CHUYỆN KỂ CỦA BA TÔI

                                                  

                                    (Về một nhân vật có tên trong Văn Chỉ Hoài Ân)

Sinh thời, ba tôi thường kể lại cho con cháu nghe những câu chuyện có liên quan đến những nhà khoa bảng, những gương học tốt để khuyên dạy con cháu… Có một câu chuyện liên quan đến một vị đỗ Thủ khoa Cử nhân khi còn rất trẻ. Đó là ông Lê Truân (còn gọi là Lê Chân); quê ở thôn Thanh Lương, ÂnTín, Hoài Ân, Bình Định; đỗ Thủ Khoa Cử nhân khoa thi Thành Thái thứ 18 (1906) khi ông mới 23 tuổi.
Số là, theo quy định thi Hương có 4 kỳ:
Kỳ 1: thi kinh nghĩa, thư nghĩa.
Kỳ 2: thi chiếu, chế, biểu.
Kỳ 3: thi thơ, phú.
Kỳ 4: thi văn sách.
Thi qua cả 4 kỳ thì đỗ Cử nhân, Người đỗ đầu gọi là Giải Nguyên. Những người đỗ Cử Nhân được bổ dụng làm quan ở cấp tỉnh, cấp trung ương hoặc được đi làm quan các huyện, dần dần mới lên chức vụ cao hơn. Nhưng muốn dự thi Hương phải qua hai điều kiện gọi là Khảo Hạch.
1, Phải có đạo đức tốt và lý lịch trong sạch, được xã trưởng và quan địa phương xác nhận.
2. Phải kiểm tra trình độ học lực lúc đầu nhưng không tính vào nội dung thi Hương 4 kỳ trên.
Do có quy định như thế nên trước khi đi thi, Lê Truân phải đến gặp các quan địa phương để xin xác nhận. Khi nhìn thấy một cậu còn nhỏ tuồi, vóc dáng nhỏ con, khép nép gữa đình làng Thanh Lương (một cái đình lớn thuộc Tổng Quy Hóa, nay là thôn Thanh Lương, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân); các vị chức sắc có vẻ xem thường, muốn thử tài. Có người đề nghị là Lê Truân phải đối được câu đối do các cụ ra mới đóng triện cho đi thi, còn không, thì phải về nhà học thêm. Vế ra như sau:
-Ngô văn thiên tải giáp khoa, thanh thủy trường giang trường đạo mạch.
Không cần suy nghĩ lâu, Lê Truân đã đối lại:
-Thánh tự nhất tâm chi húy, lương ba tự cổ tự thiên kim.
(Theo lời giảng của ba tôi, có nghĩa: -Tôi nghe nghìn năm mới có được một khoa (tiến sĩ), mà năm này qua năm  khác nước trong xanh nơi sông lớn (cứ) chảy một đường dài; -Văn hay đến tột bực (thì tôi)  một lòng kiêng sợ, nhưng con sóng tốt đẹp tự ngàn xưa vẫn gợn (trên dòng nước xanh kia) như được dát vàng)
Cái hay của câu đối là con sóng đẹp của vế đối đã vượt trên dòng  nước trong xanh của vế ra; và nhất là ghép chữ thanh ở vế ra và  chữ lương ở vế đối  được chữ Thanh Lương  là địa danh của  đình làng Thanh Lương.
Dĩ nhiên với câu đối trên các vị đã vui mừng tiễn Lê Truân đi thi và quả nhiên,  khoa thi Thành Thái thứ 18 (1906), tại trường thi Bình Định, ông đã đỗ Thủ khoa, lúc mới 23 tuổi.
Một giai thoại nữa không thể không kể ra đây, là khi Thủ Khoa Lê Truân vinh danh về quê, dân làng Tổng Quy Hóa đem võng đến tận Hoài Nhơn để đón nhưng vị Thủ khoa thấy mình còn quá nhỏ tuổi nên không dám ngồi võng mà cùng dân đi bộ về. Khi trở lại đền Thanh Lương báo công, lúc đang hành lễ thì cây xà của đình làng bỗng gãy đổ. Mọi người cho rằng đây là điềm không tốt…!
Quả nhiên, sau đó chẳng bao lâu, ông mất, cuộc đời ngắn ngủi, chưa kịp thi thố tài năng… nhưng trong lòng người dân Hoài Ân vẫn luôn nhớ đến ông là một nhà khoa bảng làm rạng rỡ cho quê hương Hoài Ân, là tấm gương cho con cháu học tập.
Ngô Văn Cư
      
       

Nhận xét