TÔI ĐẾN VỚI TRÒ CHƠI VĂN CHƯƠNG NHƯ THẾ NÀO? - Tạp văn: Ngô Văn Cư



Phải thật lòng mà nói là tôi yêu thích văn chương từ thuở còn thơ. Có lẽ được nuôi dưỡng từ người cha, người mà trong bụng chứa đầy những truyện Tàu. Từ những truyện mang yếu tố lịch sử như: Thuyết Đường; Tàn Đường; Đông Chu liệt quốc; Tam quốc diễn nghĩa; Tiết Nhơn Quý chinh đông; Tiết Đinh San chinh tây; Thập nhị quả phụ chinh đông, chinh tây… cho đến những truyện mang yếu tố hư cấu, tưởng tượng: Tôn Ngộ Không trong Tây du ký; Bát tiên trong Nam du; Chơn Võ trong Bắc du; Huê Quang trong Đông du… hoặc là những sách luân lý, nghiên cứu: Nhị thập tứ hiếu; Nam Hoa Kinh; Đạo Đức Kinh… và biết bao truyện trong cái tủ sách gia đình mà tôi chưa đọc. Cứ mở miệng ra là ba tôi nói đến truyện sách với những nhân vật trong… sách vở cùng những câu nói kinh điển có vần có vè, khiến tôi tò mò về những số phận của các nhân vật trong những cuốn sách. Và tôi đã nghiến ngấu…


Có lẽ người mở cửa cho tôi vào thế giới văn chương là ba, nhưng người thổi hồn cho tôi yêu thích chính là má tôi. Má tôi là một tuyển tập thơ cổ và văn học dân gian – ít nhất là đối với tôi thời bấy giờ. Bà đã thuộc không chỉ Truyện Kiều; Lục Vân Tiên; Bích Câu kỳ ngộ;… những bài thơ của các nhà thơ Việt Nam suốt chiều dài lịch sử… đến những truyện dân gian như Truyện Thạch Sanh, Trần Minh khố chuối; Phạm Công, Cúc Hoa; Quan Âm Thị Kính… Má tôi cũng thường đưa tôi vào thế giới văn chương bằng những câu thơ có vần vè… Tôi đã bơi trong màn sương của nhịp điệu, âm thanh; chìm ngập trong tình yêu thương, lòng nhân ái của ông cha; nuôi dưỡng tâm hồn bằng giọt sữa của ca dao dân ca; và cứ thế tôi lớn lên…
Có thể nói, tuổi thơ tôi sống trong không khí của những cuộc tranh đấu không ngừng của một dân tộc luôn nêu cao nghĩa khí, trung chính, nhân ái, chuộng hòa bình; nhưng lại là một dân tộc gây chiến liên miên, chém giết liên miên… để giành quyền lực. Tôi gộp thành một tên gọi chung là TRUYỆN TÀU! Trong truyện, biết bao âm mưu luôn ấp ủ để hãm hại kẻ trung chính, còn kẻ trung chính luôn đơn độc và bị hãm hại. Và tôi lại được giáo dục phải ngay thẳng, trung trinh dù bị truy bức đến cùng. Nhạc Phi là nhân vật mà tôi được lấy làm gương để học tập. Ba tôi thường dặn, dù có chết tức tưởi như Nhạc Phi vẫn đáng học tập chứ không được như Tần Cối, hai người sống vào đời Tống, bên Tàu. Tôi có biết đâu, mãi đến sau này, khi đã nhận thức được mới biết Nhạc Phi là kẻ ngu trung, cái chết không đáng, có khi cái chết ấy chính là sự thất bại của kẻ trung chính! May là sau này, khi đã đủ lý luận, tôi đưa chuyện này bàn với ba tôi thì được nghe: Đúng là Nhạc Phi đã chết vì… ngu! Tần Cối là kẻ bán nước cầu vinh… đáng nguyền rủa cũng quá đúng! Thì ra thời nào, đất nước nào cũng có những kẻ lươn lẹo, bán nước cầu vinh và có những người trung lương đơn độc gìn giữ giang sơn tổ quốc. Tất cả rồi sẽ chết, sẽ về với cát bụi nhưng người dân cũng rất rạch ròi yêu ghét lối sống của từng nhân vật lịch sử dù có bao che sơn phết như thế nào đi nữa. Tôi đã bắt đầu ý thức đánh giá các nhân vật lịch sử - dĩ nhiên là theo chủ quan của tôi!
