LŨ LỤT, HÀNG CỨU TRỢ VÀ ...

 

 


 

Bài trước, tôi đã nói đến LŨ LỤT, NHÀ CAO NHÀ THẤP VÀ HÀNG CỨU TRỢ, bây giờ lại nói đến lũ lụt và hàng cứu trợ thì có nhàm chán hay không? Xin thưa rằng KHÔNG! Bởi vì bây giờ nói ở một khía cạnh khác bằng cách nhìn khác.

LŨ LỤT

Những trận mưa lớn kéo dài thường xảy ra lũ lụt. Lũ thường xảy ra trong thời gian ngắn nhưng dòng chảy với tốc độ cực lớn, có thể cuốn mọi thứ nới dòng chảy đi qua. Nó là kết quả của những trận mưa lớn hoặc do các hồ chứa nước xả ra ở những vùng có độ dốc cao; nơi cây cối bị đốn chặt, phá hủy và đất không còn khả năng giữ nước. Lụt là nước từ sông hồ dâng lên ngập một vùng đất sau khi nước mưa không trôi kịp về biển. Nước lụt dâng chậm hơn lũ và thường ngâm trong một thời gian dài. Như vậy khi có lũ lụt thì nhà trên cao bị lũ quét; nhà dưới thấp thì lụt ngập. Có khi nhà, vườn ở trên cao gặp lũ quét cũng hư hại không kém gì nhà, vườn ở vùng đất thấp bị ngập lụt. Có lẽ từ thực tế ấy mà có câu “Lụt thì lút cả làng” chăng?



Ở đâu không biết, chứ ở quê tôi câu “Nhất gia hữu sự bách gia ưu” được thể hiện rõ qua những lần hiếu hỉ, giỗ chạp, thiên tai địch họa... Sáng sớm đã chuẩn bị cơm nước vật dụng để đi làm mà nghe tiếng trống tập trung dân “ba hồi chín tiếng” là ở nhà ngay vì biết trong làng có người vừa từ giã cõi tạm; nếu công việc chỉ vì miếng cơm thì hủy bỏ để đến với gia đình có người mất dù không thể giúp được gì. Hồi ở quê còn nhiều nhà tranh vách đất thì khi làm xong phần khung nhà, chuyện trét vách và lợp nhà không phải thuê người vì chòm xóm đến giúp “một tay” cho cái nhà hoàn thành; chủ gia chỉ tốn nồi chè đãi “công làm”. Nhà nào có cúng giỗ, tiệc tùng thì hàng xóm đều được mời đến dự, dù tốn kém nhưng rất bồ bặt! Đến bây giờ vẫn còn là khi đến mùa mưa, nước dâng lên thì những người có nhà ở trên cao thường giúp người nhà thấp chuyển đồ đạc mà chạy lụt! Tôi dài dòng về chuyện tình làng nghĩa xóm ở quê tôi để thấy rằng khi vui thì cùng nhau vui và khi hoạn nạn thì cùng nhau chia sẻ là có thật. Tôi sẽ không kể nhiều về lụt vì chuyện lụt thì ai cũng biết nhưng chuyện trong lụt mọi người chia nhau từng ngụm mắm để bớt lạnh; san sẻ thức ăn vì hàng xóm ướt át không thể nấu bữa ăn... là có thật. Quê tôi từng xảy ra chuyện: “Một thanh niên kia đã giúp đỡ nhiều gia đình dọn chạy lụt lên nơi cao ráo... Khi mọi người an toàn, trở về nhà thì nhà anh bị ngập làm hư hỏng nhiều. Sau lụt, mọi người lại xúm vào giúp lại anh ổn định cuộc sống...” Người quê là vậy! Họ bình quân niềm vui và bình quân luôn cả nỗi đau...

HÀNG CỨU TRỢ

Chuyện xảy ra thiên tai, địch họa thì người Việt ta thể hiện rất rõ tấm lòng “lá lành đùm lá rách”. Kẻ ít người nhiều cùng đóng góp chút tiền của, công sức để cứu giúp người hoạn nạn. Lúc này, cả nước như cái làng tôi thu nhỏ. Và, khắp nơi hàng cứu trợ từ nhiều nguồn đổ về nơi bị nạn. Rõ nhất là khi có lũ lụt; nguồn cứu trợ của nhà nước, của tư nhân đóng góp... Mà, miền Trung một năm không phải chỉ một trận lụt mà lụt chồng lụt, bão chồng bão và các chuyến xe chở hàng cứu trợ cũng nối đuôi nhau về làm công việc từ thiện. Và giá trị của mỗi phần quà tặng của từng đoàn cũng không hề đều nhau, nên thiếu sự công bằng là đương nhiên. Rất nhiều địa phương, cụ thể là thôn hoặc xóm thường lập danh sách những hộ ngập nước để nhận quà nhưng sau đó gom lại để trao lại cho từng hộ phù hợp. Việc làm này nhiêu khê và rất khổ cho cán bộ thôn xóm nhưng lại bị nhiều tai tiếng nhất. Nhiều đoàn cứu trợ yêu cầu chỉ cứu những nhà nào ngập trên một mét, cán bộ thôn phải đi đo từng nhà. Nhưng ai bảo đảm rằng nhà ngập chín tấc hư hại ít hơn nhà ngập một mét?

Có một nữ ca sĩ kia được cộng đồng tin tưởng về việc cứu trợ. Tôi cung từng hết lời ca ngợi vì làm được gì cho dân thì cứ làm. Nhưng khi cô đã làm được vài việc tốt thì bắt đầu có hiện tượng “sao sáng”! Cô vùng vằng khi người nhận cứu trợ bão lụt lại mang vòng vàng! Ơ hay, lẽ nào đeo vòng vàng thì nước lụt không vào nhà? Mà đây là cứu trợ bão lụt chứ phải hỗ trợ hộ nghèo đâu! Rồi nữa, cô soi mói vì kẻ đi nhận hàng bão lụt mà sơn móng tay! Ơ hay, lẽ nào chỉ mình cô mới biết làm đẹp còn các phụ nữ khác phải để móng tay nhuộm bùn? Rồi nữa, cô “ngạc nhiên” vì trong danh sách có cá bộ thôn! Lạ chưa, lẽ nào nước lụt sợ nhà cán bộ mà không dám vào? Thật tình, lòng yêu mến cô trong tôi đã giảm đi nhiều...

Còn một cô ca sĩ khác thì “miệt thị” người nhận hàng từ thiện rằng họ chỉ biết có tiền, tiền... và khái quát lên người dân cả một vùng miền để kỳ thị. Tôi chỉ biết ngán ngẫm...

Rồi có những người chuyển đến nơi lũ lụt vài thùng hàng đã có lời chê bai “chính quyền bỏ mặc dân trong trong lũ và cứu trợ chậm”. Xin thưa rằng: Trước khi các đoàn thiện nguyện đến thì công an, quân đội, cán bộ đã dầm mình trong bão lũ đi cứu dân rồi. Họ di dời từng người lên chỗ cao; họ đem thực phẩm, lương thực đến từng người dân còn mắc kẹt trên... nóc nhà! Bây giờ họ không thể đón tiếp bài bản các đoàn được vì họ còn nhiều việc có tên và không tên đang chờ họ. Họ không “lai trym”, không quay hình chụp ảnh vì còn chăm chăm vào việc cứu người, cứu tài sản của dân... Tôi chưa nghe thấy một cán bộ, chiến sĩ nào nói về hành trình cứu dân trong bão lụt, nhưng tôi yêu quý họ. Thế thôi....

Nói dài thế mới hiểu được vì sao khi gia đình nào nhận được hàng cứu trợ thì dùng nhưng nhận được tiền thì cũng phải biết chia sớt cho những gia đình khác. Thế mới rõ câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng!”

Nhận xét