KẺ NẶNG LÒNG VỚI HỒN QUÊ XỨ SỞ



(Đọc Mây ở phía quê nhà của Ngô Văn Cư, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2019)
VÂN PHI
Ngô Văn Cư là thầy giáo, hiện nghỉ hưu và đang sống tại quê nhà. Anh làm thơ, viết truyện ngắn, sách in cũng đã gần chục cuốn. Với Mây ở phía quê nhà, lần đầu tiên Ngô Văn Cư mang đến cho bạn đọc những cảm xúc mới: tạp văn!
Mây ở phía quê nhà, có nỗi niềm băn khoăn, trăn trở trước bao biến đổi rộn rạo cuộc sống, có điểm nhìn thực tại của tác giả về quê nhà trong sự soi chiếu với quá khứ. Nhiều trang viết hiện lên chân thật, đau đáu. Nhưng những hoài niệm ấu thơ, những giá trị một thời vun tạo nên nét đất hồn quê, những mảnh vụn của ký ức òa ập về trong nuối tiếc chiếm giữ lấy không gian trong tâm hồn người viết cất lên thành câu chữ, dường như là thứ dễ níu giữ độc giả hơn cả.
Quê nhà, nơi dung chứa bao điều đơn sơ, nhưng ấm áp tình người. Ai mà chẳng một lần bùi ngùi tìm về trong hành trình đời mình. Với Ngô Văn Cư, một nhà giáo hưu trí gần thất thập, là những miền xa ký ức mà có lẽ suốt hành trình đời mình, anh mãi khắc khoải, lưu nhớ: “Bây giờ nhớ lại một thời mà mỗi chúng ta khi nhắc đến đều nhớ quay nhớ quắt đến thèm thuồng, đến điên cuồng mà muốn được một lần trở về. Để thấy mình lại đang nằm đợi ngọn roi của cha, nghe tiếng nấc buồn của mẹ hoặc đang ngồi trong lớp học, có tiếng thầy cô trên bục giảng, có tiếng ve kêu buổi chớm hè, có ai đó đang ngơ ngẩn nhìn mình ở bàn kế bên… Giờ đây ai cũng lớn, già đi, mắt mờ, trí nhớ sút giảm nhưng những kỷ niệm thời thơ ấu bình dị, thân thương khó phai mờ theo năm tháng” (Trôi về phía cũ).



Người đọc nhận ra nỗi nhớ vô hình và sự nuối tiếc quá khứ khi tác giả soi chiếu lại hình ảnh tuổi thơ qua góc nhìn thực tại. Tuổi thơ ấy, tuy có thiếu thốn về vật chất nhưng ắp đầy những niềm vui dung dị, chân thành. Một thế giới tuổi thơ phong phú dành cho trẻ nhỏ của sự tương tác giữa những con người thực trong bình yên đồng làng, chất phác người quê chứ không phải là sự can dự của công nghệ hiện đại, sự loay hoay chạy theo nhịp độ sống tân tiến nhưng nhờ nhạt những giá trị tinh thần. Ở những tạp văn Khi già nhớ lại tuổi thơ, Quê nhà trong ký ức, Nhớ thời đi học vỡ lòng…, từng mảng ký ức chậm rãi được tái hiện như đưa người đọc đồng hành cùng tác giả. Nhẹ nhàng mà lằng lặng những thân thương xưa cũ, nào đã dễ nhạt phai…
Với tập sách này, từng mẩu chuyện, từng dòng hồi ức hay từng góc nhìn đều bao quanh chuyện xóm, chuyện làng, về đất và người vùng quê mà người viết gắn bó sâu đậm. Ở đó, nỗi nhớ hiển hiện cụ thể trong nỗi luyến tiếc về khu Rừng Cấm quê nhà, trong ký ức vẹn nguyên về bến Ba Cô, cầu Đồng Dài, về nét chợ quê ngày cũ, về bánh cuốn bán dạo của bà cụ Thiệt, về chiếc nón lá Vĩnh Đức, cây thị già Vạn Hội, v.v… Hoặc giản đơn, là một mùi hương. Mùi hương ký ức của đồng làng mùa gặt. Mà có lẽ, chỉ có người quê gắn kết qua bao mùa mưa nắng, cùng vui buồn lớn lên với đất với đồng qua tháng rộng ngày dài, mới thấu tỏ: “Sống lâu ở quê mới nhận ra những mùi rất riêng của lúa. Mạ non có mùi cỏ dại đọng hơi sương. Lúa tròn mình có mùi hương dịu ngọt của trẻ thơ. Lúa trổ đòng ngát hương thiếu nữ nguyên trinh. Lúa trổ bông có mùi hương đằm thắm của gái một con. Mùi lúa chín có vị ngọt của đất đai đồng bãi. Mùi đồng cay của rạ rơm đốt đi. Mùi hăng hắc, ngai ngái của rạ rơm oải mục…” (Hương mùa gặt).
Nhẹ nhàng thôi nhưng trang viết của Ngô Văn Cư đã khơi dậy những đồng cảm từ phía người đọc, nhất là với những người từng gắn chặt với đồng đất quê nhà. Tất nhiên, ở miền quê đong đầy ký ức ấy, làm sao có thể thiếu vắng hình bóng của những người thân yêu gần gụi. Lật những trang viết về mẹ của Ngô Văn Cư, người đọc như lắng lại bao nỗi niềm khi thấy một hài nhi tóc bạc bơ vơ lạc mẹ trong bước chân tìm về ký ức. Ký ức một thời tuổi thơ nông nổi đã không nhận ra tấm lòng chan chứa yêu thương và bao dung của mẹ. Để khi nhận chân ra giá trị yêu thương thực sự, thì quỹ thời gian dành cho người ta thương yêu đã khu hẹp lại. “Mẹ chính là người giữ lửa và truyền yêu thương cho mỗi bước chân con trên đường đời vạn dặm. Nhưng đoạn đường con về với mẹ là đoạn đường dài nhất và những năm tháng con sống bên mẹ trở nên ngắn ngủi vô cùng…” (Vì mẹ là mẹ của con).
Dường như, càng nặng lòng với quê nhà, tác giả càng để lòng mình trôi về phía cũ… Ngô Văn Cư tiếc nhớ cái nếp văn hóa mộc mạc người quê, thấy mình như bị tách rời khỏi những ồn ã phố thị đang dần xâm lấn. Và bằng ngòi bút của mình, anh nhẹ nhàng phơi bày bao thứ kệch cỡm xuất hiện và đang lan rộng ở làng quê anh sinh sống. Ví như chuyện “ô nhiễm tiếng ồn” và nhiều hơn thế là cách ứng xử lố lăng phá vỡ thuần phong mỹ tục trong tạp văn Đến đây không hát thì hò. Tác giả “phản ánh”: “Q sắm một dàn karaoke, thêm chiếc loa kéo to đúng âm thanh được khuếch đại hết cỡ, mỗi lần mở nhạc là cả xóm… kinh hoàng”. Và nhiều hơn thế: “gia đình ấy hát hò ầm ĩ cả trong những ngày giỗ chạp, cúng kiếng”. Đọc tạp văn này, người đọc cũng dễ dàng nhận ra, cái điều đáng buồn, “cười ra nước mắt” kia mà tác giả nói đến đâu chỉ là hiện tượng cá biệt ở quê anh. Nó đã lây lan như một thứ “dịch bệnh” thật sự về mọi nẻo miền quê, và sẽ càng lan rộng khi mà ý thức con người, tức là sự đề kháng, nhợt nhạt yếu ớt. Càng yêu quê nhà, yêu cái thanh bình vốn có và nét đẹp bình dị của quê hương đồng làng, Ngô Văn Cư lại càng lạ xa với những biến đổi nhộn nhạo, phản cảm ấy. Không dừng lại ở đó, chuyện “hội nhập” kệch cỡm, sự tàn phá môi sinh, hủy hoại rừng… cũng được tác giả đề cập đến với bao nỗi đau đáu, gợi cho độc giả nhiều suy gẫm.
Tác giả đã đưa ra cái nhìn trực diện về những vấn đề đang nhức nhối ở nông thôn hiện nay, tỏ rõ quan điểm không đồng tình với những thói, tật của con người lai pha giữa đồng làng và phố thị. Những luận điểm, góc nhìn ấy phần nào đã tạo sự thích thú nhất định với người đọc. Nhưng, sẽ thú vị hơn, khi những vấn đề ấy được lập ngôn theo cách dí dỏm, tung tẩy tinh quái vượt ra khỏi cái bóng của sự kiện, có lẽ sẽ neo nén nhiều hơn trong lòng người đọc. Trong văn chương đương đại, Mikhail Bakhtin quan niệm “bản chất văn hóa nằm ở ngoại biên”. Ngoại biên của ông trong tiếng Nga là granitxa, có nghĩa là ranh giới, biên giới, lằn ranh, giáp ranh, đường biên, sự tiếp giáp. Khai thác vùng ngoại biên, yếu tố văn hóa dân gian là một thế mạnh với ngồn ngộn tư liệu, vốn từ, tục ngữ, ca dao, thậm chí là từ thông tục để khiến cho lời văn sinh động, câu chuyện hấp dẫn, thông điệp tác phẩm dễ tiếp cận và dễ đọng lại. Về phương diện này, Ngô Văn Cư có phần “lành hiền”. Có lẽ, vì đặc thù nghề nghiệp nên văn anh có phần “nghiêm túc”? Nhưng với thể loại tạp văn, lối viết ấy không hẳn mang lại nhiều lợi thế. Có thể thấy, dường như tác giả chưa khai thác nhiều những lợi thế về mặt thể loại này. Một thể loại với những ảo hóa, tinh diệu, tích hợp phong phú từ lối diễn đạt đến xây dựng cấu trúc tạp văn.
Đây là lần đầu tác giả Ngô Văn Cư trải nghiệm với thể loại mới, và đã có những trang viết chạm đến những vấn đề đang được dư luận quan tâm. Đó là điều rất đáng quý khi phần nào cho thấy trách nhiệm của người viết với cộng đồng. Có thể rằng, với vốn ngôn ngữ, sự từng trải, góc nhìn tinh tế, nếu tiếp tục dấn thân, thể nghiệm, không ngại bứt thoát, tạp văn của Ngô Văn Cư có thể sẽ tạo ra nhiều bất ngờ và hiệu ứng tích cực hơn nữa.
Với Mây ở phía quê nhà, dường như tên sách cũng đã gói ghém cả những tâm tư của người viết. Tác giả dành nhiều dung lượng cho hoài niệm, cho tiếc nhớ, như một sự tri ân với đồng đất quê nhà bằng cả tấm lòng trìu mến với nét quê ngày cũ. Tạp văn của Ngô Văn Cư dung dị và chân thành, đáng mến như cách anh đang trò chuyện với bạn bè. Có lẽ nhờ vậy, Mây ở phía quê nhà dễ được người đọc yêu mến, đồng cảm.
V.P


Nhận xét