƠM đến tận giờ.”

(Gửi người Quan Họ)

Có một điều mà người phụ nữ nào cũng canh cánh trong lòng là khi bước chân về nhà chồng thì quê mẹ trở thành một miền quê xa ngái, tuy vẫn chung miền quan họ. Ngày về thăm mẹ thì dáng ai cũng là dáng mẹ mình. Một tâm trạng rất con người, nhân văn, tình cảm. Ta yêu thích thơ Trần Thị Tĩnh vì trong nỗi riêng của tác giả lại có tâm trạng mình trong đó:

“Tôi trở lại quê chẳng được nhiều

Cổng làng rộng mở đón thương yêu

Áo nâu, nón lá trên đồng lúa

Như bóng mẹ xưa... những buổi chiều.”

(Cổng làng)

Với quê, phận người luôn bé nhỏ. Mỗi người chỉ khai thác được một chút nhỏ tình quê mà gởi gắm nỗi niềm. Vậy cũng đáng quý lắm rồi:

“Trên đầu: trời cao lồng lộng

Trước mặt: biển rộng mênh mông

Đối diện thiên nhiên hùng vĩ

Thấy ta nhỏ bé vô cùng.”

(Trước biển)

 

2.     Thấm sâu lạnh lẽo những ngày không nhau

Một đề tài quen thuộc của những người lớn tuổi thường viêt là hoài niệm về một thời xưa cũ, một thời đã cất sâu vào đáy tâm hồn, được khai quật mà than thở, nuối tiếc. Nếu không cứng cáp sẽ bi lụy, chán nãn, nhụt chí. Với Trần Thị Tĩnh thì người mẹ luôn là bóng mát cho đời mình, là sự hy sinh vô điều kiện:

“Đời con lành lặn hôm nay

Ngùi thương áo rách đọa đày nắng mưa

Tháng giêng buốt ngọn gió lùa

Còn in bóng mẹ gió đưa chập chờn.”

(Rét đài)

Còn với bố là chỗ dựa vững chắc cho đời con; là kim chỉ nam cho bước chân con trong cuộc gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ. Hình ảnh nào đẹp hơn khi bố con “đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu):

“Bố là người chiến sĩ

Canh biển đảo quê hương

Con cũng là chiến sĩ

Giữ ngọn lửa yêu thương”

(Quà của bố)

Rồi hình ảnh cô giáo dạy học ngày xưa đầy tình cảm khi cô, trò mái tóc đều bạc trắng như nhau. Tóc bạc nhưng tình cảm không bạc:

“Giờ cô bạc trắng mái đầu

Tóc em cũng đã nhuộm màu gió sương

Ngược xuôi đâu quản dặm trường

Chùm cam chở nặng yêu thương cô, trò.”

(Quả ngọt đầu mùa)

Tôi rất xúc động khi đọc bài thơ viết về những cô gái từng ra chiến trường canh giữ hạnh phúc cho mọi người. Để rồi thời hậu chiến lại vò võ đợi hạnh phúc đến với mình. Một ước mơ rất đời thường, rất con người mà sao khó thế:

“Bướm ong bay lượn nơi đâu

Để hoa tàn úa héo nhàu xác xơ

Vợ hiền... những ước cùng mơ

Quyền làm mẹ... đến bây giờ cũng không.”

(Bến không chồng)

Nói đến tình cảm riêng tư của Trần Thị Tĩnh mà không nhắc đến tình yêu trai gái là một thiếu sót lớn, mà có lẽ tác giả thơ nào cũng vậy. Mà tình yêu của nhà thơ nào cũng trắc trở, lỡ làng, không trọn vẹn dù đến cuối đời vẫn... một vợ một chồng: “Mưa giăng rắc bụi trắng trời/ Khôn ngăn nước mắt của người đến sau” (Lỡ làng). Không chịu mở lời rồi tự trách mình là “người đến sau” mà buồn:

“Trở lại bến xưa gặp tuổi thơ

Em sang bến mới tự bao giờ

Để tôi đuối nước trên bờ vắng

Kỉ niệm buồn như một giấc mơ.”

(Em tắm)

Đấy là cái tội mơ mơ mộng mộng thả hồn theo gió trăng làm cả đời nuối tiếc, ước vọng:

“Yêu thật cho nên phải sống mơ

Biết là không thể vẫn mong chờ

Bao giờ anh lại lên Kinh Bắc

Viết tiếp cùng em trọn truyện thơ?”

(Với anh)

Thôi thì, tình yêu nam nữ đã trở thành món nợ khó trả mà người chủ nợ cũng không chịu đòi khiến lòng càng thêm day dứt. Có lẽ nhờ nợ mà đời ta có chút gì níu kéo chăng:

“Ta mắc nợ người một bóng cây

Giữa trưa bất chợt trú mưa bay

Bao nhiêu là hạt không thành quả

Ta biết lòng ta ướt đã dầy.”

(Nợ)

Thôi thì: “Quên đi phải trái cùng sai đúng/ Muôn thuở tình yêu vẫn thế mà! (Tình hoa bướm)

 

3.     Dùng dằng chân bước còn nhìn lại

Với 61 bài thơ với nhiều thể thơ truyền thống, tác giả Trần Thị Tĩnh đã cho ta dạo chơi trong cảnh đời, cảnh người, tâm trạng của người Kinh Bắc. Nếu bớt đi những hình ảnh sáo mòn kiểu: “Chở bao nhiêu đạo chẳng vơi/ Trong tăm tối vẫn rạng ngời lòng son/ Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn/ Tình thầy mãi mãi em còn khắc ghi” (Người thầy của em), thì tập thơ sẽ gây xúc cảm cho người đọc nhiều hơn nữa. Thôi thì “Nhặt từng chút nhớ mỗi ngày/ Đem gom lại lấp cho đầy tim đau” (Nhặt)

Ngô Văn Cư

 



 

 

Nhận xét