NHỚ BỮA CƠM CHIỀU

Tản văn: Ngô Văn Cư

 

Bữa ăn gia đình thì có gì mà nói khi dân Việt ta có thói quen ăn uống ngày ba bữa tại nhà. Nhưng thời gian gần đây, áp lực công việc và muôn ngàn lý do khác nhau mà nhiều người phải ăn quán, ít ăn cơm nhà. Vì vậy, bữa cơm chiều trong gia đình thường đông đủ người hơn các bữa cơm khác, khi sự bận rộn trong ngày đã vơi. Ấm lòng hơn khi mâm cơm đạm bạc do má hoặc vợ nấu từ những món ăn quen thuộc.


Khi còn nhỏ, tôi cũng như bao đứa trẻ khác ham chơi, sa đà quên cả việc phải về nhà. Nhiều bữa cơm chiều má phải cầm roi đi tìm tôi hoặc ngồi đợi đến trời tối mịt mặc cho thức ăn nguội ngắt nguội ngơ. Bây giờ, nghĩ đến lại thương má vô cùng! Chiếc roi má cầm kia không đánh vào mông tôi mà vút vào những buội cây ven đường, lại tội cho cây vì tôi mà chịu đau. Má chưa đánh tôi lần nào nhưng mỗi lần đi tìm tôi đều cầm theo roi; sau này lớn lên, má cho biết cầm theo roi vì đường quê nhiều rắn, má sợ! Lại càng thương má hơn. Càng thương hơn nữa, má không muốn ai trong gia đình thiếu mặt trong mỗi bữa cơm. Từng món ăn má nấu, đạm bạc, giản dị nhưng đậm chất quê khiến mỗi khi đi xa ăn những món lạ lại nhớ bữa cơm chiều ở quê da diết. Hồi ấy, nấu cơm, kho mắm vẫn là bếp củi. Khi trời mang hết nắng về hướng tây, chỉ còn vài tia yếu ớt cuối ngày xiên qua chái bếp, má lại nhóm lửa nấu cơm chiều. Làn khói vấn vít trên mái tranh khi trời chập choạng tối, tầng tầng lớp lớp; bãng lãng bay mà như chẳng muốn rời xa. Đã bao buổi chiều như vậy để giàn bếp của má ám đấy khói và bồ hóng đen sì. Nơi góc nhỏ ấy, mùi thơm gạo lúa mới trong trẻo như mùi sữa ngọt lành theo gió ra tận đầu ngõ. Bọn trẻ lại háo hức nhìn vào nồi cơm sôi sùng sục, tuôn trào mà hít hà và giành nhau miếng bợn mỏng tang dính quanh mép nồi. Nhưng thứ ngon nhất phải là miếng cơm cháy dưới đáy nồi; giòn rụm, thơm ngát mùi gạo quê, đăng đắng vị gạo cháy.

Mâm cơm má nấu chẳng có gì cao sang. Chỉ là rau vườn luộc chấm nước mắm; con cá đồng kho mặn; tô canh rau hoặc bầu bí hái trong vườn… vậy mà ngon, mà lành. Đôi khi má kho nồi cá rô đồng vừa mặn muối vừa cay tiêu; khi ăn không khỏi hít hà vì cay xé và mặn chát đầu lưỡi nhưng có món này thì rất tốn cơm, nhất là những ngày đông lạnh, mưa dầm. Ngày hè thì trên mâm cơm không thể thiếu tô canh. Có thể là nắm lá giang góc vườn với vài con cá cơm nhỏ hoặc lọn rau bồ ngót với ít đậu phộng cũng trở thành món ăn giải nhiệt giữa những trưa hè oi bức. Hiếm lắm mới có món ăn cao sang từ chợ; chỉ đôi ba món bình dị, cây nhà lá vườn nhưng khi đã là má nấu thì nhớ lắm, nhất là khi ăn bữa cơm chiều ở một nơi xa.

Bữa cơm chiều thường bắt đầu khi mặt trời đã khuất sau rặng cây. Chiếc chiếu cà tàng được trải ra trước sân, cả nhà xúm xít quanh mâm cơm và bao chuyện đời, chuyện người, chuyện buồn vui thường ngày lại rôm rã; để một mai xa quê thì những kỷ niệm đó cứ vấn vương một cách tự nhiên. Ngồi bên mâm cơm chiều mới thương bữa cơm trưa, nhất là bữa cơm trưa trên đồng. Dưới bóng cây giở gói cơm được nén chặt trong mo cau cùng với chút muối mè giữa trưa nắng chang chang, gió thênh thang cho mát rượi mà ngon. Lại vội vàng úp nón lên mặt cho đỡ nắng, nghỉ ngơi cũng vội vàng để kịp làm công việc buổi chiều.

Bây giờ, tôi tìm lại mâm cơm toàn món quê không khó, nhưng khó tìm không khí đầm ấm bên mâm cơm gia đình. Cuộc sống hối hả, bận rộn, tấp nập khiến thiếu làn khói bếp lờ lửng từ chái bếp; thiếu cả cái kiềng cũ kỹ, cái nồi đầy lọ đen, cái miếng cơm cháy trong đáy nồi. Những món ăn vợ tôi nấu từ thiết bị hiện đại, bắt mắt nhưng khác với bữa cơm mẹ nấu ngày xưa quá. Cũng có thể là do món ăn nhanh cất trong tủ lạnh và nồi cơm được nấu sẵn bằng điện từ bữa ăn trước thiếu đi sự chăm chút thể hiện lòng vị tha, sự hy sinh, mơ ước được đoàn tụ mà thiếu không khí đầm ấm. Điều này cũng rất quan trọng, bữa cơm quê đâu chỉ gói ghém tình thân gia đình mà còn để khăng khít tình làng nghĩa xóm. Nhà nào có miếng ngon, miếng lạ thì sẽ mang sang nhà bên cạnh một ít lấy thảo. Cứ chia sẻ ngọt bùi như vậy mà tình nghĩa xòm làng cứ mãi thắt chặt. Giờ khó tìm thấy!

Tôi sinh ra từ làng nên mặn mòi giọt mồ hôi của ba, ngọt lành món ăn của má; thấm đẫm mùi vị quê mùa nên tất cả quyện vào đời tôi mọi lúc mọi nơi. Tôi chưa gặp cảm giác như nhà thơ Phạm Hữu Quang “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà”; nhưng khi ở một nơi xa quê, ngửi mùi cơm lúa mới ngan ngát thì “lòng quê dợn dợn với con nước/Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” (Huy Cận). Và, ai chẳng một lần như vậy?

NVC

Bài đã đăng trên báo Bình Phước vào Thứ 3, 30/05/2023 

https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/144794/nho-bua-com-chieu?fbclid=IwAR2-PpBiSl4vUzJCqt5dbKIDa-Vr48oWECp1h4cWEmd3F6pj2MZ0UpsdKo4



Nhận xét