BẮT TRỘM - Truyện ngắn: Ngô Văn Cư



Tuyết lay vai chồng gọi khẽ
-Anh.. anh…
Minh ngái ngủ:
-Gì thế?
-Hình như nhà cô Tư có trộm… có tiếng rì rầm ở bển…
-Ngủ đi! Có con Lan trong nhà…
Minh xoay người nằm im. Tuyết vẫn thao thức. Đúng là có con Lan nhưng nó con gái mới lớn. Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu nhưng nó còn khờ lắm nên trước khi đi xa vắng nhà cô Tư đã nhờ vợ chồng Tuyết để mắt xem chừng nhà và Lan. Người nhà quê sống tin tưởng và gắn bó với nhau lắm. Nhất gia hữu sự bách gia ưu! Cô Tư tin tưởng mình thì mình phải có trách nhiệm.

Cô Tư là hàng xóm sát vách với gia đình Tuyết. Không biết tên thật cô là gì nhưng cứ gọi cô Tư miết thành tên. Cô chỉ có một đứa con gái đang còn là học sinh phổ thông. Cô chạy ăn từng bữa bằng việc ngồi chợ bán những thứ linh tinh nhưng cần thiết cho mỗi gia đình ở quê. Thỉnh thoảng cô vắng nhà một thời gian ngắn vài ba hôm hoặc hơn để đi tìm nguồn hàng. Sau mỗi đợt như vậy, cô mang về lỉnh kỉnh những hàng hóa buôn bán lẻ để bán dần dần trong nhiều buổi chợ. Mỗi lần đi như thế, cô đã gởi chìa khóa riêng của nhà cho Tuyết phòng khi có chuyện gì… Cuộc sống của cô không khá giả lắm nhưng cũng đủ thong thả cho hai mẹ con ở vùng quê này. Có thể, vì thế mà kẻ trộm dòm ngó? Dẫu rằng từ trước đến giờ làng quê chưa hề xãy ra vụ trộm nào, nhưng ai biết được trong tro còn có lửa hay không!
Tiếng động và tiếng người ở phía nhà cô Tư vẫn vang trong đêm vắng.
Tuyết lại lay vai chồng:
-Anh! Có người thật mà!
Minh tỉnh ngủ, nghe ngóng:
-Ừ! Hình như có người trong nhà cô Tư thật!
Rồi Minh phân công:
-Em đi gọi thêm thằng Hoàng, chú sáu Kim… giúp sức. Em đưa anh cái chìa khóa nhà mà cô Tư gởi cho mình hôm cô đi…
Tuyết đưa cho chồng chìa khóa cửa nhà cô Tư rồi tất tả chạy sang các nhà hàng xóm gọi thêm người giúp sức bắt trộm. Minh đứng trước cửa nhà cô Tư mà lo lắng. Quê nhà từ hồi nào đến giờ thật yên bình. Hàng xóm chỉ có giúp đỡ, bảo vệ nhau khi tối lửa tắt đèn. Giận nhau thì chưởi một trận cho hả cơn giận rồi lại làm lành. Đói nghèo nhưng chưa hề có sự phá phách, trộm cắp lẫn nhau.. Không biết kẻ trộm nào bạo gan theo dõi biết cô Tư vắng nhà. Minh giật mình chợt nghĩ đến tính mạng của Lan. Hay là chúng đã làm gì Lan rồi, lại còn bình tĩnh bàn tán, chuyện trò, lục lạo. Minh nghĩ đến những tình huống xấu nhất có thể xãy ra thì chú sáu Kim vỗ vai hỏi nhỏ:
-Trộm ở đâu?
Trong bóng tối, Minh thấy lố nhố mấy bóng người, cũng nói khẽ:
-Vợ chồng con nghe có tiếng rì rầm trong nhà cô Tư. Nghi là có trộm! Chú và anh em ở ngoài này, cháu và Hoàng vào nhà… có gì cùng tiếp ứng nhé!
Minh nhẹ nhàng mở khóa cửa. Nhà tối om. Có tiếng rì rầm trong buồng. Minh cất tiếng:
-Lan!... Lan…!
Im lặng!
-Lan!...
Im lặng!
Minh nói với Hoàng:
-Tìm công tắc, bật đèn lên!
Bỗng một bóng người tung cửa phòng vọt ra ngoài. Minh chỉ kịp chụp cái áo. Vuột mất! Hoàng đánh vói theo một cú nhẹ hều sau lưng. Nhưng kẻ trộm không thể thoát được những cú đấm, đá của kẻ phục sẵn.
Tuyết lo lắng cho Lan, gọi lớn:
-Lan ơi! Lan! Em ở đâu?
Đèn phòng bật sáng. Lan rũ rượi bước ra:
-Ối! Anh Nhân!
Mọi người ngạc nhiên. Lan chạy tới kẻ trộm:
-Người yêu con đấy!
Mọi người tá hỏa. Thì ra thằng Nhân ở xã bên. Chúng còn là học sinh phổ thông. Một giọng đàn bà:
-Yêu đương gì! Đồ con nít chùi mũi chưa sạch…
Một giọng khác:
-Không lo ăn học! Trai gái… làm mất giấc ngủ…
Rồi một giọng nữa:
-Nó giống mẹ nó thôi. Rau nào sâu nấy!
Sao lại có sự so sánh như thế?
Hối ấy, quê nghèo yên ắng của Tư bỗng nhộn nhịp hẵn lên bởi những tốp công nhân từ các nơi đổ về xây dựng chiếc cầu, nơi bến đò ngang mà chiều nào lũ trẻ trong làng vẫn thường tụ tập giỡn đùa nghịch nước. Những vật liệu xây dựng kìn kìn đổ về cùng với những lời tán tỉnh mượt mà đầy cám dỗ của cánh công nhân khiến nhiều cô gái trong làng chao đảo. Bãi sông càng thêm thơ mộng khi mỗi hoàng hôn những cặp tình nhân chụm đầu tâm sự. Tư cũng có nhận được những lời đùa cợt, tán tỉnh bóng gió của cánh công nhân nhưng cô vẫn vô tư chẳng để ý đến ai. Một phần là Tư đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cấp ba của mình, một phần là gia đình cấm đoán. “Không thể tin tưởng những kẻ ăn cơm góp của thiên hạ được. Chúng từng trải, lọc lừa…Ta không lường hết được. Biết tìm đâu người thật tình với mình!” Thế mà, Tư tìm được. Một chàng công nhân cao ráo, khỏe mạnh đã làm Tư tin tưởng là người tốt. Những lời hứa hẹn về viễn cảnh nơi cuộc sống nhàn nhã đã hướng bước chân Tư về phía quê xa, quên con đường đại học trước mắt! Rồi khi chiếc cầu xây xong, công nhân lần lượt ra đi. Người của Tư cũng phải ra đi và để lại lời hứa “Anh sẽ về cùng em”. Kết quả của lời hứa này là bụng của Tư đã vượt mặt; con đường vào đại học bít lối và đường về nhà chồng xa vời vợi. Từ đó, Tư một mình nuôi con, thầm mong nó có cuộc sống khác mình. Thế mà bây giờ…
Lan nói trong nước mắt:
-Chúng cháu yêu nhau thật mà!
Một giọng hằn học:
-Còn thằng Nhân?
-Dạ!..
-Trả lời không được chứ gì? Lại sở khanh nữa thôi.
Có một lời bâng quơ:
-Không minh bạch!
Minh giảng hòa:
-Thôi, cảm ơn bà con! Mời bà con về nghỉ. Khuya rồi! Tôi cứ ngỡ có trộm ở nhà cô Tư mới làm phiền.
-Có trộm đấy chứ! Nhưng trộm không lấy bạc vàng mà chỉ lấy cái đáng giá ngàn vàng thôi!
Mọi người nghe câu nói đùa bỗng bật cười, lần lượt giải tán.
Chỉ còn lại Lan và Nhân đứng giữa sân.
Trời vẫn còn khuya lắm!
NVC
(BÀI ĐĂNG TRÊN BÁO "THỜI NAY" SỐ 354 NGÀY 11/7/2013)

Nhận xét

Lao Quangthau đã nói…
Truyện rất hay Bạn ạ. thật dung dị mà sâu sắc.
Nậu Nguồn đã nói…
Rất vui được anh đọc và nhận xét, động viên.