Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

LAN MAN CÙNG THƠ TÌNH HỒ CHÍ BỬU 8

Tôi biết Hồ Chí Bửu rất muộn. Từ khi cộng tác với Tuyển tập Tuổi Ngọc do Nguyễn Liên Châu chủ trương, tôi mới đọc thơ HCB, một giọng thơ không thể lẫn vào đâu được. Giản dị mà sâu lắng. Chân thành mà ngạo nghễ. Tinh tế mà mạnh mẽ. Say đắm mà khinh bạc… Tuyển tập Tuổi Ngọc dừng bản sau khi ra mắt hơn 30 số, tôi không còn được đọc thơ anh nhưng bù lại được “diện kiến” cùng anh tại Tây Ninh.
Đó là một ngày khó quên, HCB biết tửu lượng tôi kém nên tỏ ra rất yên hùng “Chú mày cứ lượng sức… khi nào chú mày nâng ly là tao phải mẹ bồng con…” Có nghĩa là anh uống một ly lớn bia và một ly nhỏ rượu. Kết quả là anh… say không biết đường về nhà và tôi lại được đọc thơ anh. Năm ngoái anh in tập Thơ tình Hồ Chí Bửu 7,anh nhắn tin cho tôi gởi địa chỉ để anh gởi sách tặng, tôi lỡ lời đang định đi TN đây… Anh dứt khoát thì vào và nhận. Anh không gởi thật! Rất thẳng thắn! Kinh nghiệm lần này… thì trên tay tôi có tập Thơ tình Hồ Chí Bửu 8!


