(Đọc
tập thơ ĐI VÀ VỀ của Nam Thi)
Tôi có một thói
quen, thói quen của người nhiều tuổi, là đêm về ngủ sớm nhưng cũng dậy sớm. Ba
giờ sáng là đã ra khỏi giường. May là có internet, có facebook để mà theo dõi
tin tức, thời sự và “chọt chẹt” giao lưu với bè bạn. Nếu thấy “mỏi lưng” thì
bật đèn đầu giường... đọc sách! Không dám gây tiếng ồn vì biết: “Thành phố đang ngủ say/ Em cũng đang ngủ
say/ Con vius Corona không biết ngủ/ đang ẩn nấp đâu đó/ trong phổi người mắc
dịch/ và gặm nhấm trái tim con người/ lo âu và hoảng loạn/ sống và chết/ thương
yêu và thù hận” (Thành phố lúc ba giờ sáng). Đó cũng chính là một khổ thơ trích
trong tập thơ ĐI VÀ VỀ của nhà thơ NAM THI. “Đi và về” là tập thơ thứ hai và là
tập sách thứ tư của anh, sau hai tập truyện ngắn và một tập thơ, được nxb Hội
Nhà văn cấp phép vào tháng 7/2020. Sách chỉ 130 trang nhưng có đến 85 bài thơ
viết đủ loại thể. Nhưng văn chương đâu tính số lượng chữ...
Tôi biết Nam Thi
quê ở Tây Sơn, Bình Định nhưng như suốt cuộc đời mình sinh sống ở Sài Gòn. Gần
đây, anh thường về lại quê nhà với căn nhà cũ của mình. Nhìn tựa đề tập thơ, cứ
ngỡ sẽ là những ghi chép của tác giả trên chặng đường “đi và về” ở hai địa danh
“Sài Gòn – Bình Định”. Đúng thế thật! Anh trở về như hành trình của lá rụng về
cội, may ra có còn tìm thấy một dáng hình xưa cũ:
Sáng nay
ta tìm về lối cũ
Cỏ
vẫn xanh thuở ấy chúng mình
Bàn tay
bơ vơ mân mê nỗi nhớ
Ngọn
gió lùa hoa đỏ lung linh.
(Hoa đỏ)
Về! Về thôi! Nhưng “Đi và về” đâu chỉ là những cuộc hành
trình! Về với nơi cuống nhau, cuống rốn còn nằm trên đất cha ông; về với những
kỷ niệm cũ càng vẫn còn lẩn khuất ở đâu đó trong hình sông, dáng núi; về vì nơi
cưu mang mình gần hết đời vẫn thấy:
Sài Gòn
với anh vừa quen vừa lạ
Như em
yêu xưa nay thành cố nhân
Tình vẫn
gần mà người xa xôi quá
Như Sài
Gòn xưa đâu nữa mà gần
(Sài Gòn quen mà lạ)
Rõ ràng là Nam Thi
vẫn nặng lòng với quê kiểng nhưng không hề phụ bạc, ruồng bỏ nơi mình cảm nhận “vừa quen vừa lạ”; mặc dù đôi lúc tác
giả tỏ ra mình là kẻ bàng quan, vô vi: Ta
bình sinh / Quên mình là hạt bụi/ Nên nhẹ hẫng như không/ (Quên). Tôi cứ
cười thầm về cách nói “không màng đến thế
sự” này. Bởi ta thấy nhà thơ dù đã vượt qua cái tuổi “xưa nay hiếm” vẫn cố lăn vào cuộc sống “im ỉm khóa” (Chữ của Chế Lan Viên). Anh “giả đò” “nhẹ hẫng như không”nhưng thật ra không
ai “tiếp”dù có gọi “khản cổ”!
Ta khản
cổ gọi cửa đời vẫn đóng
Những
chiều mưa lạnh cóng cánh đồng
Ta mỏi
mắt trông trời cao lồng lộng
Mà cánh
chim biệt tích giữa hư không.
(Tiếng vọng)
Thôi thì ta cứ để
mặc chuyện “đi và về” của tác giả, ta
lại lang thang trên hành trình đi và về của
anh mà cùng anh cảm nhận về cuộc sống. Cứ mỗi lần nhắc đến cuộc sống thì tôi
lại bật cười vì anh Nam Thi “ Quên mình
là hạt bụi/ Nên nhẹ hẫng như không” (Quên), cười, bởi anh rất nặng lòng với
cuộc sống. Tập thơ anh không thiếu những bài đau đáu với cuộc sống, với thân
phận con người. Người đọc không khó tìm thấy những bài thơ, tứ thơ viết về trận
đại dịch SARS – CoV-2 của thế giới vì con virus corona chủng mới: “Sài Gòn sám hối...; Sài Gòn sức mấy mà
sợ!!!; Sống để yêu nhau; Thành phố lúc ba giờ sáng...; Tay lại trong tay;...”. Mỗi
bài thơ là một tin tức nóng thời sự nhưng không khô khan bởi tâm tư tình cảm
của tác giả đặt vào trong đó! Thử đọc một đoạn thơ với hai hình ảnh thiên nhiên
và hai người đàn bà có hoàn cảnh trái ngược để thấy rõ hơn tính nhân văn trong
dòng thơ thời sự của Nam Thi:
Người
đàn bà Sài Gòn bước ra khỏi phòng trà
Đêm mát
dịu sau cơn mưa
Khẽ
khàng vuốt giọt mưa trên tóc
Mỉm
cười với giọt mưa trên lá long lanh
........
Người
đàn bà ở Tiền Giang ngồi trên đám ruộng nứt nẻ
Lúa sạ
khát nước cháy queo
Lạy
mãi mà trời không mưa xuống
Mùa hạn
mặn còn dài
(Cơn mưa và hạn hán)
Hay là:
Chỉ
vì làn vải mỏng khẩu trang
Môi cách
ly môi không chạm được
Cất
giùm anh nụ hôn mật ngọt
Chờ
mai sau cũng chẳng muộn màng.
(Cách ly)
Và đây nữa, một lần
tiễn bạn thì mỗi lần thêm hụt hẫng. Biết bao điều muốn nói nhưng không thể, đâu
dễ gì “nhẹ hẫng như không”:
Tiễn
bạn về như chia tay lần cuối
Biết
có còn gặp nữa hay không
Thuở
xuân xanh ta chia nhau sự sống
Nay đã
già... đâu còn lối đi chung.
(Tiễn bạn xưa)
Nói đi nói lại, nhà
thơ đi là đi tìm một “bóng hồng” ở
trong mộng tưởng, có lẽ là để có cớ mà... làm thơ! Mà thiệt tình, người làm thơ
nào chẳng một lần “lỡ dại” thả hình bắt bóng rồi than vãn, buồn vu vơ...
“Động
Hoa Vàng” tìm suốt đời không thấy
Cắc
cớ chi em xúi anh tìm lá diêu bông
Anh lỡ
dại nghe lời đôi mắt
Mãi lặn
mò tìm Trăng đáy Sông.
(Đôi mắt Sông Trăng)
Thì đấy, hậu quả nhãn tiền ngay thôi mà:
Em đi
qua đời tôi
Như mây
bay qua hồ
Như gió
qua đồi
Chẳng
để lại gì
Ngoài
nỗi nhớ khôn nguôi.
(Tâm tình mồng ba)
Đi thì nhiều sức thì ít nên khi nhìn lại thì “trớt quớt” nhưng nỗi đau thì có thật:
Tầm
ta với chẳng tới trời
Thì thôi
ta nắm tay người ta thương
Tầm
tay với hụt thiên đường
Thì thôi
ôm lấy vết thương phận người
(Thơ bốn câu)
Cầm tập thơ trên tay,
đọc tựa đề, ngỡ rằng nhà thơ sẽ đi “xa
lắm” và về tới “mái hiên” nhà mình. Nhưng đọc hết tập thơ mới thấy nhà thơ chỉ
loanh quanh nơi quê hương và về tới “lòng
mình”. Tôi yêu thơ Nam Thi ở vì lẽ đó:
Không
có ai, không có ai
Thôi thì
cứ tựa bờ vai chính mình
.....
Thôi thì
ta tựa chính ta
Đắng
cay ta biết mặn mà ta hay
(Nói với người đơn thân)
Nói đến thơ, nhiều
người cứ nói vống lên là tác gỉa đã chọn một phong cách cho mình, chọn thi pháp
để thể hiện... Nhưng theo tôi thì khi có ý tưởng, có tứ thơ... thì thơ tự bật
ra; rồi sau đó các nhà này nhà nọ xúm vào bàn về phong cách, về thi pháp của
tác giả. Thơ của Nam Thi là như thế. Viết từ thơ luật Đường, thơ lục bát, thơ
tự do, thơ haiku... Chuyện thành công
hay thất bại một tập thơ thì để dành cho người đọc và các nhà nghiên cứu phê
bình; còn tôi, một người đọc bình thường chỉ tìm thấy sự đồng cảm và viết tào
lao:
Loài người
thật tào lao
Trăm năm
thoáng chốc
(Loài người thật tào lao)
Để tránh sa đà vào sự tào lao, hãy đọc một bài
haiku của Nam Thi mà kết thúc câu chuyện thơ “Đi và về”
Một
con sẻ không về
Rồi
thêm một con nữa không về
Vạt
nắng chiều bơ vơ...
(Thơ Haiku)
NVC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét