NHỚ HOÀI BÁT NƯỚC CHÈ TƯƠI

 Tản văn của Ngô Văn Cư

 

Lâu lắm rồi tôi chưa được uống nước chè tươi nên quên rằng ở quê mình ngoài việc uống các loại trà khô đã qua chế biến thì chè tươi vẫn còn duy trì. Hôm nay, được uống bát nước chè tươi làm cồn cào cả ruột gan, có lẽ vì chưa quen mà cũng có thể vì thấy bát nước chè tươi lại nhớ ba tôi. Ba tôi cũng thường uống chè tươi. Mỗi sáng, ông chỉ ăn qua loa rồi uống một bát nước chè tươi là chịu đến trưa. Sau khi ba tôi qua đời thì hầu như trong nhà tôi không còn ai uống chè tươi nữa. Gần đây, nghe chè tươi có thể chữa được nhiều bệnh nên nhiều người lại trồng chè và uống như một cách phòng ngừa bệnh. Và tôi được người bạn rót cho một bát chè tươi đặc sánh nóng hổi.


Có lẽ, trước đây hầu hết dân ta đều uống chè tươi. Mỗi vùng, miền có kiểu nấu và uống chè tươi riêng, tạo thành một phong tục, đại chúng mà ấm áp tình người. Uống chè tươi là kiểu uống trà dân gian; một thức uống tâm tình không cầu kỳ như uống trà khô đã qua chế biến nên mỗi khi đặt bát nước chè tươi lên môi làm dậy lên một cảm xúc về văn hóa Việt. Bởi uống nước chè tươi không chỉ là giải khát mà còn là yếu tố gắn kết mọi người trong sinh hoạt cộng đồng. Sẽ buồn tẻ và trống vắng biết bao nếu vắng bóng nước chè tươi trong những cuộc hội hè vừa trao đổi kinh nghiệm sản xuất vừa thư giãn sau những buổi lao động mệt nhọc. Đó là chuyện của... ngày xưa!

Uống một bát chè tươi có thể xề xòa, giản dị, không cầu kỳ. Nhưng muốn có một siêu nước chè tươi đúng chất phải tốn công hơn pha một bình trà khô. Ba tôi là người có tính xề xòa, dễ dãi đúng chất nông dân nhưng chuyện nấu một ấm chè tươi không đơn giản tí nào. Ba thường nói nấu chè tươi đúng cách sẽ có một ấm chè đậm đà, không chát gắt, không mùi ngai ngái của lá chè, màu nước không ôi đỏ. Hồi ấy, bếp nấu dùng bằng củi chứ chưa hề có bếp điện, bếp ga như bây giờ. Lá chè nấu trong ấm đất mới thật sự ngon. Thế nhưng, tôi thấy nhiều người dùng bất cứ cái gì có thể pha trà; từ ấm đất, ấm nhôm, bình thủy... miễn sao cho tiện mà giữ được nước chè trong xanh và hương vị tươi mát. Đó luôn là bí quyết cho nghệ thuật nấu chè tươi. Có lẽ do thói quen mà chiếc ấm đất vẫn là dụng cụ nấu và cái bát miệng to tú hụ hoặc mo cau dân dã được chằm như một cái bát vuông dùng để uống mới đã cơn khát và tận hưởng hết cái hương vị của nước chè tươi.

Lá chè khi hái về được rửa sạch, vò nát hoặc cho vào cối giã dập nát mới cho vào ấm đất rồi đun sôi. Kỹ hơn là nấu nồi nước thật sôi rồi dội vào ấm đất có sắn chè tươi ngâm ít phút lại đổ ra. Làm thế cho nước chè đỡ ngái. Sau khi “rửa” chè, đổ tiếp nước sôi vào nấu. Ấm chè phải nấu cho thật sôi nhưng không quá lửa để ấm trà khỏi oi khói và màu nước xanh đẹp. Nước chè tươi mà bị oi khói thì coi như hỏng cả ấm chè. Uống hết mất thú vị. Dù chè tươi không nhiều hương vị như các loại trà khô đóng gói bán ngoài thị trường vì chưa qua chế biến nào để tăng hương vị, nhưng lại hấp dẫn nhiều người, có lẽ nhờ vào sự giản dị của kiểu uống chăng?

Ở quê tôi Hoài Ân - Bình Định, vùng đất trung du, miền núi có nông trường chè Gò Loi – xã Ân Tường Tây được thành lập vào cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Chè Gò Loi được xem là đặc sản nổi tiếng của Bình Định. Danh tiếng trà Gò Loi đã vượt ra ngoài huyện, ngoài tỉnh. Mỗi dịp lễ, tết hoặc có khách phương xa thì trà Gò Loi thành món quà không thể thiếu để thưởng thức, biếu nhau, thật là một niềm tự hào. Thời đó, chè rất hiếm nên có quý nhau lắm mới biếu nhau gói chè Gò Loi. Không có màu sắc tươi, cánh đẹp như trà Thái Nguyên, trà móc câu... nhưng vị đậm đà và độ ngọt của nước trà Gò Loi khiến cho nhiều người khó quên. Có trà Gò Loi vừa tiện lợi vừa thơm ngon đã góp phần cho kiểu uống chè tươi dân quê tôi dần dần đi vào quên lãng. Gần đây, nông trường chè Gò Loi đã hồi phục và những gói trà khô đã tràn khắp thị trường thì kiểu uống chè tươi lại cũng xuất hiện trong nhiều gia đình.

 Hiện tại, có một bát nước chè tươi để uống đơn giản và nhanh hơn  ngày xưa nhiều bởi có bếp ga, bếp điện, ấm nấu siêu tốc, ấm nhôm... Chỉ cần hái lá chè, kể cả lá già và cành nhỏ bỏ vào cối giã nát rồi nấu sôi là có một ấm chè tươi. Nhưng nhà nào cũng có nhiều cách giải trí; nào là ti-vi, nào là smatphone, nào là trò chơi điện tử, nào là hát karaoke... nên không còn cảnh mỗi đêm đến là cả gia đình ngồi với bát chè tươi kể chuyện ngày xưa. Chè tươi bây giờ thuần là nước giải khát, thanh nhiệt cho những ngày nắng nóng. Tôi lại nhớ da diết hình ảnh ba tôi vừa uống chè tươi vừa đọc thơ:

Bán dạ tam bôi tửu,
Bình minh
nhất trản trà.
Nhất nhật
cứ như thử.
Lương y bất đáo gia

(Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác)

(Có nghĩa là: Nửa đêm ba chén rượu, sáng sớm một tuần trà, mỗi ngày được như thế, lương y không đến nhà!)

Cái tinh thần dưỡng sinh tôi học ở ba tôi từ chuyện uống nước chè tươi mỗi đêm bên hiên nhà như thế. Dẫu rằng, có lẽ trà mà Lê Hữu Trác nói không hề giống bát nước chè của ba tôi. Tự nhiên, mỗi lần nhìn ấm nước chè tươi, tôi lại mong đêm nay cúp điện để cả nhà được tụ tập dưới mái hiên nhà...

NVC

 








 

Nhận xét