Tản văn Ngô Văn Cư - Ths Trần Hà Nam

 

Trích ĐIỂM QUA MỘT SỐ CÂY BÚT TẢN VĂN BÌNH ĐỊNH

 Của Ths, Nhà thơ Trần Hà Nam

 

……….

Nhà giáo, nhà văn Ngô Văn Cư in sách khá nhiều, đặc biệt là sau khi rời bục giảng, anh có thể toán tâm toàn ý cho viết lách. Có một điểm đáng chú ý là người bạn của anh – nhà văn Nguyễn Trí, hội viên Hội Nhà văn Việt nam – đã hé lộ trong truyện ngắn, khi kể trong một số tác phẩm, nhắc đến tên họ đầy đủ không hư cấu, cho biết anh có niềm đam mê sáng tác, viết báo tường từ thuở học sinh đệ tam thời trước 1975. Phải vài chục năm sau, khi đã đi dạy, trải nghiệm cuộc sống nhiều, anh mới tiếp tục viết truyện, làm thơ và viết cả trường ca. Nhưng tôi cho rằng, với tản văn Ngô Văn Cư thật sự tạo được dấu ấn, ít nhất là với bản thân tôi.


Trước hết xin điểm qua tập hợp những tản văn trong Mây ở phía quê nhà! Anh viết rất thật những cảm xúc gắn với quê nhà từ thuở ấu thơ, trải qua thời giao tranh “vùng xôi đậu” quốc gia – cộng sản, những kỷ niệm thời dạy học cho đến lúc nghỉ hưu vui vầy cùng con cháu… Giọng văn chân chất và có phần hơi yếm thế rụt rè khi tự nhận về mình cái nhìn của người nhiều hoài niệm tiếc nuối luôn ám ảnh tuổi già (mà thực tế tuổi này với văn nhân Bình Định lại viết sung nhất). Văn cũng lành như người, dù đôi khi cũng ưu thời mẫn thế nhưng vẫn cứ kiểu “nghĩ sao nói vậy”, kiểu góp ý kiến khi họp thôn đội, tổ dân phố. Nghĩa là cứ căn cứ vào kinh nghiệm sống, hiểu biết xã hội đến đâu thì đề đạt nguyện vọng đến đó. Nó không có cái quyết liệt sắc sảo như các cây bút chuyên làm báo, mà dẫn ra quốc sách này, nghị định kia. Đơn cử anh viết về Rừng Cấm ở vùng quê Thanh Lương, Ân Tín của mình: bắt đầu bằng những hồi ức tuổi thơ với lời dặn của má “Rừng Cấm có nhiều ma lắm” để càng thôi thúc trí tò mò trẻ con muốn khám phá, phải nhận những trận đòn của ba; rồi khi đi dạy cho con em đồng bào H’rê ở An Lão mới biết được cảm giác ở rừng thật sự như thế nào; đến khi quay về bỗng ngẩn ngơ vì Rừng Cấm đã mất, thay vào đó là nhà cửa khang trang. Để rồi từ cảm giác “Một phần quá khứ, một phần tuổi thơ của tôi đã mất đi cùng Rừng Cấm”, anh mở rộng từ nhận thức của một người đọc báo để than thở: “Tôi lại nlan man từ khu Rừng Cấm của tuổi thơ ở quê nhà đến những cánh rừng đại ngàn trên khắp đất nước. Và tôi giật mình nghĩ rằng, có lẽ nào dân làng tôi đã xóa sổ khu Rừng Cấm còn cả dân tộc ta đang từng bước xóa sổ rừng mà không tính đến chức năng của tự nhiên bị ảnh hưởng? Nỗi nhớ khu Rừng Cấm luôn canh cánh, nhất là những ngày buồn, nó càng cồn cào; thôi thúc bước chân tôi đến với rừng. Đôi khi tôi vào rừng chẳng vì mục đich nào, chỉ đơn giản là muốn giao hòa và tan loãng vào thiên nhiên, để tâm hồn mình được nương tựa trong không gian của rừng chở che, ôm ấp” (Rừng chưa đóng cửa). Rõ ràng văn có tình nhưng chưa đủ độ sâu; hiểu rừng, yêu rừng, gắn bó với rừng như vậy không thấm bằng người bạn Nguyễn Trí của anh – lâm tặc hoàn lương chính hiệu. Hay từ góc nhìn tản văn, đọc thử Hồn rừng của Lê Hoài Lương, giọng văn vừa quyết liệt, đã và thấm thía sâu sắc: “Không phải đơn giản và sâu xa “ăn rừng để rồi rừng ăn lại” theo sự cân bằng sinh thái tự nhiên. Cần lắm những nhà hoạch định, nhà đầu tư có tâm, có tầm. Để vẻ đẹp giàu tương lai một vùng đất không có bộ mặt vênh váo, phô diễn như những trọc phú học làm sang, mà là sự phồn thịnh nhân bản, nơi con người biết hàm ơn tự nhiên như bản năng sinh tồn xửa xưa”.

