NGÔ VĂN CƯ VỚI MÂY Ở PHÍA QUÊ NHÀ, LUNG LINH HOÀI CẢM MỘT MIỀN KÝ ỨC .


\
(Đọc “Mây ở phía quê nhà”, tập Tạp văn của Ngô Văn Cư,
NXB Văn hóa- Văn nghệ TPHCM, quí 1/ 2019)
*Trần Hoàng Vy

Quê hương hay tiếng gọi gần gũi thân thương là quê nhà, qua thơ của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải thật bình dị và đơn sơ, mộc mạc đến nao lòng: “ Anh đi, anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”... Nhà thơ Phạm Cao Hoàng, người con xa xứ, nhớ về quê nhà qua lớp lớp mây bay, khi thì: “ Mây trắng quá và chiều tê tái lắm/ Biết về đâu giữa lúc hoàng hôn phai”, và khi thì: “ Sống nửa đời ta chẳng thấy quê hương/ Nhìn lên cao mây còn bay lớp lớp”, gieo những xúc cảm ngậm ngùi. Ngô Văn Cư, thầy giáo về hưu, viết văn và làm thơ, không đi xa quê nhà, nhưng anh vẫn chọn cho mình hình tượng “Mây” khi nói về quê nhà, qua những hồi ức của tuổi thơ và cả một đời người qua tập Tạp văn “ Mây ở phía quê nhà” NXB Văn hóa- Văn nghệ TPHCM ấn hành vào quí 1 năm 2019, và đã ra mắt độc giả trong hơn tháng qua.


Tập sách dày hơn 130 trang với 28 “hoài niệm” mang các tựa đề thật gần gũi và bình dị của ký ức một thời như: “ Khi già nhớ lại tuổi thơ, Ngày xưa đi học vỡ lòng, nhớ chiếc nón quê nhà, lan man về chợ quê nhà, Còn đâu ngọn khói đốt đồng, Ký ức hoa xuyến chi, Ngày xưa bánh cuốn, Vì mẹ là mẹ của con, Chuyện kể của ba tôi...”, đã đưa người đọc đến một “Quê nhà” Hoài Ân, Bình Định, một vùng bán sơ địa ở phía Bắc của tình, nơi hai con sông An Lão và Kim Sơn hợp nhau lại thành con sông Lại trù phú và thơ mộng, nhà tác giả nằm cạnh con sông An Lão, và từ đó đã sinh ra, trưởng thành và lớn lên, để rồi... mượn mây để nói chuyện “quê nhà” với những hình ảnh thân thương gợi nhớ.
Tạp văn, theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (NXB Đà Nẵng) là: “ Tạp Văn là loại văn có nội dung rộng, hình thức không gò bó, bao gồm những bài bình luận ngắn, tiểu phẩm, tùy bút...”, còn Bùi Quang Tịnh (NXB Văn hóa, thông tin) thì viết “ Tạp văn là nhiều loại văn lẫn lộn...?”, do đó, những hoài niệm, hoài ức của Ngô Văn Cư cũng có thể nói là những trang tản văn, hay tùy bút về nơi tác giả sinh sống, trải qua và bây giờ nhớ lại... “Hơn 60 năm sống trên cõi đời, gần 50 năm sống tại chính nơi đã sinh ra (chỉ trừ những ngày tản cư và cắp sách đi học trường xa), có lẽ vì thế mà sự thay đổi dần dần của quê hương tôi đã không nhận thấy được. Bây giờ tuổi đã nhiều, cái tuổi mà mọi người cho rằng gặm nhấm quá khứ để sống, mới giật mình trước cảnh “thương hải biến vi tang điền”. Tôi bị rời khỏi quê từ khoảng cuối năm 1965, khi khắp đường thôn ngõ xóm rầm rộ phong trào chống Mỹ. Quê tôi trở thành vùng xôi đậu. Ban đêm du kích hoạt động “diệt ác trừ gian” hoặc kẽ những khẩu hiệu tuyên truyền bằng phấn viết trên nong phơi lúa. Ban ngày thì lính cộng hòa đi sùng lục tìm cộng sản nằm vùng và xóa những khẩu hiệu. Chưa có trận đánh lớn nhưng thỉnh thoảng có người chết vì đạn bom. Không khí chết chóc bất đắc kỳ tử đã vây bọc xóm làng.”. Một vùng quê mà những người dân miền Nam có độ tuổi trên 60 đều dễ dàng hình dung ra được. Song làng quê ấy, quê nhà ấy lại luôn thân thương, ôm ấp và dìu dắt con người từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, là khi đi học mẫu giáo mà ngày xưa hay gọi là vỡ lòng: “Trẻ em bây giờ đi nhà trẻ, mẫu giáo trong những ngôi trường xây sạch sẽ, khang trang… còn chúng tôi ngày xưa học lớp vỡ lòng ở một “Trường Tư” của một “thầy giáo” mà dân trong vùng tin tưởng gởi con em. Học phí cho thầy là lúa, gạo, khoai, sắn… Lớp học được che bên cạnh đầu hồi nhà; không che phên liếp; ngồi trong “lớp” có thể nhìn thấy toàn cảnh thiên nhiên quanh “trường”. Bàn ghế là những tấm gỗ ghép được chôn chặt xuống nền đất. Học trò chừng vài chục em nhưng đủ trình độ. Có em chưa nhận được mặt chữ, có em đã biết làm toán đố và thuộc bảng cửu chương vanh vách… Nhiều khi học trò lớn lớp trên cũng thay mặt thầy giáo chỉ vẽ cho học trò nhỏ hơn và chúng tôi coi đó là chuyện bình thường nhưng rất ngưỡng mộ.” (Nhớ thời đi học vỡ lòng). Từ những ngôi trường đầu đời ấy, đã hình thành nên tình nghĩa thầy trò, bạn bè, sâu đậm ở bậc tiểu học, rồi trung học, xa nhà đi trọ học ở những bậc cao hơn, để rồi cảm khái trước cảnh ngành giáo dục ngày càng suy thoái, xuống cấp mà buồn? Âu cũng là trách nhiệm của người thầy giáo từng có nhiều năm trên bục giảng...
Quê nhà còn là biết bao người thân yêu ruột thịt: Cha mẹ, ông bà, anh em, họ hàng, là con sông, bờ xe nước, là cây rừng, chim muông cùng hoa dại. Những đóa xuyên chi dân dã, vào trang văn bỗng lung linh: “Ngồi bên những giò lan Hồ Điệp kiêu sa trắng tinh, phơn phớt nhụy vàng, lòng chợt nhớ da diết một loài hoa hồn nhiên, trắng trong, hoang sơ nơi đồng nội. Một loài hoa gắn với tuổi thơ tôi có mặt khắp nơi: Bên vệ đường, bờ mương, đồng bãi, gò đất hoang,… dù ở môi trường có khắc nghiệt như thế nào loài hoa này cũng vẫn phát triển và bốn mùa hoa nở. Những bông hoa nhỏ tươi tắn, lung linh như thảm hoa trang trí khoe sắc được chúng tôi gọi là “Hoa cúc trắng”. Sau này, bọn trẻ chúng tôi biết thêm tên gọi “Hoa xuyến chi”, một cái tên khiến lòng ta xao xuyến. Nhưng cho dù có gọi bằng tên nào đi nữa, xuyến chi vẫn ánh lên nét dịu dàng và mộc mạc vốn có...” (Ký ức hoa xuyên chi)
Với chiếc nón quê nhà, món hàng “đặc sản” của làng, thậm chí vùng miền thì: “Như vậy, để được một chiếc nón, người nông dân phải lên rừng bứt lá, phơi lá, mở lá, ủi lá, chọn lá, xây độn vành, chằm nón, cắt lá, nứt vành, cắt chỉ, phết dầu… Nói thế để thấy công việc làm nón không hề dễ dàng. Nhưng khi bất ngờ gặp hình ảnh cô gái với mái tóc xõa bên vành nón, miệt mài với từng mũi kim đường nức, bàn tay mềm mại vuốt lên từng thếp lá như truyền thêm vẻ hấp dẫn cho một nét đẹp dân dã khiến ta không khỏi nao lòng...” (Nhớ chiếc nón quê nhà)
Ở phía quê nhà ấy còn có biết bao nhiêu chuyện để viết, để suy tư, chiêm nghiệm? Ngô Văn Cư đã dẫn người đọc qua những hoài niệm về “Ngọn khói đốt đồng”, về những đạo lý ứng xử và làm người, qua chuyện thi cử, chuyện kể của người cha, xâu chuổi lại, độc giả có thể hiểu hơn về tấm lòng của một thầy giáo viết văn, mượn những trang tạp văn để gửi gắm những nỗi lòng mình luôn canh cánh. Độc giả như sẽ tìm thấy bóng hình của mình qua trang viết, với những kỷ niệm của một thời. Những độc giả nhỏ tuổi hơn, cũng sẽ chiêm nghiệm mà rút ra cho mình những hồi ức và kinh nghiệm đáng sống...
Nhà báo Vân Phi của báo Bình Định, đã nhận xét về tập Tạp văn của Ngô Văn Cư là: “Tạp văn của Ngô Văn Cư vừa mềm mại vừa đằm thắm. Câu từ ý tứ trong tạp văn của Ngô Văn Cư giản dị và đáng mến như cách trò chuyện với bạn bè. Mây ở phía quê nhà nhờ vậy khơi được dòng hoài niệm, khiến người đọc yêu mến, đồng cảm.” Theo tôi, Ngô Văn Cư bên cạnh những lung linh của một thời ký ức còn gửi cả một hồn thơ đau đáu, mẫn cảm với thế sự của quê nhà:
QUÊ TÔI LÊN PHỐ 
Trước là mặt phố phía sau làng 
Nửa tỉnh nửa quê thấy cũng sang 
Sáng sáng ngợp trời xe lạng lách 
Chiều chiều dậy đất dế kêu than 
Nghĩa nhân xuống cấp nhà thay chủ 
Vật giá leo thang quán hoá vàng 
Thừa thải tiện nghi và hiện đại 
Hình như chỉ thiếu chuyện tình làng.
(Ngô Văn Cư)

SP. MA 25/4/2019 
THV.

Nhận xét