Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

CHẾT THẬT! - Truyện ngắn: Ngô Văn Cư


           

                                                            (Rút trong tập THÀ BỊ LỪA DỐI)
           
Huỳnh đã chết! Chết thật rồi!
Dù đã chết  nhưng Huỳnh vẫn còn cảm nhận được hơi ấm của người vợ đang nắm lấy bàn tay và một cánh tay đặt trên ngực. Anh muốn đưa tay vuốt mái tóc của vợ bềnh bồng theo tiếng nấc nhưng đôi tay nặng như chì. Anh cũng muốn nói một câu an ủi nào đó nhưng miệng cứng đờ, lưỡi không thể co dãn được nữa! Khô khốc! Anh bất lực nhìn vợ và đứa con gái đang vật vã và thấy nghe tất cả những gì diễn ra chung quanh nhưng không thể giao tiếp được. Huỳnh bực tức khi thấy bản thân đứng ở góc phòng quan sát mọi diễn biến quanh cái xác cứng đờ, lạnh lẽo, vô cảm            và nghe những tiếng khóc ra rả của người thân cùng tiếng mọi người bàn tán về cái chết chính mình.Đúng là anh đã bất lực không thể tham gia vào cuộc sống bi thảm, ồn ào này nữa rồi.
Huỳnh chợt thấy Mẫn, người giữ chức vụ cấp phó của Huỳnh, bước vào phòng với vẻ mặt buồn rầu một cách giả tạo. Mẫn trao đổi với mọi người về các thủ tục cần thiết cho một đám tang, rồi cắt đặt từng người, từng việc… Mẫn dõng dạc:
-Anh Huỳnh ra đi vội quá! Mới hôm kia, anh còn vui vẻ cùng anh em trong cơ quan, nhưng chỉ một cơn đột quỵ thì đã bỏ mọi người ở lại… Nhiều nơi, nhiều người còn chưa kịp biết tin này… Cần phải đăng cáo phó trên báo, trên đài… Thông báo cho mọi người cùng biết… Phải làm cho hoành tráng, cho xứng đáng địa vị của người đã mất…
Huỳnh nghe mà giận cả người. Mẫn phải biết rằng Huỳnh vốn giản dị, sống khép kín, lặng lẽ dù là thủ trưởng một cơ quan nhưng chưa bao giờ dám vượt ra khỏi nguyên tắc, quy định của cấp trên. Huỳnh tròn trịa làm vừa lòng cấp trên, yên lòng cấp dưới nên bao năm rồi chiếc ghế của Huỳnh vẫn vững vàng. Huỳnh biết rõ Mẫn đang ngấp nghé vị trí của mình và đây là dịp vàng để Mẫn thay thế. Với vẻ mặt giả tạo, Mẫn đắc thắng tiễn kẻ đã ngáng chân mình. Làm đám tang cho Huỳnh hoành tráng cũng đồng nghĩa với một bữa tiệc ăn mừng thật lớn của Mẫn. Nếu cách đây vài ngày thì Huỳnh đã ngăn lại rồi, làm rình rang chỉ tổ cho người ta chú ý…
Đi cạnh Mẫn là thằng Tình. Cái thằng từ trước đến nay Huỳnh không ưa một tí nào cả nhưng vốn là người điềm tỉnh, ít bộc lộ suy nghĩ, quan điểm của mình nên bây giờ càng không thể tỏ thái độ. Hắn cũng tỏ vẻ bận rộn nhưng đôi mắt thỉnh thoảng lấm la lấm lét liếc nhìn về phía Huệ, vợ Huỳnh. Vẫn biết trước đây có tiếng ra tiếng vào về việc Tình cùng với Huệ có những mối quan hệ thân mật quá mức cho phép và rồi sự việc cũng lắng xuống vì địa vị xã hội, vì cuộc sống riêng tư và vì hàng trăm lí do khác nữa….nên càng nhìn bộ mặt gian giảo của Tình thì càng thấy ghét. Nỗi căm giận, ghen tức ngấm ngầm đè nén bao lâu nay đã bùng lên dữ dội, Huỳnh muốn đuổi thẳng Tình ra khỏi nhà nhưng mỗi bước chân của Huỳnh đều nhẹ tênh không theo ý muốn của Huỳnh nữa. Càng muốn đến gần Tình thì Huỳnh lại càng xa hơn nên anh bỏ ý định đuổi Tình để mặc hắn với những cái nhìn đầy toan tính…
Tiếng khóc của Huệ vẫn cứ đều đều, buồn buồn. Chị ngồi bệch xuống nền nhà kê đầu vào thành giường, hai tay để lên ngực Huỳnh, thỉnh thoảng lại kể một kỉ niệm hoặc một ước mơ nào đó chưa thực hiện rồi nấc lên… Đây là lần đầu tiên Huỳnh thấy Huệ khóc như vậy. Hình như, Huệ khóc để rồi không bao giờ còn khóc nữa. Anh mất đi tạo sự hụt hẫng lớn trong lòng Huệ. Ngày chung sống với nhau, Huỳnh vẫn chưa hiểu hết về Huệ… Bây giờ nghe tiếng khóc và nhìn những giọt nước mắt của người vợ bao năm ấp ủ, thương yêu Huỳnh mới nhận ra tình cảm của Huệ đối với mình. Huỳnh đọc được tâm trạng của Huệ như đọc chính tâm trạng của mình. Tiếng khóc và giọt nước mắt kia đã nói lên tất cả. Nó không chỉ dành cho việc mất một  người chồng mà còn mất tất cả những tiện nghi cuộc sống do người chồng đem lại. Nó còn là sự hối hận vì những lần để mặc chồng với những công việc khó khăn ở cơ quan, gia đình còn mình thì vui vẻ cùng người tình trẻ tuổi. Nó chính là tiếng than cho thân phận mình sẽ không còn những ngày núp bóng chồng đầy quyền lực để được cung phụng, tâng bốc…. Huỳnh bất chợt nhận ra bản thân cũng có lỗi với Huệ, không làm tròn bổn phận người chồng để Huệ có điều kiện sa ngã. Huệ đáng giận nhưng cũng đáng thương.
Ngoài sân đã nổi lên tiếng nhạc đám ma. Ngày trước, Huỳnh nghe điệu nhạc này sao mà buồn bã, bi lụy quá; còn bây giờ thì vô hồn, vô cảm. Nhạc công chơi những đoạn nhạc quen thuộc như cái máy ầm ỉ, rộn ràng như có mục đích duy nhất là khỏa lấp tiếng khóc than. Họ làm việc để được nhận thù lao, thế thôi! Họ vừa chơi nhạc vừa cười đùa khiến một ý nghĩ thoáng qua là Huỳnh muốn tham gia cùng họ như nhiều lần đi hát cùng mọi người dẫu rằng anh hát không hay và sai nhạc. Rồi tự nhiên, vô cớ Huỳnh thấy bực dọc với bọn người thản nhiên trước cái chết của mình. Một số người ngồi uống trà ở cái bàn vừa kê nói chuyện thời sự từ địa phương đến thế giới như quên hẵn mục đích họ đến đây để làm gì! Có vài người ngại nhìn thấy khuôn mặt nhợt nhạt của Huỳnh; đến như để điểm danh rồi lẻn ra ngoài tụ lại chuyện trò. Khó chịu nhất là những người cùng cơ quan. Huỳnh vừa nằm xuống thì họ đã dự báo người lên thay; đưa ra những nhân sự có thể thay thế chỗ Huỳnh; họ còn lấy anh ra để so sánh đức độ, tài năng với người sẽ thay thế. Anh tự nhiên thấy chán nãn.
Thế nhưng có một hình ảnh khiến huỳnh xúc động. Đó là từ trong góc xa người mẹ của Huỳnh đang ngồi lặng lẽ mắt vô hồn nhìn mông lung về khoảng không trước mặt. Không có một tiếng khóc, không một giọt nước mắt nhưng nỗi đau mất mát hằn lên khuôn mặt già nua của mẹ khiến Huỳnh xót xa lòng. Huỳnh là hy vọng, hạnh phúc của mẹ. Mất Huỳnh, mẹ cũng trở thành cái xác như anh. Chiếc lá vàng thương tiếc chiếc lá xanh rơi. Ngồi trong lòng người mẹ là đứa con nhỏ của Huỳnh ngơ ngác nhìn mọi người. Nó còn quá nhỏ để hiểu hết những gì đang xãy ra. Thỉnh thoảng nó ngước nhìn bà, nhìn mọi người và mân mê đôi bàn tay già nua của bà như cảm nhận nếu vuột khỏi bàn tay này thì nó chẳng còn biết bấu víu vào đâu. Chồi non tơ đang tìm sự che chở từ thân cây già cỗi. Huỳnh biết mất anh thì mẹ sẽ sớm suy sụp và đứa con nhỏ dại kia sẽ thiều người đùm bọc, đẫn dắt. Huỳnh quay mặt đi để khỏi thấy cảnh đau lòng này.
Huỳnh lại lân la đến từng nhóm người tụ tập, nghe những câu nói vui đùa, những lời tán tụng vô thưởng vô phạt, những mẫu chuyện không đầu không cuối… Bầu trời trong xanh đến nhức lòng. Những đám mây lơ lửng trôi về buổi chiều tĩnh lặng. Giữa tiếng nhạc ốn ào cố làm ra vẻ não nuột một tiếng chim lảnh lót chen vào khiến Huỳnh bối rối quay trở về phòng. Ở đó, mọi người đang chuẩn bị đưa xác anh vào chiếc hòm gỗ to tướng đặt giữa nhà. Anh muốn hét to lên rằng không được làm thế, muốn chạy đến cản lại… nhưng anh lại gục xuống khi thấy Huệ đang lả trong vòng tay của Tình. Huỳnh biết sẽ không còn gì trên cuộc đời này dành cho anh nữa!
Mãi đến giờ phút này Huỳnh mới ngộ ra rằng cuộc sống vốn vô tình. Điều mà ta cố gắng đạt được thật ra tự nó đến một cách ngẫu nhiên và cái ta mất đi cũng ngẫu nhiên như lúc đến. Cái được và mất chỉ là sự thay đổi cách nhìn ở mỗi người. Cái ta được chính là cái người khác mất và ngược lại. Điều này không mới, thế mà, ngộ được điều này làm Huỳnh ân hận là đã im lặng trong quyền lực để cố giành nhiều hơn những cái mình muốn có.
Mọi người đang bận rộn với công việc của mình. Lặng lẽ! Có một vài tiếng sụt sùi! Rồi những tiếng khóc nấc lên! Tiếng của nắp quan tài vừa đóng! Mẫn nhẫn nại đứng nhìn vào tấm nắp quan tài! Huệ như đang chết trong vòng tay của Tình! Người mẹ vẫn đôi mắt ráo hoảnh nhìn vào khoảng không trước mặt; đứa cháu nhỏ ngồi vô tư trong lòng bà nhìn khắp mọi người…
Âm thanh chát chúa của tiếng búa đóng đinh vào nắp quan tài, Huỳnh không còn nghe thấy gì nữa, đôi mắt anh bỗng tối sầm!
Huỳnh đã chết! Chết thật rồi!
NVC





Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

VẪN CÒN NỢ MỘT NỤ HÔN - thơ Ngô Văn Cư




Có một nụ hôn nuối tiếc
Lạc nhau hơn nửa đời người
Đêm đêm nén lòng mà nhớ
Giật mình mỗi giấc buồn vui.

Đành nhìn ngọn gió hôn mưa
Nhìn mây trôi như trách móc
Sao không vuốt nhau bờ tóc
Để cho ngày ngắn đêm dài?

Đành nhìn về phía ngày mai
Cất tiếng hát ru mộng mị
Hồn vía gởi vào duyên nợ
À ơi! À ơi! Lửng lơ…

Làn môi nợ cái thờ ơ
Trái tim trả vàng xác lá
Lạy trời! Nửa đời còn lại
Trả xong cái nợ hôn đầu…
NVC


Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

NÀY EM CÒN NHỚ - thơ Ngô Văn Cư




Ngày em tung tăng phố cũ
Lối về in bóng tuổi thơ
Hàng cây thay màu áo mới
Nợ duyên tìm mối đan tơ.

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

MÙA VUI ẤM ÁP - Tản văn: Ngô Văn Cư



                     

Như một sự hò hẹn chung thủy của thiên nhiên, cứ gần đến Giáng sinh thì trời trở lạnh. Một cái lạnh chỉ đủ đánh thức trong ta những hoài niệm, nó lằng lặng ngấm vào ta để cho ta sống chậm lại mà nghe những âm thanh vô hình, để hiểu hơn giá trị của cuộc sống tươi non, ấm áp. Lạnh trong mùa Giáng sinh là một thứ gia vị không thể thiếu.

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

KHI TA MỆT - thơ Ngô Văn Cư

Khi ta mệt thì đọc kinh xem sách
Gõ vành ly ca mấy khúc vu vơ
Mặc nhân gian ai buồn vui say tỉnh
Bận lòng chi chuyện thi tứ lạc bờ.
Khi ta mệt thì đêm dài mộng mị
Bóng trăng xưa rồi lại bóng trăng xưa
Gió và gió làm nhàu vườn cổ tích
Nụ môi xuân ninh chín giấc giang hồ.
Khi ta mệt thì tìm về quá khứ
Đường xa xôi trần trụi chuyện nhớ quên
Bến lưu vong trôi về miền viễn xứ
Hòn đá lăn cù con dốc buồn tênh.
Khi ta mệt kinh văn đều bật khóc
Khản cổ gào trời đất tặng mùa xuân
Rồi vùi đầu vào lời thưa cũ rích
Giấc mơ buồn lơ lửng ở trên không.
Khi ta mệt thì nhân gian cũng mệt
Bóng trăng xa ghen tị bóng ta gần
Lời thị phi thổi bay lời kinh điển
Mệt thì đành lẩn quẩn ngóng xa xăm!
NVC

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

QUY NHƠN, DẬY MỘT NIỀM YÊU - Tản văn: Ngô Văn Cư


Thỉnh thoảng tôi có ghé về Quy Nhơn. Nói “ghé về” vì dù cùng ở trong một tỉnh nhưng từ nơi tôi ở đến Quy Nhơn cũng hơn trăm cây số. Với lại chỉ có công việc mới đến đó; không thì quanh quẩn vui với mảnh vườn nhỏ ở quê. Lần nào đến với thành phố cũng vội vội vàng vàng, nhưng lần này được ở lại đêm với phố biển Quy Nhơn. Sau khi bù khú với bè bạn, một mình tôi lang thang cùng đêm Quy Nhơn.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

CHUYỆN ĐÔI BÔNG TAI NGÀY CƯỚI - Tản văn: Ngô Văn Cư

.


Ngày cưới, tại nhà đàng gái, bà mẹ chồng đeo đôi bông tai cho cô dâu. Đây là một phong tục Vệt Nam hình thành từ lâu. Dẫu ta có học tập theo Tây là đeo nhẫn cưới nhưng đôi bông tai cho ngày dạm hỏi hoặc ngày cưới không thể thiếu. Mẹ chồng đeo bông tai cho cô dâu mới vừa có ý nghĩa là cô gái đã được gia đình nhà trai chấp nhận cô gái, đồng thời thể hiện niềm tin nàng dâu sẽ là sợi dây gắn kết yêu thương và mang lại hạnh phúc cho con trai của mình. Đôi bông tai là của để dành và là vật làm tin đối với cô dâu mới của gia đình. Có khi, sau ba ngày cưới thì đôi bông tai lạ được tháo ra cất kỹ, chỉ đem ra đeo vào những ngày trọng đại của gia đình. Đôi bông tai cưới có thể được truyền lại cho người con dâu kế tiếp , xem như là sự nối tiếp không ngừng sợi dây tình cảm của gia tộc.

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

TÔI ĐẾN VỚI TRÒ CHƠI VĂN CHƯƠNG NHƯ THẾ NÀO? - Tạp văn: Ngô Văn Cư



Phải thật lòng mà nói là tôi yêu thích văn chương từ thuở còn thơ. Có lẽ được nuôi dưỡng từ người cha, người mà trong bụng chứa đầy những truyện Tàu. Từ những truyện mang yếu tố lịch sử như: Thuyết Đường; Tàn Đường; Đông Chu liệt quốc; Tam quốc diễn nghĩa; Tiết Nhơn Quý chinh đông; Tiết Đinh San chinh tây; Thập nhị quả phụ chinh đông, chinh tây… cho đến những truyện mang yếu tố hư cấu, tưởng tượng: Tôn Ngộ Không trong Tây du ký; Bát tiên trong Nam du; Chơn Võ trong Bắc du; Huê Quang trong Đông du… hoặc là những sách luân lý, nghiên cứu: Nhị thập tứ hiếu; Nam Hoa Kinh; Đạo Đức Kinh… và biết bao truyện trong cái tủ sách gia đình mà tôi chưa đọc. Cứ mở miệng ra là ba tôi nói đến truyện sách với những nhân vật trong… sách vở cùng những câu nói kinh điển có vần có vè, khiến tôi tò mò về những số phận của các nhân vật trong những cuốn sách. Và tôi đã nghiến ngấu…

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

NGỒI UỐNG CÀ PHÊ NGHĨ LAN MAN - thơ Ngô Văn Cư



Mỗi sáng ngồi lỳ trong quán nhỏ
Cà phê từng giọt tiếng mơ hồ
Thói quen bị trói trong tiếng nhạc
Mặt lạnh nhìn ngang phố xô bồ.

Bức tranh treo tường đôi tuấn mã
Hình như ta thấy ở đâu rồi
Lòng muốn thấy rừng xanh ngút mắt
Trường Sơn vàng bay vung lưng trời.

Cà phê thì đắng nước biển mặn
Nước Hồng Hà ngọt tựa Cửu Long
Ta uống từ khi ôm vú mẹ
Giọt mưa nào không đến biển đông?

Tiếng nhạc như mơ nằm ú ớ
Phố phường rộn rã bước chân quen
Sách vở một thời ta ngấu nghiến
Đâu rồi hào kiệt múa gươm thiêng?

Đành thôi! Ta mất toi buổi sáng
Cà phê đắng nghét đường mà chi
Ngoài kia mưa nhỏ ve kêu rộn
Mặn chát môi tìm tiếng từ quy!
NVC

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2019

UỐNG RƯỢU VỚI CHỦ QUÁN MÀ KHÔNG VUI - Thơ Ngô Văn Cư



Góc quán tềnh toàng nhìn ly rượu
Mang mang mây gió một nỗi sầu
Lặng lẽ góc bàn rơi sợi nắng
Chưa kịp nghiêng mình đã bể dâu

Nhìn xa ngọn khói chiều hiu hắt
Lòng êm đến nỗi chợt cảm hoài
Chủ quán hững hờ tay chuốc rượu
Hình như đang nhớ bóng hình ai.

Rượu cạn cho lòng thêm trống vắng
Ly đầy lại nhớ chuyện xa xưa
Cô chủ không buồn câu tiễn khách
Hình như đang đợi chuyến sang mùa…

Không thể ngồi lỳ trong quán vắng
Màn đêm ngái ngủ đã trên vai
Có cánh phù du tìm ánh sáng
Vẳng nghe trong gió tiếng quan hoài.

Quán vắng gió lùa trơ tốc mái
Ta ngồi thẹn mặt với người xưa
Đâu rồi sức trẻ lòng ươm mộng
Cố xứ rộn chân bước ngựa về…

Ta cũng u buồn như chủ quán
Nhưng không thổ lộ chuyện riêng tư
Ngựa già đau đáu mơ dũng tướng
Sương phụ lạm bàn chuyện thái hư.

Chưa say mà rượu không còn nữa
Lòng bỗng bâng khuâng nén nỗi buồn
Lặng lẽ nhìn trăng soi liếp cửa
Nghe lòng nằng nặng chuyện cố hương…
NVC

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

KẺ NẶNG LÒNG VỚI HỒN QUÊ XỨ SỞ



(Đọc Mây ở phía quê nhà của Ngô Văn Cư, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2019)
VÂN PHI
Ngô Văn Cư là thầy giáo, hiện nghỉ hưu và đang sống tại quê nhà. Anh làm thơ, viết truyện ngắn, sách in cũng đã gần chục cuốn. Với Mây ở phía quê nhà, lần đầu tiên Ngô Văn Cư mang đến cho bạn đọc những cảm xúc mới: tạp văn!
Mây ở phía quê nhà, có nỗi niềm băn khoăn, trăn trở trước bao biến đổi rộn rạo cuộc sống, có điểm nhìn thực tại của tác giả về quê nhà trong sự soi chiếu với quá khứ. Nhiều trang viết hiện lên chân thật, đau đáu. Nhưng những hoài niệm ấu thơ, những giá trị một thời vun tạo nên nét đất hồn quê, những mảnh vụn của ký ức òa ập về trong nuối tiếc chiếm giữ lấy không gian trong tâm hồn người viết cất lên thành câu chữ, dường như là thứ dễ níu giữ độc giả hơn cả.
Quê nhà, nơi dung chứa bao điều đơn sơ, nhưng ấm áp tình người. Ai mà chẳng một lần bùi ngùi tìm về trong hành trình đời mình. Với Ngô Văn Cư, một nhà giáo hưu trí gần thất thập, là những miền xa ký ức mà có lẽ suốt hành trình đời mình, anh mãi khắc khoải, lưu nhớ: “Bây giờ nhớ lại một thời mà mỗi chúng ta khi nhắc đến đều nhớ quay nhớ quắt đến thèm thuồng, đến điên cuồng mà muốn được một lần trở về. Để thấy mình lại đang nằm đợi ngọn roi của cha, nghe tiếng nấc buồn của mẹ hoặc đang ngồi trong lớp học, có tiếng thầy cô trên bục giảng, có tiếng ve kêu buổi chớm hè, có ai đó đang ngơ ngẩn nhìn mình ở bàn kế bên… Giờ đây ai cũng lớn, già đi, mắt mờ, trí nhớ sút giảm nhưng những kỷ niệm thời thơ ấu bình dị, thân thương khó phai mờ theo năm tháng” (Trôi về phía cũ).

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

TỪ NƠI CÓ NHÀ HAI TẦNG TRÊN CÂY NGHĨ VỀ DU LỊCH NHA TRANG - Ghi chép: Ngô Văn Cư



  
Tôi và người bạn văn đứng trước ngôi nhà bề bộn vật liệu xây dựng giữa một trưa nắng gắt cuối xuân tại Hoàng Hoa Thôn, ở thôn Phước Thuận, xã Phước Đồng, Tp Nha Trang. Tôi đang loay hoay tìm chỗ gắn chuông báo thì người bạn đã đập vào tấm cửa sắt… gọi chủ nhà. Mở cửa cho chúng tôi là Nguyễn Văn Phúng – chủ nhà – người ngăm đen, tầm thước; dáng đi chậm rãi, điềm đạm so với cái tuổi vừa tròn hoa giáp. Anh tiếp chúng tôi nơi “cái chòi” được làm mới từ cái cổng “Tam quan” của ngôi nhà cổ và món trà “Chùm ngây” độc đáo. Anh khoe: “Loại trà chùm ngây này do nhà trồng… và đã có bán trên thị trường.” Tôi thưởng thức món trà lạ nhưng mắt không rời những chiếc lốp xe hơi đủ kích cỡ đang ngổn ngang trên sân. Như biết tâm trạng của tôi anh Phúng giải thích:
-Đây là ý tưởng của tôi. Tất cả còn đang trong thời gian hoàn thiện. Khi đã hoàn thành, chúng sẽ là vật dụng sử dụng hoặc trang trí cho ngôi nhà. Bộ bàn trà làm toàn lốp xe hơi cùng với những chiếc đèn ngủ, lọ hoa và cả chiếc loa to đùng kia… cũng làm từ lốp xe đấy!

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

PHÍA XA KIA NGAN NGÁT... thơ Ngô Văn Cư




Đôi khi thấy mình lãng nhách
Làm những điều chưa bao giờ thích
Như đói ăn, khát uống, hít vào, thở ra…
Và đi…
Vô thức
Phía xa kia ngan ngát những hạt mầm.

Đó và đây tràn ngập bóng của mình
Cái bóng buồn rầu lê la trên mặt đất
Chưa bao giờ đứng thẳng người
Quá lắm là khom lưng bò bằng đầu gối
Hèn mọn
Phía xa kia ngan ngát một rừng cây.

Mỗi ngày là mỗi cuộc đi
Như cái cây được bứng lên khỏi đất
Được tự do tung tẩy
Được tự do chết dần
Trong khi
Phía xa kia ngan ngát những chồi non.

Hơi sức đâu mà ngợi ca những bước chân
Những bước chân thật bình yên
Đi suốt bốn mùa không ngừng nghỉ
Qua nhiều nơi cỏ cây có màu buồn và cháy sém
Gặp một vài người vô cảm
Lặng lẽ đến và lặng lẽ đi
Không để lại bóng
Phía xa kia ngan ngát một màu xanh.
NVC




Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

KẺ DU CƯ -thơ Ngô Văn Cư
















Ra đường vấp một câu thơ
Tháng năm hoa sữa bất ngờ nở hoa
Quay về ta vấp phải ta
Nửa thằng, nửa cụ, nửa ma, nửa thần…

Đi lên gặp mấy đứa quan
Ao chuôm ì oạp huyênh hoang hóa rồng
Vào quán gặp những sáo nhồng
Khoe khoang bằng cấp xếp chồng đầy rương.

Vào thăm chốn cũ học đường
Giật mình thấy cả một chương dối lừa
Lên rừng cây cối đã thưa
Xuống ruộng ếch nhái khát mưa khô người…

Ta thành một kẻ du cư
Cố tin dối trá đẹp như thiên đường!
 NVC

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

MUỐN CHẾT MÀ KHÔNG CHẾT - Tạp văn Ngô Văn Cư



Tự nhiên lại đi bàn đến việc chết chóc, xui xẻo; một con đường mà không một kẻ bình thường nào muốn đi qua nhưng không thể khước từ nó. Tuy nhiên, bài viết này không nói đến cái chết thông thường được xem là sự chấm dứt các hoạt động sống của một sinh vật hay là sự ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống, không thể phục hồi được của một cơ thể nào đó. Chết mà không chết!

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

CÒN MỘT CHÚT NÀY - thơ Ngô Văn Cư




Ngửa lòng hớp ngụm trăng suông
Nghe xa thẳm một tiếng chuông vọng về
Môi nồng nã ngọt vị quê
Bước chân vạch giữa bến mê dấu đời!
NVC



MƯỜI NĂM VÀ BAO NHIÊU NỮA… Thơ Ngô Văn Cư

MƯỜI NĂM VÀ BAO NHIÊU NỮA…

Em thiếu nữ hồn nhiên như nắng
Ngang qua đời ta vốn dại khờ
Thuở ấy lòng ta như giấy trắng
Một hôm buồn quá bỗng ta mơ…
Ngày em thiếu phụ khoe áo tím
Làm ta chấp chới tứ thơ xuân
Lọn tóc mềm vạch đường thẳng đứng
Chém xuống đời ta một nét buồn.
Mười năm… mười năm… bao nhiêu nữa
Gặp nhau lần nào mắt cũng cay
Em là hoa sen không quen phố
Mặn nồng đằm thắm để ta say.
Những đêm rượu và sầu lướt khướt
Em về trong trí nhớ đầy sương
Tỉnh ra môi mắt ta đều ướt
Bởi bày trò thơ thẩn nhớ thương
Không nợ mà tình ta cứ lụy
Ta biết ta yêu… Ta yêu em
Có thể muôn ngàn năm sau nữa
Mỗi chiều ngó nắng đợi nhân duyên.
NVC

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

NGÔ VĂN CƯ VỚI MÂY Ở PHÍA QUÊ NHÀ, LUNG LINH HOÀI CẢM MỘT MIỀN KÝ ỨC .


\
(Đọc “Mây ở phía quê nhà”, tập Tạp văn của Ngô Văn Cư,
NXB Văn hóa- Văn nghệ TPHCM, quí 1/ 2019)
*Trần Hoàng Vy

Quê hương hay tiếng gọi gần gũi thân thương là quê nhà, qua thơ của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải thật bình dị và đơn sơ, mộc mạc đến nao lòng: “ Anh đi, anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”... Nhà thơ Phạm Cao Hoàng, người con xa xứ, nhớ về quê nhà qua lớp lớp mây bay, khi thì: “ Mây trắng quá và chiều tê tái lắm/ Biết về đâu giữa lúc hoàng hôn phai”, và khi thì: “ Sống nửa đời ta chẳng thấy quê hương/ Nhìn lên cao mây còn bay lớp lớp”, gieo những xúc cảm ngậm ngùi. Ngô Văn Cư, thầy giáo về hưu, viết văn và làm thơ, không đi xa quê nhà, nhưng anh vẫn chọn cho mình hình tượng “Mây” khi nói về quê nhà, qua những hồi ức của tuổi thơ và cả một đời người qua tập Tạp văn “ Mây ở phía quê nhà” NXB Văn hóa- Văn nghệ TPHCM ấn hành vào quí 1 năm 2019, và đã ra mắt độc giả trong hơn tháng qua.