Thọ Xương hay Hóc Xương từ sự man rợ của báo lá cải?


Thọ Xương hay Hóc Xương từ sự man rợ của báo lá cả

Nụ cười trong sáng của trẻ thơ và sự nhọc nhằn lầm bụi của cô giáo (ảnh được cung cấp từ học viên Đăk Na, Tu Mơ Rông, Kon Tum)
Chu Mộng Long – Truy tầm từ nguyên là công việc của từ nguyên học, khảo cổ học, mà công việc ấy có những giới hạn nhất định. Cái gọi là cổ không chắc gì đã cổ nhất trong cõi vô cùng của tồn tại và trong giới hạn sở kiến của chúng ta, trong khi, rất nhiều trường hợp, nhất là ngôn ngữ, nói như J.Derrida, cuộc truy tầm quá khứ trở thành trò chơi vô tăm tích, cuối cùng ngôn ngữ chỉ là ngôn ngữ của ngôn ngữ mà mọi cách diễn dịch đều không bao giờ tới hạn.
 Đó là lí do, F.Saussure buộc phải chọn nghiên cứu cấu trúc đồng đại trong lí thuyết ngôn ngữ học của mình để dọn đường cho ngôn ngữ học hiện đại.
A.Einstein nói, chúng ta đã nhìn thế giới và lịch sử như chúng ta nghĩ hơn là như nó vốn có. Tất cả đều được hợp thức hóa bởi tư duy của con người hơn là bản chất phức tạp của sự thật.


Vậy là chữ canh trong canh gà Thọ Xương thuộc canh gì? Tín hiệu âm thanh của thời gian hay món ăn đặc sản của người Hà Nội thì có cãi nhau đến cùng trời cuối đất cũng không ngã ngũ bởi hai lối tư duy đối lập. Cả hai cách hiểu đều có cái lí của sự tồn tại về ngữ nghĩa của từ, kể cả đặt trong ngữ cảnh hiện thực lẫn văn cảnh trong văn bản và liên văn bản.
Về ngữ cảnh hiện thực, nếu xét thời điểm lịch sử ra đời của bài thơ, là thứ ngữ cảnh không xác định, hơn nữa, bất luận trường hợp nào, trải qua thời gian, văn bản tự nó tách khỏi ngữ cảnh gốc để đi vào đời sống và chuyển hóa vào ngữ cảnh khác, ngữ cảnh của tiếp nhận mà lí thuyết tiếp nhận hiện đại đã vạch ra. Vì thế, cô giáo hay các cháu học sinh, nếu không bị áp đặt bởi thói quen một cách hiểu, có quyền đặt bài ca dao trên vào ngữ cảnh tiếp nhận mới mà họ đang sống là canh gà với ý nghĩa là món đặc sản mang lại hương vị của quê hương đất nước thì cũng không có gì phải mang ra tố cáo, phê phán, nếu không nói cần phải khuyến khích trong xu hướng hiện đại hóa giáo dục và sáng tạo trong tiếp nhận hiện đại.
Về văn cảnh (ngữ cảnh trong văn bản, khác ngữ cảnh hiện thực) của bài thơ, trên mặt cấu trúc văn bản, đâu cứ vế đầu làtiếng chuông thì vế sau phải là âm thanh tiếng gà báo hiệu thời gian. Mà nếu cứ đòi hỏi một cấu trúc cân đối chặt chẽ như thế thì cái món ăn kia việc gì cứ phải là thứ vật chất thường tình. Thơ ca luôn tồn tại những nghịch lí và mọi thứ trong thơ ca luôn hóa giải bằng sự thăng hoa tinh thần. Canh gà không chỉ mang nghĩa âm thanh thuần túy báo hiệu thời gian hòa cùng tiếng chuông tĩnh tại của đạo hay vũ trụ mà cũng có thể mang nghĩa hương vị của đời hay sự sống đang thăng hoa thì sao? Canh gà từ nghĩa một món ăn đặc sản gợi lại một khoảnh khắc ấn tượng trong cái nhịp điệu sống động của cuộc đời xen vào trong cái nhịp điệu lặng lẽ, đều đặn của đất trời. Bài thơ miêu tả một thế giới chan hòa giữa đời và đạo, giữa vũ trụ và nhân sinh; trong cái mịt mờ của sương khói, mỏng manh của tạo vật, và sự lặng lẽ của thời gian, có cái sôi động của cuộc đời. Hai câu lục vừa thực vừa ảo, vừa rõ nét vừa mơ hồ mong manh: Gió đưa cành trúc la đà, Mịt mù khói tỏa ngàn sương. Hai câu bát mang vẻ đẹp cân đối, cấu trúc luân phiên chuyển đổi trong sự đối lập giữa đạo và đời, giữa vũ trụ và nhân sinh, giữa vô và hữu, giữa thiêng liêng và trần tục, giữa tĩnh và động, giữa hiện hữu và xa vời:Tiếng chuông Trấn Vũ/ canh gà Thọ Xương, Nhịp chày Yên Thái/ mặt gương Tây Hồ. Trong quan hệ liên văn bản, cũng đâu phải chỉ có một nghĩa canh là canh giờ mà vẫn tồn tại canh như là một thứ ẩm thực: “Tương Bần, cà Láng, dưa La/ Cá rô đầm Sét, canh gà Thọ Xương”. Đó không phải là câu ca dao mới bịa ra, mà có bịa cũng đã là một cách chuyển hóa, tiếp nhận rất dân gian, sao lại cấm trẻ em?
Lâu nay tôi bị ảnh hưởng thói quen hiểu canh gà là canh giờ, bây giờ tôi có quyền chuyển sang cách hiểu khác bởi tính mơ hồ đa nghĩa của văn học. Một từ như “canh gà” mơ hồ về nghĩa từ vựng lẫn ngữ cảnh, văn cảnh sẽ luôn luôn tồn tại không dưới một cách hiểu. Tôi đồng quan điểm với một số còm sĩ trên blog Hiệu Minh và nói thêm về cách tiếp nhận này. Sự đồng tình hay phản bác cách hiểu của chúng tôi hoàn toàn theo tinh thần tự do và tôn trọng, thậm chí chê/chửi chúng tôi dốt cũng chẳng sao, miễn đừng hùa nhau cắn xé một cách man rợ như cách đối xử với cô giáo Hà Thị Thu Thủy vừa rồi!
Quay lại câu chuyện lịch sử chữ nghĩa, các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng đã chỉ ra một chữ canh(更) trong bảng chữ Nôm cũng có thể mang cả hai nghĩa khác nhau: canh giờ hoặc món canh gà, cho nên bắt buộc canh phải là canh giờ chẳng có gì thuyết phục. Mà cái sự giải thích của cơ quan được cho là có trình độ cao nhất nước là cái Viện Nghiên cứu Hán Nôm ấy cũng không phải là chân lí, trong khi họ chỉ nghiên cứu Hán Nôm chứ đâu phải là chuyên gia toàn bách về ngôn ngữ và văn học. Đối với nghiệp vụ của chính họ mà họ lại nhầm đọc chữ Tứ (四) ra chữ Tây (西) đó sao, chưa kể trong một số công trình nghiên cứu Hán Nôm, bạt ngàn những cách dịch những bài thơ Hán hoặc Nôm rất chủ quan thô thiển, thì để hiểu văn học cho ra văn học trong tính phức tạp và đa nghĩa của nó càng không thể lấy họ làm chuẩn mực. Trong thế giới hoài nghi khoa học này, ý kiến của các chuyên gia cũng chỉ là một kênh thông tin trong sự đa chiều, đa thanh của thông tin chứ không thể nói nhờ họ mà chúng ta đã “đi đến cùng của sự thật” .
