ÁNH TRĂNG “TƯƠNG TRI” GIỮA ĐỜI VÀ ĐẠO



 (Giới thiệu tập thơ Tương tri của Đỗ Đình Long)

Tương tri là tập thơ thứ năm của nhà giáo về hưu Đỗ Đình Long được xuất bản trong năm Đinh Dậu, 2017 này. Năm 2016, anh cũng cho ra mắt tập thơ Quê nhà gần 200 bài viết trong 3 năm. Tương tri viết trong 2 năm nhưng thật ra chỉ 12 tháng (10/2016 – 8/2017) gồm 230 bài thơ ngắn. Một sức viết đầy nội lực. Đọc Tương tri thấy tình người giữa đời và đạo của anh đằm vào lòng chữ; thấy mênh mang, thao thiết những cung bậc tình cảm từ tình yêu thiên nhiên, từ nỗi nhớ thương người yêu khi xa cách; thấy tư tưởng Phật giáo thấm đẫm trong mỗi câu thơ, trong mọi đề tài. Người thơ Đỗ Đình Long chạm vào đâu thơ cũng ùa về giữa ngổn ngang muôn nỗi.
Lật mở những trang thơ Tương tri tôi gặp thứ ngôn ngữ thơ thật quen. Quen bởi cái nét truyền thống vần điệu nhịp nhàng đưa đẩy trong bố cục chỉn chu: 
Lặng lẽ mình ta với bóng đêm
Thương ai sương lạnh ướt vai mềm
Buồn con dế lẻ kêu ngoài giậu
Lạnh bóng trăng khuya rọi trước thềm.
(Thương)
Bóng trăng khuya chở ký ức về thực tại: “Lặng lẽ trăng khuya trải trước thềm/ Ngỡ là áo lụa dáng hình em/ Bồi hồi ôm lấy làn hơi ấm/ Thoang thoảng dư hương mái tóc mềm.” (Hương đêm). Ánh trăng khuya huyền thoại ấy dẫn về một cõi yêu tạc nên một mối tình chung thủy: “Dặm Liễu – Chương Đài dẫu cách xa/ Thương ai mong đợi chốn quê nhà/ Trái tim vô tội chưa ngừng đập/ Thì tấm lòng ta mãi thiết tha.” (Chương đài). Hình như mối tình đẹp đẽ của tác giả luôn có ánh trăng theo cùng: “Ánh trăng lặng lẽ soi ngoài cửa/ Lá nhẹ rơi thềm ngỡ bước em.” (Tâm cảnh), kể cả khi mối tình chỉ còn là hoài niệm giữa một không gian đầy ắp vẻ tươi xinh: “Trăng dát vàng mặt đất/ Tĩnh lặng mà mênh mông/ Nhìn trăng chạnh nỗi lòng/ Khuyết tròn đời hư thật.” (Trăng khuya). Có thể nói, ánh trăng là nhân vật thứ ba chứng kiến tình yêu vừa nồng cháy khi chung đôi, vừa cô lẻ khi đơn phương, vừa đau đớn khi chia xa khiến hình tượng thơ có một nét rất riêng, khó lẫn vào đâu. “Xuân về hoa thắm ngàn hương sắc/ Sao thiếu hương riêng của một người.” (Hương riêng).
Ánh trăng không chỉ là nhân chứng của Tình yêu - Đôi lứa mà còn là nhân chứng của Tình yêu – Thiền định:”3 giờ, 6 giờ, người thương ơi/ Nỗi nhớ mênh mông khắp đất trời/ Buổi tối 9 giờ cùng tĩnh tọa/ Tình yêu – Thiền định ánh trăng khơi”. (Tình yêu – Thiền định). Phải nói, những bài thơ viết về đạo của Đỗ Đình Long đã chạm đến nỗi đau của cuộc đời, chạm đến thân phận của mỗi kiếp người: “Nhân sinh đại mộng kiếp trần ai/ Ngã chấp, thị phi khổ lụy hoài/ Tranh đấu - Đạn bom nơi địa ngục/ Từ bi – Hoa trái chốn thiên thai.” (Nhân quả). Không ai có thể vượt qua khỏi cảnh “Bệnh tật già nua bao khổ lụy/ Sắc thân giả hợp kiếp con người.” (Buổi sáng ở bệnh viện). Đó là những câu thơ chạm đến số phận từng kếp người, chạm đến nỗi đau nhân thế nên gây sự xúc động lan tỏa theo mạch chữ nghĩa: “Hoa tàn, lá úa cùng về đất/ Tan hợp đời người chẳng khác chi.” (Cùng về).
Dẫu trong tình yêu đôi lứa hay tình yêu đạo pháp, ánh trăng hiển hiện như gột bỏ muộn phiền của chia ly, mất mát… Nó xuất hiện đúng lúc nên ý thơ thăng hoa và lan tỏa. Khi lòng người “nhiều cay đắng”  thì mảnh “trăng thanh”  cũng làm dịu bớt nỗi trống vắng: “Vị đời ít ngọt, nhiều cay đắng/ Gió mát trăng thanh mãi đợi chờ.” (Buồn vui). Khi lòng người còn bao nỗi muộn phiền thì ánh trăng sáng cũng góp phần gột rửa nỗi phiền muộn trong tâm can: “Vô ưu, vô niệm tâm an định/ Trăng sáng mây tan hết muộn phiền.” (Thiền nghiệm). Có lẽ vì thế mà tác giả bầu bạn cùng trăng trên đường tìm đạo:
Bây giờ chay lạt vui thiền vị
Gió mát trăng thanh đẹp sớm chiều.
(Bây giờ)
Tương tri nói nhiều về nỗi chia ly “kẻ ở quê nhà, người viễn xứ” (Mưa chiều) khiến lòng người “mỗi ngày mỗi nhớ thêm quay quắt” (Điên) nhưng không hề bi lụy, buồn nãn. Dẫu “xa nhau sớm nhớ chiều mong “(Thương ghét) vẫn tin tưởng “Ngưu Lang – Chức Nữ còn tương ngộ/ Chẳng lẽ hai ta xa suốt đời”. (Chẳng lẽ). Cái hồn cốt của tập thơ chính là ở sự lạc quan này.
Tương tri là tập thơ khá dày dặn, xuyên suốt. Nhưng tác giả Đỗ Đình Long đã quá ôm đồm và vội vã nên chưa có sự chắt lọc cần thiết. Lần theo ngày tháng tác giả ghi ở từng bài thơ thì có ngày viết đến 5 bài khiến ý thơ trùng lặp. ( Như ngày 30/3; ngày 4/4; ngày 24/4, ngày 25/4/2017…). Người đọc ghi nhận nội lực và đồng cảm qua những trang thơ của anh nhưng cũng đòi hỏi tác giả lược bỏ hơn nữa cái mòn cũ còn lẫn khuất trong thơ truyền thống và đừng để cuốn vào sự dễ dãi của “thơ phong trào”. Rất mong mọi người đón nhận tập thơ  Tương tri của nhà thơ, nhà giáo về hưu Đỗ Đình Long và cũng rất mong tác giả tiếp tục dâng tặng cho đời những vần thơ chan chứa tình người, tình đời hơn.
Tháng 10/2017
  Ngô Văn Cư

    
Trong hình ảnh có thể có: thực vật

Nhận xét