NHỮNG NIỆM KHÚC THỜI GIAN...

                         

(Đọc “Những khúc ru tôi” của Ngô Văn Cư, NXB Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh 2020)

VÂN PHI

Những năm gần đây, Ngô Văn Cư liên tiếp ra sách mới. Ông viết đều tay, cả thơ, tản văn, truyện. Đa năng, nhưng khởi đầu của ông là thơ. Và dường như, đó là một hành trình xuyên suốt. Mới rồi, ông cho ra mắt bạn đọc tập thơ Những khúc ru tôi. Vẫn cái chất thơ nồng hậu, mộc mạc tìm về hoài niệm, dung dị những yêu thương quê nhà, cùng những chiêm nghiệm đời, Ngô Văn Cư trải lòng trong câu chữ để gởi gắm những niềm riêng.

Là một thầy giáo hưu trí nhiều năm nay, ông vẫn giữ trong lòng những tháng năm phấn bảng ắp đầy kỷ niệm. Ông sợ những trôi trượt thời gian phai tàn đi ký ức. Vậy nên, nhà thơ tiếc nuối tháng năm đi qua, da diết nhớ về học trò, con chữ, mái trường: “Bây giờ ngang qua trường cũ/ Còn ai nhớ thầy giáo già/ Từng say trong bao câu chữ/ Một thời như mới… chưa xa!” (Dĩ nhiên là tôi vẫn thế).



Càng ý thức về sự trôi chảy của thời gian, dòng thơ của ông càng đượm nét hoài vãng để rồi xa xót nghiệm lại, chênh vênh lòng mình: “Gió vẫn thổi vào ngày ẩm mốc/ Ta lội trong nỗi nhớ khê nồng/ Ngắt nỗi buồn thả vào giấc ngủ/ Mà cánh cò trôi trắng dòng sông// Bây giờ… Ta biết ta đã cũ/ Sức khỏe cùn, ý nghĩ sáo mòn/ Cứ đợi mùa xuân trong quá khứ/ Một mình ngồi ngắm giấc mơ con” (Đọc lại bài thơ cũ). Hay: “Chợt cái nhớ ở đâu về xao xác/ Những khung trời dịu vợi đến long lanh/ Những sợi tóc đã giành nhau nhuốm bạc/ Thân phận mình vẫn thế quá mong manh” (Gửi cho tôi). Tác giả cảm nhận rõ rệt sự khắc nghiệt của thời gian và ông đang sống trong nhiều chiều không gian khác nhau trong mắc xích quá khứ - hiện tại. Câu thơ “Những sợi tóc đã giành nhau nhuốm bạc” nghe rưng rưng xa xót. Điều đó càng như mở ra những mênh mang tiếc nuối trong ý nghĩ định phận về mình.  

Ý niệm về thời gian chi phối nhiều trong sáng tác của nhà thơ Ngô Văn Cư. Ông đề cập nhiều đến sự cô đơn, những hồ nghi trong guồng quay thế sự, những tự vấn lòng mình đầy nỗi trăn trở. Ở đó, ông có những câu thơ ẩn dụ giàu sức gợi: “Tôi vẽ niềm cô đơn cũ kỹ/ Ngày em trễ nãi giữa mùa trăng/ Cây bút nhỏ hoài thai mầm độc/ Khẽ chạm vào trinh bạch mong manh// Ta lại vẽ giấc mơ xây tổ/ Con ong cái kiến phận bi hài/ Bất chợt khát cuộc đời di trú/ Gói niềm tin trong áo dần phai” (Nét vẽ ngây ngô).

Có những giây phút, nhà thơ tự bầu bạn với chính mình, bằng những đối thoại, có khi san sớt thấu hiểu tìm chút an yên, có khi chối bỏ như muốn xé vụn lòng mình: “Đôi khi tôi thương chiếc bóng của mình/ Những đêm dài bên ngọn đèn dầu soi tóc bạc/ Chiếc bóng và tôi thành đôi/ Nghe tiếng chim cuốc lẻ bầy khản giọng/ Nghe tiếng chuột kêu như tiếng của âm hồn/ Nghe thế sự mà trầm ngâm/ Chiếc bóng thành kẻ đồng hành cô độc// Đôi khi tôi chối bỏ chiếc bóng của mình/ Là khi tôi chìm vào bóng đêm…” (Tôi và cái bóng của tôi).

Ở một không gian khác, tôi thích cái chất tự thuật tâm hồn trầm buồn của ông. Nó không hẳn là cái bi lụy kiệt cùng bị ghì xiết trong thế giới u hoài mà ở đấy ẩn chứa một sự không cam chịu, khát khao bùng vỡ: “Đôi khi/ Tâm hồn tôi chạy theo dâu chân thú lạc rừng/ Nuôi niềm khát vọng/ Sống!/ Nối lại những giấc mơ/ Gãy đổ!/ Gom những gốc cây phế phẩm/ Chát đắng!/ Dò vào ngọn nguồn của dòng sông/ Thoi thóp!/ Không kịp nhìn bóng mình/ Ngày càng toi tóp đợi nụ hôn tử thần/…/ Mỗi ngày đi qua cánh rừng tâm hồn tôi/ Lại thêm những lối mòn như vết nhăn trên khuôn mặt già nua cũ kỹ/ Tôi hồn nhiên đi vào cõi chết/ Khát khao một mùa bình yên/ Như mỗi đêm về/ Những loài côn trùng nhỏ lại bay lên/ Và chết trong ánh sáng! (Tự so sánh).

Trong Những khúc ru tôi, nhiều bài tác giả nói đến những khắc khoải trống vắng lòng mình. Có khi ông thẳng thừng định hình rành rõ bằng hai chữ: cô đơn. Con người bé nhỏ trước cuộc dâu bể, trước năm tháng đời người. Và khi ngồi lại, đối thoại cùng bóng đêm, con người như xao xác, trống vắng hơn: “Mỗi khi trở về căn phòng nhỏ/ Tôi giấu mình trong gương/ Mà khuôn mặt cứ hiện ra lồ lộ/ Nhìn tôi trân trối/ Chạy trốn đâu cho khỏi cô đơn?” (Chạy trốn đâu cho khỏi cô đơn). Những câu thơ trên gợi nhớ đến bài thơ Tự xông đất của nhà thơ Lâm Huy Nhuận: “Tự mình xông đất cho mình/ Căn phòng vắng ngắt lặng thinh suốt mùa/ Tự đốt pháo, tự giao thừa/ Bắt tay chúc tết, như vừa thấy nhau/ Giật mình, hai mắt trũng sâu/ Người trong gương ấy còn đau hơn mình…”. Cái cô đơn của Lâm Huy Nhuận giản dị, bất ngờ, giàu những ngẫm gợi. Còn Ngô Văn Cư trực diện gọi tên tâm trạng, quay quắt trong sự vây bủa của mênh mông trống vắng. Và dường như, trong thẳm sâu của niềm đau riêng mình, ông đã mở lòng đón nhận. Đón nhận cái u hoài khổ đau như một liệu pháp để vơi vãng đi niềm nỗi lòng mình.

Thơ của Ngô Văn Cư thiên về cách thể hiện truyền thống. Ông chất phác bày giải lòng mình bằng sự chân thành. Có những bài thơ giàu xúc cảm, đằm về nghiệm sinh, nếu được gia cố thêm về mặt thi ảnh và cách thể hiện hẳn sẽ tạo nhiều xúc cảm hơn cho bạn đọc.

Ngô Văn Cư đang chậm rãi nhìn lại về đời mình, về muôn vẻ cuộc đời bằng giọng thơ trầm buồn. Nhưng ẩn sau hết thảy điều đó, tôi tin rằng ông đang muốn vùng thoát, để cháy kiệt cùng với thơ và đời chứ không hẳn là tìm chút an lòng trong sự nuối tiếc của thời gian…

V.P


                                                                  Vân Phi và Ngô Văn Cư

                                 Bài in trên Tạp chí VĂN NGHỆ BÌNH ĐỊNH số 87 (tháng 7/2020)





Nhận xét