Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

TRÔI THEO NHỮNG KÝ TỰ YÊU...


(Đọc KÝ TỰ NÀNG của MY TIÊN và MẪU ĐƠN)

 

 

Tôi có một tật xấu (gọi tốt cũng được) là sách mua thì thường đọc khi rảnh rỗi nhưng sách bạn bè văn chương tặng là... đọc ngay, dù có hạp với tạng của mình hay không! Tập thơ KÝ TỰ NÀNG của hai nhà thơ trẻ MY TIÊN và MẪU ĐƠN in chung, tôi đã đọc ngay trong ngày được tặng và thấy... không hạp với mình! Tậu! Nhưng rồi lại... đọc tiếp! Và muốn nói vài điều về tập sách do NXB Hội Nhà văn cấp phép này. Tập thơ khổ 18x19 khác biệt với khổ sách thông thường khác có 50 bài thơ chia đều cho hai tác giả. Nhìn hình thức thì đã thấy... ghét nhưng bắt mắt, cứ muốn nhìn lần nữa, đọc lần nữa... Và bây giờ thì đọc!

Tập thơ chia thành hai phần. Phần trước là thơ My Tiên; sau là của Mẫu Đơn. Thôi thì cứ đọc theo thứ tự vậy. My Tiên với Ký Tự Nàng:


Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

ĐI GẶP NGƯỜI CANH CHỪNG LÃNG QUÊN

(Đọc CANH CHỪNG LÃNG QUÊN của VƯƠNG CƯỜNG)

 

 

Tôi có thói quen đọc sách cũng vì từ nghề nghiệp mà tôi theo đuổi – nghề dạy học! Sau này lại đổ đốn làm thơ, viết văn nên bạn văn cũng nhiều; lại có dịp đọc văn chương của bạn bè. Có người tôi đã gặp ngoài đời; có người tôi chỉ gặp trên trang văn, con chữ.  Nhà thơ Vương Cường là người tôi chỉ gặp nhau trên con chữ khi đọc tập “Canh chừng lãng quên” mỏng tang gồm 30 bài thơ cùng hai bài viết của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Trần Quang Quý. Nói tập thơ mỏng là nói đến độ dày, về số lượng bài của tập chứ hồn vía của câu, chữ không hề mỏng chút nào.



Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2020

UỔNG CÔNG CẦM LÁ BÙA YÊU!

 THƠ TRÊN BÁO BÌNH ĐỊNH

(Chủ nhật ngày 6/12/2020)
.

Bổng nhiên nhớ lá bùa yêu
Còn nguyên trong trái tim hiu hiu buồn
Giở tìm mong gặp người thương
Từ khi trong cõi vô thường lạc nhau.
Không duyên tình mới buồn đau
Hóng tình tình đã phai màu trái ngang
Cầm bùa nhận nỗi bẽ bàng
Đành thôi!
Duyên phải chít tang cuộc tình!
Lỡ rồi một cuộc ba sinh
Bùa yêu chịu kiếp điêu linh phận người
Cuộc đời vẫn một dòng xuôi
Cuộc người lắm nẻo ngậm ngùi đắng cay!
Cầm bùa còn đợi rủi may
Thà như chiếc lá cuồng quay giữa trời
Tôi ngồi thương lấy thằng tôi…
Ngô Văn Cư

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

ĐÂU CHỈ LÀ ĐÔI MẮT

                              (Đọc ĐÔI MẮT THỦY NGUYÊN của Duy Toàn

Một tập sách 254 trang với 3 truyện, có thể gọi là truyện vừa (Tính về độ dài; không ngắn và dung lượng mở rộng biên độ như một tiểu thuyết) của Duy Toàn ( Lưu Lãng Khách) là một tập sách dễ đọc... một mạch. Dễ đọc vì câu chuyện được kể mạch lạc theo trình tự thời gian; nhân vật hoạt động trên trình tự thời gian trước sau ấy. Đó là tâp ĐÔI MẮT THỦY NGUYÊN của Duy Toàn do NXB Hội Nhà văn cấp phép năm 2017.


Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

NÀY EM CÒN NHỚ - thơ Ngô Văn Cư

 Thơ trên báo Bình Định

(Chủ nhật, 15.11.2020)
.
Ngày em tung tăng phố cũ
Lối về in bóng tuổi thơ
Hàng cây thay màu áo mới
Nợ duyên tìm mối đan tơ.

Ngày em áo màu rực rỡ
Mây chiều cõng nắng rong chơi
Anh biết tình anh là gió
Như sông chảy mãi không vơi.

Ngày em chợt xinh như mộng
Yêu thương đầy ắp môi hồng
Anh nghe tiếng chân thui thủi
Tiếng lòng như có như không.

Ngày em xênh xang hạnh phúc
Trăm năm duyên nợ vui buồn
Con đường bỗng dài hun hút
Bóng anh ngã mỗi chiều buông.

Ngày em trở về chân mỏi
Chợt thương sợi tóc nhẹ bay
Thương chiều gom mây và gió
Thương anh một kiếp… thương vay!

Ngày ta gặp nhau giữa phố
Mắt gieo giọt tủi giọt buồn
Đành như ngày xưa bỡ ngỡ
Vờ nhìn vào bóng hoàng hôn.
Ngô Văn Cư

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

LŨ LỤT, HÀNG CỨU TRỢ VÀ ...

 

 


 

Bài trước, tôi đã nói đến LŨ LỤT, NHÀ CAO NHÀ THẤP VÀ HÀNG CỨU TRỢ, bây giờ lại nói đến lũ lụt và hàng cứu trợ thì có nhàm chán hay không? Xin thưa rằng KHÔNG! Bởi vì bây giờ nói ở một khía cạnh khác bằng cách nhìn khác.

LŨ LỤT

Những trận mưa lớn kéo dài thường xảy ra lũ lụt. Lũ thường xảy ra trong thời gian ngắn nhưng dòng chảy với tốc độ cực lớn, có thể cuốn mọi thứ nới dòng chảy đi qua. Nó là kết quả của những trận mưa lớn hoặc do các hồ chứa nước xả ra ở những vùng có độ dốc cao; nơi cây cối bị đốn chặt, phá hủy và đất không còn khả năng giữ nước. Lụt là nước từ sông hồ dâng lên ngập một vùng đất sau khi nước mưa không trôi kịp về biển. Nước lụt dâng chậm hơn lũ và thường ngâm trong một thời gian dài. Như vậy khi có lũ lụt thì nhà trên cao bị lũ quét; nhà dưới thấp thì lụt ngập. Có khi nhà, vườn ở trên cao gặp lũ quét cũng hư hại không kém gì nhà, vườn ở vùng đất thấp bị ngập lụt. Có lẽ từ thực tế ấy mà có câu “Lụt thì lút cả làng” chăng?


Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

LŨ LỤT; NHÀ CAO NHÀ THẤP VÀ HÀNG CỨU TRỢ

 


LŨ LỤT

Sống ở Miền Trung VN mà nói đến chuyện lũ lụt là thừa. Vì chẳng năm nào nước lụt chẳng vào nhà. Có khi đợt lụt này nước vừa rút ra khỏi vườn thì đợt lụt khác đã ùa tới. Nhà ở trên cao còn đỡ chứ nơi chỗ trủng thì cả tháng mất ngủ là chuyện thường. Đâu phải chỉ lo dọn đồ đạc đi và dọn về là xong đâu. Cả trăm thứ không tên trong mùa lụt. Từ cây chổi; cái đòn; cây củi; chai lọ; đến lúa gạo phải dời lên chỗ cao. Những năm còn nhà tranh, nền đất còn phải trữ tro bếp để khi nước rút rồi có thứ rải lên nền nhà cho... mau khô. Ngày trước, dù có lụt to, người dân cũng ung dung lắm, ai cũng tính được con nước sẽ ngập đến bao nhiêu khi người dân nhìn lượng mưa mà... đoán; nhìn nước chân “Có nước đồng nước sông mới nhẩy”. Vì thế mà người dân đủ thời gian mà tránh lụt, di dời vật dụng lên chỗ cao... sự thiệt hại chỉ rơi vào những nhà tạm bợ, khó khăn nên khó khăn càng khó khăn hơn. Bây giờ thì khác rồi. Đôi khi không có “nước đồng” mà nước “sông vẫn nhẩy” vì các hồ chứa nước, thủy điện xả lũ... khiến người dân không kịp trở tay. Đất đá từ núi lở tràn về; nước từ hồ chảy ra, từ trời trút xuống; gió quăng quật... khiến sức người không chịu đựng nổi. Không thể đổ lỗi hết cho các hồ chứa nước, các thủy điện nhưng chắc chắn chúng góp phần không nhỏ trong việc thiên nhiên tàn phá. Bởi ai cũng biết mưa sẽ có lụt nhưng nước lại đọng trong các hồ chứa rồi... xả ra một lượng lớn thì ở hạ lưu chỉ có chết! Nhưng đó không phải là chuyện chính trong bài này. Những người có trách nhiệm sẽ có cách khắc phục! Mà, tôi muốn nói rằng chuyện lũ lụt và khó khăn trong mùa lũ không hề xa lạ với người miền Trung.



Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU NHƯ SÓNG


(Đọc tập thơ SÓNG của NHƯ HOÀI)

 

 

Tôi biết Như Hoài trong buổi ra mắt sách của một bạn văn tại Nha Trang năm 2017; nhưng đến năm 2019, tôi mới quen nhau cũng trong một lần dự trại sáng tác tại Nha Trang. Một cô gái nhỏ nhắn về hình dáng, nhẹ nhàng trong lời nói, dịu dàng trong giao tiếp... lại là tác giả tập thơ SÓNG với hình bìa dữ dội của họa sĩ Lê Duy Khanh. Tôi có thói quen là xem mục lục và đếm bài trước khi đọc nội dung; đó cũng là cách ước lượng thời gian đọc. 60 bài thơ và 9 bản nhạc phổ từ thơ Như Hoài cùng bài tiểu luận phê bình của Nguyễn Thị Phụng trong 110 trang sách khổ 13x20 được nxb Hội Nhà văn cấp phép tháng 4/2010 là vừa sức đọc của tôi trong... một đêm! Nhưng sợ bài tiểu luận dẫn dắt, định hướng và giai điệu nhạc mê hoặc nên tôi chỉ đọc phần... thơ!


Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

NHỮNG NIỆM KHÚC THỜI GIAN...

                         

(Đọc “Những khúc ru tôi” của Ngô Văn Cư, NXB Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh 2020)

VÂN PHI

Những năm gần đây, Ngô Văn Cư liên tiếp ra sách mới. Ông viết đều tay, cả thơ, tản văn, truyện. Đa năng, nhưng khởi đầu của ông là thơ. Và dường như, đó là một hành trình xuyên suốt. Mới rồi, ông cho ra mắt bạn đọc tập thơ Những khúc ru tôi. Vẫn cái chất thơ nồng hậu, mộc mạc tìm về hoài niệm, dung dị những yêu thương quê nhà, cùng những chiêm nghiệm đời, Ngô Văn Cư trải lòng trong câu chữ để gởi gắm những niềm riêng.

Là một thầy giáo hưu trí nhiều năm nay, ông vẫn giữ trong lòng những tháng năm phấn bảng ắp đầy kỷ niệm. Ông sợ những trôi trượt thời gian phai tàn đi ký ức. Vậy nên, nhà thơ tiếc nuối tháng năm đi qua, da diết nhớ về học trò, con chữ, mái trường: “Bây giờ ngang qua trường cũ/ Còn ai nhớ thầy giáo già/ Từng say trong bao câu chữ/ Một thời như mới… chưa xa!” (Dĩ nhiên là tôi vẫn thế).



Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

VẠT NẮNG CHIỀU BƠ VƠ...

 


(Đọc tập thơ ĐI VÀ VỀ của Nam Thi)

 

Tôi có một thói quen, thói quen của người nhiều tuổi, là đêm về ngủ sớm nhưng cũng dậy sớm. Ba giờ sáng là đã ra khỏi giường. May là có internet, có facebook để mà theo dõi tin tức, thời sự và “chọt chẹt” giao lưu với bè bạn. Nếu thấy “mỏi lưng” thì bật đèn đầu giường... đọc sách! Không dám gây tiếng ồn vì biết: “Thành phố đang ngủ say/ Em cũng đang ngủ say/ Con vius Corona không biết ngủ/ đang ẩn nấp đâu đó/ trong phổi người mắc dịch/ và gặm nhấm trái tim con người/ lo âu và hoảng loạn/ sống và chết/ thương yêu và thù hận” (Thành phố lúc ba giờ sáng). Đó cũng chính là một khổ thơ trích trong tập thơ ĐI VÀ VỀ của nhà thơ NAM THI. “Đi và về” là tập thơ thứ hai và là tập sách thứ tư của anh, sau hai tập truyện ngắn và một tập thơ, được nxb Hội Nhà văn cấp phép vào tháng 7/2020. Sách chỉ 130 trang nhưng có đến 85 bài thơ viết đủ loại thể. Nhưng văn chương đâu tính số lượng chữ...

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

RỒI NẮNG ẤM SẼ QUAY VỀ

(Đọc tập truyện ngắn ”Đợi trời hết mưa 

– Lòng tan hết bão" của Bùi Đức Ánh) 

Tôi biết Bùi Đức Ánh qua những bài thơ đọc từ tạp chí Kiến Thức Ngày Nay và ở một vài tờ báo khác; đôi khi đọc thơ anh từ những bài bình của Thanh Tùng, nhưng tôi lại có duyên với truyện ngắn của anh hơn. Bởi khoảng 5 năm trước, anh có gởi tặng tôi tập truyện ngắn “Người đàn bà ngồi bên bếp lửa”, và bây giờ là tập “Đợi trời hết mưa - lòng tan hết bão”. Đây là tập sách thứ 11 của anh và là tập truyện ngắn thứ tư; trước đó đã có 5 tập thơ, 1 tập tiểu thuyết và 1 tập tạp văn. Với 12 truyện ngắn gói gọn trong 136 trang do nxb Hội Nhà văn cấp phép vào tháng 9/2019, in 1000 cuốn, khổ 14 x 20; “Đợi trời hết mưa – lòng tan hết bão” khai thác chủ yếu là tình yêu của con người và tình yêu cuộc sống. Mỗi câu chuyện là mỗi số phận giữa cuộc đời để nhà văn lồng ghép vào đó cái nhìn về nhân sinh, về thế sự.

12 câu chuyện trong tập “Đợi trời hết mưa – lòng tan hết bão” ta có thể đọc một mạch mà không cần dừng lại ở câu chuyện nào. Bởi cốt truyện của mỗi truyện đều có một điểm chung là từ những câu chuyện tình yêu, những chuyện xảy ra hằng ngày trong đời sống gần gũi, gắn liền với số phận của từng con người. Nhưng có lẽ là bởi “nhà thơ viết truyện” nên mỗi câu chuyện dù khai thác ở góc độ nào; nhân vật dù gặp éo le, trắc trở, tưởng chừng như bế tắc...; họ vẫn yêu đời, bám chặt vào cuộc đời, mạnh mẽ bước tiếp về phía trước, làm lại cuộc đời. Và cũng có lẽ truyện hấp dẫn ta vì khi gấp cuốn sách ta nhận ra những bài học thiết thực về thế sự, nhân sinh mà tác giả khéo léo lồng ghép vào.

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

ĐI GIỮA CƠN GIÓ TRỞ MÙA

 

          

(Đọc tập thơ GIÓ TRỞ MÙA của NGUYỄN THỊ HỒNG ĐÀO)

 

Nguyễn Thị Hồng Đào là Hội viên Hội VHNT Khánh Hòa có nhiều thơ đăng trên facebook, các trang web văn chương; nhưng đến nay mới tập hợp những bài thơ lẻ để in thành tập. Và, tôi đã đọc nhiều thơ bài thơ lẻ tẻ ấy của Nguyễn Thị Hồng Đào đăng trên facebook trước khi đọc nguyên tập thơ GIÓ TRỞ MÙA; cũng như tôi đã gặp nhà thơ trong lần đi xe máy từ Nha Trang đến Quy Nhơn dự Nguyên Tiêu trước khi chúng tôi quen biết nhau ở Khánh Hòa. Tập thơ đầy đặn với 85 bài, dày 112 trang (tính cả bìa), khổ 12,5 x 20,5cm do nxb Văn học cấp phép vào tháng 5/2020. Đến với tập thơ là ta đến với sự hồn nhiên của tác giả trong những chuyến rong chơi ngẫu hứng và những cuộc tình không trọn vẹn.

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

ANH CHỈ NÉP VÀO LÒNG MẸ - Thơ Ngô Văn Cư

 

 

 

Cùng viên đạn bay ra khỏi nòng súng

Anh lao về phía quân thù

Như một tia chớp.

 

Những bóng đen biến màu

Ngã rạp dưới chân anh.

 

Anh cũng hóa thành tia chớp

Lóe lên

Rồi lặn vào lòng đất nước

Như lặn vào trái tim người Mẹ

Để được ấp ủ

Để không bị lãng quên.

 

Anh đâu tính toán thiệt hơn

Khi tiêu diệt cái ác.

 

Anh đi vào lòng Tổ Quốc

Đâu phải để bất tử trường tồn

Anh chỉ về ngủ yên trong lòng Mẹ bao dung.

 

Ôi! Những đứa con từ lòng mẹ sinh ra

Nghiêm trang

Thẳng hàng

Chưa một lần đòi hỏi tuổi tên

Và chuyện mất còn

 

Nên mỗi khi Tổ Quốc cần

Con lại từ lòng Mẹ đi ra.

                                    Ngô Văn Cư

 (Trên báo Bình Định số 7612 - ngày 16-8-2020)Hình ảnh có thể có: 1 người

 Không có mô tả ảnh.

 

 Không có mô tả ảnh.

 

 

 

 

 

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

CÓ MỘT NÉT RIÊNG ĐẦY ẤN TƯỢNG

 

 


(Đọc tập truyện LÀNG KRONA của Trần Quang Lộc)

 

Hơn một nửa trong số 14 truyện trong tập “Làng Krona” của nhà văn Trần Quang Lộc, tôi đã đọc ở đâu đó rồi, trước khi nhà văn tặng tôi tập truyện dày 240 trang, cùng tên LÀNG KRONA do NXB Hội Nhà văn cấp phép vào tháng 3/ 2020. Nhưng lần này, cầm tập sách trên tay, tôi lại có một cảm xúc mới mẻ khác thường so với những lần đọc trước. Gam màu nóng ở trang bìa với sự thiết kế của họa sĩ Lê Duy Khanh làm cho tập sách ấm áp một vẻ liêu trai và đẹp hẵn lên khiến người cầm nó không khỏi xốn xang! Nhưng điều làm cho ta xốn xang hơn là văn phong mang vẻ đẹp trữ tình, đằm sâu của một cây bút già dặn trong việc tái hiện lại những hưng phế của thời cuộc, nhân thế, tình người.

Ký ức về chiến tranh, về làng quê được nhà văn thể hiện trong hầu hết các truyện. Một Phương Châu, cô gái tưởng chừng như bị xóa sổ trong một trận máy bay B52 ném bom rải thảm bỏ lại ước mơ được làm cô giáo, nhưng chỉ bị thương được đưa ra miền Bắc chữa trị và trở lại chiến trường cùng lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau nhiều năm mất liên lạc, bỗng nhiên tác giả gặp lại người bạn chiến đấu năm xưa thành đạt y như một phép lạ! (Dọc đường chiến tranh). Một ngôi nhà hoang với nhiều câu chuyện thêu dệt về rất nhiều loại ma ở cõi âm đã làm cho nhân vật Tôi dù “rất can đảm, nhưng cái gan... chưa to” hồn xiêu phách lạc. “Ma” đã dọa nhân vật Tôi mà làm cho độc giả cũng khiếp sợ đến nhiều năm sau được Hùng Râu tiết lộ bí mật mới thở phào nhẹ nhõm! Ma mị và thực tiễn, giả và thật, niềm tin và mê tín... tất cả góp phần vào sự thành công cho  những hoạt động bí mật của cơ sở Cách mạng diễn ra suôn sẻ mãi cho đến ngày thị trấn được giải phóng”. (Ngôi nhà hoang). Chiến tranh đâu chỉ có súng đạn và chết chóc. Trong gian khổ, nguy hiểm, tình yêu vẫn nảy nở; dù không đến được với nhau nhưng người thầy giáo cùng với cô học trò Tường Vi Đỏ là mối tình đẹp trong chiến tranh (Tường Vi Đỏ). Phải nói đó là những giây phút lãng mạn hiếm hoi trong suốt cuộc kháng chiến.

Nhưng điều làm tôi xốn xang hơn cả là Trần Quang Lộc viết về tình yêu. Dù là thoáng qua hay sâu đậm, ngòi bút của nhà văn vẫn viết theo lối giễu nhại, liêu trai; trộn lẫn giữa thực và ảo làm người đọc lạc trong vùng sương mù tình yêu mà tác giả đã giăng ra. Một “Người đàn bà đêm thị trấn miền cao” vừa “thông minh sắc sảo mà còn có kiến thức uyên bác bao trùm, rất đáng nể!” đã có nhiều nhận xét xác đáng về nhân vật lịch sử được tôn sùng; vừa tưởng như dễ dãi trong tình yêu. Cuối cùng người đọc cũng té ngữa với tác giả khi “Hà Vi đẩy mạnh gã ra, thuận chân bồi thêm một cú đạp. Cú đạp tuy nhẹ nhưng do tư thế ngồi chênh vênh khiến gã ngã bật ra khỏi băng đá...”. Thì ra đó là một giấc mơ. Câu chuyện chỉ là cái đinh để tác giả treo tư tưởng của câu chuyện. (Người đàn bà đêm thị trấn miền cao). Hoặc một “Lão thợ liệm tài hoa” sống tận đáy xã hội, rất đời thường “gắp miếng dồi chó chấm mắm tôm cho vào chén rau đã chuẩn bị sẵn lùa tất vào mồm nhai nhóp nhép”, thế mà cũng có tư cách đáng nể: “Trong cái xóm nhà cháy này chú em là người có tư cách để tui quý trọng. Còn cái đám bầy hầy, tham nhũng vặt như bọn khu vực trưởng, tổ trưởng dân phố giá trị của chúng không đáng ba xu”. Nhân dân có cái nhìn sòng phẳng với cán bộ thoái hóa như thế. Và chúng ta không khỏi cười thầm khi lão Bốn Xị đùa giỡn với tòa án! Khi bị vu oan là hiếp dâm một cô gái trẻ dẫn đến cô mang thai. Ông một mực kêu oan và quyết chỉ khai bằng chứng ngoại phạm trước tòa. Và bằng chứng là “lão Bốn tụt quần xuống tận đầu gối”  và nói: “... bộ tam của tui để lại tại chiến trường K năm 1979 thì căn cứ vào đâu mà bảo tui hiếp dâm đến có thai?”khiến “mọi người mắt tròn mắt dẹt”(Người thợ liệm tài hoa).

Nhưng ám ảnh nhất có lẽ là cuộc tình chóng vánh mà sâu đậm của nhân vật Tôi  và người ma Đinh  Y Muôn của làng Krona. Tác giả đưa ta về không gian và thời gian mà Bồ Tùng Linh đã tạo nên trong Liêu trai chí dị. Với truyện này, ta mượn chính lời tác giả để nói về tác phẩm: “Làng Krona như giấc mộng. Bà Y Dơn, em Y Muôn mãi mãi là người của cõi xa xăm. Năm ngày hòa nhập vào thế giới tâm linh giữa đại ngàn, tôi mới nhận ra cái giá trị đích thực của tình yêu, của cuộc sống và yêu hơn cảnh thiên nhiên thơ mộng, trân quý cái bản chất nhân hậu của bà con dân tộc!/ Làng Krona, một khúc ca trữ tình lãng mạn, đậm chất nhân văn.”(Làng Krona). Hoặc cô Thùy đã có chồng nhưng vẫn không quên người tình cũ tên Tâm đã chết được một năm. Chẳng biết thật hay mơ mà  “Thùy thấy mình và Tâm cứ cuốn quýt lấy nhau đắm chìm trong cuộc ái ân bất tận”. Và khi Thùy trở về với thực tại thì gặp một thực tại phũ phàng : “Thùy bùi ngùi lấy bàn tay xoa lên mặt tấm ảnh của Tâm một lượt rồi cố vịn tấm bia mộ lảo đảo đứng lên, lặng lẽ rời khu nghĩa trang.” “lầm lũi bước đi, đi mãi về phía hoàng hôn”(Phận người).

Mảng truyện lịch sử cũng gây nhiều ấn tượng. Từ người thầy tiết tháo Chu Văn An; đến bậc chân tu Huyền Quang; đến nhà quân sự tài ba lỗi lạc Quang Trung; đến cung nữ Điểm Bích... nhân vật nào dù chỉ điểm thoáng qua cũng hiện lên đầy đủ diện mạo, tính cách mang hơi thở của thời đại.

Phải nói rằng tôi đã đọc nhiều truyện của nhà văn Trần Quang Lộc, mỗi truyện đều có sự tìm tòi cho mỗi phong cách phù hợp, khiến người đọc khỏi nhàm chán và thể hiện được cái nhìn đa diện về đời sống, về lịch sử... bằng giọng văn giễu nhại, liêu trai.

Đồng thời, trong tác phẩm LÀNG KRONA còn nhiều điều hấp dẫn khác, mọi người nên tìm đọc. Riêng tôi, tôi cảm ơn nhà văn Trần Quang Lộc đã tặng sách để tôi có dịp khoe cùng mọi người!

NVC

 

 

 

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

MỘT CUỘC LỮ SUỐT ĐỜI LẨN QUẨN

 

(Đọc GÃ THI SĨ HOANG của Nguyễn Thánh Ngã)

 

Một tập thơ dày đúng 100 trang (tính cả bìa) gồm 73 bài thơ của Nguyễn Thánh Ngã có tên GÃ THI SĨ HOANG (nxb Hội Nhà văn, 2018) không thể đọc một lần. Và, càng đọc ta càng thấy lòng mình bình yên đến lạ. Bởi ta được gặp một tâm hồn hiền lành, chân chất đến với thơ ca bằng tấm lòng tha thiết để tìm về chính mình trong bộn bề cuộc sống.

Nói đến Nguyễn Thánh Ngã thì mọi người đều nghĩ đến một nhà thơ “chuyên trị” thơ Haiku, một thể thơ ngắn của Nhật Bản, một thể thơ mang âm hưởng lắng tịnh của thiền tông. Vì thế mà thơ Nguyễn Thánh Ngã giản lược tối đa chữ nghĩa để vận dụng trí tưởng tượng của độc giả. Người đọc phải cộng hưởng với niềm rung cảm của tác giả trong sự liên hệ tinh tế và hài hòa của ngôn ngữ. Thôi thì hổng dài dòng nữa mà cứ đến với “Gã thi sĩ hoang” thì biết!

Không một trường học nào có thể dạy chúng ta một cách thích nghi với cuộc đời cho mỗi tình huống cụ thể bằng thiên nhiên. Chính thiên nhiên đã là người thầy giỏi giang chỉ dạy để nhà thơ tự tìm về chính mình: Đã có lần/ nhìn chim vỗ cánh/ Tôi học cách bay/ Từ những muộn phiền/ Đã có lần/ nhìn dơi treo ngược/ Tôi treo nổi đau/ ngược với phận mình/ Đã có lần/ nhìn hoa hàm tiếu/ Tôi tự hiểu tôi/ người hé tâm hồn… Vì như đất/ tôi yêu cây lá/ lá sẽ trở về/ nằm dưới gốc cây” (Đã có lần, trang 40). Hành trình khám phá thiên nhiên cũng chính là hành trình tìm lại chính mình. Nhà thơ đã thuận theo lẽ tự nhiên, dựa vào cõi thiền mà tạo nên bản tình ca yêu cuộc sống: Ao trong vắt/ Đáy nước in trời/ Một đóa sen của mùa khô còn sót lại…/ Từ bùn mà thoát lên/ Rũ sạch.../ ( Sen nở mùa xuân, trang 29). Thế mà đôi lúc nhà thơ cũng thấy mình bất an trong cuộc sống xô bồ hay chính nhà thơ sợ những dối lừa nơi đô hội mà hướng về nơi đẫm “Tâm tình của những đôi trai gái”; khi: Đứng giữa Sài Gòn/ tôi ước mình hạt bụi/ bay khỏi những cao tầng/ biến khỏi những chung cư/ Về với núi/ yêu em “tộc núi”/ nằm trên nhà sàn rượu cần chảy chín bậc cầu thang(Đứng giữa Sài Gòn, trang 86). Nhưng tôi tin nhà thơ: “Lạc lõng giữa rừng mắt/ Lạc lõng giữa tạp âm/ Có khi như loài dơi treo ngược/ Móc thị phi buồn lên đôi chân...” (Như loài dơi treo ngược, trang 82). Trên hành trình tìm lại mình, Nguyễn Thánh Ngã cũng đã nhận diện những khuôn mặt khác: “Họ là những nhà thơ đục khoét nỗi buồn của kẻ khác/ Họ kéo lê chiếc thùng rỗng trên đời/ Chỉ để gõ vào những thây ma/ Khiến cho bầy quạ đen tìm tới...(Nhà thơ và bầy quạ, trang 12). Đó là một cách nhìn thẳng thắn đối với những kẻ lớn tiếng rao giảng đạo đức nhưng chưa hề biết đến nỗi khổ trần ai của kiếp con người.

Nhưng thôi, thì cứ để nhà thơ tự nhận mình là:

Tôi – gã thi sĩ hoang

Như bông có dại

Nở mặt sương mù

(Gã thi sĩ hoang, trang16)

Và chúng ta lại tìm đọc thơ của Nguyễn Thánh Ngã vậy. Và đây là bài thơ chắc chắn sẽ có nhiều người thích bởi... dễ đọc!

NGỠ

Trái đất ngỡ thênh thang

Lại tròn như hạt lệ

Mặt nước bình yên thế

Lại sóng dữ tung trời

 

Gió ngỡ ở muôn nơi

Lại là loài lữ thứ

Lửa bỏng rát ngôn ngữ

Lại sưởi ấm tìm nhau

 

Có gì tồn tại đâu...

Mà vạn vật sinh sôi.

Mà bốn mùa vận chuyển?

Tôi vẫn ở quê tôi

Chốn bùn nâu gốc rạ

 

Thế giới bao điều lạ

Đình làng chiếc lá đa

Ý nghĩ chưa nói ra

                Liền trở thành quá khứ

 

Có những điều ngỡ cũ

Lại đang còn mới tinh

(Ngỡ, trang 48)

Cứ lấy ngay những câu thơ của chính tác giả để khép lại bài này, bởi vì còn nhiều nội dung và tứ thơ hay ho khác mà tôi chưa nói hết!

Là thế đó

Nghĩa là như thế

Phật ở trong ta, ta chẳng thấy bao giờ

Nên cuộc lữ suốt đời lẩn quẩn.

(Là thế, trang 62)

NVC                           

 

Không có mô tả ảnh.

 Không có mô tả ảnh.

