CHỈ CÒN NỖI NHỚ TRONG TẬP THƠ LỤC BÁT


Đọc "Chỉ còn nỗi nhớ" - NXB Hội nhà văn 2012.
Tập thơ của Ngô Văn Cư


Cũng do cơ duyên nào đó, tôi nhận được được tập thơ "Chỉ còn nỗi nhớ" của Ngô Văn Cư. Một tập thơ gồm 57 bài lục bát. Đọc kỹ càng, tôi nhận ra thơ Ngô Văn Cư đã và đang đi vào độ chín. Chín trong cảm xúc và cách thể hiện. Giọng điệu ngọt ngào, êm đềm của chàng trai đất võ đưa người đọc đến những làng quê bình dị, yên ả. 


Ở đó, có những con người ngày đêm vật lộn trong cuộc sống đời thường để nuôi sống mình và làm đẹp làng quê. Những con người thân thuộc, những vùng đất quen quen đã bao đời đương đầu với nắng sương, gió bão. Có thể sau những vất vả, lo toan bộn bề còn lại trong chúng ta là nỗi nhớ. Một nỗi nhớ vừa mơ hồ vừa cụ thể được ươm chín trên cánh đồng lúa ngô, hoa trái và câu chữ. Tôi trân trọng tác giả qua những câu thơ anh viết. Thơ lục bát luôn là thể loại thử thách với chúng ta. Nó dễ thành vần vè nhàn nhạt vô thưởng vô phạt trong một bể thơ cuồn cuộn. Có thơ của người đích thực, tâm huyết với cuộc đời, gắn bó máu thịt với đất đai, sông ngòi, ruộng vườn, đồng bãi. Có thơ của quỷ với những câu chữ xác xơ, vật vờ như những bóng ma lang thang trong đêm tối. Và tôi nhận ra, "Chỉ còn nỗi nhớ" ở lại sau bao nhiêu khổ đau, u uất, hờn giận, xót thương trong tiềm thức của chàng trai vùng đất lịch sử oai hùng này. Có khi là cảm nhận qua tiềm thức: “Vẫn hoài nhớ dáng nõn tơ/ Liêu xiêu/ Tôi với dại khờ/ Quàng vai”(Lưng lửng bùa mê). Có khi là nỗi nhớ của nhà thơ với xúc cảm đằm thắm: “Vòng tay chạm nỗi nhớ thương/ Nắng nhàn nhạt hóa thành sương nồng nàn/ Nhặt niềm yêu cũ xênh xang/ Chợt lòng nghe lá cỏ đang tự tình” (Hơn cả nỗi buồn). Có khi đơn giản chỉ là sự quan sát: “Tiếng chuông lấm láp bụi đường/ Sân chùa xước những vết thương cõi người/ Gió mây lệch một cuộc chơi/ Lưng trời chiếc lá tự rơi lạnh lùng” (Ngộ 2). Có khi lại là sự ngẫm nghĩ, phảng phất nét tài hoa: “Bây giờ ngồi tiếc.../ Ngày xưa/ Vô tâm để cánh diều.../ Mưa ướt rồi”(Tiếc). Bạn đọc không thể vô tâm lướt qua những câu thơ giàu suy tư như thế này: “Rừng cây đứng ngóng cơn dông trắng chiều/ Tường vôi giữ chút xanh rêu” (Trái mùa). Tôi như thấy rừng cây chính là cuộc đời với lớp lớp người ngóng cơn giông cuối chiều, lao vào trong những vật vã, bon chen, tất bật, giành giật. Còn tường vôi phải chăng là những người đã từng trải, bình thản giữ chút còn lại của năm tháng đã phôi pha, đã xóa nhiều những di sản cũ mà người xưa cổ công xây đắp và gìn giữ được.
Tôi đọc "Chỉ còn nỗi nhớ", cảm nhận từ tác giả này những bài thơ êm ả, tươi mát, thấp thoáng tài hoa, hứa hẹn những mùa vàng bội thu. Tất nhiên, trong tập không chỉ toàn những bài về quê hương, về gia đình, Ngô Văn Cư còn dẫn bạn đọc về nhiều vùng quê khác, nhiều phong cảnh khác. Nơi này Đà Lạt mộng mơ, nơi kia là cố đô Hoa Lư, đây là vùng biên ải Lạng Sơn...nhưng tôi nghĩ, sự sâu sắc và những gì đóng góp của anh chính là từ mảnh đất quê hương, từ gia đình anh. Những điều ấy là nguồn cảm hứng chủ đạo của tập thơ. Cái tình trong Ngô Văn Cư nặng lắm. Thơ anh có nhiều điều khiến ta tin và hứa hẹn những mùa sây trái. Sự thu hoạch đang đợi ở phía trước với những thành quả vập vạp, những vụ bội thu thắng lợi. Thấp thoáng trong thơ anh có câu chữ tài hoa nhưng chưa kịp phát sáng. Nói chung là cảm xúc đằm thắm, ngọt ngào, nồng ấm là chủ đạo, đã làm nên thành công của Chỉ còn nỗi nhớ. Chừng đó dường như là chưa đủ với Ngô Văn Cư nhưng bạn đọc phải chờ những thành công sau.
Còn có thể trích dẫn những câu thơ giàu có phù sa bồi đắp màu mỡ cho tập thơ này nhưng tôi nghĩ thế là đủ. Mức độ mới là điều cần thiết. Những ưu điểm, mặt mạnh, thành công nếu lạm dụng lại là khiếm khuyết. Tập thơ còn những bài lép lỏng, nhiều chỗ ép vần, bỏ vần gây những phiền nhiễu không đáng có trong một tập thơ lục bát, đậm đà chất ca dao dân ca. Những điều chưa hoàn thiện này chắc chắn sẽ được anh khắc phục ở những tập thơ sau. Đó là điều mong ước từ bạn đọc. Nói thì nói vậy chứ tập sau của Ngô Văn Cư có khắc phục được những mặt này thì bạn đọc lại đòi hỏi ở anh những mặt khác. Vì bạn đọc dù rất cảm thông cũng luôn không bằng lòng với những gì hiện có. Và người viết vẫn phải lần mò đi tìm thi hứng trên con đường gian nan, cô đơn nhưng vô cùng hạnh phúc của mình.
Cẩm Bình. Ngày 01/12/ 2012




Trần Tâm
Tổ 3. Khu H1. Cẩm Bình. Cẩm Phả. Quảng Ninh
Đt: 0123 8344 872

Nhận xét