Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

THỨC NGHE SÔNG HÁT DẬY ĐÔI BỜ

  

(Đọc tập thơ BUÔNG VÀ GIỮ của Nam Thi)

 

Cứ mỗi lần viết về một tập sách nào đó lại phải thanh mình rằng đây không hề là bài tiểu luận; bài phê bình, cảm nhận gì cả mà là bài đọc sách. Mà bài đọc sách thì thích gì nói nấy, không thích thì làm ngơ chẳng đá động gì đến. Bài này cũng thế, viết như để trả lời với ông bạn già Nam Thi rằng tôi đã đọc xong tập thơ BUÔNG VÀ GIỮ do nxb Hội Nhà văn cấp phép vào quý 2/2021. Đây là tập sách thứ 5 của Nam Thi và là tập thơ thứ 3, sau tập TÔI KHÔNG TÌM THẤY TÔI và tập ĐI VÀ VỀ. Sau khi gấp tập thơ tôi nghĩ rằng Nam Thi có gì viết nấy; nghĩ gì viết nấy; thấy gì thích, phù hợp thì viết mà không cần xem sự viết ấy là lập ngôn bằng văn chương. Cho nên có thể xem BUỐNG VÀ GIỮ như một tập nhật ký bằng thơ... Và, tôi đọc tập thơ cũng trên nền tâm  thức ấy.



1.     Lòng ta trống vắng không cài cửa

 

Cứ nghe Nam Thi thật thà trần tình cái sự làm thơ của mình: Mỗi ngày tôi đều làm thơ/ Giản đơn vì không biết làm gì khác/ Nếu không sáng tác/ Bộ óc sẽ rỉ sét như xe chết máy/ Tình cảm như accu không sạc điện/ Trái tim già nua không được thắp sáng tối thui” (Ân sủng) mới thấy anh làm thơ nhẹ nhàng và mộc mạc biết chừng nào. Không hề cao đạo, không hề lập ngôn; chỉ lòng rộng mở mà thơ đến, mà sáng bừng lên, mà đam mê, mà ấm áp:

Lòng ta trống vắng không cài cửa

Cho gió trùng khơi lộng bốn bề

Em thổi qua đời ta ngọn lửa

Trái tim mù sáng rực đam mê

(Thơ bốn câu)

Với tâm thế “Lòng ta trống vắng không cài cửa’ thì BUÔNG cũng chính là GIỮ và GIỮ cũng chính là BUÔNG:

Ta buồn buông một câu thơ

Rơi trên sông lạnh hững hờ trôi xuôi

(Buông)

Hoặc:

Giữ giùm tiếng võng ầu ơ

Ngày xưa mẹ hát câu thơ ru hời

(Giữ)

Rất khó tưởng tượng một lão già hơn bảy chục tuổi lại nhớ đến thời thanh xuân lãng mạn của mình mà bất cứ người thanh niên nào cũng trải qua. Phải lãng mạn lắm và ấn tượng lắm mới còn nhớ:

Con đường Nguyễn Huệ xưa đi qua trường nữ

Mọc đầy những bụi cỏ gai

Chàng trai choai choai vừa đi vừa ngóng

Cỏ vướng vào chân mắt vướng vạt áo dài

(Quy nhơn và nụ hôn đầu đời)

 Tôi thật sự thích hình ảnh “cỏ vướng vào chân mắt vướng vạt áo dài”. Có lẽ đây là hình ảnh tác giả giữ trong tim lâu nhất sau hình ảnh của quê nhà và cha mẹ. Tuy nhiên, hình ảnh quê nhà và song thân thiêng liêng được tác giả dành một ngăn riêng không lẫn vào đâu được:

Lần này

Con sẽ thăm cha mẹ

Trước khi ra đi

Biết đâu cũng là lần cuối

Cha mẹ ở lại

Cùng tổ tiên, đất trời, sông núi quê hương.

