"TẾT" CỦA QUAN: Ngày xưa và ngày nay.


Nay chuyện “tết” quan, biếu quan đã khác. Họ hối lộ tiền, ngoại tệ, tín phiếu, thửa đất, căn hộ...
Trước Cách mạng Tháng Tám, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã viết chuyện ông quan nhỏ hối lộ quan trên bằng… vợ. Chuyện kể, vào ngày cuối năm, ông ta ép vợ trang điểm ăn diện để “tết” quan cái trinh tiết và phẩm hạnh của một phu nhân. Bà không chịu. Ông năn nỉ, dọa nạt đến cùng để việc “hối lộ sex” thành công, để quan trên ưng ý và cất nhắc ông ta. Thật kinh tởm và lợm giọng!
Chuyện bên Tàu ngày xưa kể lại như sau: Có viên quan đời Tống là Phương Vụ Đức có thể coi là kẻ đút lót cho Tần Cối đạt tới mức độ cao siêu.
Tần Cối là tể tướng quyền thế nghiêng trời, số kẻ muốn nịnh nọt lấy lòng kết thân nhiều vô kể. Hằng ngày, quà cáp đủ các loại từ bốn phương tám hướng ùn ùn đổ về tướng phủ. Trong nhà kho cống vật không còn cả chỗ len chân.
Phương Vụ Đức khi đó là Kinh lược sứ tỉnh Quảng Đông xa xôi cũng muốn biếu xén quà cáp cho Tần tể tướng. Ông ta lăn tăn mãi để chọn biếu món gì đây đủ gây được hiệu quả để Tần Cối chú ý đến mình?
Nhưng rồi “công phu bất phụ hữu tâm nhân” (công lao không phụ người có tấm lòng), qua dò hỏi điều tra tìm hiểu khá vất vả, Phương Vụ Đức cuối cùng đã nghĩ ra được tuyệt chiêu. Ông ta biết rằng, trong tướng phủ thường xuyên tổ chức những buổi yến tiệc thâu đêm suốt sáng nên việc chiếu sáng trở thành vấn đề lớn. Nếu khéo léo vận dụng chuyện này thì sẽ ẩn chứa một cơ hội ngàn năm có một.
Thế là Phương Vụ Đức cho người đặt hàng loạt nến quý cho người chuyển gấp lên kinh thành, tới tướng phủ thật đúng dịp đón tết Nguyên đán. Đồng thời, Phương dặn dò tay chân phải gặp riêng viên quan trông coi kho lễ vật của tướng phủ, cố gắng mua chuộc làm thân cậy nhờ giúp đỡ. Vậy nên những thùng bạch lạp quý được nhập kho tướng phủ. Viên quan coi kho nhận lời đem những cây nến này ra dùng.
Quả nhiên, ngày giáp tết trong tướng phủ có buổi yến tiệc linh đình. Tần Cối sai thắp đèn nến lên. Tay quản lý kho vội chạy ra. Hắn cố ý phàn nàn rằng bạch lạp dự trữ trong phủ dùng đã cạn nhưng thật may là viên Kinh lược sứ họ Phương dưới Quảng Đông đã dâng biếu nhiều bạch lạp quý xin cho thắp để Tể tướng thưởng lãm. Quả nhiên, nến của Kinh lược sứ họ Phương thắp lên chưa lâu, bỗng cả gian phòng tiệc rộng lớn đều ngào ngạt mùi hương lạ. Cả khách lẫn chủ đều ngơ ngác bởi cảm thấy thật sảng khoái, hỏi nhau không biết mùi thơm từ đâu tới. Nhờ kẻ coi kho bẩm báo, Tần Cối mới biết hương thơm phả ra từ các cây nến lung linh tỏa sáng, ngát hương. Tần Cối vui mừng thích thú, ngợi khen viên Kinh lược sứ họ Phương. Món lễ vật nến thơm do Phương Vụ Đức hiến tặng Tần Cối so với vàng bạc châu báu của kẻ khác dâng hiến tể tướng thì chẳng đáng là bao. Thế nhưng Phương Vụ Đức lại đặc biệt làm vui lòng quan tham Tần Cối. Đút lót kiểu này quả là quá hiệu nghiệm.
Ở ta, chuyện xưa kể có viên quan luôn tỏ ra mình rất Liêm, tịnh không ăn của đút bao giờ khiến đám quan gia rất thất vọng. Năm đó, nhân dịp tết ông ta định cho cô con gái tuổi Tý vu quy. Tin tức được đám sai nha rỉ tai trong chốn nha môn khiến đám quan gia đôn đáo tìm cách biếu xén sao cho hiệu quả. Có gã lý trưởng bèn thuê thợ kim hoàn đúc con chuột bằng vàng đến tặng, gọi là có chút quà cho em nó làm của hồi môn. Không hiểu sao, tay thợ vàng lại khoe với đồng nghiệp về sản phẩm kỳ công này, thế là món quà chuột vàng hiếm hoi bị lộ vở khiến cô con gái rượu này có đến cả một đàn chuột vàng. Dù kích cỡ, trọng lượng và tuổi vàng có khác nhau, nhưng cô nàng bội thu góp lưng vốn cho bá quan phụ mẫu.
Tết nhất xong mà lễ vu quy không thấy rục rịch gì cả khiến đám sai nha ngơ ngác, dò hỏi. Quan đánh tiếng nàng chưa được tuổi. Nhân dịp đầu xuân, có đông đủ sai nha, quan phụ mẫu hắng giọng thủng thẳng nói: Các thầy là có khiếm khuyết to lắm đấy! Ai bảo các thầy là con tôi tuổi Tý? Nó tuổi Sửu, năm ngoái xung lắm nên năm nay mới được tuổi vu quy đấy nhé! Nghe nói đến đây đám quan gia rụng rời. Có người ngất xỉu, phải giật tóc mai, đổ nước giải mới tỉnh. Chuyến này chắc chết, chạy đâu ra trâu vàng bây giờ? Chuyện không kể sau đó tiểu thư có được trâu vàng hay không vì ông này bị triều đình huyền chức do hà lạm tiền hộ đê. Hóa ra ông này liêm vờ.
Nay chuyện “tết” quan, biếu quan đã khác. Họ hối lộ tiền, ngoại tệ, tín phiếu, thửa đất, căn hộ. Báo đăng ở ta có ông quan đầu tỉnh nhận hối lộ cả chiếc xe xịn trị giá ngót tỉ đồng ra tòa, lĩnh án… Năm con Ngựa, có chuyện hối lộ, tham nhũng tình dục được “lên” đến Quốc hội. Có đại biểu kiến nghị đưa tình dục vào Luật Chống tham nhũng để phòng ngừa các vụ hối lộ bằng vợ, bằng gái và tham nhũng sex. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp luật muốn gạt đi vì trong các vụ hối lộ này, cơ quan điều tra sẽ “vướng” quy định quả tang. Làm sao bắt được cái chỗ “ma ăn cỗ” mà tổ chức tóm gọn. Nhỡ nó xảy ra ở nhà riêng, lấy được lệnh khám nhà thì mọi sự đã an bài.
Lại nghe nói, thời buổi gạo châu củi quế này, việc “tết” quan bằng cách đúc tượng là có thật. Đám hối lộ này chỉ cần có mấy tấm hình chụp chân dung là xong. Mà ảnh các sếp có mà thiếu giống! Thế là họ thuê các nhà điêu khắc chuyên ngành và thợ kim hoàn đúc tượng ông lớn. Loại tượng này bằng đồng rẻ tiền thì nhiều người đã trông thấy ở phòng khách các văn nghệ sĩ, quan chức nghỉ hưu được quý trọng mà đúc tặng. Thường là tượng bán thân, bằng đồng nhuộm giả đồng đen, cao chừng trên dưới một gang tay, chỉ dăm bảy triệu bạc. Nhưng tượng vàng mười thì chỉ nghe nói thôi chứ thực tình chưa mấy ai trông thấy dù cánh thợ kim hoàn cam đoan là có. Họ còn nói loại tượng này có bức lên tới 1-2 kilô vàng mười trị giá bạc tỉ, nhưng vẫn thua xa số tiền “cúng” sếp 10 tỉ mà Dương Chí Dũng nhận được. Ước gì có cuộc trưng bày tượng tham nhũng cho bàn dân thiên hạ chiêm ngưỡng, vừa biết mặt để gọi ra tên các quan tham này.
Tuy nhiên, không phải quan chức nào cũng “ăn” hối lộ, nhận “tết” của cấp dưới như đám quan tham kia. Xin kể, ở Hà Nội hiện có một quan chức đầu ngành nói không với “tết” quan theo kiểu không giống ai và rất khó làm theo. Trước hết là ông cấm vợ con và người nhà không được tiếp và nhận quà của bất cứ ai mang đến nhà. Dịp ông được lên cấp, lên chức ông càng kiên quyết thực hiện nói không với chúc tụng chào mừng còn nghiêm hơn mấy cái tết trước. Anh em kể rằng, dịp cuối năm, ông “bị” nhận nhiều thiếp chúc tết kèm bao thư mà không thể chối từ, trả lại. Phần vì không lẽ lại bóc tuốt tuồn tuột các thiếp chúc tết và trả lại tiền mặt, “nó thế nào ấy”. Ông đành giữ lại và để dành đến sau tết. Ngày làm việc khai xuân ông đi chúc tết mang theo những bao thư này. Sau phần nghi thức mừng xuân ông lấy phong bì của chính người đứng đầu đơn vị đã “tết” ông và nói, trước tết anh em đã biếu tôi cái bao thư này, tôi xin cảm ơn và hôm nay xin tặng anh em liên hoan khai xuân. Nghe nói, ngoài những phong bì chỉ có đôi triệu như tiền thưởng của mọi người còn có những phong bì tiền Việt hoặc ngoại tệ. Ông có lời trách cứ về việc này và yêu cầu không tái phạm.
Bách nhân bách tính, tôn thờ chữ Liêm - phẩm hạnh hàng đầu của người làm quan thời nào cũng có. Cán bộ lãnh đạo thời đại Hồ Chí Minh có rất nhiều người biết gìn giữ chữ Liêm của người Việt.
Theo NĂNG LƯỢNG MỚI
Nguồn:http: //www.reds.vn/index.php/chinh-tri/dan-chu-phap-quyen/8548-tet-cua-quan-xua-va-nay

Nhận xét