Thứ Tư, 14 tháng 5, 2025

ĐẾN VỚI CÂU THƠ HAY - Thái Hà

       

               .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .         

 

                Dáng cò trắng bước liêu xiêu

        Lưng trâu neo sợi dây diều tuổi thơ.

 

                       (Trích “Miền cổ tích của tôi” thơ Ngô Văn Cư)

 

LỜI BÌNH

 

Đắm trong ngọt ngào và sâu thẳm lòng người về tình quê, trong bài “Miền cổ tích của tôi” của nhà thơ Ngô Văn Cư, tôi lấy làm tâm đắc với hai câu thơ kết bài:

                Dáng cò trắng bước liêu xiêu

          Lưng trâu neo sợi dây diều tuổi thơ

          “Dáng cò trắng bước liêu xiêu”, hình ảnh đồng quê trìu mến thân thương hiện ra ngay từ đầu câu thơ. Có gì tiêu biểu hơn về chốn đồng quê, thân thuộc, ấn tựng bằng “bước liêu xiêu” của những “dáng cò”?

“Dáng cò” hay dáng người…, trên quê hương này, vẻ là bề ngoài nhưng vẫn là tấm gương, hiện lên được hình hài, cái lam lũ, lầm lụi, chân chất, bình dị và chan chứa yêu thương? 

 Hình ảnh con người và tình quê…

Tuổi thơ, ai mà không hăm hở, cười reo trong những buổi chiều hè mát rượi, thả diều cùng chúng bạn trang lứa trên những bãi rộng, dài của vệ cỏ ven đê làng, trên cánh đồng rạ rơm, yên ả quê mình sau mùa gặt hái.

Ý thơ, câu thơ của tác giả đã thực sự “neo” vào lòng tôi, lòng chúng ta như đã có sẵn tự bao giờ.

Dáng cò trắng bước liêu xiêu

Lưng trâu neo sợi dây diều tuổi thơ.

Tuổi thơ náo nức, nôn nao hiện về sao mà đẹp, sao mà mãnh liệt đến thế! Suýt chút nữa, tôi đã reo to lên sảng khoái cùng ý thơ trong một buổi chiều hè nồm nam, mượt mà cơn gió lộng.

 Lưng trâu neo sợi dây diều tuổi thơ, câu thơ hay, rất hay (theo tôi), nó là chùm hạt ngọc ánh lên nhấp nhánh, đính trong chuỗi ngọc (tám hạt) của dòng thơ tuyệt tác này. Lưng trâu là tấm bệ đỡ và “neo” mãi vào lòng mỗi chúng ta, tiếng sáo diều tuổi thơ vi vút bay bổng, vang vọng lên chín tầng cao xanh, thăm thẳm mây trời.

Hình tượng: lưng trâu – neo (sợi dây diều) – tuổi thơ, hình thành trong ta cái cảm giác đẹp, phấn chấn, sống động, rung động làm sao !

Tôi đã từng reo lên, khi lần đầu (thứ nhất) mắt được “nhìn” dây diều se bằng sợi nắng màu chiều lung linh đa sắc phản chiếu; tai “nghe” tiếng vi vu đồng vọng, âm vang sáo diều vút cao, neo chặt vào xanh trong của những tảng mây trời, qua  thơ Dương Đoàn Trọng:

Cuối ngày níu sợi nắng chiều

Se dây buộc tiếng sáo diều vào mây.

Ảo và thực quấn quyện nhau khó mà tách bạch. Cái ảo làm lung linh  cái thực. Cái thực lấp lánh thêm cái ảo. Và hồn ta, ngây ngất …say !

 Lần này, dây diều lung linh đến với ta theo một cách hay khác…

Ta cứ đinh ninh rằng, từ xưa đến nay, diều chỉ được bay cao, khi phải buộc chặt vào một vật cố định sẵn trên mặt đất, điều ấy như một sự hiển nhiên đã định hình vào ta đã ngàn năm nay rồi, đâu ngờ, đến lúc, trí não ta, trái tim ta được xoay chiều đổi hướng theo cách lạ, và đặc biệt theo cách đẹp riêng linh lung huyền diệu. Con diều giấy của tuổi thơ vừa bay bổng lên cao, vừa di động giống như con diều họ chim trời, tạo nên cuộc chuyển dời “lưu động” thú vị! Dây diều nhờ ai mà kết nối với lưng trâu (hoán dụ), khi nói về tuổi nhí, tuổi thơ, tác giả sáng tạo bằng biện pháp tu từ độc đáo hoán dụ này? Nhờ vậy, mới nói hết cái sung sướng hết mình, rung động hết mình của các bé ngắm diều bay liệng rợp trời, trong khi được ngồi chễm chệ, ngự trị trên tấm phản “ngai vàng” vững chãi, oai phong, ngoan hiền, di động… lưng trâu.

   THÁI HÀ



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào: