(Đọc CANH CHỪNG LÃNG QUÊN của VƯƠNG CƯỜNG)
Tôi có thói quen đọc sách cũng vì từ nghề
nghiệp mà tôi theo đuổi – nghề dạy học! Sau này lại đổ đốn làm thơ, viết văn
nên bạn văn cũng nhiều; lại có dịp đọc văn chương của bạn bè. Có người tôi đã gặp
ngoài đời; có người tôi chỉ gặp trên trang văn, con chữ. Nhà thơ Vương Cường là người tôi chỉ gặp nhau
trên con chữ khi đọc tập “Canh chừng lãng quên” mỏng tang gồm 30 bài thơ cùng
hai bài viết của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Trần Quang Quý. Nói tập
thơ mỏng là nói đến độ dày, về số lượng bài của tập chứ hồn vía của câu, chữ
không hề mỏng chút nào.
Tập thơ “Canh chừng lãng quên” chia làm ba
phần nội dung riêng biệt (nhưng vẫn có sự đan xen cảm xúc giữa các phần): Chiến
tranh trong nỗi ám ảnh; những ký ức đẹp trong làng quê và tình yêu cùng những
chiêm nghiệm về đời sống. Nhưng với tôi, nỗi đau về chiến tranh trong thơ Vương
Cường ám ảnh mãi trong tôi không phải vì vần điệu hay sự dụng công về nghệ thuật
mà vì sự thật; một sự thật trần trụi, đau thương mà không bi lụy:
Bạn tôi chết
không còn mẩu xác
đất Cổ Thành
cỏ chẳng bón mà xanh
(Thơ)
Chiến tranh đã đi qua nhưng còn một cuộc
chiến khác trên quê hương; đó là “những
khu rừng cháy, những bãi bom”, những cái chết âm thầm, dai dẳng như cơn
giông truy đuổi người thiếu phụ; nhưng sức mạnh của thơ đã xoa dịu vết
thương:
những câu thơ bị thương
lấp lánh
lăn
lăn
cơn giông không xóa được...
(Cơn giông)
Như thế có
nghĩa là trách nhiệm của thơ thật lớn. Với quan niệm thơ như thế nên chúng ta rất
dễ hiểu khi từ trang đầu tập thơ, nhà thơ đã ghi một slogan như một sự khẳng định
nhiệm vụ của mình “Tôi mơ làm chó đá/ đứng
canh chừng lãng quên” (Tôi mơ), cho dù tập thơ còn ghi lại nhiều về quá khứ
người lính đầy đau thương; làng quê đổi mới nhưng dần dần mất đi truyền thống;
cuộc sống hiện đại đang đánh rơi nét đẹp cổ truyền. Chúng ta càng hiểu hơn khi
nhà thơ “Một sớm thấy tóc mình bạc trắng/
đất nước bốn bề lại giặc/ giặc không ở trên cao/ không ở trước mặt/ không ở sau
lưng/ giặc từ trong ta/ không đánh lén.” (Một sớm thấy tóc mình bạc trắng).
Giặc từ trong ta không đánh lén nhưng ta có thể nào chống đở được?! Làm sao chống
đở được khi người lính già ngồi ôm hai đứa con cũng đã già bệnh tật vì người
cha mang chất độc dioxin từ ngày ở chiến trường. Cuộc chiến này khó nhận diện
được kẻ thù nên không thể chống đỡ được. Người lính xưa gan dạ biết bao giữa
bom thù đạn giặc, bây giờ đành chịu bó tay nhìn hiện tại và tương lai mình đang
què quặt, chết dần chết mòn dù đôi mắt còn nguyên vẹn thần sắc để người đồng đội
cũ nhận ra nhau:
Nếu không có cặp mắt, thuở Cùa sót lại
tôi làm sao nhận được bạn tôi?
cụ già ngồi kia hát dỗ
hai cụ già con ú ớ cười
(Thăm đồng đội cũ)
Người lính già ngồi đó nhìn cuộc sống đi
ngang qua mình khắc nghiệt, lạnh lùng như đồng đội mình ngày xưa đã chết hai lần.
Không phải cái chết rùng rợn trong “Một
ngày mùa đông, hai bên là rừng, một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm, người chết
hai lần, thịt da nát tan” (Ngụ ngôn của mùa đông – Trịnh Công Sơn); mà là
cái chết từng phần. Lần thứ nhất người lính còn sống phải đưa tang cái chân của
mình vì bị bom cắt đứt; lần thứ hai đồng đội anh lại đưa tang chính anh với đôi
nạng gỗ! Người chết hai lần như thế mà cuộc đi vẫn chưa trọn:
Mộ chân,
coi như không mộ...
...
Thôi từ giã một đời đi sau
cuộc tìm kiếm lại mới bắt đầu
người chết hai lần
cuộc đi chưa trọn...
(Người chết hai lần chưa trọn cuộc đi)
Tác giả tự nguyện “canh chừng lãng quên”,
nhưng ta tin rằng không một ai quên cuộc chiến khốc liệt đã xảy ra trên mảnh đất
hình chữ S này suốt mấy thập kỷ và mấy vạn người đã nhẹ nhàng đi vào lòng đất mẹ!
Tác giả đến với đồng đội từ người còn sống cùng với tuổi già bệnh tật; với người
chỉ còn là bóng dáng kỷ niệm trong một giấc mơ lạ lẫm mà “Cõng bạn đi chơi”; một
người bạn là một người chết không còn đôi chân, “Cái thằng hai mươi tuổi”, mãi mãi ở tuổi hai mươi! Mà đâu chỉ một
người! Có cả “mười ngàn đồng đội” như thế!
Đi về xứ thần tiên
nơi mười ngàn đồng đội tôi sinh sống
....
Đêm ở xứ thần tiên
sao mà muốn khóc...
(Đêm ngủ ở nghĩa trang Trường Sơn)
Có lẽ vì thế mà: “Không
ai bắn mình mà trái tim buôn buốt” (Một sớm thấy tóc mình bạc trắng) để tác
giả Vương Cường tự nguyện “Canh chừng lãng quên”? Tác giả đã “canh chừng” từ
quá khứ đến hiện tại và cả tương lai như sợ mọi người quên đi một thời gian khổ,
đau thương nhưng oanh liệt và vinh quang. Một “ước mơ” đáng trân trọng!
Nơi dễ tổn thương, dễ thay đổi nhất là làng quê; nhất
là trong thời kỳ đất nước hội nhập này. Nơi ấy có biêt bao “trầm tích” truyền
thống cần lưu giữ, nhưng “đường trở về
làng, càng đi càng xa” khiến người “hoài cổ” hụt hẫng:
Cánh đồng
khác xưa
con đường
quanh co, duyên làng biến mất
hàng cau
lính gác, trầm tích luân hồi....
ít gặp người
quen, thấy nhiều người lạ
tôi đi với
chiều, bao nhiêu là gió
đường trở
về làng, càng đi càng xa...
(Về làng)
Có nỗi đau nào hơn “đường trở về làng, càng đi càng xa”, trong khi nơi ấy còn biết bao
kỷ niệm, bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa quên tất cả chức quyền, học vị, thứ bậc
trong xã hội để được gọi “mày, tao”
như hồi còn trẻ con:
Có đứa anh
hùng, có thằng bộ đội
có đứa làm
thơ, có thằng xe ôm
có đứa cử
nhân, có thằng tiến sĩ
đã về đây
theo trật tự làng.
(Bạn cùng làng)
Nhưng người “canh chừng lãng quên” đôi khi cũng phải “ngơ ngác, ngẩn ngơ” giữa
làng khi rất nhiều điều ở làng đã không còn nữa. “Hồn làng ám khói” và “ma
làng” trong thơ Vương Cường cứ ám vào tôi không phải vì hình ảnh ám khói hoặc
ma mị mà ở sự diễn đạt vượt ra khỏi thói quen là khi nói đến nguồn cội của “làng”
là hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình... hiện lên. Sự tìm tòi tứ thơ, hình ảnh,
ngôn ngữ qua lao động nghệ thuật thể hiện thật rõ ràng:
Tôi nổi da
gà giật mình ngơ ngác
hồn làng
ám khói đã từng mây bay...
(Hồn làng)
và
Những con
ma làng đi mất
tôi ngẩn
ngơ đứng giữa tim làng...
(Những con ma làng)
Tôi chợt thấy tác giả “đứng giữa tim làng” đơn độc mà không cô đơn; ngơ ngác mà không ngạc
nhiên, đổ lỗi; nổi da gà nhưng không vì run sợ; không thấy nhưng không hề lãng
quên... Vì thế tôi tin ai đã đọc tập thơ này sẽ không xét nét về câu chữ, vần
điệu mà hòa vào cuộc sống tâm hồn của tác giả để “canh chừng lãng quên”. Thôi, tôi không lan man nữa, mời các bạn đọc
bài thơ tôi trích trọn vẹn này để hiểu thêm tác giả!
TÀU CHẬM
Anh đến sớm
sân ga gió
lùa bốn phía
mà phía
nào gió cũng gió lào thôi.
Em trở về
bụi giăng
mờ yêu mến
mỗi bước
đi gió hun hút vật vờ...
Tàu đến chậm
anh một
mình thăm thẳm
một mình
anh thăm thẳm với mong hờ...
(Tàu chậm)
Có một điều khiến tôi đọc tập thơ ”Canh chừng
lãng quên” của Vương Cường chậm là tất cả bài thơ trong tập đều được tác giả đặt
dấu chấm lửng (...) ở cuối bài nên sau khi đọc xong một bài thì tôi gấp sách lại
để tứ thơ lan tỏa trong tôi theo cùng con chữ. Tôi nghĩ tác giả đã nhọc nhằn với
con chữ như thế nào trong từng ý thơ, điều ấy làm tôi thêm trân trọng, yêu quý!
Tôi tin tác giả lầm lũi một mình trong hành trình tìm chữ nghĩa nhưng không hề
đơn độc khi hàng triệu con tim cũng đang cùng tác giả lặng lẽ canh chừng sự
lãng quên quá khứ. Bởi độc giả đang nhận ngọn lửa ấm nồng từ trái tim nhân hậu đầy
trách nhiệm của nhà thơ. Điều ấy, trân quý biết bao nhiêu.
.
Lời cuối cùng: Cảm ơn tác giả đã tặng sách!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét