NƯỚC SẼ CHẢY QUA ĐỒI - Truyện ngắn Ngô Văn Cư



Ông Thư đổi lại thế ngồi trên cái phản gỗ cũ kĩ đã lên nước bóng láng, nhìn chằm chằm vào tôi:
-Chuyện này là chuyện thật à nghen! Nhưng nói ra thì lớp trẻ như chúng bay hổng có tin. Còn mày, tin hay không, tùy!
Ông Thư co một chân lên, chống cằm trên đầu gối nhìn vào tôi mà như nhìn ngang qua vai hướng mắt về nơi xa thẳm. Trông dáng dấp ông ngồi thật khó đoán ông bao nhiêu tuổi. Có thể gần bảy lăm, gần tám mươi tuổi hoặc hơn nữa. Người nhỏ thó; đôi chân gầy guộc đen đủi; bàn tay gân guốc nhăn nheo với những vết nám trổ đồi mồi sần sùi. Khuôn mặt rất ấn tượng với những sợi râu lưa thưa mọc không hàng ngũ. Cặp lông mày có những sợi thật dài từ gần ấn đường đến cuối mắt. Đôi mắt vẫn còn sáng lắm, xem sách không cần đến kính. Nghe đâu, trước đây mắt ông cũng đã mang kính lão rồi nhưng sau đó lại sáng ra cho đến giờ. Ông khẳng định chừng nào mắt lại mờ thì ông sẽ đi gặp tổ tiên. Rồi bỗng nhiên ông lại hỏi tôi:
-Chúng mày cắm trại ở chỗ nào?
-Dạ, dưới tán cây me thật to ở trên đồi.
-Ờ, ờ… Cái chỗ đó là đỉnh Đồi Tượng. Ngày xưa… mày biết không!? Lớp tuổi như chúng tao bây giờ rất ít người dám đến… Ở đó, chỉ toàn là cỏ tranh với sim, mua mọc dại và mấy cây cổ thụ um tùm, nay chỉ còn cây me… À, mày biết sao gọi là Đồi Tượng không?
-Dạ…
Mặt ông Thư rạng rỡ:
-Trong những chuyến đem quân ra Bắc vào Nam đánh giặc, Vua Quang Trung có đóng quân ở nơi đấy! Đồi Tượng là nơi đội quân voi của ngài ở. Để ghi nhớ sự kiện này, dân làng gọi là Đồi Tượng. Lúc đó dân cư chưa đông đúc như bây giờ.

 


Câu chuyện thật của ông Thư như thế nào vẫn chưa được kể ra, ông lại đưa chuyện nọ xọ vào chuyện kia chẳng đầu chẳng đuôi gì cả. Những câu chuyện thật cũ kĩ vừa thanh bình vừa lặng lẽ sinh sôi. Gắn kết tất cả chuyện của ông thì có thể hình dung xóm làng xưa… Bất chợt ông Thư hỏi:
-Chúng bay đào mương cho nước chảy qua đồi à? Sức đâu mà làm được hả?
À, thì ra ông Thư đang nghĩ đến chuyện con mương dẫn nước chảy qua ngọn Đồi Tượng linh thiêng bí ẩn của ông. Hỏi tôi, vì tôi là công nhân thi công đoạn mương đi ngang qua Đồi Tượng. Tôi về trước với một số người để dựng lán, lo trước việc ăn ở cho công nhân. Ông Thư không hình dung ra được con mương sẽ chảy qua cống bê tông nằm sâu dưới ngọn đồi đến mười mấy mét. Sức người nếu có làm được cũng sẽ tốn nhiều thời gian. Sắp tới đây máy móc sẽ đưa về xúc đất đào mương, công nhân đúc cống ngầm chôn sâu dưới đồi. Nước từ Hồ Vạn sẽ tưới mát cánh đồng bên kia đồi mà bao đời nay chỉ trông cậy vào sự thuận hòa của trời đất. Tôi phải diễn giải dài dòng cặn kẻ cho ông Thư nhưng ông chỉ ậm ừ, rồi lại quay về cái ngày xưa của ông:
-Nơi chúng mày đang ở là nơi trú ngụ của ngài Mãng Xà Vương đấy. Ngài lớn lắm, thường cứ đến ngày đầu tháng thì ngài đi ngang qua cánh đồng đến Gò Cấm… Nơi ngài đi, lúa ngã vẹt như con đường mòn vậy… Nhưng bù lại  đám ruộng nào ngài đi qua lúa đều tốt và được mùa…
Tôi nghe sống lưng của mình như có luồng điện lạnh chạy qua:
-Bác đã thấy ngài Mãng Xà Vương lần nào chưa?
-Ờ ờ… Chỉ nhìn đường đi của ngài cũng đoán được sự lớn… Bẳng đi một thời gian không thấy ngài xuất hiện nữa và đám trẻ chăn bò thấy ngài tịch bên cây me giữa một vùng cây cỏ cháy nham nhở…
Tôi thở phào nhẹ nhỏm, đoán mò:
-Chắc là bị sét…
-Ừ, chỉ có trời mới làm ngài chết được. Người ta thấy ngài khi cỏ tranh đã mọc xuyên qua thân ngài. Thịt đã rã hết chỉ còn bộ xương; cái đầu to như gàu tát nước, những chiếc xương sườn cong vút…
Tôi bắt đầu bị cuốn hút vào câu chuyện lạ lùng của ông Thư:
-Bác có thấy…
-Không, nghe kể lại…
Tôi hụt hẫng vì câu chuyện của  ông thật li kì pha một chút sự thật vì gắn với mãnh đất cụ thể nhưng lại thiếu một bằng chứng. Tôi lái ông sang chuyện thực hôm nay:
-Bác cứ sống thêm vài năm nữa sẽ thấy nước tưới cánh đồng mình với cánh đồng bên kia Đồi Tượng bằng con mương chũng con xây dựng…
-Ừ, lớp trẻ chúng bay giỏi thật! Lên trời, xuống biển đều làm được tất! Bây giờ còn muốn cho nước băng qua đồi! Giỏi thật!
Ông Thư buông hai tiếng “Giỏi thật” rồi lại thay đổi tư thế ngồi; chân trái đặt trên mặt phản, chân phải co lên, chiếc cằm đặt trên đầu gối, hai tay ôm lấy chân phải, mắt lại nhìn xa xăm… Tôi đợi mãi mà không thấy ông nói gì, định ra về; vừa mới nhổm dậy,, ông Thư đã hỏi:
-Chúng bay vẫn cho nước chảy qua Đồi Tượng thật à?
Đây là câu hỏi mà ông Thư hỏi tôi không biết bao nhiêu lần rồi. Tôi ậm ừ cho qua chuyện:
Dạ…
***
Dẫu sao câu chuyện của ông Thư cũng tác động đến suy nghĩ của tôi. Nhìn ngọn đồi còi cọc với những loài cây dại lúp xúp như sim, mua, chành rành… trông thật thảm hại nhưng tôi biết ngọn đồi này rất thiêng đối với dân làng. Ở mãnh đất bao nhiêu đời chưa hề có sự thay đổi này, con mương đi qua đồi để tưới mát cánh đồng bên kia đồi là một kì tích nhưng lại phá vỡ niềm tin thiêng liêng của người dân ở đây. Tôi còn biết chính quyền địa phương đã có dự án mở con đường chạy song song với con mương… Đây là dự án của cấp trên nâng cấp con đường cũ, nhưng với sự tư duy nhanh nhạy, táo bạo cùng với tầm nhìn xa, địa phương đã tham mưu để con đường mới băng qua đồi nối liền hai thôn. Sau này đất đai mặt tiền ở con đường mới mở hẳn là có giá! Tôi biết nhiều người không đồng tình để con đường xẻ đôi ngọn đồi thiêng nhưng đã có nghị quyết của các cấp… Rồi mọi người háo hức chờ đợi, hi vọng…
Một đêm trăng, tôi ngồi dưới gốc me nghĩ vẩn vơ về cuộc đời phiêu bạt chìm nổi lang bạt khắp nơi của mình. Những nơi dừng chân xây dựng lán trại thường là đồng không mông quạnh hoặc góc đồi vắng vẻ nên trên ba mươi tuổi rồi vẫn chưa lập gia đình. Tôi cũng có một vài mối tình chóng vánh đến và chóng vánh đi cùng với công trình thi công. Tôi mơ màng nghĩ đến một tổ ấm…. Bỗng có tiếng động ào ào, rầm rập ùa đến làm ngã rạp những buội cây và những có bóng đen lướt ngang qua tôi làm che khuất ánh trăng. Tôi hoảng hồn nép mình vào sát gốc me. Tôi lại nghe có tiếng người và một bóng người đã đứng trước mặt tôi. Tôi ngạc nhiên trố mắt nhìn. Thì ra là người đang lùa đàn voi băng qua Đồi Tượng đi về hướng Gò Cấm. Tôi định lên tiếng hỏi thì người ấy đã nói như một tiếng vọng:
-Không còn nơi yên ổn nữa rồi! Đi thôi!
Tôi chưa kịp hiểu ý nghĩa của câu nói thì người ấy lại nói tiếp:
-Nơi ta sống bình yên bao nhiêu năm, nay không còn yên ổn… các người cũng không còn yên ổn… đảo lộn cả rồi…!
Tôi càng rối rắm chẳng hiểu gì cả, muốn hỏi cho rõ ngọn ngành thì người ấy gượm bước đi; tôi với theo níu được vạt áo…. Bỗng bị hất mạnh và vấp chân vào một buội cây đau điếng! Tôi tỉnh người! Thì ra một giấc mơ! Một bên chân còn tê dại bởi bị chèn vào cái sạp dã chiến tạm bợ. Tôi không tài nào ngủ lại được, miên man suy nghĩ về những câu chuyện của ông Thư và giấc mơ của mình. Tôi nghĩ có lẽ do câu chuyện của ông Thư mà giấc mơ của tôi hình thành.
Tôi đã đi nhiều nơi, biết nhiều chuyện. Và, với đơn vị thi công chuyên san ủi như của đơn vị tôi thì những chuyện địa phương cho mở đường ngang dọc, dời nghĩa địa… để lấy đất bán cho dân xây nhà ở đâu chẳng có. Nhưng xẻ đường qua đồi để bán đất hai bên đường là việc làm không tưởng vì mặt bằng để cất nhà không có! Giữa hai vách núi là con đường thì hai bên đường làm cách nào để…cất nhà! Tôi không biết dự án làm đường qua Đồi Tượng đúng hay không, nhưng dự án cho mương nước qua Đồi Tượng là một quyết định đúng đắn. Rồi tôi cũng không nghĩ đến chuyện này nữa vì tôi chỉ là người làm công, không biết gì nhiều về chủ trương của địa phương!
Ngày hôm sau tôi dậy thật muộn, người đau như bị ai giần, lòng bần thần. Đến khoảng chín giờ sáng, tôi lửng thững xuống làng… Bỗng giật mình thấy trước nhà ông Thư có nhiều người tụ tập; hai thanh niên trong làng khiêng đến một cái trống lớn treo ở góc nhà. Biết có điều khác lạ, tôi vội đên, thì được biết ông Thư đã ra đi từ đêm! Tôi ngạc nhiên vô cùng. Mới chiều hôm qua, ông Thư còn mạnh khỏe, không có vẻ gì là bệnh tật, thế mà bây giờ…. Tôi không phải là người làng nên chỉ xớ rớ. Hồi trống họp dân giờ mới vang lên nhưng từ sớm sân nhà ông Thư đã rộn người. Có những việc như thế này mới thấy tình làng nghĩa xóm đậm đà biết chừng nào. Tôi định bước vào nhà gặp và nhìn mặt ông Thư lần cuối thì có người níu tay tôi kéo vào bàn uống nước. Thì ra, anh con trai út của ông Thư:
-Mời anh đến đây tôi thưa chuyện….
Tôi nói như một lời chào:
-Hôm qua bác còn khỏe mà!
-Dạ, ba tôi có đau yếu gì đâu! Đêm hồi hôm ba tôi nói hơi mệt nên đi ngủ sớm; rồi đến nửa đêm kêu con cháu lại dặn dò…
-Hả?...
-Ba tôi nói đại ý là ông không để lại gì về vật chất cho con cháu và cũng không để lại nợ nần gì… Duy có điều này: ba tôi muốn nhờ anh một chuyện…
-Cái gì?
-Con mương đi qua Đồi Tượng là chủ trương lớn của địa phương được mọi người ủng hộ; nhưng các anh cố giữ lại cây me… đừng chặt … ba tôi nhờ anh…
Tôi nóng lòng:
-Bác còn dặn gì nữa không?
-Không, ba tôi chỉ muốn cây me còn lại để chứng kiến sự đổi mới của Đồi Tượng…. Dặn dò kĩ lưỡng chỉ độc có việc ấy rồi ông đi rất thanh thản!
Bây giờ thì tôi hiểu! Cuộc sống quen thuộc bao đời nay đã ăn sâu vào tâm trí người dân, đâu dễ gì ngày một ngày hai mà thay đổi được. Mà sao phải thay đổi tất tần tật mọi thứ! Hãy để cái cũ tốt đẹp đứng cạnh cái mới hiện đại như một sự nối tiếp của truyền thống. Bản vẽ con mương cách xa cây me, nhưng ông Thư đã lo xa! Ở làng quê hẻo lánh này, từ việc lớn đến việc nhỏ của xóm làng đều được mọi người quan tâm. Họ suy nghĩ, tham gia, mơ ước theo nhận thức của sự trải nghiệm; theo tuổi tác và sự ảnh hưởng cá nhân của họ đối với xóm làng. Ông Thư muốn giữ lại cây me cổ thụ cuối cùng trên Đồi Tượng là muốn giữ lại cái hồn cho làng quê. Điều này lớp trẻ không nghĩ đến!
Tôi rời khỏi nhà ông Thư nghĩ đến mai đây công nhân làm đường sẽ ủi sâu gần mười mét để tạo một con đường ngang qua Đồi Tượng. Khi ấy mọi người mới biết rằng không thể có đất hai bên đường mới mở để bán cho dân cất nhà! Nhưng dù sao con đường cũ bao đời nay vẫn còn đấy và con đường mới lại tự hào vì sự hiện diện của nó. Qui luật cuộc sống là cái mới thay thế cái cũ nhưng cái cũ không hoàn toàn mất đi mà tồn tại dưới hình thức khác và cái mới chưa hẳn đã hoàn toàn ưu việt! Tôi lại nghĩ đến ông Thư và ước mơ nhỏ cuối đời của ông.
NVC

Nhận xét