(Đọc KÝ TỰ NÀNG của MY TIÊN và MẪU ĐƠN)
Tôi có một tật xấu (gọi tốt cũng được) là
sách mua thì thường đọc khi rảnh rỗi nhưng sách bạn bè văn chương tặng là... đọc
ngay, dù có hạp với tạng của mình hay không! Tập thơ KÝ TỰ NÀNG của hai nhà thơ
trẻ MY TIÊN và MẪU ĐƠN in chung, tôi đã đọc ngay trong ngày được tặng và thấy...
không hạp với mình! Tậu! Nhưng rồi lại... đọc tiếp! Và muốn nói vài điều về tập
sách do NXB Hội Nhà văn cấp phép này. Tập thơ khổ 18x19 khác biệt với khổ sách
thông thường khác có 50 bài thơ chia đều cho hai tác giả. Nhìn hình thức thì đã
thấy... ghét nhưng bắt mắt, cứ muốn nhìn lần nữa, đọc lần nữa... Và bây giờ thì
đọc!
Tập thơ chia thành hai phần. Phần trước là thơ My Tiên; sau là của Mẫu Đơn. Thôi thì cứ đọc theo thứ tự vậy. My Tiên với Ký Tự Nàng:
Hình như... hình như thôi nhé, My Tiên
đang tự lột xác mình để làm mới:
Con sâu hóa bướm âm thầm
Và âm thầm quên chính mình
(Cánh hoa trong chén trà – My Tiên)
Quên chính mình, ngủ quên bên hoa nhưng vẫn
còn để con mắt hấp háy, mũi phập phồng đón nhận cuộc sống đang nhẹ nhàng trôi
quanh mình:
Nàng ngủ quên bên hoa
Những làn hương tha hương khắp nỗi nhớ
(Đừng tìm lại bình minh – My Tiên)
Thì ra, Nàng tự huyễn hoặc mình chứ Nàng vẫn
tồn tại và đứng đó; không trốn chạy, tuy có vẽ cho mình một con đường tẩu thoát
“Chúng ta có thể trốn khỏi bầu trời/ Chỉ với một cái ôm” (Những cơn mưa
sám hối – My Tiên). Bởi tự trong sâu thẳm lòng mình, Nàng còn giữ một hình ảnh
tuyệt đẹp: Anh gánh nước từ câu chuyện cổ
tích/ Tưới nỗi mong chờ nơi cuối ngõ lòng em/ Một cánh bướm tình si chợt đậu/ Cánh
hoa vô tình rơi mất giọt sương” (Những mùa hoa bỏ trốn – My Tiên). Để rồi....
để rồi... “Cơn mưa mùa hạ vừa mới đi qua/
Buổi sáng không buồn không vui/ Chỉ thấy mình là lạ/ Hình như là/ Em đã mang
thai anh” (Người tình- My Tiên). Một khổ thơ với một tứ thơ thật lạ, táo bạo,
mới mẻ, độc đáo. Và độc gỉa không khó gặp nhiều câu thơ táo bạo, độc đáo, mới lạ
như thế trong những trang thơ My Tiên:
Anh nhẹ nhàng vân vê từng chiếc cúc
Cố cài lên môi nỗi nhớ của em
Để khi bất cứ kẻ lạ nào muốn vào lòng em lần
nữa
Đều phải mang trên mình một dấu vết của
anh.
(Nụ hôn mùi trái cấm – My Tiên)
Hoặc:
Đàn bà
Bị đè dưới hai ống quần bà ba
Muốn đi qua
Không phơi quần trước ngõ
(Nàng – My Tiên)
“Ký tự Nàng” không thể thiếu hình ảnh của “Chàng”,
hoàng tử của lòng Nàng. Cũng chính từ đó mà những cung bậc tình cảm được bộc lộ
và góp phần cho những trang thơ thêm diễm tình và nhờ đó mà Nàng thể hiện được
lòng của mình với Chàng:
Từ lúc anh đi
Bụi bặm luôn vây quanh và dò xét
Chúng muốn vùi em vào lãng quên và cũ kỹ
Nhưng chúng không thể chui vào ký ức và thực
tại
Đành bọc em thành khối lu mờ trăng trắng
(Tự sự em – My Tiên)
Và Nàng bất chợt tự thú, một lời tự thú rất dễ thương
của người đàn bà đang yêu và khao khát được yêu. Tôi thích hình ảnh:
Người đàn bà hái những đêm trắng
Chườm lên vết bầm trong tim
(Bên kia bức tường – My Tiên)
Tôi cũng thích cái trần trụi của cuộc đời; của ý nghĩ,
tâm trạng rất đời thường này của My Tiên:
Những vòng ôm trong mộng
Còn vết sẹo trên da
Anh trốn qua bao mùa lá úa
Vẫn thấy hồn cháy xém một lần yêu.
(Một lần yêu – My Tiên)
Đấy! Nàng vẫn rừng rực một mùa yêu; may mà
hồn chỉ “cháy xém”; chứ không thì đã hóa thành tro. Bởi dẫu có làm ra vẻ từng
trải, cứng cáp, nhiều toan tính nhưng Nàng vốn dĩ là yếu mềm, dễ vỡ; “Em như chiếc bình giam giữ đôi con ngươi/ Mà
bí mật vừa chạm đến đầu ngón tay đã thấy đắng/ Không giống như lần đầu anh đặt
lưỡi trên môi em” (Trên ngón tay cháy tàn - My Tiên). Thơ tình yêu như thế
thì sao hạp được với cụ già lọm khọm này được chứ! May là còn một phiên khúc để
cụ già này núp vào:
Thành phố của tôi khờ dại
Khói pháo hoa mù mắt bầu trời
Vẫn cố ôm cánh cò bé bỏng
Con cò trắng hốt hoảng chạy trốn
Rồi trở thành vết sẹo của đêm
(Thành phố - My Tiên)
Khoe cái đoạn thơ này để thấy thơ My Tiên
không chỉ nói đến tình yêu với nhiều cung bậc trữ tình bằng một lối diễn đạt
không theo kiểu thơ truyền thống có vần điệu ru mắt ru tai... Nàng đã đi
qua những chông chênh của tuổi trẻ và tình yêu. Điều ấy thể hiện rõ qua các bài: “Anh có nỗi buồn không?; Hạnh ngộ; Hạt bụi
ngây ngô; Cái gọi là ký ức; Trừng phạt; Bóng đêm; Hạ sinh câu thơ; Vết thương
đêm;...”. Ái chà... định nói điều gì đó thật sâu sắc với người thơ trẻ
nhưng bài đã dài mà còn một tác giả nữa nên đành khép lại đây và khép lại tác
giả My Tiên bằng “Những giọt thơ cuối
cùng”:
Tôi tự hỏi thơ làm được gì
Hay chỉ đồng lõa với cơn mưa
Bỏ rơi tôi trong những ngày buồn nhất.
(Những giọt thơ cuối cùng - My Tiên)
Cũng như My Tiên, thơ Mẫu Đơn cũng phá
cách không đi theo lối mòn truyền thống; cũng táo bạo, mới mẻ, độc đáo... nhưng
với Mẫu Đơn, độc giả thấy gần gũi vì bắt gặp những phút rất đời, rất hồn nhiên
của một thời chưa xa mà ai cũng từng trải qua; để rồi thấy mình cùng hòa nhịp
vào đấy mà tung tẩy:
Khu vườn của tôi ơi
Ụ rơm của tôi ơi
Tôi chạy chơi mỗi chiều
bỏ dép trong một cái lu
giấu lũ bạn khung trời vàng
mình tôi có.
(Nắng – Mẫu Đơn)
Chẳng phải vì có “khu vườn, ụ rơm” quen thuộc mà khổ thơ đọng trong lòng người đọc;
mà vì cái hình ảnh ngồ ngộ, lạ lẫm của nhân vật “tôi” bỏ dép trong một cái lu/ giấu lũ bạn...”. Cũng như hình ảnh “Bông còn lại ngắm bông chưa từng rụng xuống”
khiến độc giả không thể không nhớ cả khổ thơ:
Chưa bao giờ thôi quên tuổi thơ về những
cánh hồng trong mộng mơ
Hồi tưởng về những chiếc lá xanh và cả những
nhành trong chờ đợi
chờ đợi thật lâu mới thấy
Không trông mong gì hơn sự phản bội thực tại
Bông còn lại ngắm bông chưa từng rụng xuống.
(Hoa hồng – Mẫu Đơn)
Đưa ví dụ như thế để thấy Mẫu Đơn đã làm mới
những hình ảnh tưởng chừng như đã cũ. Chính điều này làm tôi thực sự thích thú;
còn đánh gía sự thành công trong sử dụng nghệ thuật thì để dành cho các nhà lý
luận. Còn tôi, tôi đồng cảm với tác giả như cùng “khóc về một cuộc tình”, cuộc tình không của riêng ai, “Hình như khóc về một cuộc tình bên cửa sổ/
Có thể nhiều đến vậy/ Trong nhiều cuộc đời” (Cửa sổ đêm – Mẫu Đơn)
Đọc thơ Mẫu Đơn, thỉnh thoảng ta gặp những
tứ thơ, hình ảnh thơ hồi cố dẫn người đọc về miền kỷ niệm của riêng mình. Hiện
tại đấy mà sao lòng ta lại nghĩ về quá khứ xa xôi để mà nhớ, mà tiếc nuối:
Chiều như bao chiều
Người như bao người
Chân thấp cao bước hụt về quá khứ
Lan can câu chuyện
Ba người rồi năm người
Đã từng...
(Nhìn cây bàng – Mẫu Đơn)
Những câu thơ tả cảnh vật của Mẫu Đơn ăm ắp
tình. Phía sau những cảnh vật là tâm trạng của tác giả. Hình như ở Mẫu Đơn có
phảng phất một nỗi buồn mong manh dễ tụ mà cũng dễ tan. Một mùa xuân tràn hoa
và sức sống nhưng đâu đó người đọc cũng vướng phải một nét buồn, may mà không
bi lụy:
Đường vào xuân đường về quê đường mai rẽ lối
Hoa rớt xuống đêm như bến đợi chân người
Cúi đầu khói hương nghi ngút
Rót một ngụm hoa vàng
(Xuân – Mẫu Đơn)
Hoặc:
Ngày nào đời chưa giông bão
Làm sao ta biết
Chủ nhật lại buồn hơn cây bàng mùa đông thả
bên mình lá đỏ
Gam màu lạnh tràn lên
(Ngày nào đời chưa giông bão – Mẫu Đơn)
Thôi thì ta cứ để tác giả gặm nhấm nỗi buồn
của mình giữa thiên nhiên đẹp đẽ còn độc giả lại đi tìm một góc khác của tâm hồn
tác giả. Góc ấy chính là tình yêu. Thì nhà thơ nào không nói về tình yêu; tập
thơ nào chẳng rạo rực vì tình yêu. Nhưng ở mỗi tác giả có cấp độ yêu và cách diễn
đạt khác nhau. Tình yêu của Mẫu Đơn trong Ký Tự Nàng có khi Nàng cũng mượn
thiên nhiên mà thổ lộ, trong một “Chiều/
Hàng dừa bên nhau/ Không thành đôi cũng thành đôi/ Hoa lan tím chiều/ Loài ong
tơ vương cũng gần nhau/ Biển bỏ xa thành thị/ Quấn quýt điều gì khác/ Quấn quýt
một miền cát” (Mắt nâu – Mẫu Đơn). Nàng có một tình yêu lạnh nhưng đủ làm ấm niềm hạnh
phúc lứa đôi “Em/ một mình mong anh/ Nửa
ô cửa/ Bên trong nhà là đá là đất/ Em là mây là mưa/ Dày nhàu vạt áo/ Anh không
vội không vội...” (Thiếu nữ - Mẫu Đơn). Nồng nàn là thế nên Nàng cứ như muốn
giữ tất cả những gì liên quan đến tình yêu cho riêng mình:
Em mê man những giai điệu cũ
Chẳng biết gọi tên gì
“bài bát hai đứa mình
cho chỉ riêng em”
(Dang dở - Mẫu Đơn)
Ngay cả lúc tột cùng hạnh phúc trong “căn phòng của chúng mình”, Nàng cũng bị
ngoại cảnh chi phối. Vừa phớt qua thơ Nàng, ngỡ như Nàng sống thuần về nội tâm;
nhưng không, Nàng như bị cái ngoại cảnh chi phối để riêng mình cô đơn trong niềm
hạnh phúc:
Căn phòng của chúng mình
Đêm đèn khuya
Vỗ về hơn những bàn tay
Im lặng cho câu trả lời em thắc mắc
Giấc mơ ôm ấp gần kề
Không ai thao thức về hạnh phúc
Là khoảnh khắc
Tựa nhau như đứa trẻ
(Trong căn phòng của chúng mình – Mẫu Đơn)
Có lẽ Nàng tự dằn vặt mình vì sự hụt hẫng
trần trụi này chăng?
và cái đêm kẽo kẹt
tôi đâu biết có con mèo nấp sau cánh cửa
mở mắt nhìn cuộc tình
lần cuối cùng
bay đi
(Nhớ - Mẫu Đơn)
Tôi biết Nàng đang cố trốn một thực tại,
nhưng với sự hữu hạn của mỗi con người thì dễ gì! Ở đâu đó vẫn “sóng sánh” và “ngập lên” những điều vượt ngoài ý thức của ta:
Trốn một mùa không tồn tại
Có một mùi hương từ cây quẩn quanh giấc mơ
Sóng sánh cuối ngày tỉnh thức
Ngập lên những cây sao đầu mùa
(Trốn mùa – Mẫu Đơn)
Biết là cuối cùng Nàng cũng phải chấp nhận
thực tại, nhìn thẳng vào nó mà sống. Ở Nàng, nỗi buồn và ký ức mong manh như tơ
trời, thoạt đến thoạt đi để Nàng vui sống với những điều gần gũi, bình dị.
Sự mê muội mang trí nhớ và giọng nói đi xa
Bông hoa hôm nay có phải là ta đã đi tìm rất
lâu để gặp gỡ.
(Chuyện kể - Mẫu Đơn)
Chốt hạ, hai tác giả My Tiên và Mẫu Đơn
cùng đứng chung trong một tập sách đều có một mẫu số chung là táo bạo trong sử
dụng từ ngữ, cấu trúc thơ, và hình ảnh thơ có nhiều sức gợi, tạo nhiều tầng
nghĩa cho người đọc. Hai Nàng đã thành công khi để trong lòng người đọc một ấn
tượng mạnh mẽ nhưng cũng dễ đồng cảm, cho dù mối người có một phong cách sáng
tác khó lẫn vào nhau.
Ngô Văn Cư
Nói thêm: Bài dài rồi, mệt, hổng viết nữa!
Cảm ơn hai Nàng đã tặng sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét