NGƯỜI PHIÊU LÃNG SỚM CHIỀU

(Đọc "Gió lãng du" - tập thơ Ngô Văn Cư, NXB HNV-2016)

           Thời nào cũng vậy, quanh cuộc thơ văn đúng nghĩa hấp dẫn người sáng tác và tiếp nhận. Ngày ấy, một Thế Lữ hào phóng “Ta là khách bộ hành phiêu lãng/ Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi”, bây giờ Ngô Văn Cư nối gót “Rong chơi sớm nắng chiều mưa/ Trăm năm sầu nhớ ngày vừa bên nhau” lại da diết hơn. Đâu phải chờ đến những ngày nghỉ hưu, anh đã có tám tác phẩm đã xuất bản kể từ  2003 cho đến nay, còn phần “kỉ yếu” là hàng loạt giải thưởng. Kể ra cách rong chơi thuộc dạng kế tục “sao hôm” làm nền cho “sao mai” tiếp nối trên đất Văn- Võ song toàn , mà bước trẻ đang từng giờ náo nức. Gió lãng du, tập thơ chỉ 80 trang có đến 151 bài tứ tuyệt, kể ra không tiết kiệm giấy mực là không được. Bởi sầu- nhớ nhiều lắm, phải lời ngắn cho tình dài thiết tha nảy mầm mới thỏa mãn chiều mưa sớm nắng này!



        Nàng Thơ luôn hiền thục, không cựa quậy. Chính Gió lãng du cựa quậy. Cái tâm gió lồng lộng khởi nguồn theo mùa. Mùa “bấc” trở trời nghiệt ngã nỗi xốn xang tiếc nuối đã nao lòng người đọc nhận hiểu quá trình tư duy tương đồng trong ngôn ngữ:

        “Bao năm phơi nắng miền Trung
          Vẫn nguyên nét cũ vẫn sung vẫn giòn
          Từ ngày chạm nắng Sài gòn
          Thì bao sức vóc chẳng còn như xưa”
                     (Không phải nắng quê mình)

      Chỉ một chút (Ngỡ, Đi giữa cõi người, Chợt thèm,…)* làm sao anh có thể nào giả vờ được, khi đối diện một thực tế: “Thơ ngây cho hết đêm nay/ Rồi mai lại phải dạn dày già nua/ Bon chen trong cuộc bán mua/ Chạm vào chìm nổi được thua vô thường” (Phút riêng). Nên dù trong cách nói (Hiển ngôn, bất cần, hay Ra đi và trở về,…)* khó mà dối với lòng mình, với tình người, với tự nhiên đất trời được. Cái vòng luẩn quẩn, trở đi rồi trở lại lê thê sáng chiều xa xót chừng nào:

      “Ta đã cũ giữa quê nghèo đã mới
        Kỉ niệm xưa xao động lối ta về
        Có chiếc lá rơi bên chiều cô độc
        Lòng không buồn mà tiếng hát lê thê”
                                               (Tâm trạng)

     Cái cội trong "Gió lãng du" là khẳng định một tấm lòng tha thiết yêu thương. Xin đừng giả vờ dẫu đắng lòng bộc bạch “Đã làm một chiếc lá khô/ Xuôi theo gió giữa xô bồ nhân gian/ Còn nghe chồi biếc bên đàng/ Bình yên sống giữa miền hoang sơ buồn”(Mâu thuẫn). Rồi lặng lẽ đối chiếu: “Lòng chưa vướng những rong rêu/ Mà ngơ ngẩn nỗi bóng chiều rưng rưng/ Chợt nghe gió thổi lừng khừng/ Thì ra trời đất cũng từng xôn xao”(Ganh tị). Bởi sự thật “lòng không buồn, lòng chưa vướng” “chiếc lá rơi, chiếc lá khô” ấy sao cứ cắt cứa trái tim đến vậy. Thơ tứ tuyệt Ngô Văn Cư ngỡ là bức tranh tĩnh đan xen là sự chao đảo quấy rầy, nối nhịp sắc thái tạo hình sinh động hơn. Không bó buột. Là tự nguyện thể như cây ra hoa được người trồng nâng niu chăm bón, thì ắt có quả ngọt thơm:

         “Em cột ta bằng dây lạt mềm
          Mà thành tù tội suốt trăm năm
          Giữa bờ sinh tử còn luân lạc
          Vẫn vẹn trong lòng một trái tim”
                        (Người tù dễ thương).

      "Gió lãng du" vẹn nguyên cái tình sau trước. Thật đúng vậy. Từ hành động trạng thái va vấp cuộc đời thường, đầy bất ngờ, phải tự nâng niu tâm hồn để tìm lối thoát xúc cảm thực tại bẽ bàng mà sáng suốt làm sao: “Em đi biệt một chiều thu/ Đành buông kỉ niệm trong mù mịt mưa/ Đành lòng quên khúc sông xưa/ Dáng em rồi cũng như chưa… cũng đành”(Đành). Một khi em sở hữu “nhất dáng nhì da” hút hồn đâu chỉ riêng thi sĩ, sẽ càng trở nên trơ lì cát sỏi giữa nông sâu. Có thể anh đã trót gầy dựng khúc sông xưa của ngày hè êm ả, lại quên đi những ạt ào bão lũ đầu đông. Lòng sông cứ thế tuôn ra bể rộng hòa tan ngọt mặn đời mình. Lại quên mùa nắng gió hắt hiu. Sự lặp từ “Đành buông, đành lòng”cho gió lãng du say sưa ca hát thỏa nguyện một đời sao mà níu giữ được. Còn nhà thơ thì lúc nào cũng trọn vẹn “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”(Chế Lan Viên) soi rọi.

       Những khi:“ Xuân thiếu hoa vàng khoe dáng tết/  Thì thôi nhánh lộc cũng đành vui/ Mắt em lệch phía chân trời khác/ Thử hỏi tình ai chẳng ngậm ngùi” (Chấp nhận). Rồi “Vội vàng sợ trễ giờ lên lớp/ Bỗng gặp nhành hoa nở cạnh đường/ Nhẹ ngắt một hoa cho vào cặp/ Bất ngờ lớp học ngát mùi hương” (Bất ngờ ngát hương) tự nhiên lan tỏa không gian “lớp học” ngan ngát hương hoa tinh khiết vô cùng. Quý lắm đóa tình thương ân cần dạy bảo của thầy dành tặng học trò mình, của lớp người đi trước sẵn sàng dìu dắt đàn em kế tục thể như Nguyễn Duy đã từng: “Có manh áo cộc tre nhường cho con”. Cũng là sự tri ân từ thế hệ cha anh, bậc tiền bối đã gởi lại gia tài chữ nghĩa “Tình yêu vào khám tử hình/ Chấn song sắt cũng trỗ cành đơm hoa”(Lê Anh Xuân) cho ta miệt mài khai thác học tập. Còn với "Gió lãng du" là những khi “Bỗng gặp nhành hoa nở cạnh đường” mã hóa cho một hình tượng thơ Ngô văn Cư, dù là thể tứ tuyệt nhưng không gò bó từ “thất ngôn, ngũ ngôn, lục bát, tự do” nữa, cũng là thế mạnh trong văn cảnh ấy để người đọc nhận hiểu quá trình tư duy logich của tác giả gởi vào hồn thơ../.
________                                      Tháng 6.2017/ Nguyễn Thị Phụng.

*Tên các bài thơ trong tập

Nhận xét