(Đọc ĐẤT K của Bùi Quang Lâm)
Tôi quen Bùi Quang Lâm là từ cái duyên văn
nghệ, rất ngẫu nhiên khi tôi hẹn cà phê với một người bạn văn khác. Rồi từ chỗ
cà phê vỉa hè, chúng tôi cùng kéo sang quán nhậu. Đơn giản thôi nhưng rất ấm
tình. Lần đầu gặp nhau nhưng như đã quen biết từ lâu bởi những câu chuyện trên
trời dưới đất. Và anh rút ra từ chiếc cặp nhỏ mang bên mình tặng tôi cuốn “Đất
K”. Thật tình, nhìn cuốn truyện ký viết về chiến tranh dày hơn 320 trang do Nxb
Hội Nhà văn cấp phép, tôi nghĩ khó mà đọc hết tập. Nhưng vì được tặng nên phải
đọc vì có quý nhau lắm mới tặng sách cho nhau. Thật bất ngờ là sách đã lôi cuốn
tôi ngay từ trang đầu tiên, một cuốn sách chân thực về những người lính tình
nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia.
(Bùi Quang Lâm và Ngô Văn Cư ở quán Đất Phương Nam năm 2020)
1. Còn đó nhiều vết thương
Chiến tranh là điều không ai mong muốn. Tuy
nhiên dân tộc ta suốt thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước tuyền là chiến
tranh. Hết giặc phương bắc đến giặc phương nam; hết giặc gần đến giặc xa; hết
ngoại xâm đến nội chiến; nên bây giờ ta trân quý biết bao khi có chút không khí
hòa bình. Rồi còn phải tình nguyện sang nước bạn Campuchia giúp nhân dân họ khỏi
nạn diệt chủng. Thế nhưng “Mặc
dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi lần nhắc đến thì hình ảnh khốc liệt và cái
vuốt mắt đồng đội hy sinh vẫn trở lại, vẫn mới toanh trong tiềm thức” (trang 289). Chiến tranh đâu chỉ có cái chết.
Đôi khi cái chết nhẹ nhàng hơn là sự mất mát tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng tạo
thành một vết thương khó lành: “Chiến tranh hất văng chúng tôi khỏi ghế
nhà trường, bóp dúm hoài bão tuổi trẻ, bẻ gãy con đường đến tương lai tươi
sáng.” (trang 32) hoặc khi phiên gác đầu tiên vừa
bước chân vào quân ngũ: “Tôi còn nhiều ngỡ
ngàng. Cây súng tựa vai, bờ vai thư sinh của học trò cầm bút. Tôi nhớ nhà vô hạn.”
(trang 7). Người lính vừa buông cây bút đã cầm cây súng ấy như khó có thể hòa
mình vào cuộc chiến giúp cho đất nước bạn khỏi nạn diệt chủng vừa để bảo vệ
mình. Mà làm sao có thể hòa mình khi “Mỗi
người mang trong mình nỗi niềm riêng sâu kín không thể chia sẻ và hoàn cảnh cuộc
đời không giống nhau cũng khó lòng chia sẻ?” (trang 258). Chỉ có tình đồng
đội, tình yêu con người mới có thể “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”; chỉ khi
kề cận với cái chết, với thiếu thốn mới thấy ngụm nước, giọt máu là quý báu,
thiêng liêng mà vững bước vào mỗi trận đánh:
“Những chứng kiến tận mắt trên dọc ngang từ đường hành quân biên giới cho tôi cảm
nhận nhiều điều sâu sắc về tình đồng đội trong hiểm nguy, gian khổ, bài học làm
người, đáng quý. Chén cháo, ly sữa do đồng đội nhường lại thật ấm áp nghĩa
tình, là động lực thôi thúc tôi vào trận.” (trang 107)
Cuộc sống đời lính thật khốc liệt. Bản thân
chưa bị tử thần gọi đi, thân thể còn lành lặn nhưng “Trong tích tắc có thể thành tro bụi. Đời người thật dài cũng thật ngắn.”
(trang 116). Còn lành lặn nhưng không thể không mang một vết thương nào. Người
bạn mới đây cùng mình chia ngọt xẻ bùi, cùng hút chung điếu thuốc, cùng chung
chiến hào tiêu diệt giặc, tưởng chừng sẽ cùng ra quân hưởng hòa bình; nào ngờ lại
nằm ở chiến trường. Một vết thương lòng không dễ gì nguôi ngoai về tình đồng đội,
khi Phước “cô ba” hy sinh: “lòng tôi quặn
thắt vì mất nó, người chiến hữu dù ốm yếu vẫn cùng chúng tôi dọc ngang năm
tháng chiến trường. Nó hiền như đất, đi đứng ẻo lả như là con gái nên anh em gọi
nó là Phước “cô ba”. Thực chất trong con người “cô ba” ấy là sức mạnh tiềm
tàng, ẩn kín trong trái tim nồng nàn đầ tình đồng đội” (trang 127). Thế đấy,
người lính đâu chỉ giết giặc bằng lòng thù hận, bằng tình thương đồng bào mà mỗi
hành động, suy nghĩ bắt nguồn từ tính nhân văn được nuôi dưỡng bởi trầm tích cội
nguồn văn hóa dân tộc. Thế nên trong gian khó, kề cận với cái chết; bất ngờ cô
gái bạn học Mã Kim Phượng xuất hiện trong không gian dày đặc khói lửa là những
phút lãng mạn hiếm hoi của người lính ở chiến trường:
“Tôi luống cuống, hỏi:
-Anh có làm gì phật ý em không?
-Có! – Phượng đáp gọn.
-Chuyện gì vậy em? –Tôi hỏi.
Phượng đáp nhanh:
-Sao không hôn em?
Như bé con được quà, tôi siết chặt Phượng trong vòng tay và hôn lên
trán, lên môi. Phượng vòng tay ôm cổ tôi, hơi thở ấm áp của em như sưởi ấm lòng
tôi.” (trang 207)
Hoặc một buổi thư giãn giữa hai trận đánh,
giữa hai cuộc hành quân là tinh thần lạc quan, vui đời của chiến sĩ trẻ: “Sau bữa cơm chiều nóng sốt, bộ đội có dịp
trò chuyện thoải mái, râm ran. Đại đội phó Đặng Sĩ Hoàng là người có óc khôi
hài nhất. Những câu chuyện anh kể nghe tục tục lại thanh thanh, nhẹ nhàng và rất
duyên.” (trang 71)
Bùi Quang Lâm viết như không chú tâm đến dụng
công gọt giũa nghệ thuật nhưng người đọc cũng không hề quan tâm điều ấy. Độc giả
theo từng bước chân của tác giả và đồng đội để thấy mỗi ngày trôi qua trên đất
bạn là một lần khắc vào lòng những vết thương. Không phải chỉ cái chết của bạn
bè mà cả mối tình chớp nhoáng giữa khói lửa chiến trường cùng những lời đùa vui
của tuổi trẻ đều là vết thương không thể lành da trong đời người lính.
2. Tất cả là máu nhưng không đều là máu
Con người là vốn quý nhất. Nhưng chiến
tranh lại nhằm hủy diệt con người. Một điều tưởng chừng như phi lý nhưng thực tiễn
xã hội loài người đã cho ta thấy rõ điều ấy. Vũ khí ngày càng hiện đại, sức tàn
phá càng lớn thì sự hủy diệt con người càng ghê gớm. Rất may là chiến tranh
không chỉ là súng đạn vô tình mà còn có cả những trái tim biết yêu thương hoặc
căm giận đúng chỗ. Đất “K” của Bùi Quang Lâm đã để nhiều trang sách nói về tính
nhân văn ấy của người lính khi cầm súng: “Chúng
tôi dạn dĩ, lớn dần trong chiến tranh. Nhận thức sự sống đáng giá biết bao. Yêu
thương đồng loại cũng cần thiết biết bao. Đất “K” đang cần lắm sự cứu sinh. Họ
chờ phép nhiệm màu để thoát khỏi bàn tay man rợ, diệt chủng. Kẻ thủ ác giấu mặt
đứng sau lưng Pôn-Pốt.” (trang 33). Tác giả không hề chỉ mặt đặt tên nhưng
người đọc nhận ra kẻ chủ mưu diệt chủng dân tộc Campuchia là ai rồi. Chúng gian
manh không hề chường mặt ra phía trước mà đứng phía sau xúi giục. “Tham vọng bành trướng điên cuồng còn lấp ló
đâu đó sau lưng cuộc chiến trên đất nước Chùa Tháp.” (trang 124). Cái tham
vọng bành trướng này đã phá hủy thành quả người dân lao động nhiều đời tạo nên;
đời người trở nên mong manh, ngắn ngủn: “Phía
thượng nguồn con suối là những phun sóc trù phú một thời, giờ vắng vẻ, đìu hiu,
buồn thảm. Người dân đã bị lính Pôn-Pốt lùa vào công xã lao động cực hình. Người
già, bệnh và trẻ con bị chúng giết sạch. Sự sống con người ngắn như lóng ngón
tay.” (trang 80). Hoặc đôi khi thấy: “Trên
sông vài xác chết trương sình nổi lều bều cặp bờ do sóng nước đẩy vào. Trên bờ,
rải rác đây đó những xác chết đang phân hủy. Cảnh tượng nhìn đến rợn người, dù
tôi đã quen mắt.” (trang 220).
