NHỚ CHIẾC NÓN QUÊ NHÀ Tạp văn: Ngô Văn Cư


Lần đầu tiên đến thăm người bạn ở Huế, theo phép xã giao cho vừa lòng nhau, tôi đã “vô duyên” khen Phò mã tốt áo với những mỹ từ về vẻ đẹp thiên nhiên; về lăng tẩm, cung điện triều Nguyễn; về nét dịu dàng của con gái Huế; về chiếc nón bài thơ… Tôi cũng “phổng mũi” vì những lời có cánh về vùng quê “đất võ trời văn” với những cô gái “bỏ roi đi quyền”, với “Bàn Thành tứ hữu”; về những cụm Tháp Chàm; về… nhiều thứ khác nữa. Nhưng tôi thật sự ấn tượng khi bạn nói đến một nét văn hóa không thua kém Huế bằng một câu ca dao “Anh về Bình Định ba ngày, cậy mua chiếc nón lá dày không mua”. Có lẽ bạn nói đến chiếc nón lá Gò Găng nổi tiếng, nhưng tôi lại nhớ đến dị bản của câu ca dao này “Ai về Vĩnh Đức ba ngày, cậy mua chiếc nón lá dày không mua”.  Vĩnh Đức là một thôn thuộc xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định - quê tôi!