(Con xin tạ lỗi cha mẹ)

Còn với tình yêu nam nữ thì trái tim Nam Thi chia thành nhiều ngăn, mà ngăn nào cũng “mở toang” để tình yêu đến và đi thật tự do. Tác giả không hề giấu giếm: “Cứ gọi ta là kẻ tình si/ Trái tim mở toang ngàn cánh rộng/ Những người đàn bà đến và đi/ Thênh thang như chiều thu gió lộng.” (Bài thơ chiều thu gió lộng). Bởi đôi lúc ta thấy tác giả cũng mang mặt nạ diễn cho tròn vai cuộc đời. Anh cũng có một chút máu AQ “Mọi người diễn riêng mình tôi đâu mà (Thơ bốn câu) nhưng biết nhìn lại cuộc diễn của mình mà ăn năn, hối hận: “Diễn xong ôm mặt khóc òa” (Thơ bốn câu). Hãy đọc trọn bốn câu:

Đời là sân khấu đấy thôi

Mọi người diễn riêng mình tôi đâu mà

Diễn xong ôm mặt khóc òa

Thì ra sân khấu cũng là nhân gian.

(Thơ bốn câu)

Thôi thì mọi lời nói trong tình yêu đều không thể chứng minh hay khẳng định điều gì về tình yêu. Có khi vô ngôn lại nói lên nhiều điều mà ngôn ngữ không thể diễn tả được:

Cũng như đất trời

Con tim không nói

Chỉ biết yêu.

(Điều con tim không nói)

Lòng ta không cài cửa là để đón khách thập phương, đón tình yêu, đón những mơ ước, đón những yêu thương... chứ không phải “không cài cửa” để mình dễ ra đi. Đấy chính là cái uyên thâm của sự đi và về, buông và giữ của nhân thế. Mấy ai trở về đúng nơi ta đã ra đi:

đường xa chếch choáng ngày về

ngõ quen lạng quạng bốn bề cỏ hoa

ta là khách lạ của ta

ngỡ ngàng như thể đã xa kiếp nào.

(Khách lạ)

 

2.     Về ôm đỉnh núi tịnh không bóng người.

 

Một đời lang thang ở xứ người, khi về già lại về chính nơi mình ra đi, Nam Thi nhận lại cho mình một trời ký ức. Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở đất là nơi ta ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”,  huống hồ “đất” đã lưu giữ  mảnh nhau cuống rốn của đời ta. Không nỗi day dứt nào hơn khi đứng trên quê nhà lại nhớ da diết quê nhà:

Người đi không mang theo sông quê

Nhớ sông quay quắt lại trở về

Sông trả lại cho người ký ức

Gió Nam non xào xạc bờ tre.

(Dòng sông cổ tích)

Trên dòng sông quê đang chảy về xuôi kia có phải là dòng thời gian đi theo một con đường từ quá khứ đến tương lai mà không ai có thể cưỡng cầu được. Có chăng là ta hóa “thành hạt phù sa” mà nương theo sông về với cuộc sống rộng lớn biển cả hoặc bám vào soi bãi làm màu mỡ cho hoa trái trĩu cây:

những dòng sông ở cùng với đất

tôi hóa thân thành hạt phù sa

tôi theo sông xuôi về biển cả

mảnh vườn xưa vẫn nở đầy hoa.

(Đất và người)

Bởi “Với thời gian ta là khách lạ/ Như con đường lữ khách đi qua/ Đường vô tận, đời ta ngắn quá/ Một lần đi chẳng trở về nhà.” (Chào 2021)

Đọc đến trang cuối tập thơ, ta thấy một Nam Thi không hề bi lụy, luôn tin tưởng hủy diệt cũng chính là tái sinh. Cuộc sống vẫn mãi sinh sôi, nẩy nở trong khi cái chết vẫn luôn thường trực:

Khi một chiếc lá xa cành

Cây vẫn xanh

Và lá non lại nhú

Khi một cây già ngã xuống

Rừng vẫn xanh

Và hạt giống sẽ nẩy mầm.

(Vĩnh biệt bạn...)

Và cái già đang sồng sộc đến nên không còn nhiều thời gian để nói những chuyện nhảm nhí của thế gian hay ngược lại tuổi già có nhiều thời gian hơn? Dù nói nhiều hay ít thì tâm mỗi người vẫn luôn chạy đuổi ra bên ngoài theo sắc trần, tâm không thể quy nhất; có lẽ vì thế mà Nam Thi có lần tưởng chừng đốn ngộ khi tịnh khẩu để quay về. Tịnh ngôn chính là thấu hiểu:

Tôi và núi nhìn nhau lặng lẽ

Núi vô ngôn và tôi tịnh ngôn

Ừ nhỉ... chẳng có gì để nói

Núi ơi... ta cùng đợi hoàng hôn.

(Núi và tôi)

Có lẽ tác giả đã nhận ra cuộc đời này là một giấc mộng lớn để anh gởi gắm giấc mơ con của mình. Nhưng anh lại quá tỉnh táo thả vào cuộc đời giấc mơ:

Giá như ta được như lũ ong

Sống một đời vô tư với hoa rồi chết.

(Người, ong và hoa mai)

Tôi tin tuổi già đang đồng hành với nỗi cô đơn:

Một mai mây mỏi phiêu bồng

Về ôm đỉnh núi tịnh không bóng người.

(Nói với bạn cố tri)

 

3.     Chuyện trăm năm gom lại một lời

 

Giống như mọi người thơ, chuyện tình yêu là muôn thuở; rồi tình quê hương, tình bè bạn cũng được Nam Thi đề cập đến. Nhưng tất cả đã xa lắm rồi. Bây giờ “Tôi nghe tiếng hát vọng trong tôi/ tiếng hát ngày xưa... xưa lắm rồi/ chuyện xưa nay đã thành cổ tích/ chuyện dòng sông bên lở bên bồi” (Tiếng hát thầm) nên vội vàng một cách chân thành:

Mai này ta sẽ xuôi xuống giã

Thăm người hạ bạn tận cửa sông

Cá chuồn ơi chờ ai không vậy

Trầu nguồn đâu nữa để mà mong.

(Mai đi thăm bạn bè ở Quy Nhơn)

Bởi lòng tin tưởng: “Già cội chắt chiu tươi nhựa sống/ Non cành hứa hẹn thắm mùa hoa/ Hè sau lại tới hoa đua nở/ Bè bạn sum vầy dậy tiếng ca” (Tử kinh – thân già lộc non). Và tôi cũng tin tưởng cùng tác giả:

Nửa khuya nằm nghe nhà kể chuyện

Chuyện trăm năm gom lại một lời

Vạn hữu không có gì thường trụ

Mất còn sinh diệt chỉ thế thôi

(Nhà cổ)

Định viết mấy chỗ chưa thích trong tập thơ nhưng bài viết dài quá rồi nên hẹn hôm nào thiệt rảnh viết tiếp kẻo làm tốn thời gian người đọc. Mà việc gì phải nói ra điều mình không thích cơ chứ... Cứ vô ngôn mà... “buông một tiếng thở dài, vọng từ thiên cổ trùng lai phận người” (Buông)

Cảm ơn tác gỉả đã tặng tập thơ.



2 nhận xét:

Nguyễn Thị Mây nói...

Bài cảm nhận vừa hay vừa chân tình vừa thấu hiểu tác giả tập thơ. Nhà thơ Nam Thi chắc sẽ hạnh phúc lắm vì có một người bạn thơ, bạn văn như thế. Nguyễn Thị Mây cũng rất vui mừng vì được làm quen với nhà thơ Ngô Văn Cư. Một nhà thơ, nhà văn , nhà giáo đã để lại ấn tượng đẹp cho bao bạn đọc qua tác phẩm và qua cách bạn nhìn nhữg bạn thơ bằng cái nhìn trân quý, gần gũi.Cám ơn nhà thơ.

Ngô Văn Cư nói...

Cảm ơn nhà văn Nguyễn Thị Mây đã có những lời có cánh...