(Đọc GÃ THI SĨ
HOANG của Nguyễn Thánh Ngã)
Một tập thơ dày
đúng 100 trang (tính cả bìa) gồm 73 bài thơ của Nguyễn Thánh Ngã có tên GÃ THI
SĨ HOANG (nxb Hội Nhà văn, 2018) không thể đọc một lần. Và, càng đọc ta càng
thấy lòng mình bình yên đến lạ. Bởi ta được gặp một tâm hồn hiền lành, chân
chất đến với thơ ca bằng tấm lòng tha thiết để tìm về chính mình trong bộn bề
cuộc sống.
Nói đến Nguyễn
Thánh Ngã thì mọi người đều nghĩ đến một nhà thơ “chuyên trị” thơ Haiku, một
thể thơ ngắn của Nhật Bản, một thể thơ mang âm hưởng lắng tịnh của thiền tông. Vì
thế mà thơ Nguyễn Thánh Ngã giản lược tối đa chữ nghĩa để vận dụng trí tưởng
tượng của độc giả. Người đọc phải cộng hưởng với niềm rung cảm của tác giả
trong sự liên hệ tinh tế và hài hòa của ngôn ngữ. Thôi thì hổng dài dòng nữa mà
cứ đến với “Gã thi sĩ hoang” thì biết!
Không một trường
học nào có thể dạy chúng ta một cách thích nghi với cuộc đời cho mỗi tình huống
cụ thể bằng thiên nhiên. Chính thiên nhiên đã là người thầy giỏi giang chỉ dạy
để nhà thơ tự tìm về chính mình: “Đã có lần/ nhìn chim vỗ cánh/
Tôi học cách bay/ Từ những muộn phiền/ Đã có lần/ nhìn dơi treo ngược/ Tôi treo
nổi đau/ ngược với phận mình/ Đã có lần/ nhìn hoa hàm tiếu/ Tôi tự hiểu tôi/
người hé tâm hồn… Vì như đất/ tôi yêu cây lá/ lá sẽ trở về/ nằm dưới gốc cây” (Đã có lần, trang 40). Hành trình khám phá thiên nhiên cũng chính là hành trình tìm lại chính
mình. Nhà thơ đã thuận theo lẽ tự nhiên, dựa vào cõi thiền mà tạo nên bản tình
ca yêu cuộc sống: “Ao trong vắt/ Đáy nước in
trời/ Một đóa sen của mùa khô còn sót lại…/
Từ bùn mà thoát lên/ Rũ sạch.../ ( Sen
nở mùa xuân, trang 29). Thế mà đôi
lúc nhà thơ cũng thấy mình bất an trong cuộc sống xô bồ hay chính nhà thơ sợ
những dối lừa nơi đô hội mà hướng về nơi đẫm “Tâm tình của những đôi trai gái”; khi: “Đứng giữa Sài Gòn/ tôi ước mình hạt bụi/
bay khỏi những cao tầng/ biến khỏi những chung cư/ Về với núi/ yêu em “tộc
núi”/ nằm trên nhà sàn rượu cần chảy chín bậc cầu thang” (Đứng giữa Sài Gòn, trang 86). Nhưng tôi tin nhà thơ: “Lạc lõng
giữa rừng mắt/ Lạc lõng giữa tạp âm/ Có khi như loài dơi treo ngược/ Móc thị
phi buồn lên đôi chân...” (Như loài dơi treo ngược, trang 82). Trên hành
trình tìm lại mình, Nguyễn Thánh Ngã cũng đã nhận diện những khuôn mặt khác: “Họ là những nhà thơ đục khoét
nỗi buồn của kẻ khác/ Họ kéo lê chiếc thùng rỗng trên đời/ Chỉ để gõ vào những
thây ma/ Khiến cho bầy quạ đen tìm tới...” (Nhà thơ và bầy quạ, trang 12). Đó là một cách nhìn thẳng thắn đối với những kẻ lớn tiếng rao giảng đạo
đức nhưng chưa hề biết đến nỗi khổ trần ai của kiếp con người.
Nhưng thôi, thì cứ để nhà thơ tự nhận mình là:
Tôi – gã thi sĩ hoang
Như bông có dại
Nở mặt sương mù
(Gã thi sĩ hoang, trang16)
Và chúng ta lại tìm đọc thơ của Nguyễn Thánh Ngã vậy. Và đây là bài thơ
chắc chắn sẽ có nhiều người thích bởi... dễ đọc!
NGỠ
Trái đất ngỡ thênh thang
Lại tròn như hạt lệ
Mặt nước bình yên thế
Lại sóng dữ tung trời
Gió ngỡ ở muôn nơi
Lại là loài lữ thứ
Lửa bỏng rát ngôn ngữ
Lại sưởi ấm tìm nhau
Có gì tồn tại đâu...
Mà vạn vật sinh sôi.
Mà bốn mùa vận chuyển?
Tôi vẫn ở quê tôi
Chốn bùn nâu gốc rạ
Thế giới bao điều lạ
Đình làng chiếc lá đa
Ý nghĩ chưa nói ra
Liền trở thành quá khứ
Có những điều ngỡ cũ
Lại đang còn mới tinh
(Ngỡ, trang 48)
Cứ lấy ngay những câu thơ của chính tác giả để khép lại bài này, bởi vì
còn nhiều nội dung và tứ thơ hay ho khác mà tôi chưa nói hết!
Là thế đó
Nghĩa là như thế
Phật ở trong ta, ta chẳng
thấy bao giờ
Nên cuộc lữ suốt đời lẩn
quẩn.
(Là thế, trang 62)
NVC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét