QUÊ HƯƠNG VỚI CẢM THỨC VỀ NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ THIỀN

 (Đọc TRI ÂM của HUY LINH và PHỐ MƯA BAY)

 

Có một cơ duyên mà tôi đọc được tập TRI ÂM của HUY LINH-PHỐ MƯA BAY. Mới cầm tập sách tôi ngỡ là một tác giả ký tên kiểu Á Nam-Trần Tuấn Khải, Tản Đà-Nguyễn Khắc Hiếu, Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam... nhưng không phải, hai tác giả Huy Linh và Phố Mưa Bay. Nói là “có cơ duyên” vì tôi  nhận sách tặng nhờ vào bài viết trong trang facebook TẢN VĂN HAY được bạn đọc bình chọn là bài hay nhất trong tháng 2/2021, và đây là tặng phẩm. Tập “Tri Âm” do nxb Hội Nhà văn xuất bản vào quý 4,2020 dày 124 trang gồm 3 phần. Phần 1 là thơ của Huy Linh có tên là “Mẹ và em” gồm 45 bài thơ chia làm 3 nhóm: Hồn quê dáng mẹ; Phố và em; Hương xưa. Phần 2 của Phố Mưa Bay có tên là “Sen” chia thành 2 nhóm: Hương thiền gồm 10 bài thơ và Tản mạn mưa gồm 6 tản văn. Phần 3 là Tình khúc nhạc của 2 tác giả. Đó là nhìn qua hình thức của tập sách đầu tay của 2 tác giả mà tôi chưa hề quen biết này. Xuyên suốt cả tập sách là viết về tình yêu quê hương và con người. Nhưng mỗi tác giả khai thác ở mỗi khía cạnh khác nhau.

 

HUY LINH VỚI QUÊ HƯƠNG VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ

 

Tôi cứ ám ảnh về những ngời đàn bà trong thơ Huy Linh. Đó là những người bà, người mẹ, người chị, người em, người bán hàng rong... Mỗi người một số phận, nhưng qua họ, ta thấy bóng dáng của một miền quê còn nhiều khó khăn. Nỗi khó khăn oằn trên vai nhưng điểm xuyết nét lãng mạn đủ để Mẹ chịu vất vả một đời:

Mẹ gánh vầng trăng sóng sánh chảy đôi bờ

kẽo kẹt cầu tre giếng làng đêm ví dặm

thăm thẳm sông quê con đò trên bến vắng

ai thả trôi sông...

(Trăng quê)

“Gánh vầng trăng... đêm ví dặm” cũng không xóa được “hõm má mắt sâu” của “phận đời trắng xóa” trong “đụn rơm khô ủ dột” mà đời Mẹ cũng phải gánh:

Mẹ ơi!

nước bạc phận đời trắng xóa bờ đê

xót dạ nón mê che đàn gà chái bếp

hõm má mắt sâu rưng rưng tóc bết

chắn lại đụn rơm khô ủ dột mái hiên nhà

(Mẹ ơi)

Với Huy Linh, Mẹ cũng chính là quê hương, là cội nguồn của vỉa tầng văn hóa, của nguồn cội ca dao, của hơi thở của cuộc sống:

Vẳng nghe tiếng mẹ ru hời

củ khoai bùi ngọt cả lời ca dao

(Tiếng xưa)

Ai chẳng có một miền quê để nhớ. Nhưng không thể là nỗi nhớ chung chung, trừu tượng mà hình ảnh quê nhà thường hiện lên từ những con người cụ thể, cảnh vật cụ thể, âm thanh cụ thể. Có thể đó là người em gái có mái tóc thề, có môi thắm... chờ đợi một bóng con đò, một câu ca ví dặm:

Em môi thắm trầu cay têm cánh phượng

vấn tóc thề mòn mỏi bến sông quê

ôi có thấy con đò xưa rẽ sóng

chở câu ca ví dặm đã trở về!

(Hương quê)

Tôi thích cái hình ảnh người đi xa trở về với cảnh cũ. Tất cả vẫn còn vẹn nguyên nhưng lại phủ lên một nét u buồn như phế tích. Người đàn bà bán hàng rong cũng mang một nét quê phong rêu cũ kỹ. Phải chăng cảnh đã rêu phong hay lòng người đã không còn cái nhìn trong trẻo của tuổi đôi mươi:

Tôi trở về góc phố nhỏ thân quen

rong rêu phủ màu tháng năm bạc bẽo

con đường cũ nay hoang tàn lặng lẽ

xe đạp chị bán hàng rong cũng xiêu vẹo u buồn.

(Xóm trọ)

Trong thơ Huy Linh đầy ắp những cảnh. Nhưng cảnh không hề vô tri, nó có hồn hòa với tâm trạng của tác giả. Nguyễn Du cũng từng nói “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” thì Huy Linh:

Đêm hôm qua gió lay cành dạ lý

rụng bên hiên xác úa tả tơi vàng

hương ngà ngọc ôi chỉ là quá vãng

buồn ta còn trên lối cũ

thênh thang!

(Và ta biết)

Đọc khổ thơ sau, ai chẳng thấy tình cảm, tiếng lòng của tác giả, tiếng lòng ấy là những ký ức đẹp đẽ ngày xưa đã phủ một gam màu buồn:

...Tôi mãi miết mưu sinh

ngày trở về sân đình đầy xác pháo

lối cũ hẹn hò tả tơi cành hoa gạo

văng vẳng đâu đây ai hát điệu ru lòng

(Con sáo)

Hoặc:

Ta trở lại nơi phố chiều diễm lệ

Lá bâng khuâng rơi đỏ lối hao gầy

Nghe gió hát bài tình ca thuở ấy

Như em về trong niệm ảnh đâu đây

(Phố đêm)

Tôi đã đọc Huy Linh theo một cảm thức về một người mang nặng hình ảnh quê hương qua ngổn ngang ký ức. Những hình ảnh quê hương trong từng tứ thơ chỉ là một không gian cho ký ức tìm về neo đậu. Thôi, ta để cho tác giả tự khép lại hành trình tìm về một miền quê hương trong dĩ vãng, dẫu rằng những bài thơ trong tập đâu chỉ nói về quê hương và những người đàn bà:

Nơ tím cũ rồi...

Bóng đổ

Chiều nghiêng!!!

(Bóng đổ chiều nghiêng)

 

PHỐ MƯA BAY VỚI QUÊ HƯƠNG VÀ THIỀN

 

Hình ảnh quê nhà cũng là hình ảnh chủ đạo của thơ Phố Mưa Bay. Trong tứ thơ nào ta cũng thấy bóng dáng quê nhà, có khi là một bến sông quê, là ngọn khói đốt đồng, là mùi bùn đã oải mục khó quên:

Con về đến bến chiều hôm

Khói đồng ai đốt thơm rơm lúa mùa

(Con về)

Có khi là một dáng mây, và sẽ chẳng bao giờ thiếu hình ảnh tảo tần của Mẹ:

Mây mờ che đỉnh phù vân

Hay là dáng mẹ tảo tần gánh con

(Vô ưu)

Cũng như Huy Linh, thơ Phố Mưa Bay cũng nói nhiều về Mẹ, nhưng thiếu cảnh vật thực tại hay trong ký ức mà lắng vào trong lòng. Tác giả như úp mặt vào đất quê mà  nghe tiếng Mẹ. Mẹ đã cho con trở thành cánh hoa vô ưu ướp hương cho con thơm ngát một đời:

Con về ngủ dưới đêm suông

Ngày mai qua hết dặm trương gió mưa

Vô ưu thơm ngát bốn mùa

Thiên thu tiếng mẹ ngàn xưa vọng về.

(Thiền trăng)

Đọc thơ Phố Mưa Bay, tôi không thấy hình ảnh thiên nhiên rạng rỡ hoặc u buồn thường gặp mà thấy đậm chất thiền. Dù rằng đâu đó ta vẫn gặp “giọt trăng vàng” trong “sương gió miên man” lãng đãng cùng tiếng chuông ám ảnh:

Đêm thanh uống giọt trăng vàng

Đằm trong sương gió miên man đất trời

Chuông chùa thoảng tiếng đầy vơi

Mà nghe sen rót vạn lời Tâm kinh

(Sen nở thềm trăng)

Và đây, cánh sen thanh tao, nguyên trinh giữa sân chùa như một người con gái. Tác giả gọi Sen Em mà không gợn chút tình nam nữ, không hề gợn chút tạp niệm của kẻ phàm phu tục tử. Thiên nhiên như đã thoát tục, không còn vẩn bụi trần:

Về chùa uống giọt từ bi

Gặp em, một đóa sen thì vừa lên

Thanh tao trước chốn cửa thiền

Em bình yên giữa muộn phiền thế gian.

(Sen)

Cũng như những người làm thơ khác, Phố Mưa Bay đôi khi cũng thả hồn mình về khung trời xưa cũ đầy hoài niệm:

Có đêm mơ giấc mẹ tôi

Một chiều trở dạ tiếng nôi ru hời

Lặng nghe câu hát à ơi

Cánh cò cõng trắng cả lời ca dao

(Giấc mơ)

Đôi khi ta gặp một hình ảnh rực rỡ khi đã tận cùng cống hiến vẻ đẹp cho cuộc đời khiến ta vui mừng đón nhận thì tác giả lại làm cho ta hụt hẫng: “Muồng hoàng yến dẫu rơi đầy xuống gốc thì hoa vẫn rực rỡ ở trên cành, cây nở hoa từ mùa nắng sang mùa mưa và trong suốt một mùa mà em gọi là mùa chờ đợi” (Mùa đợi – tản văn). Có lẽ như tác giả tự nhận “... có những thứ không thể nào xóa được, một khi nó đã ăn sâu vào tâm hồn, làm rễ bám cành ở đó, khi kỷ niệm ùa về thì nó cũng tự trào tuôn.” (Đêm mưa phố -  tản văn). Thôi thì cứ để tác giả như “Phong linh vẫn hát từng ngày, như gió vẫn thổi bên trời đưa âm thanh đi tận muôn nơi (Tiếng hát phong linh – tản văn)

Một tập sách hơn trăm trang của hai tác giả sẽ có nhiều điều để nói nhưng tôi chỉ đọc bằng tâm thế của một độc giả bình thường theo một ý chủ quan là đi tìm hình ảnh quê hương của mỗi tác giả thể hiện qua nhưng bài thơ, văn trong tập. Riêng phần ca khúc, xa lạ với tôi nên đành... im tiếng. Và đây là bài đọc sách bè bạn chứ không phải là tiểu luận phê bình nên chuyện thành công hay chưa thành công về nội dung, nghệ thuật; xin được miễn bàn. Như nói ở phần đầu, tôi có duyên mới được đọc tập thơ văn của Huy Linh – Phố Mưa Bay, và xin mượn lời của tác giả để khép lại bài viết nhỏ này: “... bạn đang cầm trên tay quyển sách này, đó là do giữa chúng tôi và bạn có duyên với nhau” (Thay lời kết)

Tôi cũng tin điều đó!

Cảm ơn hai tác giả.

NVC





Nhận xét

Phố Mưa Bay đã nói…
Bài viết của anh quá tuyệt vời! Nó cho thấy anh là một người trân trọng từng câu chữ trong quyển sách. Anh rất xứng đáng khi được bình chọn. Em cảm ơn anh về tình cảm anh dành cho ấn phẩm đầu tay của tụi em! Chúc anh luôn thăng hoa và nuôi dưỡng tình yêu với văn chương!
Ngô Văn Cư đã nói…
Đọc sách là niềm vui của mình. Gần đây, đọc 1 cuốn nào mình cũng viết cảm nhận để tác giả thấ rằng mình... có đọc! Thế thôi... Dĩ nhiên là cuốn mình yêu thích thì con chữ thăng hoa hơn. Chúc an lành...