Mênh mang Vạn Hội


“Nhất nước, nhì phân…”, người nông dân đã bao đời thấm thía. Vậy mà, đã có thời, dân Hoài Ân cấy lúa xong chỉ biết ngửa cổ mỏi mắt trông nước trời. Rồi, những tháng ngày cơ cực cũng lùi xa, khi hồ Vạn Hội dần hiện hình, ngày ngày đưa nước tưới khắp ruộng đồng. Hơn cả một hồ thủy lợi, Vạn Hội còn là niềm tự hào của người dân đất trung du.

Hồ Vạn Hội vào thời điểm cuối mùa khô.

Một thời ngóng… nước
Thuở dòng Kim Sơn còn in bóng bao con đò xuôi ngược, những guồng xe nước vẫn ngày đêm miệt mài đưa nước về đồng. Chân ruộng cao, con nước không đủ sức vượt mình lên để giữ màu xanh cho cây lúa. Bằng những chiếc gàu sòng, người dân quê ngày tiếp ngày, mùa tiếp mùa chắt chiu từng giọt nước tiếp nguồn sống cho cây lúa quê hương. Rồi, ánh điện về làng, các trạm bơm thay thế những guồng quay. Nhưng sức máy cũng bị khuất phục trước những con mương ngược. Ở những nơi “đồng khô, cỏ cháy”, người dân vẫn cố gieo cấy trên những cánh đồng và mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa nhờ vào “nước trời”.
Cái nghèo, cái đói khiến người dân quê tìm mọi cách để kiếm ăn mùa giáp hạt. Ở những khe núi có mạch nước lộ thiên, nông dân chung sức đào mương đưa nước về cấy lúa ở những chân ruộng cạn. Thế nhưng, để tháo được nước là cả một hành trình đầy gian nan, cơ cực. Mương nước chỉ có một, nguồn nước có hạn, trong khi ruộng cần tưới lại nhiều. Luật bất thành văn: người nào bám trụ ngay nguồn nước trước, miệt mài hơn sẽ được đưa nước về ruộng mình trước. Có người “xí phần” trước, nhưng túc trực không liên tục cũng bị xếp xuống bậc sau. Biết bao thửa ruộng đến kỳ “khát nước” nhưng khô cháy, bao công sức mồ hôi tan biến. Ông Lê Ngọc Châu, ở thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh, chỉ tay về phía cánh đồng sau nhà, bồi hồi nhớ lại: “Trước đây, vào mùa khô mà cấy lúa ở đồng này có khi mất trắng. Nhất là năm hạn, canh ngày, giữ đêm cũng không có nước mà tháo”. 
Trước đây, phần lớn diện tích đồng ruộng thuộc thôn Vạn Hội 1, Vạn Hội 2, Thanh Lương của xã Ân Tín “ăn” nước từ suối Cái và suối Đồng Nhà Mười. Lắm lúc ông trời “nổi quạu”, làm hao tốn không ít tiền của, công sức của bà con nông dân cũng như hợp tác xã địa phương. Từng tấc đất thấm đẫm mồ hôi của bao thế hệ thắc thỏm lo âu theo màu lúa trở vàng cháy nắng…

Bè nuôi cá điêu hồng ở lòng hồ Vạn Hội.

Xuôi dòng nước mát
Một buổi chiều đầu thu, chúng tôi theo lão nông Phạm Văn Chuyển, ở thôn Vạn Hội 2, đi dọc mương nước dẫn qua giữa cánh đồng. Niềm vui hiện hữu trong đôi mắt của ông lão quá tuổi thất thập ấy. Ông rành rọt: “Giờ kể chuyện nửa đêm nửa hôm đi canh nước, cháu nội ông không tin. Mà cũng phải, nhìn mương nước ăm ắp từ hồ Vạn Hội dẫn xuống, ông còn không muốn nhớ những tháng ngày cực khổ ấy nữa là…!”.
Theo thiết kế, hồ có năng lực tưới cho khoảng 2.100ha ruộng đồng, nhưng do hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh, nên hiện chỉ mới cung cấp nước cho hơn 1.000ha. Năm 2011, chúng tôi có thêm 15km kênh bê tông, nhưng giờ cũng chỉ có kênh chính chứ chưa có kênh nhánh. Hy vọng rồi đây Nhà nước sẽ đầu tư hoàn thiện kênh mương, để nước được đến khắp ruộng đồng
Ông PHAN GIA TÀI - Tổ trưởng Tổ quản lý hồ Vạn Hội
Chúng tôi ngược lên Vạn Hội, dừng xe ở nhà làm việc của Tổ quản lý hồ. Tổ quản lý gồm 5 người, với hàng tá những việc có tên và không tên, từ vận hành, duy tu sửa chữa, bảo vệ kênh mương, điều tiết tưới đến đào tổ mối, nạo vét rãnh thoát nước, phát dọn cây cỏ… Hồ chứa nước Vạn Hội có dung tích toàn bộ gần 14,5 triệu m3, được chính thức đưa vào vận hành từ năm 2003. Để xây dựng hồ, phải di dời toàn bộ các hộ dân ở xã Ân Sơn - một cuộc di dời, tái định cư lịch sử ở Hoài Ân. Theo Tổ trưởng Tổ quản lý hồ Vạn Hội Phan Gia Tài, không chỉ tưới tự chảy cho 1.100ha ruộng đồng của các xã Ân Đức, Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Mỹ (huyện Hoài Ân); hồ còn tiếp nước cho sông An Lão, bổ sung nguồn nước đảm bảo tưới cho 1.006ha thuộc hệ thống Lại Giang. Bên cạnh đó, hồ còn chức năng cắt lũ, giảm nhẹ ngập lụt, chống xói bồi vùng hạ du.
Đứng trên bờ đập hồ Vạn Hội, mở rộng tầm mắt về phía hạ du, ta không khỏi ấn tượng và ngợp bởi con mương trải dài ngút mắt. Từ đây, dòng nước sẽ men theo từng con mương đi đến từng thửa ruộng, giồng rau. Sực nhớ lời của ông Nguyễn Công Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Ân Tín 2, rằng nước chảy đến đâu, niềm phấn khởi của bà con mình lại tràn theo đến đó.
Giữa hồ nước mênh mông nổi lên một chiếc bè cá. Chống xuồng đưa chúng tôi ra bè, anh Trần Văn Thức, một trong những người đầu tiên gắn bó với hồ Vạn Hội, cho biết: “Lòng hồ là môi trường thuận lợi để thả nuôi các loại cá mè, cá trắm với trọng lượng khai thác hằng năm gần chục tấn. Tháng 5 vừa rồi, Trạm khuyến nông Hoài Ân còn đặt ở đây mô hình nuôi cá điêu hồng, với thể tích lồng 80m3. Cá lớn nhanh, tỉ lệ hao hụt lại rất thấp”. 
Không chỉ thế, dọc theo chiều dài kênh mương hồ Vạn Hội có khoảng 20 hộ dân tận dụng nguồn nước đào ao thả cá. Trong số đó phải kể đến ông Trần Xuân Ngọc, ở thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh. Ông Ngọc phấn khởi cho biết: “Tận dụng nước hồ, năm 2004 gia đình tôi đào ao thả cá, được 4 sào. Tôi dựng các chòi mở dịch vụ câu cá, mỗi năm cũng kiếm được hai ba chục triệu đồng”.
Xem ra, cách nuôi cá của ông Ngọc cũng khác người. Nắm được tâm lý của dân “phượt nhà quê” vào các dịp lễ, Tết, ông canh thời gian, mua cá cỡ vừa vừa về thả nuôi. Trúng dịp “ăn chơi” là khách kéo đến đông đúc. Ông chuẩn bị sẵn nước giải khát các loại, than củi, cần câu, nồi, chảo… ai câu được bao nhiêu vào cân tính tiền, rồi tùy ý muốn ăn kiểu gì thì nấu kiểu đó.
Miên man con nước
Mặt hồ Vạn Hội mênh mang không chỉ cung cấp nước tưới khắp ruộng đồng, mà còn là con đường để người dân Ân Sơn ngày ngày đến nương rẫy, rừng keo. Những chiếc sõng mong manh chở ba chất bốn, ngày thường gió nhẹ xuôi chèo mát mái, ngày mưa gió nổi lắm khi lật úp. Mới nhất là vụ tai nạn xảy ra vào đầu tháng 5 vừa rồi, nhấn chìm cả hai anh em ruột Đinh Văn Hà và Đinh Văn Dư, ở thôn 1, xã Ân Sơn. “Mãi đến sau tai nạn này, số áo phao phát cho bà con Ân Sơn mới bắt đầu được tận dụng”, bà Hoàng Thị Mỹ Thanh, người phụ nữ duy nhất gắn bó với công trình hồ chứa nước Vạn Hội, cho biết.
Bám trụ ở đây từ năm 2004, công việc hằng ngày của bà Thanh là đi dọc từng con mương, thông rãnh thoát nước, bảo đảm an toàn cho kênh mương. Chỉ có những người sống dọc những con mương mới thấu hiểu nỗi vất vả của người làm thủy lợi như bà Thanh. Bà con ai cũng thấy cái lợi của kênh mương, nhưng lại “đối xử” với nó tàn nhẫn lắm. Phần lớn chiều dài kênh mương là các khu vực dân sinh sống. Vì thế, chúng trở thành hố rác lý tưởng, trăm thứ đổ vào, nhất là các hộ nuôi heo, đổ chất thải hết xuống mương cho tiện. Có người còn đành đoạn đục thủng mương để thải cho dễ!
Bên cạnh công tác bảo vệ, trăn trở lớn nhất của những người làm công tác quản lý hồ Vạn Hội là làm sao mở rộng hệ thống kênh mương để nâng cao năng suất tưới tiêu. “Theo thiết kế, hồ có năng lực tưới cho khoảng 2.100ha ruộng đồng, nhưng do hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh, nên hiện chỉ mới cung cấp nước cho hơn 1.000ha. Năm 2011, chúng tôi có thêm 15km kênh bê tông, nhưng giờ cũng chỉ có kênh chính chứ chưa có kênh nhánh. Hy vọng rồi đây Nhà nước sẽ đầu tư hoàn thiện kênh mương, để nước được đến khắp ruộng đồng”, ông Phan Gia Tài chia sẻ.
* * *
Quả không ngoa khi gọi hồ chứa nước Vạn Hội là “công trình thế kỷ” trên đất Hoài Ân. Không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống nông nghiệp, hồ Vạn Hội còn mang trong mình nhiều hy vọng của người dân xứ trung du. Vào những dịp nghỉ lễ, Tết, hồ Vạn Hội đã là một điểm đến lý tưởng của người dân. Mặt nước mênh mông, những rừng bạch đàn xanh mướt, phong cảnh thoáng đãng cho thấy nơi đây còn là một thắng cảnh hữu tình đang chờ đầu tư khai thác cho hoạt động du lịch. 
Rời hồ, đi ngang qua những khóm điệp vàng nở rộ dọc đường, anh bạn từng chăn bò bắt cá ở nơi bây giờ là hồ Vạn Hội ngẫu hứng ngâm nga mấy câu thơ của nhà thơ, nhà giáo Ngô Văn Cư: “Ta cứ ngỡ ngàng như trong mơ/ Làng xưa in bóng dưới mặt hồ/ Nước ôm cảnh cũ vào trong nước/ Để hồ Vạn Hội gọi lời thơ”.

Nhận xét