Nón lá ở quê tôi là loại nón rẻ tiền. Nghề chằm nón được coi là nghề phụ trong những ngày nông nhàn. Công việc nhanh có tiền nhưng không nhiều vốn. Vật liệu làm nón đơn sơ, dân dã. Nhưng làm được chiếc nón phải khéo tay. Người phụ nữ và cả trẻ em lên mười cũng đã tham gia chằm nón. Người đàn ông trong gia đình cũng có thể tham gia bằng việc đi chặt lá nón, chuốt vành, lên khung nón…
Lá nón là một loại lá mọc hoang dại ở những vùng núi. Người ta chỉ chặt lá nón non khi còn búp, có hình nan quạt chưa xòe ra, màu trắng xanh để phơi khô. Lá non được phơi vào sương đêm cho lá bớt độ giòn, khi mở lá khỏi rách. Người ta làm thẳng lá bằng cách dùng một miếng sắt đặt trên nồi than lửa nóng đỏ, dùng búi vải độn bằng nắm tay đè vào lá nón và kéo chúng thẳng như tờ giấy, rồi lựa những lá đẹp để làm phần ngoài của nón, những lá xấu được giấu vào phía trong. Lá nón tốt, đẹp phải là lá chặt từ rừng núi huyện An Lão – gọi là “lá nguồn”. Còn loại lá “đuôi phụng” (cuối lá nón xòe ra như đuôi phụng) , hoặc lá “ba khía” (đầu lá nón có ba đường gân nổi lên).. là loại lá xấu, chỉ dùng lót vào phía trong! Có lá nón rồi, còn phải chuốt tre thành những nan vành, uốn thành những vòng thật trònlớn nhỏ khác nhau để chằm nức vành. Rồi những cái vành này được gắn lên cái khung có 6 cây sườn hình chóp kích thước chuẩn nhằm khi lợp lá và chằm nón xong tháo nón ra dễ dàng. Nón thường chỉ có 16 vành tròn vót thật đều nối lại. Khi xây và lợp lá, phải khéo léo sao cho khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp dày mỏng không đều để nón thanh mảnh, đẹp đẽ. Chằm xong chiếc nón, tháo ra khỏi khung;cắt lá thừa; nức miệng nón; làm quai; phết lớp mỏng dầu rái trong suốt để nước mưa không theo lỗ kim chảy vào bên trong. Như vậy, để được một chiếc nón, người nông dân phải lên rừng bứt lá; phơi lá; mở lá; ủi lá; chọn lá; xây độn vành; chằmnón; cắt lá; nức vành; cắt chỉ; phết dầu… Nói thế để thấy công việc làm nón không hề dễ dàng. Nhưng khi bất ngờ gặp hình ảnh cô gái với mái tóc xõa bên vành nón, miệt mài với từng mũi kim đường nức, bàn tay mềm mại vuốt lên từng thếp lá như truyền thêm vẻ hấp dẫn cho một nét đẹp dân dã khiến ta không khỏi nao lòng!
Tôi cứ tin địa danh trong câu ca dao kia là Vĩnh Đức bởi xã Ân tín quê tôi gồm 5 thôn nhưng chỉ có thôn Vĩnh Đức là nhà nào cũng có khung sườn nón, cũng có người biết chằm nón… Phải nói, nhà nhà làm nón; người người chằm nón.Ngày ngày, những cô gái thường tập trung ở một nhà rộng rãi, thoáng mát cùng chằm nón. Việc ai nấy làm nhưng những tin tức, những câu chuyện tình làng nghĩa xóm cũng được loan ra từ nơi này. Các gia đình trong thôn gắn kết với nhau, hiểu nhau hơn từ những ngày ngồi chung nhà chằm nón. Có khi sự xung đột, hiểu lầm nhau trong quan hệ cũng được cởi mở trong sự tĩnh lặng của tâm hồn khi chằm nón nhưng thấm đẫm tình người qua sự giải bày của bạn nghề. Và, cũng có những cặp trai gái đến với nhau và thành vợ thành chồng từ những “bà mối” nhiều chuyện “xỏ lá” này. Bây giờ, những thôn khác trong xã cũng đã có nhà chằm nón vì con gái thôn Vĩnh Đức lấy chồng mang nghề theo. Nhưng nghề làm nón tại Vĩnh Đức lại dần mai một. Không phải vì thiếu người mua, mà thiếu nguyên liệu. Rừng rẫy bị phá sạch để trồng các loại cây kinh tế hơn. Cây lá nón hết chỗ chen chân. Muốn tìm được lá phải đi thật xa… Và kinh tế thu nhập từ chiếc nón lá quê tôi cũng không cao trong khi các ngành nghề khác có thu nhập nhiều hơn. Lớp trẻ không mặn mà; lớp già thì mắt mờ, tay run. Mất đi một làng nghề ở địa phương là điều không tránh khỏi.
Tôi đã từng biết đến nón bài thơ xứ Huế; từng thăm làng nghề nón ngựa Phú Gia (thuộc xã Cát Tường, huyện Phù Cát – nhờ đó mà tôi có viết bài thơ “Em chằm nón ngựa rủ rê”), từng dạo chợ nón đêm Gò Găng… nên mỗi lần thấy hình ảnh khuôn mặt e ấp bên chiếc nón lá thì lòng tôi lại nao nao một hoài niệm về một thời chưa xa với chiếc nón lá Vĩnh Đức quê tôi. Nếu không có một quyết sách của chính quyền thì nghề chằm nón lá thân quen rất hợp với chị em phụ nữ trong những ngày nông nhàn sẽ biến mất. Một nơi từng sản xuất nón lá chắc phải mua nón từ nới khác… Buồn thay!
Nón lá tuy dân dã, rẻ tiền nhưng từ nông thôn đến thành thị đều dùng nó trong những trưa hè nắng gắt hoặc những ngày mưa phùn gió bấc. Dẫu mai này xã hội có tiến lên như thế nào thì chiếc nón lá vẫn hình ảnh gắn liền với người dân Việt. Không gì đẹp hơn những cô gái với mái tóc nhung mượt xõa bên vành nón trắng cùng với chiếc áo bà ba gọn gàng đã trở thành thương hiệu của ngành du lịch Việt Nam.
Lẽ nào làng nón Vĩnh Đức ở quê tôi chỉ còn trong hoài niệm của những người lớn tuổi?
NVC





                                                      Tác giả và nón ngựa - Phú Gia

Nhận xét