Có sống trong chiến tranh, kề cận với cái
chết mới quý giá giây phút hòa bình. Đó là tâm trạng của người lính tình nguyện
“Trên đường hành quân ngang các phun sóc,
đây đó đã có người dân về ở. Dù còn đìu hiu, nhưng có dân ở chúng tôi cũng thấy
yên lòng. Họ sống một phần nhờ phụ giúp lương thực từ Việt Nam chuyển qua.”
(trang 126). Khi có người dân về ở thì phun sóc sẽ hồi sinh. Sự sống sẽ đâm chồi
nảy lộc. Hạ tầng cơ sở sẽ xây dựng lại. Người lính tình nguyện Việt Nam sẽ trở
lại đời sống bình thường, xa dần với cái chết đột ngột. Chúng ta trân quý món
quà đơn sơ mà đầy tình nghĩa và người lính không hề so đo khi máu xương đổi lấy
“trái bưởi, cam, thốt nốt” vì biết rằng
trong đó còn có cả lòng biết ơn: “Hai bên
đường, những người dân trẻ, già nô nức vẫy chào tạm biệt chúng tôi. Họ trao cho bộ đội Việt Nam món
quà giản dị là những trái bưởi, cam, thốt nốt bằng cả tấm lòng biết ơn, trìu mến.
Trên gương mặt họ, dòng nước mắt chảy dài khiến chúng tôi bồi hồi xúc động. Họ
và bộ đội Việt Nam đang chia tay nhau. Cuộc chia tay đoàn tụ.” (trang 116).
Đọc tới hình ảnh này, độc giả mới thấm thía câu nói của tác giả Bùi Quang Lâm: “Tất cả là máu nhưng không đều là máu...”.
3.
Vĩ thanh
Trên 320 trang sách không thể nói bấy
nhiêu là đủ. Còn biết bao chuyện khi Bùi Quang Lâm đã hoàn thành nghĩa vụ lính
tình nguyện. Khi đất nước chưa qua thời bao cấp và bóng dáng xã hội phồn vinh
còn xa vời thì cảnh nhà túng quẫn, thân phận khốn cùng của tác giả khiến độc giả
nghẹn lòng. Nhưng đâu phải chỉ mình anh, biết bao thân phận cũng đã hy sinh tuổi
thanh xuân và nhiều thứ khác để theo đuổi một lý tưởng và rốt cuộc là rơi vào
quên lãng. Bùi Quang Lâm vẫn còn một vùng “Đất K” để sống với quá khứ và người
đọc nhận ra anh ở hiện tại “mặt mũi rằn ri mái tóc dài” mà hy vọng... Cho dù
hôm nay anh bước vào trận chiến mới, bởi: “Chiến
tranh có thể xuất phát từ nơi này hoặc nơi khác.” (trang 162).
Khi tôi viết xong bài này thì biết tin tập
truyện ký “Đất K” được giải thưởng năm 2020 của Hội Nhà văn Tp HCM. Chúc mừng
Bùi Quang Lâm và mong được đọc tác phẩm khác của anh.
Ngô Văn Cư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét