Chuyện chưa nói hết về Sơn Nam

PN - Suýt nữa những người làm sách quên mất năm 2012 sắp cạn là tròn kỷ niệm 50 năm ra đời Hương rừng Cà Mau, tác phẩm nổi tiếng, tiêu biểu của nhà văn Sơn Nam. Giữa những công việc gấp gáp để tổ chức các hoạt động đánh dấu cột mốc đáng nhớ này, những người thân, bạn văn, người làm sách và người hâm mộ nhà văn Sơn Nam đã có dịp ngồi lại để nói những điều chưa khi nào hết về “ông già Nam bộ” và Hương rừng Cà Mau vào ngày 27/12/2012 tại 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Bản chụp hình bìa tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau in lần đầu ở Nhà xuất bản (NXB) Phù Sa năm 1962, cùng hai bản khác của nhà Lá Bối (1967) và Trí Đăng (1972), đã được gửi tặng cho gia đình nhà văn Sơn Nam sáng 27/12. Hình ảnh này đã gợi cho bà Đào Thúy Hằng, con gái cả của nhà văn nhớ lại: “Năm 11 tuổi, tôi nghe ba mình nói đã viết xong một cuốn sách mà khi xuất bản sợ nhà không có chỗ để… cất tiền. Sách in ra, tôi mới biết đó là cuốn Hương rừng Cà Mau. Cha tôi đã có tiền để cho má tôi lợp lại nhà, mua quà cho chị em tôi, cho ông nội tôi. Trước đó, ông cứ đi mãi mà mỗi lần về nhà chẳng dư được đồng nào cho gia đình”.


Với bà Hằng, bài giảng về sông nước Cà Mau hay nhất mà bà đã đứng lớp là khi bà dẫn Mùa len trâu, Một cuộc biển dâu của cha để ca ngợi vẻ đẹp quê hương và nói với các học trò của mình rằng “ba cô là nhà văn Sơn Nam”. Một chi tiết xúc động khác thể hiện phẩm chất của người cha truyền sang con, khi phim Mùa len trâu dựa theo truyện ngắn cùng tên trong tập Hương rừng Cà Mau công chiếu ở TP.HCM năm 2005: hai cha con cùng gặp nhau ở sự đồng cảm giản dị chỉ là những tiếng trời gầm “nghe bùi ngùi” giữa cơn mưa, nước nổi, trâu chạy từng bầy được tái hiện trên phim.
Những người có mối giao kết thâm tình với “ông già Nam bộ” như nhà văn Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Trọng Tín, Mạc Can, TS Quách Thu Nguyệt, nhà giáo Đinh Công Tâm…, dù đã nói, viết nhiều về nhà văn Sơn Nam song vẫn còn tràn đầy những hoài niệm về ông để kể lại trong cuộc tọa đàm 50 năm Hương rừng Cà Mau diễn ra ngày 27/12. Nhà văn Vũ Đức Sao Biển chia sẻ: “Tôi học được cách hài hước Nam bộ của nhà văn Sơn Nam, cười xòa một cái chứ không phải là kiểu cười chua cay. Tôi cũng học được cách… nói dóc có duyên của ông. Tác phẩm của ông không chỉ khu trú ở Nam bộ, mà trong từng câu chữ đều thể hiện rõ tâm hồn của người Việt”.
Nhà thơ Lê Minh Quốc đưa ra thông tin: số lượng truyện của Hương rừng Cà Mau không chỉ có 65 truyện như đã được tập hợp trong ba tập mà NXB Trẻ mua bản quyền từ tháng 3/2003. Là người đã cung cấp gần 30 truyện của Sơn Nam từ bộ sưu tập của mình cho NXB, nhà thơ Lê Minh Quốc khẳng định: “Tôi dám quả quyết, số lượng không chỉ bấy nhiêu. Trong một cuộc trò chuyện giữa Sơn Nam và Nguiễn Ngu Í trong tập sách Sống và viết với…, nhà văn Sơn Nam có cho biết là ông còn viết loạt truyện ngắn chủ đề Hương rừng Cà Mau, đã in trên tờ Tiểu Thuyết Thứ Năm. Tra cứu lại, tôi biết tuần báo này số đầu tiên ra ngày 16/1/1964. Những ai nghiên cứu về Sơn Nam nên tiếp tục sưu tập lại các truyện ngắn này”.
Đến nay, sau gần 10 năm bản quyền trọn đời với các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam được NXB Trẻ “mua đứt”, đã có tổng cộng 120.000 bản in được phát hành. Riêng Hương rừng Cà Mau đã có 6.500 cuốn bìa cứng và 10.500 cuốn bìa mềm đến tay bạn đọc. Con số này còn tăng lên khi đơn vị xuất bản cho biết sẽ tiếp tục tái bản 20 tựa sách Sơn Nam phiên bản mới. Hương rừng Cà Mau nói riêng và bộ tác phẩm của Sơn Nam nói chung, ngày nay vẫn được độc giả tiếp tục tìm đọc. Nhưng, một giải thưởng mang tên Sơn Nam chuẩn bị lên kế hoạch, tổng mục tác phẩm Sơn Nam được Thư viện Khoa học xã hội TP.HCM thực hiện… hẳn là chưa đủ đối với di sản mà “ông già Nam bộ” để lại.
Võ Tiến
Nguồn: http://phunuonline.com.vn/giai-tri//chuyen-chua-noi-het-ve-son-nam/a82722.html

Nhận xét

Nặc danh đã nói…
Chào anh Ngô Văn Cư!
Anh có khỏe không ạ? Anh còn nhớ em không? Nếu rảnh mời anh ghé thăm hai trang blog của em nhé!
CAOCONGKIEN 360

CAOCONGKIEN BLOG

Chúc anh luôn vui!