CÓ CÒN NHỚ NHAU KHÔNG? Tản văn: Ngô Văn Cư


Đang lu bu với mớ công việc thì có tiếng điện thoại reo. Một số điện thoại lạ. Tiếng người phụ nữ ở đầu bên kia có vẻ rụt rè: “Anh… còn nhớ em không?”. Làm sao tôi nhớ được người đang gọi tôi là ai từ cái giọng nói qua điện thoại được. Tôi vội xưng tên để “ai đó” có thể nhận ra là đã nhầm người. Nhưng tôi mới nhầm. Tiếng người phụ nữ vẫn tiếp tục “Em là Lý, học lớp…”. Như một luồng điện chạy dọc qua người. Ký ức như một thước phim quay chậm về quá khứ. Cô ấy là người cũ. Gọi thế là vì, hồi còn theo học ở trường chuyên nghiệp, tôi cũng đi một vài cuộc tình. Nói là “một vài” vì có những cuộc tình do tôi tưởng tượng ra và đơn phương dõi theo “người ta”. Có cuộc tình tôi chỉ dám rủ nhau đi dạo phố và thỉnh thoảng chạm tay nhau. Có cuộc tình thôi thúc tôi đủ dũng cảm để đặt lên môi người ấy một nụ hôn vụng dại! Lý là người đã khiến tôi dúng cảm như thế. Nhưng với nhiều lý do không cụ thể mà chúng tôi không đến với nhau được. Mỗi người đều lập gia đình và bặt tin nhau suốt một thời gian gần ba mươi năm để bây giờ bàng hoàng nghe câu hỏi “Anh… còn nhớ em không?”. Chợt nhận ra, giữa cuộc sống bộn bề với những mối quan tâm chồng nối, mình đã để trôi qua nhiều kỷ niệm đẹp.

Có lần, đang ngồi một mình trong quán cà phê thì một thanh niên bước lại hỏi: “Anh còn nhớ tôi không?”. Một gương mặt xa lạ. Tôi cố lục tung ký ức để tìm hình ảnh hay một mối liên hệ nào đó về người thanh niên này. Nhưng không thể nào nhớ được. Tôi đành thú nhận sự bất lực của mình. Người thanh niên thấy sự lúng túng của tôi nên giới thiệu: “Em là Tiến đây mà”. Đầu óc lại tiếp tục bận rộn với những người có tên là Tiến tôi từng quen biết, nhưng tuyệt nhiên không nhớ đến người này. “Anh không nhớ em thật à? Em là người mà anh đưa vào bệnh viện khi bị tai nạn…”. À nhớ rồi! Hôm trên đường đi dạy về, tôi chứng kiến một vụ tai nạn giao thông. Rất nhiều người hiếu kỳ bu quanh đợi cơ quan chức năng đến làm việc trong khi người thanh niên đang bị thương cần cấp cứu. Cứu người là trên hết! Tôi vội đưa người thanh niên ấy nhập viện với nhiều thủ tục rườm rà, phiền phức. Khi có người nhà bệnh nhân đến, tôi mới yên tâm ra về. Và, tôi đã quên ngay chuyện đó. Còn Tiến khắc sâu sự biết ơn đến nỗi ngạc nhiên “Anh còn nhớ tôi không?”.
Tôi có một người bạn chơi thân nhau từ thuở còn học tiểu học, tưởng chừng như không bao giờ xa nhau. Nhưng sau khi học xong cấp phổ thông thì mỗi đứa có một cuộc sống riêng, rồi xa nhau từ đó. Mới đây, trong một bến xe khách liên tỉnh, tôi đã gặp lại nó đang đợi giờ xe chuyển bánh. Nó: Già. Ốm. Đen nhẻm. Ăn mặc luộm thuộm. Trong khi tôi: Béo tròn. Trắng trẻo. Quần áo thẳng thớm. Cặp da xách tay. Nó chỉ dám đụng nhẹ vào tôi: “Anh còn nhớ tôi không?”. “Trời ơi! Thằng Thuận. Chưa đậy nắp quan tài thì tao chưa quên mày! Mà sao khách sáo thế?”. Nó đổi giọng:“Thấy mày sang trọng quá!”. Thì ra, có những điều không dễ gì ta quên được nhưng vì hoàn cảnh đành phải nén lòng để cuộc sống trôi qua. Chỉ vì sự cách biệt về công việc, về lối sống, về suy nghĩ… mà con người tự tách khỏi nhau. Đến lúc nào đó, giật mình tự hỏi “Còn nhớ tôi không?”.
Đôi khi, tôi cảm giác như mình chỉ là hạt bụi bé nhỏ, vô nghĩa giữa cuộc đời rộng lớn này. Hạt bụi, chỉ cần gặp một ngọn gió nhẹ thì cuốn đi; gặp một cơn mưa nhỏ thì tan biến vào đất. Có lúc ngẫm nghĩ, có mình hay không thì cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn; mọi người cũng thể hiện đủ thất tình lục dục. Mình không là gì trong cuộc đời này. Nhưng trong hàng tỷ trái tim đang đập trên trái đất này lẽ nào không có trái tim tôi? Và tôi, lẽ nào suốt đời phải dật dờ sống để luôn đặt câu hỏi “Anh còn nhớ tôi không?” khi chạm phải một quan hệ nào đó, mà người đối diện không nhớ nổi mình? Hay là, ai đó vẫn giữ mãi hình ảnh của tôi trong trí óc rồi đến khi gặp tôi thì họ thành khán giả cho cuốn phim về quá khứ lẫn hiện tại của tôi! Và tôi phải chọn cho mình một cách sống. Buông bỏ, không hối tiếc những điều đã vuột khỏi tầm tay mình. Quên đi những điều cần quên. Giữ chặt trong lòng những điều cần nhớ. Giữa dòng đời mênh mông, thời gian tưởng chậm mà quá nhanh, ngày nối ngày chất chồng lên ta nhiều thứ và ta cũng bỏ lại phía sau nhiều thứ. Rồi ta có thể gặp nhau bất cứ lúc nào, chào nhau và òa vỡ niềm vui hay cố moi trong ngăn kéo ký ức của mình hình bóng ta đã từng gặp ở đâu đó?
Không biết buồn hay vui, rằng ở một nơi nào đó, vào một thời điểm nào đó vẫn còn ít nhất một người đang theo dõi từng bước đi của tôi nhưng khi đối diện với tôi lại bật lên “Anh còn nhớ tôi không?”.
Như thế có quá lắm không? Với tôi, và cả với người.
NVC
(Trích trong VNBĐ số 62 tháng 6 năm 2018)



Nhận xét