LŨ LỤT
Sống ở Miền Trung
VN mà nói đến chuyện lũ lụt là thừa. Vì chẳng năm nào nước lụt chẳng vào nhà.
Có khi đợt lụt này nước vừa rút ra khỏi vườn thì đợt lụt khác đã ùa tới. Nhà ở
trên cao còn đỡ chứ nơi chỗ trủng thì cả tháng mất ngủ là chuyện thường. Đâu
phải chỉ lo dọn đồ đạc đi và dọn về là xong đâu. Cả trăm thứ không tên trong
mùa lụt. Từ cây chổi; cái đòn; cây củi; chai lọ; đến lúa gạo phải dời lên chỗ
cao. Những năm còn nhà tranh, nền đất còn phải trữ tro bếp để khi nước rút rồi
có thứ rải lên nền nhà cho... mau khô. Ngày trước, dù có lụt to, người dân cũng
ung dung lắm, ai cũng tính được con nước sẽ ngập đến bao nhiêu khi người dân
nhìn lượng mưa mà... đoán; nhìn nước chân “Có
nước đồng nước sông mới nhẩy”. Vì thế mà người dân đủ thời gian mà tránh
lụt, di dời vật dụng lên chỗ cao... sự thiệt hại chỉ rơi vào những nhà tạm bợ,
khó khăn nên khó khăn càng khó khăn hơn. Bây giờ thì khác rồi. Đôi khi không có
“nước đồng” mà nước “sông vẫn nhẩy” vì các hồ chứa nước, thủy điện xả lũ...
khiến người dân không kịp trở tay. Đất đá từ núi lở tràn về; nước từ hồ chảy
ra, từ trời trút xuống; gió quăng quật... khiến sức người không chịu đựng nổi.
Không thể đổ lỗi hết cho các hồ chứa nước, các thủy điện nhưng chắc chắn chúng
góp phần không nhỏ trong việc thiên nhiên tàn phá. Bởi ai cũng biết mưa sẽ có
lụt nhưng nước lại đọng trong các hồ chứa rồi... xả ra một lượng lớn thì ở hạ
lưu chỉ có chết! Nhưng đó không phải là chuyện chính trong bài này. Những người
có trách nhiệm sẽ có cách khắc phục! Mà, tôi muốn nói rằng chuyện lũ lụt và khó
khăn trong mùa lũ không hề xa lạ với người miền Trung.
NHÀ CAO NHÀ THẤP
Ở đây muốn nói nhà
thấp là nhà ở vùng trũng, thấp dễ bị ngập lụt; nhà cao là nhà ở thế đất cao,
hoặc nhà cao tầng khó bị ngập lụt hơn. Khi lụt đến, nhà nào có gác lửng thì
chất hết vật dụng lên đó, có khi con người cũng trèo lên luôn và không quên cầm
theo cái rựa phòng khi nước lên cao quá thì chặt rui mè, ló đầu ra ngoài kêu
cứu! Đôi khi dọn đồ đạc xong thì mọi người đùm túm đến nhà cao mà “ở nhờ” cho
qua cơn lụt. Cho nên khi lụt thì nhà cao nhà thấp gì cũng khổ. Nhất là khi “lụt thì lút cả làng” thì ai cũng bị
thiệt hại. Đôi khi người có nhà cao lại thiệt hại hơn người có nhà thấp. Bởi
nhà thấp chỉ bị ướt át đồ đạc còn người trên cao cưu mang, giúp đỡ người nhà
thấp; nhà cửa giành để chứa người vùng thấp hoặc hoa màu, ruộng vườn bị ngập
nước, tàn phá không thua người vùng thấp. Nên không thể nói người có nhà không
bị ngập lụt là không bị thiệt hại; đôi khi họ bị thiệt hại nhiều hơn đấy.
Nhưng...
NGƯỜI CỨU TRỢ VÀ
HÀNG CỨU TRỢ
Dân ta có truyền
thống “lá lành đùm lá rách”với lời
kêu gọi “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy
rằng khác giống nhưng chung một giàn”, nên mấy năm gần đây chuyện miền
Trung bị bão lụt được dân các nơi, nhất là ở miền Nam, gom tiền hàng cứu trợ là
có thật. Hết đoàn này đến đoàn khác đến gặp chính quyền địa phương lập danh
sách những gia đình bị bão lụt tàn phá mà cứu trợ. Chính quyền, nhất là cấp xã
thôn, lại một phen khổ cực. Họ cũng là dân lân dân ấp, cũng bị thiên tai như
mọi người, nhưng họ để khó khăn gia đình cho vợ con mà làm cánh tay nối dài từ
các đoàn thiện nguyện đến người dân. Họ phải lập danh sách cụ thể từng gia đình
với các mức thiệt hại rồi phân loại 1,2,3... Khi có đoàn thiện nguyện đến thì
những người ngập sâu nhất sẽ được nhận quà trước... Nhưng có khi tréo ngoe là
đoàn sau quà lại giá trị hơn đoàn trước vì thế mà người hư hại ít thì nhận được
nhiều. Có một sự công bằng thì rất khó. Vì chỉ thống kê nhà ngập lụt thì nhà
trên cao khó được... cứu trợ, mà chính quyền đưa các hộ này vào diện cứu trợ sẽ
bị gạch đá ném ngay! Tình làng nghĩa xóm thể hiện rõ vào lúc này. Nhiều gia
đình nhận hàng xong lại san sẻ cho người khác coi như lá rách ít đùm bọc lá rách nhiều. Vậy thôi!
Lại nói về hàng cứu
trợ. Khi các đoàn thiện nguyện đến nơi xảy ra lụt thì lụt đã là... quá khứ!
Những khó khăn nhất thời gần như đã... qua lâu rồi! Những mì tôm, bánh tét,
quần áo... vẫn cần nhưng không còn cấp thiết nữa. Người cho thì vội vã không
tính đến sự hiệu quả. Tôi đã xem nhiều lần cái clip người dân vùng lũ không
nhận bánh chưng, quần áo... nhưng đâu phải ai cũng ăn được loại bánh làm bằng
nếp này, với lại khi đói hoặc ăn chơi vài lát chứ bình thường mà ăn thay cơm
thì khó lắm. Có khi để lâu bị thiu ôi! Thế đành phụ lòng người đã gói, nấu,
chuyển đến... Còn chuyện quần áo thì mới thật khôi hài. Người tặng là người
thành phố có cái gu riêng khác với người nhà quê, nên quần áo tặng trong bão
lụt như đồ đi dự hội, người quê không quen... Nên khi có quần áo thì thường để
đống ở trụ sở, đợi khi thơ thới cán bộ mới phân loại và... tặng. Công việc này
cũng tốn thời gian lắm. Đừng thấy quần áo còn chất đống ấy mà nói rằng dân vùng
lũ... chê!
Tôi nghĩ: Mì tôm,
bánh chưng... cứu trợ vào lúc dân nằm trên mái nhà kêu cứu là tốt nhất. Lúc này
công an, quân đội luôn đi đầu và đã giúp dân. Khi đoàn thiện nguyện tính toán
đến sau lụt thì tốt nhất là tặng tiền, đèn pin, dầu ăn, soong, nồi... những thứ
có thể dùng lâu dài và thiết thực hơn thức ăn liền.
NGƯỜI TRONG CUỘC
NÓI
Nhà tôi cũng thường
bị ngập lụt. Năm nay, nhờ ơn trên, nên chưa có trận lụt lớn nào, tôi cũng chưa
nhận hàng cứu trợ!!! Nhưng trước đây, có đấy! Căn cứ vào mức nước ngập mà thôn
chia cho từng đợt nhận. Thôi của tặng cứ nhận. Dùng được thì dùng, không dùng
được thì tặng lại người khác. Một lần tôi nhận được một bao áo quần mà...
(thôi, hổng nói) và có một lần (năm 2017), nước lụt dâng cao mà vợ chồng tôi
không có ở nhà. Thấy cửa trống (quê tôi, ban ngày dù không ai ở nhà cũng không
đóng cửa! Thật đấy...), bộ đội và công an đã tự động chuyển giúp đồ đạc lên
cao. Hôm ấy không có lực lượng này thì gia đình tôi... gần như làm lại từ đầu!
Nên có mấy lời:
-Trong mùa lụt,
chính quyền địa phương đã khổ lắm rồi. Họ là những người vác tù và hàng tổng thật sự, đừng nên nhìn xoi mói vào họ để họ an
tâm làm phận sự. Những đoàn thiện nguyện đến rồi đi nhưng họ vẫn cứ bám trụ để
chịu khổ với nhân dân và chấp nhận lời ong tiếng ve...
-Người miền Trung
vùng lũ rất cảm ơn những tấm lòng và cử chỉ cao đẹp của đồng bào mọi miền nhưng
đừng vì một vài cá nhân mà đánh đồng dân miền Trung thế này, thế khác như một
kẻ vong ơn bội nghĩa.
-Hàng cứu trợ cần
sự thiết thực để khỏi uổng phí công sức và tiền của. Khi ta chưa cần mà không
nhận thì xem như coi thường, chê bỏ mà nhận thì không biết dùng vào việc gì. Bỏ
thì thương, vương thì tội!
NVC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét