Lang bang sông nước Miền Tây (Ký- Phóng sự)

Lang bang sông nước Miền Tây
(Ký- Phóng sự)
Hơn 3 giờ chiều, từ sân bay Tân Sơn Nhất, đoàn chúng tôi mải miết đến Cần Thơ, quê hương của người đẹp Tây Đô. Tên đất Tây Đô có xuất xứ từ một sự kiện lịch sử, cuối năm 1787 khi chúa Nguyễn Ánh từ Xiêm La về, đã đặt tổng hành dinh tại Cần Thơ trong vòng 2 năm để làm bàn đạp chiến lại Sài Gòn- Gia Định. Bởi vậy, vùng sông nước hữu tình này có thêm một tên mới.
Đến nay Cần Thơ được coi là thủ phủ trung tâm của 13 tỉnh thành miền Tây Nam Bộ. Các làng xã vùng sông nước miền Tây này không có những tiêu chí truyền thống của làng Việt cổ với cổng làng, cây đa, sân đình… song lại có không gian sống khoáng đạt và sớm quen với cơ chế thị trường của một vùng gạo trắng nước trong được thiên nhiên ưu dãi. Trên chặng đường dài 169 km, xe đi qua những vùng đất có cảnh quan và hương vị khá đặc biệt. Trên tỉnh Tiền Giang, nhận biết thị trấn Cai Lậy thật dễ, bởi nền trời tua tủa những dàn ăng ten. Đến nay, hầu như các gia đình ở đây đều đã sử dụng truyền hình cáp, song cả rừng ăng ten không còn dùng đến, cũng chả có nhà nào dỡ bỏ đi, như muốn tạo thêm điểm nhấn cho quê hương mình. Trời nhoè tối, trên đoạn đường dài gần 3 km qua vùng quê của huyện Cái Bè, nơi có những vườn cây ăn quả bạt ngàn, trong xe ô tô bỗng ngào ngạt mùi thơm của sầu riêng, một loại quả đặc sản của vùng sông nước miền Tây. Cây cầu Cần Thơ từ tỉnh Vĩnh Long vắt qua con sông Hậu, dẫn chúng tôi dến thành phố lớn. Đã gần 8 giờ tối, xe máy đi lại như mắc cửi, không thấy cảnh sát giao thông, nhưng ai ngồi trên xe cũng đội mũ bảo hiểm, một ý thức sống khó mà tìm thấy ở quê ta! Cần Thơ nổi tiếng với bến Ninh Kiều- tên này được đặt theo địa danh Ninh Kiều- nơi có chiến công lẫy lừng trong bài Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi (Ninh Kiều chi huyết thành xuyên, lưu tinh vạn lý). Đêm, bên bến và công viên Ninh Kiều bám mặt sông khoảng cây số, người đông như trẩy hội, nhà hàng là một chiếc du thuyền, đèn hoa lộng lẫy, véo von tiếng đờn ca tài tử quay về cập bến. Đây là nhà hàng nổi 3 tầng sức chứa 700 thực khách. Khi đã đủ người, du thuyền lại rời bến, quanh quẩn trên sông nước để khách ngắm thành phố và cây cầu Cần Thơ về đêm, tàn cuộc ăn lại về cập bến, đón lượt thực khác mới. Một chuyến đi, đâu khoảng tiếng rưỡi. Những món ăn miền Tây, phải thưởng thức bằng mắt, mới thấm hết cái ngon, đó là những bông su đũa hồng thắm như cánh sen, “ngó” cây hoa súng tím nhạt, màu vàng của nụ hoa bí ngô sắp đến thời xoè cánh để hợp cùng nồi lẩu của món cá bông lau nào đó…


Cánh đây không lâu, 3 vùng đất là thành phố Cần Thơ, hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng đều nằm trong tinh Hậu Giang… Chúng tôi đến thăm chùa Dơi và chùa Đất Sét trên đất Sóc Trăng. Gọi là chùa Dơi bởi đây có đàn dơi quạ, giống này chỉ đẻ mỗi năm một con vào tháng 5, song số lượng ngày càng ít đi, bởi có khá nhiều bợm nhậu khoe rằng- thịt dơi quạ ngon như thịt gà! Nhìn lên những tán cây cao gần 10 m, đàn dơi đậu núc nỉu như chùm quả. Thân dơi vàng sẫm và cánh đen nhạt. Chùa Đất Sét ở lẫn trong khu dân cư, xuất xứ của tên này bởi tất cả tượng trong khuân viên của chùa đều được làm bằng đất sét, ở chùa này, ngoài Trung Quốc ra, lần đầu tiên tôi được thấy tượng thần thú có mặt ở Việt Nam- đó là con long mã đầu rồng, mình ngựa. Trong chùa có 4 cây nến đại, cháy liên tục trong vòng 60 đến 80 năm mới tắt. Hiện có hai cây nến đường kính khoảng 40 cm cháy liên tục từ năm 1940 đến nay.
Đi xa hơn nữa, sẽ đến điểm du lịch- Khách sạn Công tử Bạc Liêu. Nhân vật này có tên thật là Trần Trinh Huy, biệt danh “Hắc công tử” có nhiều ngón ăn chơi không mấy ai địch nổi. Một dạo ông ta ở Sài Gòn, ngày chưa có ô tô, mỗi khi ra khỏi nhà để đến đâu đó, bao giờ cũng thuê trên 10 chiêc xe kéo tay nghễu nghện chạy theo, chỉ để phục vụ một mình Hắc công tử. Bản thân ông ta ngồi một xe, những chiếc còn lại, mỗi xe chỉ chở một thứ đồ dùng của ông như cái mũ phớt, chiêc cặp, cái ô, chiếc ba toong, hộp quẹt, tẩu hút thuốc… Một điển tích mà dân Nam Kỳ ai cũng biết- đó là trong rạp hát, trời tối, Hắc công tử đốt tờ “con công” để tìm hộ Bạch công tử người Mỹ Tho một đồng tiền có mệnh giá thấp hơn rất nhiều lần. Sau đó cú quá, Bạch công tử chở cả xe tiền đến nhà Hắc công tử thi đốt tiền để… nấu cháo. Vụ này, Bạch thắng Hắc. Ngày xưa ở cõi trời Nam, Hắc công tử là người duy nhất có ô tô rồi máy bay riêng, chỉ sau vua Bảo Đại. Ông là điền chủ không su phụ pháp, ngoài việc ông thuê người Pháp làm quản lý, thời kháng chiến, có lần ông công khai ủng hộ cánh mạng 15.000 tấn thóc. Tại sao ở đất miền Tây này có những điền chủ sở hữu những cánh đồng thẳng cánh cò bay và tiền rừng bạc bể nhiều đến vậy? Xin tìm hiểu một chút về bản lĩnh, bản sắc của người miền Tây Nam Bộ. Miền đất này trước kia thuộc Thuỷ Chân Lạp được sáp nhập vào tổ quốc Việt Nam cách đây không lâu, năm 1859 biên giới đã định hình như ngày nay- dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Công lao lớn nhất phải kể đến các quan Nguyễn Hữu Cảnh (người gốc Quảng Bình), Nguyễn Cư Trinh đại thần quân cơ người gốc Hà Tĩnh và hai cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích từ Quảng Đông Trung Quốc đến lập nghiệp tại Hà Tiên. Dân miền Tây rất say mê nhân vật Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu và các hảo hán Lương Sơn Bạc, bởi vì có một bộ phận rất đáng kể người miền Tây là hậu duệ của các tử tù và dân anh chị quen chọc trời khuấy nước. Trong tác phẩm Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi có nhân vật tự đặt tên mình là Võ Tòng (một hảo hán của Lương Sơn Bạc) lúc nào cũng vắt vẻo một con vượn bạc má đeo bám trên vai, ít nhiều phản ánh suy nghĩ và tình cảm của đại bộ phận dân miền Tây. Ngày xưa vùng Nam bộ được gọi là vương quốc Phù Nam rồi sau đó là Thuỷ Chân Lạp. Vương quốc của người Khơ Me thời Nhà Nguyễn bao gồm Lục Chân Lạp và Thuỷ Chân Lạp, song họ không quen chài lưới nên phần lớn, dân cư tập trung ở vùng phù sa cổ để trồng cấy ở Lục Chân Lạp, cho nên miền Tây Nam bộ ngày đó dân cư thưa thớt, nhiều đất hoang hóa, sình lầy. Địa danh Bến Nghé được đặt do tại bến sông này cá sấu nhiều, khi trời sẩm tối lại thi nhau kêu như nghé gọi đàn. Vùng đất dữ “dưới sông sấu gắp, lên non cọp vồ” này cần có những người dũng cảm để tôn ấp lập làng. Bởi thế các chúa Nguyên ban hành quyết định- tất cả các tù nhân muốn thoát tội thì đến miền Tây khai hoang mở đất. Các điền chủ, quan lại ai chiêu tập được dân ly tán đến khai hoang, được bao nhiêu ruộng đồng thì đều thuộc về người đó, ai làm ra nhiều thóc gạo thì mức đóng thuế càng được giảm nhẹ. Những người mở đất giữa mang mang sông nước, phải đoàn kết quấn túm nhau. Họ có “tập quán” khi ăn, tất cả quây quần uống chung một bát rượu, cũng là để loại trừ âm mưu người trong bọn định án toán lẫn nhau. Những món ăn trong bối cảnh không còn gì để ăn của cái thời vỡ đất miền Tây, đến nay vẫn còn lưu đọng lại và trở thành đặc sản- đó là chuột đồng và rắn sông. Vùng đất giàu có này không phải lo miếng ăn, vì với tay xuống nước là có cá, nên tính phóng khoáng càng được thăng hoa. Câu quen dùng và được thực hiện phổ thông ở miền Tây là “nhậu lai rai”; “nhậu sáng (đến) đêm, tối (đến) ngày”. Dân miền Tây biết ơn các chúa Nguyễn, bởi thế trước kia đã nhiều lần chiếm được đất trong nhiều năm, những anh em Nguyễn Nhạc vẫn không thu phục được lòng dân Nam Bộ. Trong trận chiến Rạch Gầm- Soài Mút đầu năm 1785 trên sông Mỹ Tho giáp tỉnh Bến Tre, Nguyễn Huệ tiêu diệt 2 vạn thuỷ binh Xiêm La, làm các tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương phải chạy bộ về nước. Trong trận chiến này, Nguyễn Ánh bị viên tướng Tây Sơn làm đến chức Cai cơ bắt sống. Song viên Cai cơ này là dân miền Tây, ông ta không giao Nguyễn Ánh cho nhà Tây Sơn để cầu thêm quan lộc mà tự ý thả đi rồi sau đó liền tự sát chết. Hành động này như thể hiện rõ thêm sự tín nghĩa của người dân miền Tây Nam Bộ
Tôi có 2 lần đến miền Tây Đồng bằng Cửu Long, đã đi qua và dừng chân nghỉ tại 12 trên tổng số 13 tỉnh thành của vùng sông nước mênh mông này, nên có đôi chút cơ hội tìm hiểu về lịch sử hình thành vùng đất và tập tính, khí chất của người Miền Tây Nam Bộ. Từ thành phố Cà Mau chiếc ca nô cao tốc đưa đoàn chúng tôi chạy dọc theo dòng sông Bảy Háp để đến với điểm tận cùng của vùng Đất Mũi. Trong tôi bỗng gợn nét buồn vì những hàng cây đước năm xưa mọc ken đặc hai bờ sông, cao từ 10 đến gần 15 mét đã không còn nữa. Ở đất mũi chẳng có cửa sông lớn nào mà hàng năm, phù sa bồi đắp kéo dài từ 80 đến cả trăm mét. Đó là nhờ dòng hải lý chạy gần sát nơi đổ ra của hệ thống 8 cửa sông Cửu Long đã cuốn trôi phù xa rồi mang đi hàng trăm cây số để bồi đắp cho vùng đất mũi xa xôi này. Xã Đất Mũi thuộc huyện Ngọc Hiển, không xa là huyện Trần Văn Thời, tên đặt ra để kỷ niệm chiến công 2 người anh hùng Phan Ngọc Hiển, Trần Văn Thời đã tổ chức cuộc khởi nghĩa trên đảo Hòn Khoai vào dịp Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Từ chòi nghinh phong khá cao vùng Đất Mũi, nhìn thật rõ đảo Hòn Khoai về phía nam. Ở đây bạt ngàn màu xanh của cây mắm “mắm trước, đước sau, tràm theo sát” đó là công thức lấn biển tự nhiên trên vùng đất phù sa mới để hình thành những khu quần cư trù phú như ngày nay ở các tỉnh duyên hải sông Cửu Long. Nhớ lần đầu mới đến, vì ảnh hưởng từ chuyện “Đất rừng Phương Nam”, chúng tôi đề nghị anh Tuấn Tổng biên tập báo Cà Mau cho ăn rắn sông. Đó là món rắn di tượng ngọt ngào, con to bằng cổ tay được chặt khúc từng đoạn khoảng 10 cm, xếp chặt một nồi. Bạn học thời đại học báo chí của tôi là anh Đặng Huỳnh Lộc phóng viên báo Cà Mau dẫn 3 người chúng tôi đến cửa hàng của một đại uý nguỵ thời xưa. Anh ta có hoàn cảnh khá eo le, thời đánh Mỹ, nhiều người thân của anh Lên Xanh (lên căn cứ) làm cách mạng, anh được tin tưởng giao cho hoạt động trong lòng địch. Với tính chất đơn tuyến, không may người trực tiếp giao nhiệm vụ cách mạng cho anh bị chết, bên ta không còn ai làm chứng, anh đi tù rồi bị sống trong những nỗi kỳ thị. Được tiêu chuẩn sang Mỹ cư trú theo diện HU song anh kiên quyết không đi “cho khoẻ thân” như một số người khuyên mà ở lại, xây dựng quê hương. Ngày đó để kiếm sống thật chẳng dễ gì, khi con nước ròng phải bơi đến những bãi chà là ngoài biển để bắt sâu chúa (tạm hiểu như dạng sâu bông ỏng nhưng ở đọt chà là). Những vạt chà là ken đặc búi gai nhọn sắc, cứng lạnh như rèn bằng thép, đâm vào tay buốt nhói. Đây là nghề tranh ăn với rắn mai gầm (cạp nia) ở vùng rừng ngập mặn này, sự nguy hiểm luôn rình rập những anh kiên quyết không bỏ cuộc. Giờ đây, mọi người đã hiểu anh, rồi anh dựng được quán bán hàng. Qua đôi lời tâm sự với chúng tôi- những người xa lạ, anh hứng chí sai đầu bếp nướng con cá tai tượng to khư đang nhởn nhơ bơi trong bể cá cảnh để đãi khách!
Thăm khu văn miếu trên tỉnh Vĩnh Long, ở đất Miền Tây, đây là văn miếu duy nhất còn tồn tại. Tỉnh Vĩnh Long nằm bên dòng Cổ Chiên, một chi lưu của Sông Tiền. Theo dòng sông mênh mang, chúng tôi đến thăm chợ nổi huyện Cái Bè của tỉnh Tiền Giang. Vùng chợ chuyên tập kết các phương tiện thuỷ để bán buôn các hàng rau, quả của vùng sông nước. Ở chợ nổi này, mỗi phương tiện thuỷ chỉ bán một loại rau, quả. Để khách mua dễ nhận biết, các tàu hàng đều cắm một chiếc sào (gọi là cây bẹo) treo trên đó lủng lẳng một thứ rau hay quả như xoài, bí xanh, cam, vú sữa, chuối… để người mua tấp xuồng đến lấy hàng. Từ đây, hoa quả với khối lượng lớn sẽ được chuyển đến các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh hay được thương lái đưa lên máy bay, ra thị trường miền Bắc. Tình Tiền Giang gồm 2 vùng đất Gò Công và Mỹ Tho sáp nhập, là một trong số rất ít tỉnh của Miền Tây không bị chia tách qua các thời kỳ gần đây. Tiền Giang nổi tiếng là vùng gái đẹp, đây là quê hương của Thái hậu Từ Dũ, của Nam Phương Hoàng hậu (Nguyễn Hữu Thị Lan). Có sự tích minh chứng cho vùng gái đẹp này. Đó là vào giai đoạn bị anh em nhà Tây Sơn dồn đánh, chúa Nguyễn cùng gia tộc mang các phi tần mỹ nữ đến Tiền Giang lánh nạn. Khi Nhà Chúa và khá nhiều thân tộc, quan đại thần bị lâm nạn trong chiến dịch chiếm Sài Gòn lần thứ hai (tháng 3/ 1777) do Nguyện Huệ trực tiếp cầm quân, Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương đều bị bắt giết. Sau tai ách này, các phi tần mỹ nữ tứ tán trong dân… Mùa gió chướng thổi ràn rạt như muốn bứt tung những ngọn dừa trên cao. Chúng tôi đang trên cù lao lớn Bến Tre, đến với huyện Mỏ Cày nơi diễn ra cuộc đồng khởi đầu tiên năm 1960 ở Miền Nam thời đánh Mỹ. Qua quê hương của vị nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định ở huyện Giồng Trôm rồi xe đến huyện ven biển Ba Tri thăm đến thờ cụ Đồ Chiểu, thân phụ của nữ nhà báo đầu tiên của Việt Nam Sương Nguyệt Anh. Hạnh phúc gia đình của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu thêm một lần, thể hiện sự tín nghĩa của dân miền Tây. Đồ Chiểu quê ở Đồng Nai, sau khi bị mù, ông lưu lạc đến vùng sông Cửu Long dạy học. Một học trò của ông đã gả em gái của mình cho thầy, giúp ông yên bề gia thất. Đồ Chiểu đã có ảnh hưởng sâu đậm đến các cuộc khởi nghĩa chống Pháp, nhất là đối với phong trào của Bình tây đại nguyên soái Trương Định… Trong mùi thơm của khói hương trước bàn thờ Đồ Chiểu như còn văng vẳng áng thiên cổ hùng văn trong bài Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc:
“… Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ…”
Đi tàu qua bến Rạch Miễu, trên dòng sông Mỹ Tho, ranh giới tự nhiên của hai tỉnh Tiền Giang- Bến Tre chúng tôi đến Cồn Phụng. Đây là trung tâm của Đạo Dừa, người sáng lập ra đạo này là một điền chủ nhỏ thó, trước từng du học bên Pháp. Cồn Phụng (cù lao Thới Sơn) có một “công xưởng lớn” chuyên chế tác từ thân dừa ra những hàng mỹ nghệ phục vụ du khách như thìa, đũa, muỗm, đồ chơi cho con trẻ…
