Vài năm gần đây, nhà văn quê ở Hoài Ân - Ngô Văn Cư liên tiếp ra sách mới. Anh viết đều tay, cả thơ, tản văn, truyện ngắn và ở mảng nào, sáng tác của anh vẫn giữ cái nét nồng hậu, mộc mạc quê nhà, dung dị những yêu thương.
Ngô Văn Cư làm thơ từ rất sớm, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau này, là một giáo viên dạy văn, con đường sáng tác như thêm gắn bó, bền bỉ. Viết nhiều, nhưng mãi đến năm 2003 anh mới in tác phẩm đầu tay, tập thơ Điều bây giờ mới nói.
Với anh, thơ là trải lòng mình vào cuộc sống, trong đó, hai nội dung chính xuyên suốt trong sáng tác của anh là viết cho mình, người thân và viết cho quê hương, cho những nơi anh đi qua đã giằng giữ lòng anh ở lại. Có lúc, đọc thơ anh, ta lại có nhu cầu tự soi lại chính mình: “Ngẩng đầu lạy khoảng trời xanh/ Cúi đầu lạy nấm đất thành thiên thu/ Tro tiền nhang khói mịt mù/ Lặng trong tiếng nấc khóc người trăm năm//… Xưa qua sông mẹ làm đò/ Đời mênh mông có bến bờ của cha/ Bây giờ lạy bóng ngày qua/ Liêu xiêu vàng mã, nhạt nhòa khói nhang” (Muộn màng). Lành hiền thôi, mộc mạc thôi, anh trải lòng mình trong thơ như kiếm tìm một sự san sớt đồng điệu, để nhen lên yêu thương từ những điều gần gũi, bình dị nhất. Ngay tựa sách các tập thơ anh chọn lựa đã ngầm tỏ bày điều anh muốn trao gửi: Điều bây giờ mới nói (2003); Đợi ngày xưa (2007); Soi mình vào dáng quê (2009); Chỉ còn nỗi nhớ (2012); Lang thang miền nhớ (2014); Gió lãng du (2016). Và gần đây nhất là tập thơ Những khúc ru tôi (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2020).
|
Nhà thơ Ngô Văn Cư (bên phải) cùng bạn văn. |
Càng về sau, thơ anh càng nhẹ nhàng nhưng cũng càng đầy thêm những đau đáu: “Người nông dân vẫn ngắm mây trôi lững lờ trong mỗi hoàng hôn/ trên cánh đồng trơ những vỏ thuốc trừ sâu khó phân hủy/ con bìm bịp giật mình cất tiếng kêu giữa chiều cũ kỹ/ con chép, con rô ngoi ngóp đợi mưa về/ trong nắng vàng ngọn gió cứ lê thê…” (Hát trong những giấc mơ). Và ở một không gian khác, tôi thích cái chất tự thuật trầm buồn của anh: “Mỗi ngày đi qua cánh rừng tâm hồn tôi/ Lại thêm những lối mòn như vết nhăn trên khuôn mặt già nua cũ kỹ/ Tôi hồn nhiên đi vào cõi chết/ Khát khao một mùa bình yên/ Như mỗi đêm về/ Những loài côn trùng nhỏ lại bay lên/ Và chết trong ánh sáng!” (Tự so sánh).
Với Ngô Văn Cư, thơ là những cảm xúc bất chợt thăng hoa trong một sự việc thoáng qua, hoặc trong một lát cắt của cuộc sống. Nó khó có khả năng bao trùm hết những sự việc xảy ra ngồn ngộn trong cuộc sống này. “Cuộc sống hiện đại có nhiều sự việc xảy ra nhanh và đa chiều cần lý trí hơn là cảm xúc, thơ không thể đảm nhiệm được, ít nhất là thơ tôi viết! Thì những lúc như vậy ta viết văn xuôi”, anh chia sẻ.
Thế là Ngô Văn Cư viết truyện. Vốn là nhà giáo, bản tính lại hiền lành, chân chất nên truyện của anh cũng như người, “bập” vào là đã thấy ngay chất đôn hậu, bao dung như cái tên các tập truyện: Kẻ nhiều chuyện (2013); Thà bị lừa dối (2015). Tập tản văn thì tình cảm bộc lộ ngay ở cái đầu đề tập sách: Mây ở phía quê nhà (2019).
Tản văn của Ngô Văn Cư ngồn ngộn những chi tiết đang diễn ra trong đời thực, từng mẩu chuyện, từng dòng hồi ức hay từng góc nhìn đều bao quanh chuyện xóm, chuyện làng, về đất và người vùng quê mà anh gắn bó sâu đậm. Ngô Văn Cư tiếc nhớ cái nếp văn hóa mộc mạc người quê đang bị nhịp sống hiện đại bào mòn đi. Những trang viết của anh ở khía cạnh này tạo nhiều đồng cảm với người đọc.
Linh hoạt cả truyện, tản văn nhưng ở mảng văn xuôi, Ngô Văn Cư tạo dấu ấn nhiều hơn ở mảng truyện ngắn. Có những truyện khai thác thể tài quen thuộc nhưng ở tác giả đã lóe lên những cách thể hiện cuốn hút. Tiêu biểu trong số ấy phải nói đến truyện ngắn Họp. Truyện này đã giúp anh đạt giải C trong Cuộc thi Sáng tác văn học Bình Ðịnh mở rộng năm 2018 - 2019.
“Họp” khai thác thể tài khá quen thuộc về tình cảm gia đình, mà ở đây là sự đối đãi của con cái đối với chính đấng sinh thành của mình. Qua những cuộc họp gia đình của các người con, tác giả bóc mẽ cái chữ hiếu vờ vịt của các con, những đứa con đặt nặng những toan tính nhiều hơn là tình thương. Truyện làm người đọc cười ra nước mắt, để sau đó lằng lặng ngẫm nghĩ về lẽ đời, về những giá trị yêu thương trong gia đình.
Ngô Văn Cư đang viết đều tay. Anh tiết lộ, đang tập hợp và sẽ in một tập truyện ngắn và một tập thơ. Từ phía ngọn nguồn con chữ, anh vẫn đang bền bỉ, trao gửi trọn vẹn lòng mình để sống và yêu.
NGÔ PHONG
http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=152197&fbclid=IwAR2WVbut1h9vQ1Z2VuPak1ucmy9S2ZMJjP3K5utZkJtSIOscJm347kxOCBw