Nhưng đến tập tản văn Nỗi nhớ là có thật mới in đầu năm 2022 này, Ngô Văn Cư đã có những bước lột xác trong giọng điệu, cảm nhân. Chất liệu sống dày thêm, giọng điệu linh hoạt và thoát khỏi những tư biện cảm tính và lối văn học trò của tập sách trước đó, đề tài phong phú hơn và nâng tầm cho tập sách. Quãng thời gian đại dịch 2019 – 2022 với anh lại là dịp để “sống chậm”, viết chắc tay hơn. Những trang viết vẫn bồi hồi những kỷ niệm yêu thương, những hình ảnh đẹp, những ký ức sống động… nhưng đã thêm vào đó là những suy ngẫm về các giá trị xưa và nay, cũ và mới, nhất thời và bền vững một cách già dặn. Suy ngẫm về thời gian đời người cũng nặng ký hơn, không bảng lảng vu vơ buồn như trước. Giữa những ngày nặng trĩu buồn lo, ám ảnh vì hậu quả tàn phá khủng khiếp của con Covid-19 vô hình mà độc ác, Ngô Văn cư lại có thể viết về một loạt những mùa, những tháng, những năm đáng sống, đáng yêu, đáng trân trọng, như một vắc-xin tinh thần lạc quan chống chọi và vượt lên hoàn cảnh bị cách ly, giản cách bó chân bó cẳng nhiều ngày. Điểm nhanh từ tên gọi một số bài tong tập: Một mùa vui nữa lại về, Mưa Xuân, Thương nhớ tháng Giêng, Mùa vui ấm áp, Tháng sáu mưa về, Chiều nhung nhớ, Lặng lẽ thu sang… Vẫn còn đầy ắp bao hình ảnh những không gian của quê nhà, tuổi thơ, gia đình, học đường: Tết và bánh tét, Chuồn chuồn có cánh thì bay, Một thoáng ở sân trường xưa, Có một loài hoa biết xấu hổ, Những mùa gặt, Mong lụt!, Chiếc lá thuộc bài, Đôi đũa bếp, Nhớ hoài bát nước chè tươi, Vẳng nghe chim vịt kêu chiều…  Vẫn một Ngô Văn Cư hồn hậu, nhưng đằm thắm hơn, chỉn chu hơn trong cách viết, nhiều chất thơ hơn: Chiều. Thời gian như ngưng đọng. Niềm quê chợt sống dậy trong tâm thức của những con người khi vẫn đang sống trên không gian quê. Đó là lúc tuổi thơ đến với ta với bao nhung nhớ diệu kỳ. Ta gom góp nhớ nhung lại và gọi đó là ngày cũ. Ngày cũ thì bao giờ cũng chỉ có niềm yêu. Cho dù đó là những ngày khắc nghiệt nhất. Cha đi làm đồng đội mưa, đội cả sấm chớp khi cơn mưa chợt đến để về nhà. Mẹ đã hái sẵn nồi lá xông cho cha khỏi cảm lạnh. Những đứa con hồn nhiên tíu tít để được cha cho con cua, con giếc mừng nước nhảy lên bờ ruộng mà cha bắt được. Con trâu đã nằm yên trong chuồng bình thản nhai cỏ như bỏ ngoài tai bao chuyện thế sự. Và cánh diều cũng đã chịu nằm yên sau những lần nhởn nhơ cùng mây gió mang niềm vui cho bầu trời và những tâm hồn thơ trẻ.(Chiều nhung nhớ). Hoặc cái cách anh viết về lũ lụt cũng chạm được vào nỗi niềm của những người nông dân, khắc họa đầy đủ cảm xúc “nhọc nhằn mùa lũ” nhưng vẫn “mong lụt”: Năm nay lại không có lụt nữa rồi! Không lụt cũng có nhiều lo lắng! Bọn chuột không bị chết trong lụt tiếp tục sinh sôi nảy nở sẽ phá hoại mùa màng; đất đai thiếu phù sa, ngày càng bạc màu, phân chuồng lại thiếu; dùng phân hóa học nhiều sẽ có hại cho đất... Biết bao điều lo lắng còn trong cuộc sống người dân quê tôi. Các hồ chứa nước khiến công việc đồng áng thuận lợi hơn, nhưng trên thượng nguồn mưa lớn, hồ quá tải phải xả nước; thì phía hạ du thiệt hại khó lường. Nước thiên nhiên từ trời đổ xuống, nước con người tích trữ từ hồ xả ra khiến nhiều người trở tay không kịp. Đã có một mùa lụt như thế rồi! Thiên tai cùng nhân tai đổ xuống số phận con người!” (Mong lụt).

Ngô Văn Cư đã và đang hoàn thiện dần để định hình lối viết tản văn như kể chuyện, trau chuốt hơn cảm xúc và lắng đọng hơn chuyện nhân tình, bớt bi quan hoài niệm mà bình thản, lạc quan hơn trước biến động cuộc đời.

(Bài của Ths TRẦN HÀ NAM in trong TỌA ĐÀM 10 NĂM VĂN HỌC BÌNH ĐỊNH (2011-2021) – TIẾP NỐI VÀ HY VỌNG)

                                








Nhận xét