Từ Cà Mau, theo con lộ 63… chúng tôi đến thành phố Rạch Giá, thủ phủ của tỉnh Kiên Giang. Chiều nhạt nắng, dọc ven lộ trên huyện Châu Thành bắt gặp hàng chục trẻ thơ đang vui thả diều… cảnh đẹp trên vùng đất thanh bình… Thế nhưng một thời khói lửa chưa xa, ở đây còn in đậm bia ghi lại chiến công tiêu diệt Chi khu Xẻo Rô của quân nguỵ ở huyện An Biên. Còn đi xa thêm chút nữa là đến huyện Hòn Đất nơi có nấm mộ của liệt sỹ Phan Thị Ràng là nhân vật Chị Sứ anh hùng mà biết bao thế hệ trẻ Việt Nam ngưỡng mộ. Đất Kiên Giang ngày xưa khá hoang vu, với việc đào kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc (An Giang) đến Hà Tiên và khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định khơi hệ thống dẫn nước ra phía tây để xổ phèn cho tứ giác Long Xuyên, Kiên Giang có sự bứt phá kinh tế khá rõ nét, những năm gần đây, đang dần vượt An Giang để dẫn đầu các tỉnh miền Tây về sản lượng lúa. Đảo Phú Quốc cách Rạch Gía 120 km (tàu cao tốc đi khoảng 2 tiếng); cách thị xã Hà Tiên 45 km và cách bờ biển Phía Nam Căm Phu Chia thật gần, chỉ có 4,5 km. Phú Quốc có diện tích 595 km2 là đảo lớn nhất nước ta và rộng tương đương với Đảo Quốc Singapo (639 km2). Trước đây, các chúa Nguyễn đã mua lại hòn đảo này từ vua Miên, đó như là cơ duyên mà về sau, trong lịch sử, hòn đảo Phú Quốc đã nhiều lần cưu mạng hậu duệ dòng đích duy nhất của họ là Nguyễn Phúc Ánh. Chúng tôi đến hoten tên là Ngàn Sao trong địa phận thị trấn Dương Đông thủ phủ của huyện đảo. Ở đây có tượng Nguyễn Huệ với cây gươm cầm sẵn trên tay. Đó là lưu lại sự tích Nguyện Huệ đã trực tiếp dẫn binh thuyền tới đây để truy sát Nguyễn Ánh. Trên bãi biển của đảo có địa danh “ngai vua” là một hòn đá lòng lũng như chiếc ghế- tương truyền là nơi mà quân vương Nguyễn Ánh đã từng ngồi suy ngẫm và bàn mưu tính kế cùng các thần tướng của mình. Ngày giành được cả nước, vua Gia Long đã cho Phú Quốc hưởng thật nhiều ưu đãi như miễn các loại thuế, có chính sách đưa dân đến để phát triển hòn đảo ngọc này. Một bữa ăn chiều ở nhà hàng, cô gái trẻ phục vụ là người Thanh Hoá, cô mới đến Phú Quốc được vài tháng, đất lành chim đậu nhiều người từ phương xa đã lập nghiệp và làm giàu ở hòn đảo cuối trời này. Đảo Phú Quốc dài 49 km, nơi rộng nhất 25 km đang là một tiêu điểm để phát triển du lịch. Tại đây có cây cầu sắt làm từ thời Pháp, hiện cổ nhất Việt Nam. Việc tiếp thị du lịch thật ấn tương, không phải nơi nào cũng làm được. Ví dụ đến thăm cửa hàng doanh nghiệp của Nhật nuôi trồng trai ngọc, mỗi đoàn khách được 2 cô hướng dẫn dùng dao xép trai lấy ngọc cho xem trực tiếp. Hôm nay đảo Phú quốc đang trở thành công trường lớn với dự án làm sân bay Quốc tế, phát triển hệ thống đường bộ to rộng xuyên đảo, xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao, đầu tư cho nhà máy nhiệt điện trên đảo… trong tương lai gần, những kỳ vọng về thiên đường du lịch trên đảo Phú Quốc đang có cơ hội trở thành hiện thực.
Đến thăm đền thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc tại thành phố Cao Lãnh thủ phủ tỉnh Đồng Tháp. Ở đây có nhiều mô hình quy tụ một phần những công trình, cảnh đẹp tiêu biểu của đất Việt như chùa Một Cột, nhà bảo tàng Hồ Chí Minh Bến nhà Rồng, hoa sen Đồng Tháp… Trên phần mộ, một khối bê tông thay cho mái nhà có 9 đầu rồng xoè ra như bàn tay che gió che mưa cho linh vị của cụ Phó bảng. Biểu tượng này thêm một lần chứng minh lòng dân đồng bằng sông Cửu Long, Trước kia, chính quyền nguỵ tập trung nhiều quân quyết tâm phá mộ cụ Phó bảng, những nhân dân ở đây đấu tranh kiên cường để giữ lại bằng được và họ đã thành công.
Chúng tôi có cảm tình đặc biệt với 2 hướng dẫn viên đoàn du lịch tên là Liêm và Hiếu họ mang trong mình tâm tính của người miền Tây, nhiệt tình không so đo tính toán. Liêm người thành phố Bạc Liêu đã đưa cả đoàn đến nhà thết món bún nước lèo. Nghe chúng tôi khao khát vì chưa được ăn món thịt chuột, không có thời gian đưa đoàn về nhà, Hiếu đã điện cho mẹ ngâm tấm chuột theo yêu cầu của chúng tôi, rồi người nhà Hiếu phi xe máy trên 60 km mang chuột đến nhà hàng Hoa Sứ tại thành phố Cần Thơ, nơi toà soạn báo Cần Thơ chiêu đãi đoàn. Trong thời gian đó, Liêm và Hiếu thực hiện nội dung phát sinh ngoài chương trình của tua du lịch- đưa đoàn đi ăn cá nướng trui và nghe đờn ca tài tử ở Vĩnh Long. Đây là món ăn truyền thống của dân miền Tây thờì đi mở đất. Khi đến điểm du lịch này, tất cả các du khách cả tây lẫn ta đều phải trút bỏ hết áo sống để mặc bộ đồ bà ba đen của người miền Tây. Con gái trong đoàn ăn mặc bít rít, giờ diện bà ba, thấy đường nét eo thả hẳn lên. Người miền Tây nướng cá lóc thương dùng đoạn tre xọc vào miệng cá rồi cắm thẳng ngược lên. Khi dùng rơm đốt phải có kinh nghiệm- vì ít rơm, cá còn đỏ máu và nhiều rơm thì thịt cá lại xác khô, ăn không ngon. Đây là món ăn truyền thống của người dân cái thời đi mở đất. vùng miền Tây này mưa nhiều, làm lá non mơn mởn, hầu như các loại lá cây đều ăn với lẩu được như dừa nước, lục bình, lá bằng lăng… chúng tôi được thưởng thức lẩu mắm mà chuẩn ra món này phải ăn với 23 thứ rau, lá khác nhau.
Năm 192 sau công nguyên dưới thời Đông Hán người Chăn do Khu Liên nổi nên chiến trọn phần đất quận Nhật Nam (vùng Quảng Nam đến Nam Đèo Ngang) thành lập nước Lâm Ấp. Biên giới phía Nam nước Đại Việt thời Lê Thánh Tông (1471) là núi Đá Bia trên Đèo Cả, giữa 2 tỉnh Phú Yên- Khánh Hoà, tồn tại cho đến khi chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) vào trấn thủ đất Thuận Hoá năm 1558. Công mở đất về Phía Nam, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long của thời các chúa Nguyễn là kỳ tích… Lịch sử nhân loại là sự thiên di đan xen giữa các tộc người và việc vẽ đi vẽ lại ranh giới giữa các quốc gia láng giềng là điều hết sức bình thường trong tiến trình phát triển nói chung. Để giải quyết những tồn tại lịch sử, Luật pháp Quốc tế quy định, vùng đất nhạy cảm nào sau 100 năm không xảy ra chiến tranh kiếu kiện giữa các nước đòi lại chủ quyền, thì vùng đó thuộc về lãnh thổ của nước đang quản lý. Trên đất Việt Nam quan diểm bình đẳng giữa các dân tộc để cùng bảo tồn bản sắc đậm đà tạo lên một nền văn hoá đa dạng đã thoả mãn được nguyện vọng chung của mọi dân tộc thành viên. Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay… một vùng sông nước mênh mang ngạt ngào hoa trái thật giàu có. Tôi đến một số vùng miền, song không thấy ở đâu có những nhà hàng bạt ngàn thực khách, người ăn như tằm ăn rỗi, giống như đất miền Tây này.
TK
Copy lại ở đây.

Nhận xét

Hạt Vừng Lép đã nói…
EGTN đã đọc chú nhé