Xuyên suốt tập Thơ tình Hồ Chí Bửu 8 vẫn là thơ… tình! Đó là tình riêng, tình bè bạn, tình người, tình quê, tình yêu trai gái. Đó là tình bạn từ thời còn trai trẻ mà bây giờ chẳng ai còn nguyên vẹn thân xác nhưng vẫn vẹn nguyên tình cảm: “Hai thằng nhìn nhau – nhếch môi méo xẹo/ Cùng bá vai nhau – quán cóc bên đường/ Nó cười rung rinh trên môi vết thẹo/ Tôi cũng ậm ừ vuốt nhẹ vết thương” (xe ôm)
Sự ngạo nghễ, hào khí của người lính đã từng ra chiến trận không hề mất đi mà luôn thường trực. Nói về người chủ quán nhưng như tác giả nói với chính mình, ta khó nhận ra đâu là chủ đâu là khách trong khổ thơ: “Con ngựa chiến hết thời nằm nhai cỏ/ Chiến trường xưa gió lộng áo khinh cừu/ Ngươi đấm ngực – tiếng cười rung theo gió/ Ta tưởng chừng vang dội đến thiên thu” (Quán rượu đêm)
Đôi khi nhìn lại mình bỗng giật mình thấy mình bất lực, sức đã tàn mà đường còn xa dịu vợi. Như con ngựa chiến từng vào sinh ra tử, vượt ngàn dặm đường xa nhưng khi đã qua thời oanh liệt thì chỉ biết gõ móng ngắm đường dài và mơ về quá khứ: “Ngày về - ngựa đã chùn chân vó/ Bóng núi quê xưa én lạc bầy/ Ta vẫn một mình đêm quán trọ/ Buồn đời còn lại những đêm say” (Ngày về)
Thôi thì đành chấp nhận số phận. Ta đâu là gì trong cõi đời vô thủy vô chung này. Trong hành trình đời người trong cõi ta bà này, mỗi con người là một hành tinh cô độc mặc dù chung quanh vẫn còn nhiều hành tinh khác. Nhưng tất cả đều đi trên hành trình cô độc và có lần ta thấy Hồ Chí Bửu chân thành thừa nhận: “Ta còn nước mắt đâu mà khóc/ Như ánh trăng rơi xuống mặt hồ/ Xưa nay ta vốn đời cô độc/ Thương nhớ thôi đành gởi hư vô…(Quê nhà), nhưng không thiếu sự khinh bạc. Viết về mình, về người thân thấm đẫm tình người. Với quê nhà vẫn một giọng thơ đau đáu niềm thương yêu: “Ngày về - quê đã chìm trong lũ/ Ướt sũng hết rồi những tin yêu/ Còn đâu tiếng hát ngày xưa cũ/ Đâu khói lam bay những ráng chiều.” (Ngày về). Nếu không yêu lắm thì không thể có những vần thơ như thế!
Rồi thơ tình cho người tình, một người tình xa ngút ngát cách nửa vòng trái đất: “Ta ở bên này – chờ người xa nửa vòng trái đất/ Buồn đầy vơi theo ly rượu cay nồng/ Buồn một mình trên nỗi nhớ mênh mông/ Như ly khách bơ vơ trời đất lạ” (Cuối năm tâm sự với Hòa Huynh). Người thơ ở xa mà tình rất gần nên đấy chính là nỗi đau của tác giả. Người ảo mà tình thật nên có kiểu ghen cũng rất cụ thể và khẩu khí rất Hồ Chí Bửu: “Đừng tưởng tuổi này rồi thì chẳng biết ghen/ Liệu hồn nhé – đừng có mà thả thính/ Ta nổi nóng – nghĩa là ta hết nhịn/ Quậy tưng bừng – lo mà khóc – nghe em…” (Lâu lâu… ghen chơi).
Nhà thơ nào trên thế gian này chẳng có một vài bài thơ tình kèm trong gia tài thơ của mình, còn Hồ Chí Bửu là thơ tình, thơ tình và thơ tình… Khó có nhà thơ nào theo đuổi một đề tài kéo dài suốt 8 tập thơ. Nên nói đến Thơ tình Hồ Chí Bửu thì biết bao giờ mới hết chuyện. Ta cứ thấy tác giả như đãi bôi với tất cả người tình gần và xa, nhưng anh khẳng định là thương yêu bằng hết cả trái tim. Thế ta mới có thơ hay để đọc: “Ta giản dị sống không gì bí hiểm/ Thương là thương – ghét là ghét - rạch ròi/ Không giải thích xảo ngôn hay ngụy biện/ Khi đèn đường sao sánh với trăng soi” (Bài thơ tình thứ 1001). Và một ước mơ đúng là không có gì bí hiểm, rất thường tình, rất con người: “Ừ, mai mốt cùng nhau về Sa Đéc/ Cất mái nhà tranh bên bến Sa giang/ Em sẽ trồng những loài hoa rất đẹp/ Tình vốn trong mơ đâu dã muộn màng” (Trần tình). Tôi vẫn thấy đâu đó trong giọng thơ khinh bạc, bất cần là một Hồ Chí Bửu rất con người: “Ta về cởi bỏ chiến bào/ Xếp cung bẻ kiếm lạc vào bến mê/ Tình trường dài nỗi lê thê/ Trăm năm biết có lối về chung nhau…?” (Nụ cười)
Thôi thì lan man về người bạn thơ lớn tuổi mà tôi yêu mến như thế cũng đủ rồi, một người luôn chọc cười, khinh bạc nhưng rất tình người: “Cuộc đời trẻ già không khác/ Lúc nhỏ chọc để tức cười/ Lớn lên nhằm thời mạt pháp/ Chọc mình mà nước mắt rơi…” (Vòng tròn). Hy vọng sẽ còn được anh dìu một cuộc rượu khác và còn được đọc thơ tình của anh.
Ý quên, giới thiệu tập “thơ tình Hồ Chí Bửu 8” đến với bạn bè. Hãy tìm đọc và cảm nhận! Còn tôi, tôi cảm ơn tác giả đã gởi tặng sách!
Quê nhà,tháng 3/2020
NVC



Không có nhận xét nào: