Lời bình truyện ngắn HỌP của NGÔ VĂN CƯ in trên VNBĐ số 65


Lời bình truyện ngắn HỌP của NGÔ VĂN CƯ đọc trên đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định trong chương trình Đọc truyện cuối tuần ngày 24.11.2018


Tác giả: Lê Hoài Lương
.
Chuyện muôn đời việc cha mẹ già yếu con cái tị nạnh nhau việc chăm nom. Dĩ nhiên không nói những gia đình thuận hòa, yêu thương nhau, có trách nhiệm với máu mủ ruột rà. Trong văn chương, mảng góc riêng tệ bạc, bất nhẫn này xưa nay cũng là đề tài quen thuộc. Truyện ngắn của Ngô Văn Cư trong tuýp chung ấy.
Quanh chuyện người mẹ già đau bệnh, gần đất xa trời, anh chị em gia đình ấy có 3 cuộc họp: nuôi chăm mẹ đau bệnh, lo phần hậu sự tang lễ và chuyện xử lý phúng điếu cúng giỗ.
Đùn đẩy nhau trách nhiệm chăm nuôi mẹ và toan tính việc chia tiền phúng điếu, những người con lớn đã hiện lên đúng bản chất toan tính vô đạo của mình. Chuyện cuối cùng ánh lên vẻ đẹp đạo nghĩa khi vợ chồng người con nhỏ cũng làm tròn hiếu thuận.
Truyện ngắn “Họp” có mấy điểm thành công. Chuyện lý lịch các đời con khéo léo lồng ghép phần nào cho thấy hiện trạng xã hội và thân phận người phụ nữ thời đất nước gian lao. Tên những người con: 2 Trước, 3 Lầm, 4 Thấm, Út Thía cũng là dụng ý hiệu quả. Không cần rườm lời mô tả tính cách, tự cuộc họp và các diễn biến đã bóc tách toàn bộ tâm tính nhân vật. Yếu tố châm biếm nhẹ nhàng: bề ngoài làng xóm luôn thấy những đứa con đồng thuận lo cho mẹ: thực tế việc những người anh chị đòi chia tiền phùng điếu, người con nhỏ dành sẵn mấy bó nhang đèn là đỉnh điểm kịch tính. Nó vỡ òa bẽ bàng như bị chơi khăm, chưng hửng một quả báo.
Ngô Văn Cư chỉ như người tường thuật các cuộc họp có thật chứ không phải viết văn. Gãy gọn, mạch lạc, sắc lạnh, mạch truyện tự nhiên và tới đích.
“Họp”, một truyện ngắn rất đáng đọc từ đề tài khá quen thuộc./.


Tác giả: Vân Phi

Truyện ngắn Họp của tác giả Ngô Văn Cư khai thác thể tài khá quen thuộc về tình cảm gia đình, mà ở đây là sự đối xử của con cái đối với chính đấng sinh thành của mình, để lại cho người đọc nhiều suy gợi.
Truyện xoay quanh hoàn cảnh của một gia đình người mẹ có bốn đứa con. Hai người con đầu của hai ông cha khác nhau thuộc về hai chiến tuyến được sinh ra trong những năm tháng chiến tranh. Hai người con sau của một người cha khác ở thời bình. Bà đi qua bao dèm pha người đời, dãi dầu xuôi ngược nuôi nấng các con trưởng thành. Nhưng đến cuối đời, cái bà nhận lại là sự hờ hững của đa số các con khi họ né tránh chuyện phụng dưỡng người mang nặng đẻ đau ra mình.
Qua những cuộc họp gia đình của các người con, tác giả bóc mẽ cái chữ hiếu vờ vịt của các con, những đứa con đặt nặng những toan tính nhiều hơn là tình thương. Đọc truyện mà cười ra nước mắt, mà giận, mà cay đắng với cách hành xử của vợ chồng Hai Trước, Ba Lầm, Bốn Thấm... Họ một mặt vừa đùn đẩy trách nhiệm chuyện chăm sóc mẹ những năm tháng già yếu cuối đời nhưng lại vừa tham lam chút tiền thăm đau, phúng điếu. Tấn “bi hài kịch” này được tác giả khắc họa thành công qua cách dẫn truyện khá có nghề, để câu chuyện cứ khiến người đọc suy tư.
Cái bạc bẽo của tình người khi bị vật chất lấn át được tác giả đặt vào trong một hoàn cảnh gia đình cụ thể. Sự nối kết của các cuộc họp lần lượt như từng bản án tố cáo lòng dạ của những đứa con. Nhưng không phải người con nào cũng vô tình với bậc sinh thành… Ở một chừng mực nào đó, người con út đã dành tình thương yêu cho mẹ mình bằng việc tiếp nhận sự đùn đẩy và hết lòng chăm sóc cho mẹ. Hành động của người con út, như muốn cho vợ chồng những người anh một bài học liệu có hiệu quả không khi có những thứ khác được họ xem trọng hơn là tình yêu thương trong gia đình, xem trọng hơn cả người mẹ đã từng mang nặng đẻ đau mà lẽ ra bà đáng để cảm thông, yêu thương hơn là trách giận kia?
Tác giả xử lý nội dung gọn, chắc, có sự đan nối hài hòa và bố trí nhiều tình tiết khá bất ngờ như chi tiết vợ chồng Út Thía chối từ nhận quà thăm đau, nhận tiền phúng điếu..., hay sự lật lọng “tỉnh như ruồi” bằng “cái giọng nhẹ tưng” của Hai Trước… Cay xót, mai mỉa. Truyện làm người đọc cười ra nước mắt, để sau đó lằng lặng ngẫm nghĩ về lẽ đời, về những giá trị yêu thương trong gia đình bị biến thể, bào mòn…
Theo tôi, đây là một truyện ngắn khá hay của tác giả Ngô Văn Cư, hẳn sẽ tạo nhiều ấn tượng cho bạn đọc./.

V.P



HỌP

Truyện ngắn NGÔ VĂN CƯ

Hai Trước e hèm một tiếng như muốn khạc cục đờm mắc trong cổ họng rồi mới nói:
-Đứa nào cũng có gia đình riêng. Mẹ sống một mình, lại đang đau yếu. Đáng lẽ tao là người có trách nhiệm chính chăm sóc mẹ. Nhưng vì mẹ lại lấy chồng khác nên tao…
Ba Lầm cắt ngang:
-Vậy ý anh là sao?
-Là tao chỉ hỗ trợ cho đứa nào nuôi mẹ. Chứ sao!
-Anh nói cũng kỳ…
Kỳ là kỳ thế nào? Hai Trước rất nhiều lần tỏ thái độ với mẹ về việc mẹ sinh thêm những đứa em mà làm cản trở đường công danh của mình. Chuyện bà Đảm xinh đẹp nhưng lận đận trong hạnh phúc gia đình ở làng này ai chẳng biết. Vừa đủ tuổi lấy chồng đã là vợ của Tiệm làm nhiều trai làng ngẩn ngơ. Cuộc sống chồng vợ chưa nát chiếc chiếu cói thì Tiệm lên đường đi tập kết nhưng kịp để lại một sinh linh hình thành trong bụng bà Đảm. Cũng như mọi người, Tiệm hẹn hai năm sau sẽ về. Nhưng đã vài lần hai năm đi qua mà tin tức chồng vẫn biệt tăm. Người mẹ trẻ xinh đẹp và đứa con nhỏ phải sống qua những ngày gian khổ nhất của chiến tranh. Bà đã nối được với cơ sở cách mạng, hy vọng sẽ biết tin người chồng ở miền Bắc. Nhưng giữa thời buổi chiến tranh loạn lạc, bóng người và tin tức vẫn mù mịt… Rồitình cảm của bà lại gắn với một cán bộ nằm vùng. Không ngờ đó lại là kẻ phản bội, chiêu hồi. Bà lao đao, khốn đốn khi tên này công khai tham gia vào chính quyền xã của Việt Nam Cộng Hòa. Trước khi bị những người kháng chiến trừ khử thì hắn cũng kịp để trong dạ bà Đảm một mầm sống. Đứa con có tên Lầm là lý do ấy. Hai Trước cho rằng sau năm bảy lăm, lý lịch bị vết đen do mẹ có quan hệ với kẻ phản bội nên anh không được cơ cấu vào công việc nào ở địa phương, dù có cha đi tập kết và bản thân có học hành... Hai Trước trở thành một nông dân lam lũ nhìn bạn cùng lứa xênh xang trong ủy ban hoặc hợp tác xã mà căm giận đời, căm giận người. Cụ thể là giận mẹ và đứa em tên Lầm cùng mẹ khác cha. Đây không phải là lần đầu Hai Trước tỏ thái độ với mẹ, với em. Bây giờ còn là sự thoái thoát, chối bỏ trách nhiệm. Hai Trước quay sang hỏi vợ:
-Bà thấy thế nào?
-Ông quyết thế nào thì tui nghe thế ấy!
-Vậy là Ba Lầm đem mẹ về nhà nuôi, nhen! Cho tiện.
-Em còn hai đứa con đang học đại học. Em như người lỡ phóng lao… trong khi mùa màng mấy năm nay thất bát.Vợ chồng em còn phải bươn chải nơi đầu rừng cuối bãi. Mẹ về sống với em thì nhà em lại mất thêm một lao động để chăm sóc. Mấy chục năm nay vợ chồng em có ngẩng mặt lên được chút nào đâu!
-Thì cả nhà này, ai là người ngẩng đầu lên được khi bố của chú mày có nợ máu với nhân dân.
-Chuyện đã xảy ra lâu rồi mà anh!
-Nhưng mỗi lần mở lý lịch ra thì… mới toanh! Cũng vì cái lý lịch chết tiệt ấy mà ai cũng phải ngụp mặt vào đồng ruộng. Con cái phải phiêu dạt khắp nơi mới có cơ may mở mày mở mặt. Còn bám trụ lại đây là những bọn già yếu, vô tích sự!
Vợ của Ba Lầm xía ngang:
-Thôi đi mấy anh. Lần nào gặp nhau cũng nhắc lại chuyện lý lịch. Đã gần xuống lỗ hết rồi. Mẹnằm đấy càng gần hơn. Tuổi già đến thì có bao lăm thời gian bên nhau nữa…
Rồi chị quay sang Bốn Thấm:
-Hay là vợ chồng em đem mẹ về nuôi?
Bốn Thấm cũng là con cùng mẹ khác cha của Hai Trước và Ba Lầm. Sau khi bố của Ba Lầm mất,bà Đảm vẫn còn xuân sắc lắm. Với hai đứa con nhỏ nheo nhóc bên hông thì chẳng còn người đàn ông nào lai vãng quanh nhà nữa. Nhưng phận làm vợ, làm mẹ vẫn đeo bám nên bà gặp ông Quý, một nông dân cũng đã một lần lỡ dở chuyện gia đình. Rổ rá cạp lại mà thành đôi. Bốn Thấm và Năm Thía là con của người chồng thứ ba này! Bà Đảm đã công bằng khi sinh cho mỗi người một trai nhưng có phần thiên vị cho người chồng thứ ba. Thấm và Thía lớn lên và học hành trong hoàn cảnh đất nước đã thống nhất. Hiện giờ, Thấm và vợ là giáo viên của một trường Tiểu học. Anh chị lập nghiệp luôn nơi công tác, cách nơi chôn nhau cắt rốn chừng hai chục cây số nhưng khác huyện. Cuộc sống giáo viên ổn định với đồng lương ba cọc ba đồng và phải giảm thiểu tối đa các loại chi phí sinh hoạt cá nhân mới tích cóp đủ cất cái nhà nhỏ và nuôi con ăn học. Nghe vợ Ba Lầm gợi ý đưa mẹ về nuôi, Bốn Thấm rất khó xử. Dẫu sao mình cũng là người có học, mang danh trí thức của gia đình. Anh đang loay hoay với quyết định thì vợ anh đã lên tiếng:
-Chị Ba nói thế cũng phải thôi. Mẹ là mẹ chung của chúng ta. Ai cũng có thể đưa mẹ về nhà mình. Nhưng với vợ chồng em thì có nhiều bất tiện.
Hai Trước cướp lời:
-Bất tiện là bất tiện thế nào? Chú thím có học có hành đưa mẹ về nuôi là hợp lý nhất. Người ngoài nhìn vào, gia đình chú thím càng thêm đẹp mặt.
-Nhưng nhà em xa. Lại ở huyện khác. Nói dại, lỡ mẹ qua đời. Mẹ lại không được chôn cất bên người thân…
-Sao lại không? Khi mẹ sắp mất thì đem về nhà anh, chôn ở nghĩa địa làng!
Út Thía ngậm ngùi:
-Mẹ còn nằm đó mà mấy anh chị đã nói đến chuyện chết chóc.
Vợ Ba Lầm chợt quay sang Út Thía:
-Hay là em đưa mẹ về nhà em. Vợ chồng em cũng có điều kiện nhất trong mấy anh em.
-Dạ, nhà em vừa là nơi ở vừa là nơi buôn bán, khách khứa vô chừng, không yên tĩnh cho người già, người đau.
Hai Trước nói như đã quyết định:
-Thôi! Chúng ta thống nhất như thế đi. Không con đầu thì con út vậy! Út Thía có trách nhiệm nuôi mẹ từ hôm nay. Anh em có gì thì hỗ trợ nấy để tạo điều kiện…
Vợ Út Thía rụt rè:
-Trước khi đi họp gia đình, anh Thía có dặn là anh chị nói gì cũng đừng ý kiến cãi cọ mà mất hòa khí, nhưng…
Hai Trước vẫn nóng nảy:
-Cứ nhận nuôi mẹ rồi nói gì thì nói.
-Dạ, em nhận nuôi mẹ với ba điều kiện.
Ba Lầm nói:
-Ba điều kiện chứ ba trăm cũng được…
Hai Trước lườm Ba Lầm:
-Chú cứ để thím Út nói các điều kiện.
-Dạ.Nhà của mẹ và nhà em cũng gần. Nên thứ nhất là mẹ vẫn ở nhà mẹ nhưng em lo đầy đủ ngày ba bữa cơm, giặt giũ sạch sẽ. Thứ hai là anh chị nào có hỗ trợ gì để lo cho mẹ thì cũng phải thông qua em, không được lấy lý do là mẹ mình mà cho ăn uống, thuốc men một cách tùy tiện. Thứ ba là khi mẹ mất thì vợ chồng em được chôn cất, thờ phụng.
Hai Trước trợn mắt:
-Không được! Hai điều kiện trước thì có thể chấp nhận. Điều kiện thứ ba là không được! Thế thì người ta ỉa vào mặt tao đấy à? Con trai trưởng phải thờ mẹ chứ. Mẹ mất thì đưa về nhà tao thờ phụng, để tao làm tròn bổn phận.
-Thế thì anh cứ nuôi mẹ ngay bây giờ đi! Em không giành giật gì đâu.
Ba Lầm nói như dàn hòa:
-Thì thím Út cứ để anh Hai làm tròn bổn phận ngay bây giờ đi. Anh nuôi và thờ phụng mẹ mới tròn bổn phận.
Út Thía cũng đế vào:
-Anh Hai muốn làm tròn bổn phận thì chúng em xin nhường.
Vợ Hai Trước không còn để chồng quyết định nữa:
-Thôi thì chấp thuận theo đề nghị của thím Út. Lần đầu tiên nhà ta có cuộc họp đông đủ như thế này và cũng đã thống nhất cao chuyện phụng dưỡng mẹ.
Cuộc họp kết thúc nhanh chóng khi vợ chồng Út Thía nhận nuôi mẹ già đang bệnh và mọi người tin rằng mọi thứ vẫn diễn ra bình thường và chuyện vừa xảy ra là hợp lý chẳng đáng quan tâm.
Nhưng công việc buôn bán của vợ chồng Út Thía tại nhà khá bận rộn nhất là từ khi nhận chăm sóc mẹ già, vợ chồng anh phải sắp xếp giờ giấc thật khoa học để dọn dẹp nơi ở của mẹ sạch sẽ, gọn gàng,ăn uống đúng bữa, thuốc uống đúng giờ… Và, còn lắp cho mẹ một chiếc ti vi để nhà thêm tiếng người. Mẹ vui và khoẻ dần. Có thể ngồi dậy, vịn đi… Các anh chị đã yên tâm, cũng ít đến với mẹ. Một hôm vợ Ba Lầm gọi vợ Út Thía thầm thì, quan tâm:
-Mẹ đau nằm một chỗ lâu ngày, có bà con hoặc chòm xóm nào đến thăm hỏi gì không?
-Dạ, tình làng nghĩa xóm và quan hệ… có nhiều người thăm làm em cũng tốn khá nhiều thời gian tiếp.
-Họ có tặng… biếu… gì không?
Vợ Út Thía cảnh giác:
-Dạ, thông thường là đi thăm đau, ai cũng mang theo quà tặng.
-Anh chị Hai Trước chưa bàn gì với em à? Quà tặng biếu mẹ từ người thân, bạn bè của ai thì nên chuyển cho người ấy để sau này mấy anh chị có cái mà trả nợ! Thế thì vợ chồng em phải chuyển quà tặng của những người có quan hệ với các anh chị nhen!
-Dạ!
Vợ Út Thía hiểu ngay ý của mấy anh chị thông qua chị Ba Lầm nên bàn với chồng… Từ đó, những người đến thăm hỏi có quà thăm đau bà Đảm đều bị từ chối. Các anh chị thấy mình đã bị chơi khăm nhưng chuyện đã xảy ra rồi, không thể nào mở miệng nói lại.
“Sinh, lão, bệnh, tử” là một quy luật mà mỗi người đều phải qua. Có người đi trọn một vòng có người chỉ đi trên một vài bước rồi… thôi! Phải nói bà Đảm đã đi trọn vòng sinh tử của đời người. Bà nếm đủ mùi vị của hạnh phúc, đau khổ mà yên tâm về với những người đàn ông đã đi qua cuộc đời bà. Chỉ có những đứa con chưa yên tâm để mẹ đi về phía bờ bên kia mà không biết bắt đầu đi từ bến nào! Từ ngày bà Đảm trở nặng được bệnh viện cho về nhà, đồng nghĩa với cái chết đã gần kề, cuộc họp gia đình lần nữa cũng đầy đủ con trai, con dâu. Mở đầu cuộc họp vẫn là Hai Trước:
-Lần này, mẹ khó qua khỏi. Chúng ta phải thống nhất việc hậu sự, kẻo không kịp. Mẹ quen sống một mình nhiều năm rồi. Nhưng khi chết, không thể thờ mẹ trong nhà không người, thiếu người hương khói.
Vợ Ba Lầm vẫn nhanh nhẩu:
-Hay là chuyến mẹ từ bệnh viện thẳng về nhà em. Tổ chức tang gia và thờ phụng ở đó. Nhà em gần nhà mẹ nhất, chỉ thông cái hàng rào.
-Thím nói lạ nhể! Gần là gần thế nào? Tôi vẫn còn sờ sờ đây, là con dòng chính, con trưởng…
Bốn Thấm góp ý với Hai Trước:
-Anh mới nói lạ. Tất cả đều là con của mẹ, đều là dòng chính cả. Ai cũng có thể thờ phụng mẹ được cả. Nhưng trước đây chúng ta đã thống nhất là khi mẹ quá vãng thì đưa về nhà Út Thía. Cứ thế mà làm!
-Cứ thế mà làm… mà làm… làm thế mọi người ỉa trên đầu tao à? Mọi người sẽ cho nhà ta không tôn ti.
-Biết thế sao không nuôi mẹ từ khi mẹ đau yếu, nằm liệt một chỗ.
-Đó là vợ chồng Út Thía có điều kiện mà chấp thuận.
-Bây giờ chắc Út Thía cũng đủ điều kiện.
Vợ Ba Lầm thẽ thọt:
-Thôi thì cứ đưa mẹ về làm tang lễ và thờ phụng ở nhà chú Út. Nhưng…
-Nhưng… Rồi sao? Sao ngập ngừng không nói?
-Tôi có một đề xuất như thế này, nếu được thì ổn thỏa tất cả!
-Nói đi! Nói đi!
-Gia tài mẹ để lại không có gì ngoài cái nhà xập xệ và mảnh đất nhỏ. Ta sẽ bàn sau. Bây giờ mẹ đem về nhà Út Thía sẽ tốn kém cho vợ chồng chú Út. Rồi sau này chú thím nó còn phải quan hệ với những người viếng tang. Anh em chúng ta cũng thế. Nên…
-Nói nhanh vào trọng tâm – Hai Trước nóng lòng!
-Chi phí cho tang lễ phải ghi thật cụ thể, để sau này anh em phụ vào với chú Út nếu quá tốn kém. Và danh sách người đi đám phải kiểm tra rạch ròi tiền bạc và quan hệ với ai…
-Nghĩa là sao?
-Là người có quan hệ với anh Hai thì anh nhận tiền phúng điếu ấy.Của vợ chồng tôi thì tôi nhận.Của vợ chồng chú Bốn Thấm thì…
Thì ra, vợ Ba Lầm nói gì cũng nhắm vào mấy đồng bạc phúng điếu trong tang lễ. Hai Trước cũng không khác nhưng có vẻ là người có trách nhiệm gánh vác việc gia đình. Nắm được ý của vợ Ba Lầm, anh cắt ngang:
-Hiểu rồi! Sau khi mọi người nhận, còn lại là của chú Út, phải không? – Hai Trước quay qua vợ chồng Út Thía – Vợ chồng chú mày thấy thế nào?
Vợ Út Thía lên tiếng:
-Dạ. Khi trước, em chỉ nói đưa mẹ về nhà em làm tang lễ và thờ phụng chứ không nói chuyện nhận toàn bộ tiền phúng điếu. Mấy anh chị tính sao thì vợ chồng em chịu vậy.
Sự mềm mỏng và biết điều của vợ Út Thía làm cuộc họp kết thúc nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Mọi gút mắc được tháo gỡ. Không chỉ là trách nhiệm mà quyền lợi cũng đi kèm. Tất cả hồ hởi chuẩn bị cho tang lễ của bà Đảm nhưng ai cũng mang khuôn mặt buồn buồn, đau khổ.Hàng xóm cho rằng bà Đảm có phúc. Bốn đứa con của ba người chồng nhưng có tiếng nói chung. Hiếu thảo. Đoàn kết. Yêu thương. Nề nếp… Bà đã ra đi trong tiếng khen nức nở của bà con xóm làng! Một đám tang ấm cúng mà tình nghĩa.
Nhưng không ai biết rằng sau khi bà Đảm mồ yên mả đẹp thì một cuộc họp nữa của gia đình vào ngày mở cửa mả. Từ ngày bà Đảm ngã bệnh,cuộc họp nào cũng đầy đủ con trai, con dâu trong gia đình, khiến ai cũng thấy ấm cúng, đoàn kết. Mở đầu vẫn là Hai Trước hỏi vợ chồng Út Thía:
-Vì sao không nhận tiền phúng điếu?
-Vợ chồng em vẫn nhận sự phúng điếu của mọi người đấy chứ!
-Nhận phúng điếu! Tao đã để thùng phúng điếu trước bàn vong nhưng vợ chồng bay lại dán kín và ghi tờ giấy: Chỉ nhận nhang đèn phúng điếu – Không nhận tiền! Sao thế?
-Dạ, để anh chị khỏi phải mang nợ…
-Nhưng đã thống nhất từ cuộc họp trước…
-Dạ. Vợ chồng em cũng đã ghi và phân chia cụ thể cả rồi – Vợ Ba Thía quay sang chồng – Anh vào trong mang ra đây!
Ba Thía vào nhà trong khệ nệ bưng ra một ôm nhang đèn.
-Vợ chồng em đã ghi danh sách những người phúng điếu mẹ và số nhang đèn của từng người. Các anh chị nhận về để bàn thờ mẹ bớt hiu quạnh!
Chưa bao giờ vợ Ba Lầm nóng như lúc này.
-Phân chia là có phúng điếu tiền bạc nhen! Chứ không phải mấy thứ nhang đèn dùng để đuổi muỗi kia. Sao chú thím không nhận tiền phúng điếu mà không bàn bạc gì với mấy anh chị vậy? Hả?Ai cũng bận rộn bên quan tài của mẹ để vợ chồng chú thím đã qua mặt… Tôi không nhận những thứ này!
Bốn Thấm không giấu được nụ cười mỉa mai:
-Út Thía hãy công khai chi phí toàn bộ tang lễ để mấy anh chị hỗ trợ.
Hai Trước đỏ mặt:
-Không có hỗ trợ gì cả! Có nhận tiền phúng điếu mới trích ra. Đằng này… Vợ chồng Út Thía hãy nhận hết số nhang đèn này và lo ngày tuần, giỗ mẹ. Thế nhé! Hổng bàn nữa.
-Dạ! Hổng bàn nữa. Nhưng mai bắt đầu xây mộ mẹ rồi.
-Mẹ mất ở nhà Út Thía. Bàn thờ cũng đặt ở nhà Út Thía. Vậy Út Thía xây mộ cho mẹ là đúng rồi!
Hai Trước kết luận nội dung cuộc họp bằng một giọng nhẹ tưng!

N.V.C
Nguồn: T.c VNBĐ 65

Nhận xét