 

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

Ngô Văn Cư - từ phía ngọn nguồn con chữ

Vài năm gần đây, nhà văn quê ở Hoài Ân - Ngô Văn Cư liên tiếp ra sách mới. Anh viết đều tay, cả thơ, tản văn, truyện ngắn và ở mảng nào, sáng tác của anh vẫn giữ cái nét nồng hậu, mộc mạc quê nhà, dung dị những yêu thương.

Ngô Văn Cư làm thơ từ rất sớm, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau này, là một giáo viên dạy văn, con đường sáng tác như thêm gắn bó, bền bỉ. Viết nhiều, nhưng mãi đến năm 2003 anh mới in tác phẩm đầu tay, tập thơ Điều bây giờ mới nói

Với anh, thơ là trải lòng mình vào cuộc sống, trong đó, hai nội dung chính xuyên suốt trong sáng tác của anh là viết cho mình, người thân và viết cho quê hương, cho những nơi anh đi qua đã giằng giữ lòng anh ở lại. Có lúc, đọc thơ anh, ta lại có nhu cầu tự soi lại chính mình: “Ngẩng đầu lạy khoảng trời xanh/ Cúi đầu lạy nấm đất thành thiên thu/ Tro tiền nhang khói mịt mù/ Lặng trong tiếng nấc khóc người trăm năm//… Xưa qua sông mẹ làm đò/ Đời mênh mông có bến bờ của cha/ Bây giờ lạy bóng ngày qua/ Liêu xiêu vàng mã, nhạt nhòa khói nhang” (Muộn màng). Lành hiền thôi, mộc mạc thôi, anh trải lòng mình trong thơ như kiếm tìm một sự san sớt đồng điệu, để nhen lên yêu thương từ những điều gần gũi, bình dị nhất. Ngay tựa sách các tập thơ anh chọn lựa đã ngầm tỏ bày điều anh muốn trao gửi: Điều bây giờ mới nói (2003); Đợi ngày xưa (2007); Soi mình vào dáng quê (2009); Chỉ còn nỗi nhớ (2012); Lang thang miền nhớ (2014); Gió lãng du (2016). Và gần đây nhất là tập thơ Những khúc ru tôi (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2020).

Nhà thơ Ngô Văn Cư (bên phải) cùng bạn văn.

Càng về sau, thơ anh càng nhẹ nhàng nhưng cũng càng đầy thêm những đau đáu: “Người nông dân vẫn ngắm mây trôi lững lờ trong mỗi hoàng hôn/ trên cánh đồng trơ những vỏ thuốc trừ sâu khó phân hủy/ con bìm bịp giật mình cất tiếng kêu giữa chiều cũ kỹ/ con chép, con rô ngoi ngóp đợi mưa về/ trong nắng vàng ngọn gió cứ lê thê…” (Hát trong những giấc mơ). Và ở một không gian khác, tôi thích cái chất tự thuật trầm buồn của anh: “Mỗi ngày đi qua cánh rừng tâm hồn tôi/ Lại thêm những lối mòn như vết nhăn trên khuôn mặt già nua cũ kỹ/ Tôi hồn nhiên đi vào cõi chết/ Khát khao một mùa bình yên/ Như mỗi đêm về/ Những loài côn trùng nhỏ lại bay lên/ Và chết trong ánh sáng!” (Tự so sánh).

Với Ngô Văn Cư, thơ là những cảm xúc bất chợt thăng hoa trong một sự việc thoáng qua, hoặc trong một lát cắt của cuộc sống. Nó khó có khả năng bao trùm hết những sự việc xảy ra ngồn ngộn trong cuộc sống này. “Cuộc sống hiện đại có nhiều sự việc xảy ra nhanh và đa chiều cần lý trí hơn là cảm xúc, thơ không thể đảm nhiệm được, ít nhất là thơ tôi viết! Thì những lúc như vậy ta viết văn xuôi”, anh chia sẻ.

Thế là Ngô Văn Cư viết truyện. Vốn là nhà giáo, bản tính lại hiền lành, chân chất nên truyện của anh cũng như người, “bập” vào là đã thấy ngay chất đôn hậu, bao dung như cái tên các tập truyện: Kẻ nhiều chuyện (2013); Thà bị lừa dối (2015). Tập tản văn thì tình cảm bộc lộ ngay ở cái đầu đề tập sách: Mây ở phía quê nhà (2019).

Tản văn của Ngô Văn Cư ngồn ngộn những chi tiết đang diễn ra trong đời thực, từng mẩu chuyện, từng dòng hồi ức hay từng góc nhìn đều bao quanh chuyện xóm, chuyện làng, về đất và người vùng quê mà anh gắn bó sâu đậm. Ngô Văn Cư tiếc nhớ cái nếp văn hóa mộc mạc người quê đang bị nhịp sống  hiện đại bào mòn đi. Những trang viết của anh ở khía cạnh này tạo nhiều đồng cảm với người đọc.

Linh hoạt cả truyện, tản văn nhưng ở mảng văn xuôi, Ngô Văn Cư tạo dấu ấn nhiều hơn ở mảng truyện ngắn. Có những truyện khai thác thể tài quen thuộc nhưng ở tác giả đã lóe lên những cách thể hiện cuốn hút. Tiêu biểu trong số ấy phải nói đến truyện ngắn Họp. Truyện này đã giúp anh đạt giải C trong Cuộc thi Sáng tác văn học Bình Ðịnh mở rộng năm 2018 - 2019.

