Thầy giáo dạy Văn mê sáng tác

Sau các tập thơ “Điều bây giờ mới nói”, “Soi mình vào dáng quê”, “Chỉ còn nỗi nhớ”… Ngô Văn Cư, giáo viên dạy Văn Trường THCS Ân Tín (huyện Hoài Ân) tiếp tục “lấn sân” khi ra mắt tập truyện ngắn “Kẻ nhiều chuyện”.
Con đường đến với văn chương của thầy giáo - tác giả Ngô Văn Cư là một quá trình miệt mài, lặng lẽ gắn bó, đam mê.
Tác giả Ngô Văn Cư ký tặng bạn bè tập truyện ngắn đầu tiên của mình.

Làm thơ...


Bước chân vào nghề giáo từ năm 1978, trải qua nhiều nơi công tác tại hai huyện Hoài Ân và An Lão, đến năm 1985, Ngô Văn Cư về Trường THCS Ân Tín giảng dạy cho đến nay. Cũng chừng ấy thời gian, ngòi bút này chưa bao giờ ngưng nghỉ. Ông tâm sự: “Thời đó không như bây giờ, điều kiện giao lưu, trao đổi, gặp gỡ bạn bè văn chương rất hạn chế, song viết thì cứ viết. Nhiều lúc thấy mình như con chồn hương, lâu lâu lại ngửi cái đuôi của mình - viết ra, tự đọc lấy, để chiêm nghiệm và tự vui với chính mình”.
Năm 2003, tập thơ đầu tiên “Điều bây giờ mới nói” ra mắt bạn đọc. Lúc bấy giờ, nhà văn Lê Hoài Lương đã gọi Ngô Văn Cư là “một gương mặt mới toanh của văn nghệ Bình Định”. Bởi lẽ, cho đến khi “Điều bây giờ mới nói” trình làng, cái tên Ngô Văn Cư cùng tác phẩm của ông chưa xuất hiện ở một tờ báo hay tạp chí văn nghệ nào.
Ngô Văn Cư chia sẻ: “Là một giáo viên dạy Văn, kể ra viết lách cũng chỉ là điều bình thường. Thêm vào đó, sống ở đời bằng một trái tim rung cảm và nhiệt thành, sẽ có muôn điều “chui” vào suy nghĩ của mình, làm mình trăn trở, khiến mình muốn giãi bày. Càng gắn bó, văn chương càng cho tôi cơ hội được giãi bày những điều thấu tận tâm can mình. Tôi viết, và rồi “thử liều” xuất bản, kể cả tham dự các cuộc thi văn chương trong, ngoài tỉnh. Nhận được những giải thưởng nho nhỏ, tác phẩm được bạn đọc gần xa biết đến…, đó là niềm vui, sự sẻ chia quý giá và động lực để tôi viết nhiều hơn”.
Sau tập thơ đầu tay, Ngô Văn Cư tiếp tục xuất bản thêm 3 tập thơ “Đợi ngày xưa” (2007), “Soi mình vào dáng quê” (2009) và “Chỉ còn nỗi nhớ” (2012). Chặng đường sáng tác gần 10 năm, ra đời 4 tác phẩm và đặc biệt là cùng một thể loại (thơ), Ngô Văn Cư gần như đã được “định dạng” trong lòng bạn bè văn giới lẫn bạn đọc là một - cây -  bút - thơ. Đột nhiên cuối năm 2013, ông ra mắt tác phẩm thứ 5 là một tập truyện ngắn- “Kẻ nhiều chuyện”.
Bìa tập truyện ngắn “Kẻ nhiều chuyện”.

… và viết truyện
“Là những câu chuyện đời thường tôi góp nhặt vào trang viết. Ở đó có những cảnh đời, con người, số phận trong cuộc sống mà tôi từng chứng kiến hoặc thoáng qua, khiến tôi mãi nghĩ suy”, Ngô Văn Cư bộc bạch về tập truyện ngắn của mình. Đó là tập truyện khá dày dặn với 14 truyện ngắn. Phần lớn trong đó đã được đăng tải trên các báo và tạp chí trong nước. Thật lạ, Ngô Văn Cư là người viết rất nhiều thơ, đặc biệt là lối thơ đẫm tình và nhiều chiêm nghiệm, nhưng khi viết văn, ông thể hiện cái nhìn “rắn” cứ như thể ông thuộc tuýp viết truyện hiện thực vậy!
Có hai mảng đề tài trong tập truyện này. Đó là mối quan hệ tình cảm của con người trong đời sống cùng những khuất lấp đằng sau và quan hệ con người nơi công sở cùng những mối bi kịch từ sự tha hóa nhân cách. Dù là ở mảng đề tài nào thì tác giả cũng đã tập trung nói lên được phần nào cái phức tạp của cuộc sống và xã hội trước mắt. Trong truyện của Ngô Văn Cư, không gian cuộc sống chỉ như cái cớ để tác giả chỉ ra con người tự rơi vào cái bẫy của những tham lam trước mắt do mình đặt ra, để rồi tự họ đánh mất những gì đẹp đẽ vốn có trong tâm hồn họ.
Về hình thức nghệ thuật, đọc “Kẻ nhiều chuyện”, bạn đọc có thể thấy tác giả đã hơi cố sức trong việc lý giải tâm lý nhân vật, lý giải chi tiết của tác phẩm. Điều này vô tình khiến cho truyện giảm đi sức hấp dẫn và độ nén đối với người đọc. Tuy nhiên, sự gọt giũa kỹ thuật nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm và thời gian, huống chi đây là tập tác phẩm văn xuôi đầu tiên của một cây bút thơ.
Đọc từ “Điều bây giờ mới nói”, “Đợi ngày xưa”, “Soi mình vào dáng quê”, “Chỉ còn nỗi nhớ” và mới nhất là “Kẻ nhiều chuyện”, sẽ thấy ngòi bút Ngô Văn Cư ngày càng sâu sắc về nội dung và sắc sảo hơn về hình thức nghệ thuật. Là độc giả, tôi tin ông sẽ tiếp tục thể hiện khả năng văn chương của mình ở cả hai lĩnh vực: thơ và văn.

Nhận xét