NHỌC NHẰN MÙA LŨ

 

Tản văn: Ngô Văn Cư

Cơn lũ đã đi qua. Mẹ còn ngồi lại với những đổ nát, hoang tàn thẫn thờ nhìn dòng nước mà xót xa, tiếc rẻ. Ba giấu tiếng thở dài vào lòng, bâng khuâng nhìn khói thuốc bay vòng mà lo lắng cho ngày mai. Lũ trẻ con khấp khởi mong được đến trường sau những ngày dài nghỉ học. Trên đường, ngoài ruộng, trong vườn vẫn còn đầy bùn non bám vào lá, vào hoa khiến cho hàng cây méo mó và cúi oằn xuống. Dạo quanh một vòng khắp xóm thấy nhà cửa chẳng còn thứ gì khô ráo, kể cả những đôi mắt hõm sâu cũng chứa đầy nước mắt và hằn sâu nỗi buồn...


Miền Trung quê tôi năm nào cũng thế, hết mùa nắng nóng cháy da thì đến mùa bão lụt. Cứ mỗi lần nghe đài báo mưa bão là người dân đứng ngồi không yên. Đêm chập chờn không thể nào chợp mắt. Ngày thì lo thu hoạch lúa ngoài đồng theo phương châm: “Non trong nhà hơn già ngoài đồng!”; chuyển những vật dụng nặng và ít sử dụng lên cao. Tất cả chuẩn bị sắn sàng đợi tai họa thiên nhiên giáng xuống; ai cũng lo lắng đứng ngồi không yên nhưng không hề hoảng hốt, bối rối mà bình tĩnh đối phó. Có lẽ việc sống chung với thiên nhiên khắc nghiệt đã tôi luyện cho người dân quê tôi sức chịu đựng gian khó mà các vùng miền khác không thể sánh bằng. Những ngày lũ, nép vào đâu cũng thấy lạnh cóng nhưng ba tôi vẫn dầm nước mà lo chuyện nhà; chia sẻ chuyện hàng xóm đang chật vật chống lũ. Ba chống ghe nhỏ qua từng nhà trao cho nhau ít chai nước suối, vài gói mì ăn liền... mà ấm lòng. Mọi người dường như chỉ ăn để cầm cự qua ngày nhưng được sự chia sẻ và trao nhau một niềm tin là sẽ thắng lũ. Rồi những chiếc thuyền của các đoàn từ thiện vượt qua mưa gió để mang hàng cứu trợ đến phát cho tận tay mỗi người tránh lũ. Lúc đó mới thấy lòng mình ấm áp lạ thường; ít ra thấy mình không bị lãng quên. Nhận quà mà lòng rưng rưng. Cái nghĩa đồng bào đã giúp mọi người vượt qua những ngày bão lũ. Trong khó khăn mới thấy sự thương nhau và đùm bọc của dân mình. Trong hoạn nạn, tình người tỏa sáng. Lúc đó, mới thấy cái tình đồng bào đối với người dân miền Trung mình lớn lao biết chừng nào.

Tin lũ về làm người dân trong thôn thao thức suốt đêm. Nhìn ở đâu cũng thấy nước. Nước lên trong đêm là khủng khiếp lắm. Điện đóm đã cúp hết; nhà chỉ leo lét ánh đèn dầu mờ ảo, khuôn mặt mọi người hiện lên đầy vẻ lo âu. Chỉ nghe tiếng chân lội bì bõm trong nước; thấy ánh đèn pin lóe ngang... thì trong bóng tối đã vọng ra giọng lo lắng : Nước đã rút được chút nào không?. Bầu trời đêm vẫn đen hun hút; cơn gió ùa về như tiếng thở dài của đất trời hòa cùng tiếng cầu nguyện của con người có làm vơi đi những âu lo! Mẹ tôi là người bao giờ cũng tiếc rẻ những đồ đạc trôi theo dòng nước hoặc hư hỏng mà lâu lâu lại xuýt xoa, thút thít; ba thì cười và động viên: “Ta còn khỏe và đủ chân tay thì qua cơn lụt này sẽ sắm cái mới, lo gì.”. Rồi mọi người lại động viên nhau vượt qua những ngày gian khó. Bọn trẻ thì ngơ ngác nhìn mọi thứ ngổn ngang mà nghĩ đến khoảng trời rực rỡ của riêng mình; tin tưởng nắng sẽ hừng lên trên từng mái nhà yêu dấu... Chắc hẳn những đứa con xa quê nghe tin tức trên báo, đài mà lòng thấp thỏm mong tin tức cụ thể ở quê nhà. Chỉ nghĩ đến điều ấy lại thương người dân quê tôi mùa bão lụt quá!

Cơn lũ đã đi qua nhưng tình người thì đọng lại. Tình nghĩa chòm xóm láng giềng trong những ngày này gắn bó hơn bao giờ hết. Mọi người không chỉ động viên nhau để vượt qua khó khăn mà còn san sẻ vật chất ít ỏi. Nhờ đó mà sinh hoạt hằng ngày cũng đỡ bớt khó khăn và ấm áp. Người ở thành phố hoặc nơi không có lụt bão không thể tưởng tượng nổi những khó khăn của người trong vũng bão lũ. Ở đâu đó còn rất nhiều người thích thú ngồi trong quán cà phê tận hưởng những giọt mưa đông đang chảy tràn qua phố; biết đâu ở một vùng quê, người dân phải vật lộn khổ sở với gió mưa. Cũng không thể nói người dân ở vùng lũ hoặc ở nơi khác đã quen sống như đã từng sống. Mấy ai nhìn lại ký ức vì bây giờ đủ đầy vật chất và có điều kiện xây dựng nhà cửa vững chắc, cao ráo tránh lũ để một lần gặp lại những mộng mơ kỳ diệu của một thời thiếu thốn. Còn tôi, biết bao lần ước mơ một chiếc áo ấm mới, một cặp sách để đến trường mà không có được. Tôi chỉ được mặc chiếc áo ấm mẹ cất giấu kỹ trong rương còn sực mùi long não trong ngày gió rét. Ôi, một thời mà sau cơn lũ dù vô tư cùng cha mẹ dọn dẹp nhà cửa lấm lem mà lòng vẫn buồn rười rượi vì trường ngập, sách vở ướt hết, chẳng còn sử dụng được.

Cơn lũ đi qua để lại biết bao khó khăn cho bà con nông dân. Dọn dẹp những vật dụng bị lũ cuốn trôi dạt khắp nơi, những đồ dùng hư hỏng... nhưng người dân cũng còn phải tất bật các hoạt động mưu sinh. Ở nông thôn, người dân chủ yếu dùng nước giếng đào để nấu nướng, tắm giặt. Lũ về, nguồn nước này ô nhiễm nặng. Nước vây quanh làng nhưng lại thiếu nước. Nhiều đoàn y tế, từ thiện về giúp dân vượt qua khó khăn. Mẹ tôi không nói gì nhưng đôi mắt cứ ngân ngấn nước đầy vẻ biết ơn. Cứ mỗi đợt lũ đi qua, ba tôi lại động viên mẹ: “Sau cơn lũ, nhiều nhà trắng tay. Hễ người còn thì của cải cũng sẽ gầy dựng lại được thôi”. Và người rất lạc quan: “Chớ than phận khó ai ơi! Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây!”. Trong tận cùng gian nan, khổ cực như thế mà không lạc quan thì làm sao trụ vững với thiên tai mà tiếp tục sống, tiếp tục gây dựng để theo kịp những bước đổi mới của đất nước. Ba tôi đúng là trụ cột của gia đình.

Hình như thiên nhiên sau khi giáng xuống những tai họa lại đẹp hơn lên. Trời nắng nhẹ. Những vạt khói mỏng tỏa từ một mái nhà trong nắng tạo những sợi ánh sáng đẹp mắt nối đất với trời. Tôi lại thấy cuộc đời này đáng yêu biết bao nhiêu.

NVC

(Bài đăng trên Văn Hóa Phật giáo số 381 ngày1/1/2022)










Nhận xét