RỪNG CHƯA HẾT GIÓ - Truyện ngắn: Ngô Văn Cư

 

Lan tỉnh dậy khi trời còn chưa sáng, nhưng không thể nào nhắm mắt ngủ lại được. Cô vươn vai ngồi dậy, uốn mình cho bớt mỏi, vói tay khép bớt cánh cửa sổ cho bớt gió lùa. Phòng ngoài im lìm không chút ánh sáng. Con bé My My vẫn ngủ ngon bên cạnh, cô nhẹ nhàng bước ra khỏi giường. Đêm mùa hạ không trăng sao thật yên ả và như thoang thoảng mùi hoa nhài đầu mùa, một loài hoa cô yêu quý lặng lẽ ở góc vườn. Cô lặng yên nghe tiếng thở của đêm, nghe tiếng thở của trái tim mình và cả tiếng thở của bé My My. Con bé mới đấy mà đã phổng phao như một thiếu nữ và đã đi học ở trường huyện. Thời gian trôi nhanh thật…

Sau tháng tư năm một chín bảy lăm, đội thanh niên xung phong phục vụ ở trạm xá dã chiến được điều về nông trường dứa thì bắt đầu tan rã lần. Người thì về quê, người thì theo chồng… Lan nhận nuôi đứa con của Hoàn, một đồng đội cũ đã có con riêng, khi cô ấy rời khỏi khu tập thể để lập gia đình cùng một công nhân ở nông trường. Lan thành người không chửa đẻ vẫn có con. Được cái, con bé My My cũng ngoan hiền, học hành chăm chỉ nên hai mẹ con sống đầm ấm, hạnh phúc. Duy có điều luôn ám ảnh Lan là những đồng đội vẫn chưa về đoàn tụ được với gia đình. Nên từ khi My My biết tự chăm sóc mình thì thỉnh thoảng Lan khoác ba lô về lại cánh rừng năm xưa, nơi đó, Lan biết rõ nơi nhiều đồng đội còn yên nghỉ. Anh Hoàng người Nghệ An, một tài xế vui tính vừa qua khỏi cung đường một ngày đã phải quay trở lại vì bị bom. Dẫu được hết lòng cứu chữa nhưng anh phải nằm lại bên cội muồng già ven rừng. Anh Mật quê Thanh Hóa, chuyến xe vào xe ra nào cũng ghé trạm thăm Tâm. Hai người đã hẹn nhau đến ngày hòa bình sẽ về ở chung nhà. Nhưng ước mơ bình dị, đời thường ấy đã không thể hoàn thành. Anh chiến đấu, lăn lộn trong bom đạn nhưng cái chết của anh như chẳng có gì liên quan đến chiến tranh. Khi vừa chia tay với Tâm bên bờ suối, chuẩn bị lên xe vào phía nam thì bị một con rắn độc cắn. Cái chết đến thật nhanh, đột ngột và lãng nhách. Anh Mật cũng đã về với gia đình cùng với Tâm và Lan. Gia đình anh biết bao xúc động khi người bạn và người yêu của con đã tìm đến tận nhà… Rồi từ Lan mà biết bao chàng trai mãi mãi tuổi hai mươi lần lượt về với gia đình, với quê hương hay nằm chung cùng đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ. Lục tung trí nhớ và sơ đồ mộ chí chôn các liệt sĩ mà Lan tự vẽ thì chỉ còn một người. Chiến! Người ấy luôn trong tâm trí của Lan và từ lần đầu tiên đi tìm mộ cô cũng đã đến với Chiến. Nhưng nay các đồng đội mà Lan biết, hài cốt đã được quy tập mà Chiến vẫn còn nằm lại nơi anh ngã xuống, mặc dầu cô vẫn nhang khói đều đặn. Đêm nay, cô chợt thấy lòng không yên bình khi bé My My thanh thản một cách thánh thiện. Lan dứt khoát một mình đến nơi xưa để đưa Chiến về dẫu đã quá muộn màng.

Đó là khu đất bìa rừng. Cạnh con suối nhỏ róc rách tiếng nước chảy quanh năm có một dãy lán trại làm trạm xá dã chiến thời chiến tranh. Đội thanh niên xung phong của Lan đã được tăng cường đến để chăm sóc các chiến sĩ bị thương. Chính nơi ấy, Lan và Chiến đã hò hẹn nhau khi anh điều trị vết thương  phần mềm. Vết thương nhẹ nên Chiến cũng góp một phần việc trong việc giúp đỡ thương binh. Rồi anh cũng rời khỏi trạm để tiếp tục cùng đồng đội vào chiến trường. Nhưng sau đó anh lại phải chuyển về trạm xá vì vết thương khá nặng. Anh không qua khỏi vì bị mất máu khá nhiều. Ngày Lan cùng mọi người chôn Chiến, cô mới biết một việc đau lòng…

Ngồi trước hài cốt của Chiến, Lan thấy lòng mình trống rỗng. Nhưng gió rừng lại ào ạt thổi. Những ngọn gió rất quen như len lỏi qua những thân cây xù xì rồi quây quần bên Lan và Chiến gợi nhớ ngày xưa hai người yên lặng lắng nghe tiếng súng nổ ở nơi xa vọng lại. Cô phải hỏi Chiến những điều mà cô đã giữ trong lòng nhiều năm qua. Chiếc muỗng inox trắng tinh trên tay Lan dùng để gạt đất bỗng gõ nhẹ lên chiếc sọ dừa trắng hếu của Chiến.

Một tiếng vang khô khốc như giữ nhịp cho câu hỏi của cô: “Sao anh làm cho Hoàn có thai? Anh có biết như thế là làm khổ cho cả ba người không?”

Không biết bao nhiêu buổi chiều Lan đã ngồi bên mộ Chiến. Những đóa hoa rừng tươi luôn được thay giữa bóng rừng ảm đạm nhưng nỗi lòng của cô vẫn nguyên vẹn. Cô cảm thấy dễ chịu hơn khi có Hoàn bên cạnh. Nhất là từ khi cô biết được bí mật giữa Hoàn và Chiến. Một bí mật làm mọi người tổn thương: Hoàn đã có thai với Chiến!

-Sao lại như thế?

-Anh Chiến hứa sẽ đưa em về quê!

-Mà sao lại để xảy ra cơ sự?

-Ảnh bảo có cách làm để không thể có thai!

-Hả?

-Chỉ uống ca nước lả và vỗ vào lưng ba cái thì tất cả tống ra ngoài. Yên tâm…

-Ngu chi dữ vậy trời!

Chửi Hoàn nhưng Lan giật mình. Nếu Chiến cũng nói với mình như thế thì kết quả sẽ thế nào… Nỗi buồn của Lan có thấm vào đâu với đau khổ mà Hoàn phải mang! Thôi, chuyện đã xảy ra thì cùng nhau cưu mang. Rồi bé My My ra đời. Tiếng súng nơi xa vẫn vọng về và thương binh ngày càng thêm nhưng ngày hòa bình ngày càng gần, nỗi hận tình lại càng chồng chất.

Chiếc muỗng lại vung lên và tiếng một tiếng cạch khô khốc lạnh tanh lại nhịp với câu hỏi của Lan: “Đã phỉnh phờ Hoàn, sao còn lừa dối em?”

Rừng chiều. Tiếng đại bác thỉnh thoảng lại dội đến. Con suối trong veo róc rách chảy hiền hòa như khẳng định chiến tranh không hề tồn tại nơi này. Nhưng vết thương trên người Chiến và những thương binh trong lán kia đã tố cáo sự khốc liệt của chiến tranh. Chiến khỏa chân xuống dòng suối mát lạnh kể về quê hương mình. Một miền quê xa lắc. Người mẹ già tảo tần bên luống rau, góc bếp. Cha một nắng hai sương với mảnh ruộng chung hợp tác. Tuổi thơ của Chiến chỉ quanh quẩn nơi con đường quen thuộc từ nhà đến trường. Và bây giờ là rừng núi Trường Sơn. Vừa bỏ cây bút đã cầm cây súng. Chưa kịp nói tiếng yêu với người con gái nào. Chỉ bấy nhiêu mà Lan đã chấp nhận nụ hôn cháy bỏng của Chiến kèm với lời yêu và sự hứa hẹn khi hòa bình… Bao nhiêu buổi chiều, bao nhiêu lần ngồi bên dòng suối yên bình như chưa hề có cuộc chiến tranh tàn khốc, tình yêu của Lan được nuôi dưỡng bởi những lời đường mật của Chiến. Sự hứa hẹn đã vẽ một bức tranh hạnh phúc với hai vợ chồng đời sống còn khó khăn, chật vật nhưng êm đềm cùng những đứa con ngoan hiền. Cũng vì bức tranh tương lai đẹp đẽ như thế nên những lần Chiến đòi đi xa hơn những nụ hôn đều bị Lan từ chối. Ngỡ là sự đòi hỏi xác thịt bình thường của tuổi trẻ… Nào ngờ, Chiến lại tiếp tục lừa dối Hoàn…

Chiếc muỗng lại nhịp xuống. Vẫn là tiếng vang khô đanh vô hồn của inox chạm vào xương nhưng tiếng hỏi như một lời thầm thì: “Anh có biết là em và Hoàn đã tìm đến nhà anh không?”

Một miền quê nghèo như mọi làng quê vừa đi qua chiến tranh, hai cô gái hình dung cảnh người mẹ già mòn mỏi ngóng đợi con; người cha bán mặt cho đất bán lưng cho trời; người vợ trẻ mong tin chồng biền biệt; đứa con thơ dại hồn nhiên vui chơi cùng bè bạn. Nhưng khi Lan và Hoàn tìm đến nhà thì không như trong tưởng tượng. Một người đàn ông nhỏ thó đang ngồi bó gối trên góc phản ở hiên nhà được giới thiệu là bố của Chiến. Ông ngồi với bình trà đã nguội lạnh từ lâu. Ông tiếp nhận tin Chiến hy sinh ở chiến trường một cách bình thản, nỗi đau đã lặn sâu vào đáy lòng.

-Tôi đã được tin báo tử trước khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Mẹ nó đau buồn và ra đi khi đã kịp nghe tin đất nước thống nhất. Thôi thì gia đình tôi cũng đã góp một phần xương máu cho được ngày hôm nay. Tôi chỉ buồn là vợ thằng Chiến…

-Hả?

Bố của Chiến có biết đâu thông tin ngắn gọn của ông là tiếng sét đối với Lan và Hoàn. Chiến đã có vợ! Thôi thì có vợ hay không bây giờ còn ý nghĩa gì nữa. Tất cả đã qua rồi. May là bé My My chưa biết bố nó là ai và lúc này không có mặt nó.

-Gia đình tôi chỉ có mình Chiến là trai. Nó thuộc diện chính sách không phải ra chiến trường nhưng cả lớp học của nó đều xung phong ra trận, lẽ nào nó lại không! Trước khi lên đường, Chiến đã cưới Thảo, cô gái quê gần nhà. Đứa con trai của Chiến ra đời sau khi nó vào chiến trường ít tháng. Cũng là niềm an ủi cho gia đình. Nó đang ở trên phố… Còn Thảo nghe tin chồng mất đã gởi con nhỏ và xung phong vào chiến trường… Đến nay, vẫn chỉ là người mất tích, không chính sách chế độ nào được hưởng…  

Vậy đấy, nỗi đau vì phụ tình của Lan có thấm gì với Hoàn vừa bị phụ tình vừa phải mang lấy hậu quả. Nhưng nỗi đau của cả hai người làm sao so được với sự mất mát to lớn mà Thảo phải đón nhận. Cũng may, là chị ấy không hề biết hai người đang ngồi đây đều là nạn nhân lừa tình của Chiến. Nếu biết được điều này thì người con gái chân quê kia có còn hy sinh tuổi xuân để trả thù cho chồng… Lan và Hoàn lặng lẽ từ giã mà giữ nguyên bí mật của mình đã có với Chiến để gia đình anh bớt đi sự xáo trộn.   

Chiếc muỗng lại vung lên. Lần này, tiếng trầm đục nhưng ngân vang như lời báo tin của Lan: “Anh biết không, Hoàn có chồng và em cũng đã có con?”

Sau ngày 30/4/ 1975. Trạm xá dã chiến trong rừng được dời về đồng bằng. Đội thanh niên xung phong không có chuyên môn ngành y nên tan rã sớm. Người thì về với gia đình. Người thì tiếp tục ở lại để bồi dưỡng nghiệp vụ mà phục vụ lâu dài. Người thì được điều về nông trường ươm các loại cây ăn trái… Lan và Hoàn về nông trường sống chung phòng tập thể và được bé My My gọi chung là mẹ; nó còn quá nhỏ để phân biệt mẹ đẻ, mẹ nuôi. Hai người mẹ đều dành toàn bộ yêu thương cho My My. Ở đấy, những cô gái trẻ hồn nhiên bước ra từ chiến tranh đã làm lành vết thương bằng ươm màu xanh từ những hạt mầm. Và Hoàn cũng đã bén duyên với tình yêu mới cùng một công nhân lái máy ủi ở nông trường bất chấp cô đã có con riêng. Nhưng đó là trở ngại lớn bởi chẳng gia đình nhà chồng nào chấp thuận người con dâu đã có con với người khác. Một lý do chính đáng để Lan nhận My My là con để Hoàn đi xây hạnh phúc mới, xem như một cách hy sinh cho đồng đội. Lan chính thức trở thành mẹ của bé My My. Đến bây giờ My My vẫn xem Lan là mẹ ruột và gọi Hoàn là Má Hai.   Lần này về, sẽ nói rõ cho con biết cội nguồn… Nó đã có dáng là một thiếu nữ rồi đấy.

Chiếc muỗng lại giơ lên nhưng lại hạ xuống… Chỉ có tiếng gió rừng rì rào: “Đồng đội đang khóc anh đấy, anh có nghe không?”

Ở chiến trường. Lệnh hành quân sau nhiều ngày đại đội khảo sát địa hình và nắm tình hình địch. Chạng vạng tối, đơn vị cứ nhằm giữa hai chốt địch mà đi. Pháo sáng bắt đầu lơ lửng trên bầu trời để lộ những vạt rừng bị pháo phạt trơ ra. Thỉnh thoảng có tiếng pháo nổ vọng ình oành vào núi. Không khí rất căng thẳng. Có lẽ địch đã thấy dấu hiệu bất thường trong những ngày qua mà tăng cường pháo sáng cho đêm. Đang đi bỗng có lệnh quay lui. Thế có chết không.  Đơn vị đã lọt vào ổ phục kích của địch. Đã có mùi thuốc lá thơm và tiếng người nói khẽ. Thế là hết. Lại phải đi vào giữa hai chốt địch. Bỗng Chiến nói khẽ như ra lệnh dẫu anh không có quyền gì vào lúc này: Anh em rút đi… để tôi chặn hậu… tôi sẽ về sau… Không ai phản đối cái lệnh mà vào lúc khác chẳng một chút giá trị. Đơn vị đã lui khá xa thì bỗng nghe những loạt đạn AR-15 vang lên giữa những tiếng AK. Chiến đã chiến đấu trong hoàn cảnh đơn độc, căng thẳng và thiếu đạn. Đơn vị đã rời xa và không thể chia lửa cho anh vào lúc này để bảo toàn bí mật và lực lượng… Những tiếng AR-15 vẫn lọan xạ. Những tiếng AK đơn độc vẫn vang lên như báo hiệu với đồng đội rằng Chiến vẫn còn. Bỗng có tiếng nổ của lựu đạn. Rồi im bặt… Một sự yên lặng đến rợn người. Bóng đêm lại lưu giữ toàn bộ bí mật của nó để đơn vị rút lui an toàn. Hai ngày sau, đơn vị mới tìm thấy Chiến bị thương và đói lả khi băng rừng trở lại đơn vị. Vết thương nhẹ nhưng máu ra nhiều và bị nhiễm trùng cùng với cái đói đã làm kiệt sức Chiến. Anh đã không qua khỏi khi tìm về với đồng đội. Nhiều người đau xót, than thở, ôm nhau khóc. Nhưng việc chiến đấu cứ khẩn trương, dồn dập, gấp gáp… và không thể bi lụy! Chỉ một niềm an ủi là đồng đội hy sinh ở hậu cứ còn được lo liệu chu tất chứ trong lúc hành quân ở vùng địch hậu hoặc gặp địch giữa đường thì … Người sống đành tạ từ người chết, đắp đất lên đồng đội một cách vội vã rồi lau nước mắt hành quân tiếp. Sự hy sinh trong chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.

Lan rút từ trong ba lô ra hai tấm ảnh: “Con mình đấy anh!”

Chiến tranh đã làm cho nhiều cô gái từng tham gia kháng chiến sống khó khăn khi đã hòa bình. Phải đối mặt với nhiều loại bệnh tật rất riêng của đàn bà. Đâu phải cô gái nào cũng may mắn như Hoàn có một gia đình hạnh phúc. Hoặc như Lan có một đứa con để chia sẻ buồn vui, bệnh tật. Khi thăm gia đình Chiến, Hoàn và Lan đã xin được một tấm hình của bé Đợi, con của Chiến và người vợ chính thức mong sau này My My sẽ tìm về với gia đình. Nay, trao lại cho anh.

Bộ hài cốt trong va li, ba lô trên vai… Lan bước ra khỏi khu rừng để lại phía sau những tiếng rên, tiếng khóc, tiếng nghiến răng của thương binh cùng tiếng hối hả, gấp gáp của bác sĩ, y tá… Tất cả như hòa theo cùng gió xào xạc vừa thân quen vừa lạ lẫm. Ánh trăng non đầu tháng chưa đủ tròn nhưng ấm áp đã xuất hiện sớm như soi rọi đường về của Lan.

Cô thấy lòng mình thanh thản và ấm áp.

NVC

(Bài đăng trên VNAN số 23 - năm 2023)






 

Nhận xét