CHUYỆN ĐÔI BÔNG TAI NGÀY CƯỚI - Tản văn: Ngô Văn Cư

.


Ngày cưới, tại nhà đàng gái, bà mẹ chồng đeo đôi bông tai cho cô dâu. Đây là một phong tục Vệt Nam hình thành từ lâu. Dẫu ta có học tập theo Tây là đeo nhẫn cưới nhưng đôi bông tai cho ngày dạm hỏi hoặc ngày cưới không thể thiếu. Mẹ chồng đeo bông tai cho cô dâu mới vừa có ý nghĩa là cô gái đã được gia đình nhà trai chấp nhận cô gái, đồng thời thể hiện niềm tin nàng dâu sẽ là sợi dây gắn kết yêu thương và mang lại hạnh phúc cho con trai của mình. Đôi bông tai là của để dành và là vật làm tin đối với cô dâu mới của gia đình. Có khi, sau ba ngày cưới thì đôi bông tai lạ được tháo ra cất kỹ, chỉ đem ra đeo vào những ngày trọng đại của gia đình. Đôi bông tai cưới có thể được truyền lại cho người con dâu kế tiếp , xem như là sự nối tiếp không ngừng sợi dây tình cảm của gia tộc.


Từ ngày xưa… rất xưa, các Bà Mụ thường “xỏ lỗ tai” cho bé gái mới sinh như là “giấy chứng minh” khẳng định giới tính và làm hành trang cho ngày đi theo chồng. Những bà mẹ thỉnh thoảng phải cho con đeo cộng chiếu cói để lổ tai khỏi bị liền da. Như vậy, “cộng chiếu” coi như là đôi bông tai đầu đời của bé gái. Nhà nào khá giả thì cho con đeo đôi bông tai khoen tròn hoặc bông tai tòn ten. Nhưng thường thì bé gái từ chối vì vướng và bị bè bạn chọc là “muốn chồng”! Từ đôi bông tai cộng chiếu, người con gái mơ ước đến đôi bông tai lóng lánh ánh vàng, sáng chói màu kim cương là một hành trình rèn luyện công dung ngôn hạnh. Khi mẹ chồng đeo bông tai cho nàng dâu, thường là bông tai xỏ sát có hình dạng tròn chứ không phải bông tai tòn teng, là gửi gắm  niềm mong ước sự gắn bó, được vuông tròn trong đạo làm dâu. Cho nên đôi bông tai không thể là vật để bán đi mà có khi là của gia bảo được những bà mẹ truyền lại cho con dâu trưởng từ đời này sang đời khác.
Ngày tôi cưới vợ, dù cái nghèo cái đói bủa vây nhưng má tôi cũng chạy cho được một chỉ vàng làm lễ cưới cùng mấy đồng bạc nát và cũng không thể thiếu đôi bông tai… 5 phân vàng. Cái đận cả đất nước chìm trong “giá, lương, tiền”, mấy đồng bạc lương tháng của tôi không đủ trang trải cho gia đình vừa có thêm thành viên mới, tôi phải bán rất nhiều thứ để được qua bữa nhưng đôi bông tai vẫn “ngoan cố” giữ. Khi đứa con biết nghịch phá vô tình làm gãy một chiếc bông tai. Vợ chồng tôi mới quyết định… bán nhưng cũng thống nhất là phải xin ý kiến của bà nội. Má tôi ngậm ngùi chấp thuận “Đến nước này thì hai con bán đi cũng được, nhưng nhớ cái mẫu bông tai này, khi nào làm ăn được thì làm lại…”. Tiện tặn, 5 phân vàng bông tai, gia đình tôi cũng lây lất được nửa tháng! Bây giờ, tôi có thể làm đôi bông tai lớn hơn thế nhưng đôi bông tai ngày cưới không còn, mất hết ý nghĩa, nên thôi! Ngày đứa con trai đầu - đứa làm hỏng đôi bông tai kia - cưới vợ, tôi phải làm đôi bông tai khác. Vợ tôi lại đeo đôi bông tai cho con dâu nhằm gởi gắm một niềm tin… Ngày con gái tôi đi lấy chồng, tôi đã rưng rưng khi bà cô chồng - thay mặt người mẹ chồng đang bị bệnh - đeo đôi bông tai. Lại một niềm tin mới, một hạnh phúc mới nhen lên.
Chuyện đeo bông tai trong ngày cưới tưởng chừng như đơn giản nhưng nó có nhiều ý nghĩa bất ngờ. Những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam luôn luôn được giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ sau mà không phải ai cũng biết tường tận. Ý nghĩa của đôi bông tai ngày cưới là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt!
NVC
http://w.w.w.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=20&mabb=131816&fbclid=IwAR2_zjKD79oWWXCtU5ilbeZ_gTEVgZVNfg8F6SqZX9puKBTpvgisQFCHbo4
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, hoa và văn bản

Nhận xét