Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

NHỮNG CHIỀU MƯA NHỚ MÁ!

Tản văn: Ngô Văn Cư

Mùa thu chưa qua hết, mùa đông còn xa ngái nhưng trời đã mưa nhiều. Mưa sùi sụt triền miên, mưa không ngơi nghỉ từ sáng đến tối, mưa lê thê suốt đêm; mưa mang theo cái lạnh se se của cuối thu chớm đông và còn hùa theo ngọn gió gõ lên mái tôn, ngọn lá những âm thanh ồn ào như nhắc nhở mọi người mùa mưa bão đã bắt đầu. Thật vậy, mỗi sáng ra đã thấy vườn nhà sâm sấp nước đọng, nhão nhoẹt bùn đất; lá cây trong vườn rụng nhiều, bụi chuối đã te tua, đàn gà co ro nép vào góc chuồng lười biếng tìm mồi. Bầu trời xám xịt như sà xuống thấp làm cho không gian sống mờ tối, chật hẹp. Mưa làm lưng má còng thêm trong từng mỗi bước cao bước thấp tìm gom cây khô làm củi đun, hái ngọn rau vườn làm tươi thêm bữa ăn. Và mưa làm lòng tôi dậy lên một nỗi niềm riêng, chợt thấy cay cay như bụi mưa bay vào mắt.

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

CAO NGUYÊN MÙA NOEL VÀ EM

thơ Ngô Văn Cư


Ở đây chỉ có buổi chiều

Cành thông níu áng mây hiu hiu buồn

Nhà thờ thả một tiếng chuông

Núi đồi trắng ngát màu sương trập trùng.


Tiếng chim vọng tự vô cùng

Nghe như tiếng hát em lung linh gầy

Trời thì gói gió trong mây

Còn em lấy tóc gói đầy yêu thương.


Anh đi về vấp giọt sương

Ngộ ra cây cỏ ngập đường mùa xuân

Tiếng ai ở phía giáo đường

Bài Thánh ca cứ rưng rưng vọng về.


Lập đông trời lạnh hồn tê

Noel nhớ mái tóc thề em xưa

Nằm nghe lá đón giọt mưa

Tơ duyên đã lỡ mấy mùa Thánh ca.


Trăng từng chết đuối dưới hoa

Rót vào đêm trắng mộng tà huy phai

Ừ thôi ngoan nhé gầy vai

Nhấp môi mà thấy rượu cay bẽ bàng.

NVC

(Bài đăng trên truyển tập Mục Đồng 24)

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

DẤU XƯA NƠI ĐẤT CỔ - Tản văn: Ngô Văn Cư

 

Chỉ cách thành phố Quy Nhơn phía hướng bắc khoảng 25 km là đến với thị xã An Nhơn, nhưng nơi đó thuộc một vùng đất rất khác; vùng đất hội tụ nhiều ngành nghề thủ công truyền thống và món ăn dân dã. Nhưng nếu đi thêm khoảng 5 km nữa thì ta sẽ gặp ngọn tháp Cánh Tiên cao sừng sững trên đồi, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, nơi từng là kinh đô của vương quốc Chămpa từ năm 999 đến năm 1471. Tháp Cánh Tiên là công trình trong khu vực thành Đồ Bàn còn nguyên vẹn đến nay, được coi là tháp cổ nhất và đẹp nhất ở Bình Định. Năm 1982, tháp Cánh Tiên được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Chăm. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì: “An Nam cổ tháp ở thôn Nam An, huyện Tường Vân, trong thành Đồ Bàn, tục gọi là tháp Cánh Tiên. Từ vai tháp trở lên, bốn phía đều giống như cánh tiên bay lên nên gọi tên ấy”. Nhưng mỗi khi nhìn tháp, chúng ta có cảm giác như mỗi tầng tháp là hình ảnh những cánh chim đang chớp cánh bay, gợi sự tưởng tượng huyền bí mà người đời đặt tên tháp là Cánh Tiên. Những nét hoa văn độc đáo của tháp xin dành cho các nhà nghiên cứu nhưng khách tham quan vẫn bị cuốn hút vào những hình chạm trỗ hình đuôi phụng; hình thủy quái với vòi dài, nanh nhọn khiến cho tháp thêm phần huyền bí.

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

THƠM THẢO BÁNH DÂY BỒNG SƠN


● Tản văn của NGÔ VĂN CƯ

Trên đất nước mình, địa phương nào cũng có những món ăn in đậm nét vùng miền, như món thắng cố của đồng bào H’Mông ở Tây Bắc; món thịt chuột đồng ở miền Tây Nam bộ… Và đôi khi trong một tỉnh, huyện cũng có những món ăn chỉ xuất hiện trong địa phương hẹp.

Ở xứ Nẫu Bình Định, nghĩ đến sản vật đặc trưng, nhiều người sẽ nghĩ đến bánh hỏi cháo lòng, bánh ít lá gai, rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa Tam Quan, hoặc cũng có thể kể đến bánh cuốn, gié bò Tây Sơn; nem chợ Huyện Tuy Phước; bún tôm, bún rạm Phù Mỹ. So với những món vừa kể, bánh dây Bồng Sơn có vẻ khuất lấp hơn trong trí nhớ của mọi người, nhưng chỉ cần một lần nếm qua món ăn giản dị này, bạn sẽ cảm nhận được luôn nét hồn hậu của người xứ Dừa thơm thảo.

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

NGƯỜI LÍNH PHỤC VIÊN VÀ NHỮNG ĐÀN ONG

 

(Tặng CCB Ngô Hoài Hiểu, người thành công với nghề nuôi ong ở xã Ân Tín, Hoài Ân, Bình Định.) 

 

Anh trả súng cho bình yên

Đồng đội cách xa phía rừng phía biển

Anh để lại phía sau tiếng hô xung phong

Nhìn chân trời ửng hồng mà khát vọng.

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

MẸ VÀ NGHĨA TRANG THÁNG BẢY



Áo mẹ ướt đẫm mồ hôi
Giữa trưa tháng bảy ngọn lau rùng mình
Khói nhang nhòa cuộc tử sinh
Mẹ tìm đến chốn anh linh mà buồn.

Mẹ ngồi giữa cõi vô thường
Nhìn con qua khỏi mùa tang thương rồi
Ngày xưa… con của mẹ thôi
Ngày nay… con của đất trời quê ta.

Hình như là… mới hôm qua
Cầm tay mẹ tiễn con ra chiến trường
Làm trai chí gởi muôn phương
Đôi chân mạnh bước lên đường tranh đua.

Đời người được mất thắng thua
Như trời đất vẫn nắng mưa không tròn
Đâu là mộ chí của con
Giữa trăm ngàn mộ tuổi còn thanh xuân.

Dáng gầy vốc kiếp phù sinh
Mẹ chia nhang khói thắm tình yêu thương
Như chia những chén cơm lưng
Cho con đỡ đói trên đường hành quân.

Mồ hôi mẹ đẫm ướt lưng
Nhang trầm còn quyện giữa chừng nhân gian
Con nằm đây với chiều hoang
Mà trưa tháng bảy rợp vàng mã bay!
NVC 
(Bài thơ đã đăng trên báo Bình Định nhân ngày 27/7)




Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2022

Tc Văn Nghệ Bình Định giới thiệu Trường ca và tản văn của Ngô Văn Cư

 

Tạp chí VN Bình Định giới thiệu tập trường ca và tập tản văn của Ngô Văn Cư trên số 109, tháng 5.2022:

*

“Đi trên đường một chiều” (NXB Hội Nhà văn) là tập trường ca của tác giả Ngô Văn Cư, xuất bản tháng 4, 2022.

Trường ca gồm 5 chương: Khởi nguyên; Giở trang lịch sử; Mảnh đất hồn người; Bây giờ - Ngày mai; Lời kết, khắc họa một miền đất Hoài Ân với những trầm tích lịch sử, văn hóa; một thiên nhiên Hoài Ân vừa khắc nghiệt vừa ưu đãi; con người Hoài Ân bất khuất, kiên trung, hào sảng, nghĩa tình…

Với vốn sống, kiến văn và hơn hết là một tấm lòng tha thiết với quê hương, Ngô Văn Cư đã mang đến cho người đọc những cảm xúc đẹp về đất và người Hoài Ân, nơi ông đã sinh ra và gắn bó suốt đời.

*

“Nỗi nhớ là có thật” (NXB Thanh niên) là tập tản văn của tác giả Ngô Văn Cư, xuất bản tháng 4. 2022.

“Nỗi nhớ là có thật” gồm 40 tản văn. Mỗi câu chuyện là một lát cắt, một góc nhìn về cuộc sống qua cảm nhận của tác giả. Cảm xúc như chiếc hàn thử biểu trước những thay đổi của thời cuộc, những nỗi buồn, nuối tiếc hay niềm bâng khuâng, gợi nhớ những kỷ niệm trước vòng tuần hoàn của thời gian… Đọc thật chậm, thậm chí nhẩn nha để cảm nhận được những chiều kích khác từ cuộc sống qua Nỗi nhớ là có thật.

Nhà văn Ngô Văn Cư, sinh năm 1954, là Hội viên của Hội VHNT Bình Định. Ông là tác giả của 13 tập sách gồm thơ, truyện ngắn, tản văn và trường ca.



 

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Tản văn Ngô Văn Cư - Ths Trần Hà Nam

 

Trích ĐIỂM QUA MỘT SỐ CÂY BÚT TẢN VĂN BÌNH ĐỊNH

 Của Ths, Nhà thơ Trần Hà Nam

 

……….

Nhà giáo, nhà văn Ngô Văn Cư in sách khá nhiều, đặc biệt là sau khi rời bục giảng, anh có thể toán tâm toàn ý cho viết lách. Có một điểm đáng chú ý là người bạn của anh – nhà văn Nguyễn Trí, hội viên Hội Nhà văn Việt nam – đã hé lộ trong truyện ngắn, khi kể trong một số tác phẩm, nhắc đến tên họ đầy đủ không hư cấu, cho biết anh có niềm đam mê sáng tác, viết báo tường từ thuở học sinh đệ tam thời trước 1975. Phải vài chục năm sau, khi đã đi dạy, trải nghiệm cuộc sống nhiều, anh mới tiếp tục viết truyện, làm thơ và viết cả trường ca. Nhưng tôi cho rằng, với tản văn Ngô Văn Cư thật sự tạo được dấu ấn, ít nhất là với bản thân tôi.

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Trôi về phía thân thương… (Vân Phi)


Ngô Văn Cư là thầy giáo, anh làm thơ, viết truyện in lai rai cũng vài tập sách, nhưng với Mây ở phía quê nhà (NXB Văn hóa Văn nghệ TP HCM, 2019), lần đầu tiên anh in một tập tạp văn.




.

CHẠM TAY VÀO NỖI NHỚ - Nguyễn Thanh


Trên tay tôi là tập tản văn NỖI NHỚ LÀ CÓ THẬT của thầy giáo, nhà văn Ngô Văn Cư. Tập tản văn nhỏ nhắn xinh xinh gồm bốn mươi tâm tình, là bốn mươi nỗi nhớ miên man nhưng đậm sâu trong tâm trí tôi. Tôi tìm thấy nỗi nhớ của tôi trong đó. Cũng rất thật !
Bốn mươi chiếc tản xinh xắn là bốn mươi mảnh ghép làm nên ký ức một thời của tác giả, của tôi và của rất nhiều người.

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

BẮT ĐẦU MỘT TẦM NHÌN



Có thể là Trần Đức Hòa chiêu hiền đãi sĩ

Hay có thể là biệt nhãn liên tài

Mà kẻ chăn trâu thành con rể quý

Tám năm làm thầy minh chúa

Khai quốc công thần

Từ buổi chúa biết tên.

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

Trường ca ‘Đi trên đường một chiều’ - (Bài đăng trên Vanchuongphuongnam.vn)

9 Tháng Năm, 2022 

Nguyễn Thị Phụng

(Đọc Trường ca “Đi trên đường một chiều” của Ngô Văn Cư)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trường ca “Đi trên đường một chiều” (NXB HNV 2022) đánh dấu bút lực của nhà thơ, nhà giáo Ngô Văn Cư viết về xứ Hoài – Hoài Ân quê mình từ trong kí ức đến hiện tại đầy hào hứng với phong cách riêng. Tưởng nghĩ đây cũng là tấm lòng của người con được trưởng thành nơi nguồn cội của cha ông, đây cũng là tấm lòng thơm thảo của nhà thơ được tắm mát tâm hồn từ khi biết “Soi mình vào dáng quê” (tập thơ, NXB Văn nghệ 2009) biết tự chăm chút trong sáng tác cũng là rất hiếm với người Bình Định.


Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

ĐỒNG DÀI SAN SẺ THẢO THƠM - Bài của Nguyễn Thị Phụng (trên báo Bình Định)

14 đầu sách với đủ thể loại: Thơ, truyện ngắn, tản văn xuất bản từ năm 2003 đến nay cho thấy bút lực dồi dào của Ngô Văn Cư. Và mới đây, với trường ca Đi trên đường một chiều (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022), nhà thơ, nhà giáo Ngô Văn Cư thêm một lần nữa chứng tỏ tình yêu quê hương tha thiết khi viết về Hoài Ân quê mình từ trong ký ức đến hiện tại đầy hào hứng.

Trường ca Đi trên đường một chiều chảy theo mạch cảm xúc gồm 5 chương, đầy ắp niềm tự hào về xứ Hoài mà tác giả đã dày công khắc ghi.

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2022

Tôi lặng lẽ thương tôi

 

 

 

Dòng sông lưu dấu bóng mây trôi ngang qua trời

Bình yên một chiều quên nắng mưa dầu dãi

Tuổi thơ tôi vẫn chạy nơi đầu ghềnh cuối bãi

Sân trường lặng yên gốc phượng già nua

Nở những chùm hoa màu lửa

Chạnh lòng giấu tiếng ve kêu.

 

Tôi chưa đi ra khỏi đất nước mình

Chỉ quẩn quanh nơi chôn nhau cắt rốn

Thường nằm trên cỏ mà nghĩ miên man

Có phải phía xa kia là chân trời biền biệt.

 

Biển hát tình ca chỉ dành cho người đi biển

Người trên bờ chỉ nhận tiếng sóng dội vang.

 

Cánh đồng tươi xanh là cho cào cào châu chấu

Ta chỉ chắt chiu bông lúa trĩu vàng.

 

Có lẽ con người ở đâu cũng sống như nhau

Chìm trong thất tình lục dục

Thiên nhiên ở đâu cũng giống như nhau

Đủ độ phì nhiêu

Hoan ca sinh nở

 

Tôi nghĩ miên man và hiểu được ít nhiều

Thì đã gần hết cuộc đời.

 

 

Tôi thường nằm trên cỏ mà nghĩ miên man

Tôi lặng lẽ thương tôi

Một bóng mây trôi ngang qua đời

Không lưu dấu vết.

NVC 

(Bài đăng trên TC VNBĐ số 84/ tháng 4- 2020)

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2022

HỒI ĐÓ

 

Tự nhiên ta nhớ ta hồi đó
Ngoảnh mặt nhìn đã mấy mươi năm
Hình như có đôi lần bật khóc
Cũng đôi lần mơ ước xa xăm.
Hồi đó ta quê mùa vụng dại
Giang hồ còn ngại chuyện nổi trôi
Chưa hề dám bước qua bậu cửa
Chỉ ngó mây trời bay ngang thôi.
Hồi đó ta vẫn còn trẻ lắm
Chưa biết dối ai chẳng dối mình
Ta cũng có người yêu bé bỏng
Lỡ dỡ bao phen một chuyện tình.
Hồi đó ta chưa thành người khác
Chờ hòa vào đám đông ngây thơ
Ngồi bên bè bạn là ca hát
Ngóng thiên đường xa lắc xa lơ.
Hồi đó, trời ơi là hồi đó
Đôi mắt ai khờ buổi mù sương
Để ai lạc lối trôi theo gió
Đi hết đời nhau chửa hết đường.
NVC
(Rút trong tập NHỮNG KHÚC RU TÔI)





Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

GIẤC MƠ TÔI

 Thơ Ngô Văn Cư


Tôi mơ về lại chốn xưa

Lùm tre, bụi chuối, hàng dừa, cây cau…

Mẹ ngồi lặng ở hiên sau

Nhìn con gái nhỏ gội đầu hương chanh.


Trời mưa hạt giống hồi sinh

Tiếng chim ríu rít nẩy tình thương yêu

Đồng xanh rợp bóng mây chiều

Để bao ngọn gió bay vèo qua sông.

 

Tôi mơ chị gái có chồng

Một ngày cây cải trỗ ngồng quá giêng

Cha vui nở nụ cười hiền

Đàn em rúc rích ở hiên sau nhà.

 

Lòng tôi mơ rất thật thà

Chìa tay ra níu cái ta thanh bình

Cùng em bên khóm trúc xinh

Nụ hôn chưa nóng giật mình lại mơ!

 NVC

(Bài đăng trên Văn Nghệ Trà Vinh số 133, tháng 4/2022)




 

 

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

CHIỀU CỔ TÍCH

Thơ Ngô Văn Cư

 

Có một chiều xuân cổ tích

Ngẩn ngơ ngọn gió thiên di

Tiếng chim nép vào kẻ lá

Gọi tên giọt nắng nhu mì

Và em tròn mùa thiếu nữ

Triền hoa thả tuổi xuân thì.

 

Giáp ranh nơi chiều vàng muộn

Nắng gom chưa đủ ấm nồng

Hun hút chiếc cầu thuở nhỏ

Nối bờ về phía rạng đông

Anh nghe tiếng ai rón rén

Em còn đứng đợi đấy không?

 

Bàn chân dẫn về lối cũ

Hồn nhiên như buổi dại khờ

Cỏ rối còn vương chút nắng

Áo em bay hoài trong mơ

Gót trần cứa bầm sỏi đá

Thì thôi đành phải giả vờ…

 NVC

(Bài đăng báo Bình Định ngày 19/3/2017)





  

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

CHIỀU NHUNG NHỚ

 Tản văn: Ngô Văn Cư

Ảnh: Trần Xuân Thiều

Chiều. Làng quê yên bình. Gió len qua vườn cây chạy ra cánh đồng đùa vui cùng ruộng lúa. Ở đó, những vệt nắng chảy dài một màu vàng dập duềnh như sóng. Mây lang thang trên bầu trời rồi dắt díu về đỉnh núi xa xa. Có con diều giấy đủ màu sắc lượn bay trên nền trời xanh ngát vẫn không làm lỡ nhịp cánh cò trắng đang sãi dài về triền đồi quen thuộc. Tiếng chim gù ở sườn núi và tiếng nghé ọ quen thuộc tan chảy trong tiếng cười trẻ thơ vang vọng cả chiều quê. Bất chợt có mùi rơm rạ, mùi bùn, mùi mồ hôi thoảng qua ký ức tạo thành mùi rất riêng, tôi gọi là mùi nhung nhớ.

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2022

Sách mới tháng 4/ 2022

Tản văn gần 200 trang với 40 bài nhẹ nhàng...

Trường ca dài gần 100 trang đậm dấu ấn lịch sử quá khứ và hiện tại của Hoài Nhơn xưa, nay...

Giới thiệu với bạn đọc... cái bìa!






Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

LỠ NHỊP GIÊNG HAI

Mưa phơn phớt ướt môi son

Tóc mây giấu giọt sầu còn hiền ngoan

Em vui khoe sắc giòn tan

Trời nghiêng bầu nắng rót tràn vào xuân.

Cải ngồng trỗ chẳng ngại ngần

Lòng len lén đợi tình gần ý xa

Giêng hai em vẫn kiêu sa

Nụ cười chưa lỡ nhịp hoa dịu dàng.


Em rơi từng nụ khẽ khàng

Anh cùng với gió nhẹ nhàng đắm say

Qua năm hết tháng cạn ngày                 

Giấc mơ xuân lại trỗ đầy vết thương!

Gặp nơi hẹn cũ bỗng thương

Hoa tàn nguyệt tận giọt sương rầu rầu

Xông xênh áo mới về đâu

Thềm xưa in vết bể dâu buồn buồn.

Ngô Văn Cư

(Bài in trên báo Bình Định ngày 27/3/2022)

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

NHỌC NHẰN MÙA LŨ

 

Tản văn: Ngô Văn Cư

Cơn lũ đã đi qua. Mẹ còn ngồi lại với những đổ nát, hoang tàn thẫn thờ nhìn dòng nước mà xót xa, tiếc rẻ. Ba giấu tiếng thở dài vào lòng, bâng khuâng nhìn khói thuốc bay vòng mà lo lắng cho ngày mai. Lũ trẻ con khấp khởi mong được đến trường sau những ngày dài nghỉ học. Trên đường, ngoài ruộng, trong vườn vẫn còn đầy bùn non bám vào lá, vào hoa khiến cho hàng cây méo mó và cúi oằn xuống. Dạo quanh một vòng khắp xóm thấy nhà cửa chẳng còn thứ gì khô ráo, kể cả những đôi mắt hõm sâu cũng chứa đầy nước mắt và hằn sâu nỗi buồn...

EM MÃI LÀ MÙA XUÂN


                                   Tản văn của Ngô Văn Cư

 

Thế là chẳng bao lâu nữa là Tết về. Dù năm nào cũng chỉ có ba ngày Tết, chưa kịp đi khắp làng chúc mừng năm mới thì Tết đã trôi qua mất, chỉ còn dư ba Tết trong mùa xuân hiền hòa, ấm áp mà rực rỡ. Vậy mà mọi người lại bận rộn đón Tết với tâm tâm trạng háo hức lạ thường. Hoa trong vườn đã hé nụ chuẩn bị đón mưa bụi ngày xuân dù Tết chưa về. Tôi lại nhớ đến chợ hoa ngày Tết mà năm nào cũng rộn ràng từ giữa tháng chạp. Năm nay, dịch covid hoành hành, chẳng biết những chậu hoa có được trưng bày ở chợ hoa hay không, nhưng tôi tin rằng hoa vẫn nở tươi tắn và ngát hương. Tôi nhớ cô bán hoa tết, mà tôi quen miệng gọi là “em”, xúng xính trong bộ quần áo xinh xinh bên những chậu hoa rực rỡ, sau những tháng ngày dài đi về với đồng cao ruộng thấp của một đời quê nhiều mồ hôi hơn tiền của.

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

NHỚ HOÀI BÁT NƯỚC CHÈ TƯƠI

 Tản văn của Ngô Văn Cư

 

Lâu lắm rồi tôi chưa được uống nước chè tươi nên quên rằng ở quê mình ngoài việc uống các loại trà khô đã qua chế biến thì chè tươi vẫn còn duy trì. Hôm nay, được uống bát nước chè tươi làm cồn cào cả ruột gan, có lẽ vì chưa quen mà cũng có thể vì thấy bát nước chè tươi lại nhớ ba tôi. Ba tôi cũng thường uống chè tươi. Mỗi sáng, ông chỉ ăn qua loa rồi uống một bát nước chè tươi là chịu đến trưa. Sau khi ba tôi qua đời thì hầu như trong nhà tôi không còn ai uống chè tươi nữa. Gần đây, nghe chè tươi có thể chữa được nhiều bệnh nên nhiều người lại trồng chè và uống như một cách phòng ngừa bệnh. Và tôi được người bạn rót cho một bát chè tươi đặc sánh nóng hổi.

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

LẶNG LẼ MỘT MÌNH “HOÀI THƠM TÓC GIÓ”

 

(Đọc thơ lục bát trong “Hoài thơm tóc gió” của Thạch Thảo -

NXB Hội Nhà văn - 2021)

 

Tôi biết và đọc thơ Thạch Thảo cũng đã hơn chục năm rồi. Và, tôi cũng rất thích cách ngắt nhịp câu thơ vừa quen vừa lạ của thơ lục bát khiến cho từng câu thơ có sức nặng lan tỏa hơn cách ngắt nhịp bình thường. Những câu thơ tôi đọc đã lâu: “Lay phay gió/lâm thâm mưa//Tình buôn buốt/lạnh lưa thưa/ muộn chiều”(“Chiêm bao gặp người” trích “Mắt tình”) hay “Dáng hiên ngang/tóc bồng bềnh//lênh loang bóng/cứ rập rình/đêm mơ” (“Liu riu giọt nhớ” trích “Miền thương”). Đến hôm nay, cầm trên tay tập thơ “Hoài thơm tóc gió” của Thạch Thảo, tôi lại chỉ chú ý đến những bài lục bát trong tập. Có thể nói “Hoài thơm tóc gió” (NXB HNV, 2021) là tập lục bát vì thơ lục bát chiếm 67 bài trong toàn tập gồm 99 bài. Tôi đã chọn những bài lục bát để nói về thơ Thạch Thảo.