Điều đáng hoài nghi là họ “không tìm thấy” bài thơ Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) với ngữ cảnh khá xác định của Dương Khuê  trong Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tập như có người đã chỉ dẫn:
“Nguyên bản cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tập hiện đang lưu trữ tại thư Viện nghiên cứu Hán Nôm. Sách này có chép bài thơ mang tên Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê. Nguyên văn viết:
裊裊搖風竹,
蒼蒼鎮武鐘,
壽昌多故舊,
同買燉雞湯。
煙鎖西湖水,
杵驚安泰鄉,
河城斯美景,
最耐客思量
“Niểu niểu dao phong trúc,
thương thương Trấn Vũ chung,
Thọ Xương đa cố cựu,
đồng mãi đốn kê thang.
Yên tỏa Tây Hồ thủy,
chử kinh Yên Thái hương,
Hà thành tư mỹ cảnh,
tối nại khách tư lương.”
Nôm na nghĩa là: Gió lay trúc phất phơ, chuông Trấn Vũ xa thẳm, quán Thọ Xương nhiều ông bạn cũ, đều đến mua canh gà hầm. Khói sương vây bủa mặt nước hồ Tây, nhịp chày kinh động làng Yên Thái, cảnh đẹp này của Hà Thành, khiến khách nhớ nhung nhất.
Phía dưới có một dòng chữ nhỏ, chú rằng “sau khi bài này làm ra, sĩ phu tranh nhau ngâm tụng. Bà Thọ chủ quán Thọ Xương mắng tiếng, đích thân đến nhà ta xin chữ, song lại cầu ta diễn ra quốc âm ngõ hầu hiểu được trọn nghĩa. Ta liền bỏ hai câu cuối mà diễn lại rằng: Gió đưa cành trúc la đà, tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương, mịt mùng khói tỏa ngàn sương, dịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ.”
Đây là một bài thơ hay gắn liền với một câu chuyện thú vị, khó bịa ra, nếu không có trình độ Hán Nôm và năng lực văn chương. Tôi nghĩ, “không tìm thấy” hay là các chuyên gia ở Viện này đã cố tình che giấu một sự thực nhạy cảm, vì nếu công bố ra sự thật này, dư luận lại ném đá về phía các học giả, các nhà giáo dục lâu nay đã từng áp đặt một cách hiểu duy nhất cho người học?
Một cán bộ nghiên cứu trẻ kể với tôi rằng, đã từng phát hiện bao nhiêu sự thật trong đống tàng thư cổ ấy, nhưng có những sự thật đành sống bụng chết mang theo chứ không được công bố. Một anh táy máy tra cứu, đối chiếu một số văn bản từ của Đào Duy Từ,  Lưu Hương kí (được cho là của Hồ Xuân Hương) thấy có hiện tượng các cụ xưa khi đi sứ cuỗm nguyên của người nước lạ mang về nhưng không ghi xuất xứ, và đời sau cứ thế ngộ nhận là sản phẩm của người nước mình.
Trở lại vấn đề, tiếp nhận văn học luôn là một hiện tượng phức tạp và đầy tính sáng tạo. Sao cứ phải bắt người học phải hiểu theo một cách hiểu của thói quen định sẵn. Đến lúc không thể bắt trẻ em phải nghĩ như người lớn, và càng không thể bắt người lớn phải cầm tay chỉ việc cho trẻ em làm theo ý đồ của mình. Nếu vẫn duy trì một quan niệm như vậy thì mọi phương pháp dạy học mới đều chỉ là hình thức giả tạo, mất thời gian, vô hiệu quả. Phải tháo vòng kim cô trên đầu trẻ để trẻ em có quyền được tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo, nếu sự tự do sáng tạo ấy không tùy tiện và có hại cho đời sống văn hóa thẩm mĩ của cộng đồng, dân tộc.
Mọi tri thức, từ triết học, đạo đức học, lịch sử, xã hội học đến văn hóa, văn học… đều phải có tính cập nhật. Tính cập nhật ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng nhất là sự ứng dụng, chuyển hóa và sáng tạo theo nhu cầu của thời đại. Tri thức về quá khứ là tri thức kinh nghiệm, học quá khứ không đồng nghĩa với chôn mình trong quá khứ mà rút kinh nghiệm, chuyển hóa quá khứ vào trong thực tại để sống cho nhu cầu thực tại và tương lai. Với cái nhìn ấy, đến lúc phải viết lại tri thức và thực hiện một phương pháp tiếp nhận tri thức mới, nếu không, nền giáo dục của chúng ta đã tụt hậu sẽ mãi mãi vẫn tụt hậu.
Nhớ lại câu chuyện Thành ngữ sành điệu của tuổi teen, một sự gây hấn ôn hòa của thế hệ mới vào những định kiến cũ. Những câu như: Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ hay Yêu nhau trong sáng phang nhau trong tối… xuất hiện như một cách tiếp nhận và chuyển hóa đầy sáng tạo các thành ngữ, tục ngữ cổ điển và cả từ ngữ có nguy cơ thành tử ngữ thành những sinh ngữ mới phù hợp với hoàn cảnh hậu hiện đại mà chúng đang sống.
Tôi thích nhất câu Ngu mà tỏ ra nguy hiểm có tầm khái quát thời đại. Có khi chúng ta dựa vào định kiến cũ mà gây nguy hiểm cho thế hệ mới đang cần sức bật để vươn tới tương lai.
Đáng phẫn nộ ở sự vụ này vẫn là sự man rợ của báo lá cải đánh hơi nồi chõ, lợi dụng tự do dân chủ và quyền lực ảo của mình, đem chuyện không đáng phải tố cáo mang ra bêu riếu giữa công luận và định hướng dư luận ném đá vào cá nhân và tổ chức bất chấp truyền thống tôn sư trọng đạo và mọi hậu quả đớn đau cho người khác.
Bây giờ thì sự tranh luận đã chuyển sang không khí vui vẻ rồi, nhưng đừng vì thế mà quên tội ác của kẻ đầu têu buôn chuyện để làm hại một cô giáo trẻ đầy tự trọng, làm mất danh dự của nhà trường đầy uy tín, nơi đào tạo cô giáo và nơi cô giáo đang làm việc; và, quan trọng hơn, nó còn làm ảnh hưởng, nếu không nói là chùn bước khi tiến đến mục tiêu cải cách giáo dục của cả ngành giáo dục chúng ta.
Đến lúc cô giáo Hà Thị Thu Thủy phải lên tiếng. Trường Lomonoxop, nơi cô giáo làm việc phải lên tiếng, kể cả Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi đào tạo cô giáo, và cơ quan chủ quản là Bộ giáo dục và Đào tạo cũng phải lên tiếng. Và mỗi chúng ta cũng phải lên tiếng để bảo vệ cho danh dự cá nhân cô Hà Thị Thu Thủy, cho Trường Lomonoxop và cho cả sự nghiệp cải cách giáo dục của chúng ta!
Các em học sinh lớp 7 còn biết lập hội lập nhóm trên Facebook để bảo vệ cô giáo của mình, sao người lớn chúng ta lại hèn đến mức không dám cất lên một lời thẳng thắn đòi danh dự cho đồng nghiệp của chúng ta?
CHU MỘNG LONG

Nhận xét

Unknown đã nói…
Ôi mấy tờ BÁO LÁ CẢI bây giờ vô cùng nhảm nhí toàn soi mói đời tư của người khác , và ăn theo một số SAO RẺ TIỀN , nào là CA SĨ này mặc gì , đi xe gì , đeo đồng hồ gì , nhà ở ra sao , nói những câu gì ? Đúng hoàn toàn với từ BÁO LÁ CẢI cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng , xem mà phát ói...BÓ TAY.COM