“Họp” khai thác thể tài khá quen thuộc về tình cảm gia đình, mà ở đây là sự đối đãi của con cái đối với chính đấng sinh thành của mình. Qua những cuộc họp gia đình của các người con, tác giả bóc mẽ cái chữ hiếu vờ vịt của các con, những đứa con đặt nặng những toan tính nhiều hơn là tình thương. Truyện làm người đọc cười ra nước mắt, để sau đó lằng lặng ngẫm nghĩ về lẽ đời, về những giá trị yêu thương trong gia đình.

Ngô Văn Cư đang viết đều tay. Anh tiết lộ, đang tập hợp và sẽ in một tập truyện ngắn và một tập thơ. Từ phía ngọn nguồn con chữ, anh vẫn đang bền bỉ, trao gửi trọn vẹn lòng mình để sống và yêu.

NGÔ PHONG

http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=152197&fbclid=IwAR2WVbut1h9vQ1Z2VuPak1ucmy9S2ZMJjP3K5utZkJtSIOscJm347kxOCBw

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

MỘT BÀI VIẾT RẤT ẤN TƯỢNG.


TS Lê Nhật Ký ( fb Hà Nhật Lê) có bài viết về tập thơ NHỮNG KHÚC RU TÔI của Ngô Văn Cư ghép từ những tựa đề mỗi bài thơ. Bài viết là cái nhìn rất toàn diện tập thơ.
Cảm ơn bạn Lê Nhật Ký ( Hà Nhật Lệ )
Mời cùng đọc...
SÁCH TẶNG - 29 Đúng vào dịp “Sinh nhật”, thi sĩ Ngô Văn Cư quyết định ra quán “Ngồi uống cà phê nghĩ lan man” và thực hiện những “Nét vẽ ngây ngô” về chủ đề “Tôi tìm gặp tôi”.
Con đường hoài niệm của anh khá miên man. Bắt đầu, anh “Xuống phố dạo chơi” rồi ngược lên “Ngẫu hứng cùng Đà Lạt”. Nhưng có vẻ “Hồi ấy ở Nha Trang” trĩu nặng tâm tư hơn vì có lắm “Dạ khúc buồn”. Anh thường “Tơ tưởng” về “Tuổi em tròn mười tám” có nụ “Cười tình” vương vương “Chiều xuân”. Không biết em gửi cho ai nhưng thi sĩ cứ quyết nhận là “Gởi cho tôi”. Bởi thế, “Khúc mê tình tháng Giêng” này cứ thôi thúc anh thường “Nhớ ngày rất xưa”, lúc nào cũng có thể “Chạm vào giấc cũ yêu thương” với một ám ảnh thật sự: “Vẫn còn nợ một nụ hôn”.
Thi sĩ tự hỏi: “Mười năm và bao nhiêu năm nữa” mình sẽ trả được món nợ này? Câu hỏi khó khiến anh “Uống rượu với chủ quán mà không vui”, thường hay “Bất chợt giận mình”. Lắm khi, anh “Tự so sánh” mình với người khác để tìm đồng cảm dại khờ, tự tập quên theo cách “Cứ vui cho hết kiếp người rồi thôi”. Quyết liệt hơn, anh chọn giải pháp “Tôi tẩy trần tôi”. Thế nhưng, tình tuổi trẻ là cái tình sâu nặng nên anh “Không thể phi tang mọi thứ”, buộc phải chấp nhận kết cục “Chạy trốn đâu cho khỏi cô đơn”. Lại phải quay về với thế giới hoài niệm, “Vẫn ngóng đợi người”, vẫn “Tìm nhau trong nỗi ngậm ngùi” với hi vọng biết đâu lại được gặp em nơi “Phía xa ngan ngát”…
“Tơ tưởng” nhiều nên “Lòng yêu chưa cũ”. Nhưng cứ mãi “Nuôi ta bằng mộng thuở xưa” như vậy cũng sẽ rất nhọc thân. “Khi ta mệt” thì phải làm gì? – Nhiều khi anh tự hỏi như vậy rồi lại trả lời: một là, đi về “Miền cổ tích của tôi”; hai là, “Gom góp lời ru” “Gửi người thường đọc thơ tôi”, kí thác vào đó thông điệp: “Này em còn nhớ” “Những khúc mê tình tháng Giêng”, rằng tôi “Đêm nghe dế kêu lại nhớ người cũ”, lòng trinh “Còn một chút này”
Chuyện là, khi “Anh len lén gỡ hồn mình đam mê” thì bắt gặp chính con người thi sĩ đầy đa sầu đa cảm của mình. Anh thừa nhận rằng, “Tôi vẫn còn yêu bạn bè ơi”; và mặc ai có đồng cảm hay không thì “Tôi lặng lẽ thương tôi”, “Tự vui”, “Cứ vui cho hết kiếp người rồi thôi”
Thi sĩ Ngô Văn Cư vốn giàu có về kí ức. Ngày ngày, anh tạo nên những “Đoản khúc yêu” để kể chuyện “Tình yêu tôi” “Hồi đó” với bạn đọc lâu nay đã từng yêu mến anh.
P/s: Những câu chữ trong ngoặc kép in nghiêng là tên các bài thơ trong thi tập “Những khúc ru tôi” (Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP. HCM, 2020) của tác giả Ngô Văn Cư.
(ảnh bìa tập thơ - Ngô Văn Cư và Lê Nhật Ký)
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, bao gồm Nhà Ngô Văn Cư