Tôi đọc bất cứ loại sách nào, nhưng với trình độ lớp ba, lớp nhì, lớp nhất (tương đương với lớp 3,4,5; bây giờ), tôi chỉ thích thú theo dõi những diễn biến của câu chuyện, nhất là những chương hồi được mọi người thường nhắc tới, với những mưu mô, thủ đoạn tranh quyền đoạt chức… Từ những sự việc “Minh tu sạn đạo ám độ Trần Thương”; hoặc “Lưu Bị tam cố mao lư” mời Gia Cát Lượng; hoặc “Khổng Minh thiệt chiến quần nho”; hoặc “Tiết Giao đoạt ngọc”; hoặc tranh hơn tranh thua “Thiên sinh Du hà chi sinh Lượng!”… khiến trí óc non nớt của tôi mệt mỏi. Đến Đông Chu liệt quốc thì tôi thật sự rối rắm trong các quan hệ chằng chịt thịnh suy của từng triều đại hoặc từng cá nhân. Tôi đã quên hết và nhầm lẫn những công trạng, việc làm của Chu Tuyên Vương, Vệ Tuyên Công, Tấn Huệ Công, Chu Tương Vương, Sở Trang Vương, Tần Thủy Hoàng… cùng các triều đại thời Xuân Thu – Chiến Quốc thăng trầm! Nhưng tôi lại nhớ đến Trầm Ngư Tây Thi mê hoặc vua Ngô; Tôn Tẫn giả điên để thoát họa; Hà Bá lấy vợ hại dân lành… Sau khi đọc xong Đông Chu liệt quốc, tôi thật sự “ngán” lối viết văn sử bất phân của truyện Tàu. Tôi tìm đến những sách Tàu nhẹ nhàng hơn vì có yếu tố thần thánh, yêu ma quỷ quái; hoặc mang dáng dấp cuộc sống đời thường. Những Tây du ký, Phong thần diễn nghĩa, Liêu trai chí dị, Bát tiên quá hải, Thất chơn nhơn quả… và cũng không thể không kể đến Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng,… cùng vô số tác phẩm đời thường hoặc yêu ma quái quỷ khác! Có lẽ do cái tạng tôi lười suy nghĩ và hay mơ mộng, tưởng tượng chăng? Mà tôi thơ thẩn cùng con khỉ đá nơi Thủy Liêm động, theo chân chàng đại náo Thiên Cung, cùng chàng phò Tam Tạng sang Tây Thiên thỉnh kinh, trên đường đi đã đánh biết bao bọn con nhà trời tác oai tác quái quấy nhiễu dân lành. Tôi xem Khương Tử Nha phong thần mà đứng giữa Triệt giáo và Xiển giáo trong trò chơi giết người mà lo cho số phận Na Tra, Hoàng Phi Hổ cùng bao trung thần khác để căm ghét hơn những kẻ xấu xa đang ngồi trên ngôi cao dựa vào quyền lực mà geo tội ác. Tôi say sưa với Liêu Trai chí dị mà cùng các học trò đêm đêm vui cùng bọn Hồ Ly nhưng tình yêu trong sáng và say đắm, khác xa với Hồ Ly trong Phong Thần diễn nghĩa; Những vị anh hùng lòng đầy thù hận với chính sách cái trị của chính quyền đương thời nhưng cũng tràn đầy lòng yêu thương như Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Lâm Xung… tập hợp nơi Lương Sơn Bạc để mưu đồ việc lớn cũng làm náo nức lòng tôi! Biết bao nhân vật nữa đã chắp cánh cho ước mơ tôi…
Lớn lên một chút, tôi đã biết “giấu bớt” tiền ăn sáng để lấy tiền thuê sách kiếm hiệp mà đọc. Gần như Kim Dung và sách của ông đã ngự trị trong một góc của trí não tôi rồi!  Những không gian khoáng đãng trong Thần Điêu đại hiệp; Ỷ Thiên Đồ Long kiếm; Thiên Long bát bộ; Tiếu ngạo giang hồ; Lộc Đỉnh ký;… đã cho những nhân vật Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Tạ Tốn, Đoàn Dự, Lệnh Hồ Xung, Vi Tiểu Bảo, và biết bao anh hùng hào kiệt tung hoành…
Tôi say mê kiếm hiệp đến mức… suýt bỏ học! May là kịp dừng lại khi tôi tiếp xúc với văn chương Tự Lực Văn Đoàn. Những Tiêu Sơn tráng sĩ, Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa, Đoạn tuyệt… đã lôi tôi từ miền đất Trung Hoa rộng lớn đầy mưu mô, giảo quyệt, tranh giành quyền lực khiến đời đời máu chảy xương tan… về với quê mẹ ngọt ngào và yên bình dù còn nhiều trăn trở. Tôi lại theo chân người hùng trong tiểu thuyết Lê Văn Trương; hoặc theo lý tưởng phục vụ xã hội, cải cách nông thôn; phản kháng lại hủ tục gia đình phong kiến mà sống phóng túng, tự do… của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Đôi khi lại theo bước chân của những người khám phá thiên nhiên, xã hội trong truyện đường rừng của Thế Lữ; hoặc miên man theo những con vật vừa gần gũi vừa xa lạ trong O Chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Con Trâu của Trần Tiêu… mà ngẫm đến số phận con người. Cũng đôi lần tôi mơ mộng theo lý tưởng Con Đường Sáng của Hoàng Đạo, mơ màng trong truyện ngắn của Thạch Lam… Ôi! Biết bao nhiêu là sách đã đồng hành cùng tôi trên cõi ta bà này!

Khi tôi chớm yêu, biết thể hiện trước những bạn nữ học cùng lớp thì những truyện của Người Khăn Trắng, Bà Tùng Long, Duyên Anh, Nguyễn Thị Hoàng, Chu Tử, Nguyễn Thụy Long… đã làm tâm hồn tôi bay bổng nhưng không xa rời thực tế. Tôi yêu thích những Bồn Lừa, Dzũng Đakao, thằng Côn, bé Thúy; cả Loan Mắt Nhung và cả cậu học trò tên Minh và cô giáo tên Trâm; yêu thích luôn cả mối tình chú cháu trong Yêu của Chu Tử. Đó là những nhân vật thật gần gũi với tôi, hình như, tôi đã gặp họ ở đâu đó trong hành trình sống này. Và còn biết bao nhân vật khác tôi đã gặp; cùng vui buồn, cùng trăn trở, cùng ước mơ, hy vọng… nhưng tôi không thể kể hết ra đây. Nhưng đêm đêm họ lại hiện về cùng tôi sống cho tới tận cùng của đau thương hay hạnh phúc.
Khi đã có mối quan hệ rộng rãi với bạn bè cùng trang lứa thì tôi cũng mở rộng tầm hiểu biết của mình và cũng để… lòe! Tôi cập nhật những tác phẩm kinh điển bằng cả sự háo hức của tuổi thanh niên. Từ Balzac với một số tác phẩm trong bộ Tấn Trò Đời; đến Victor Hugo lăn lộn cùng Những kẻ khốn nạn, thả hồn yêu cùng Thằng Gù ở nhà thờ Đức Bà; tôi theo Jules Verne thám hiểm tận Hai vạn dặm dưới biển và chàng Thám tử lừng danh Conan; Tôi cũng từng tâm tư với Boris Pasternak trong tầng lớp trung lưu của xã hội cùng thời với Bác sĩ Jivago; Tôi cũng không bỏ qua Lev Nikolayevich Tolstoy để nghiền ngẫm Chiến tranh và hòa bình, hoặc cảm thông số phận của Anna Karenina. Tôi còn mon men đọc Kinh Dịch, Nam Hoa Kinh và một số tác giả khác cùng tác phẩm khác nhưng không thể kể hết làm rối rắm người đọc. Ở Việt Nam thì tôi theo dõi Phạm Công Thiện qua Ý thức mới trong văn nghệ và triết học; đọc thơ Nguyên Sa, Bùi Giáng, Đinh Hùng, Nguyễn Vỹ… Đến giai đoạn này, ba tôi không còn kiểm soát việc đọc sách của tôi được nữa rồi. Tôi đã lớn thật rồi. Tôi đã bước vào vùng trời rộng lớn của văn chương. Tôi choán ngợp nhưng rất thích thú đến với những tác phẩm văn học để được sống một cuộc sống khác. Tôi cảm ơn ba tôi đã khơi mào để tôi được bước vào thế giới của văn chương. Nhưng như tôi đã nói : “Có lẽ người mở cửa cho tôi vào thế giới văn chương là ba, nhưng người thổi hồn cho tôi yêu thích chính là má tôi.” Vì vậy mà sẽ thiếu sót nếu không nói đến cái hồn văn chương mà má tôi đã nuôi dưỡng.
Phải nói riêng về má tôi một chút. Bởi sống vào cái thời mà một trăm người phụ nữ có đến chín chín người thất học mà bà lại biết đọc biết viết để đọc những tập truyện thơ mỏng dính in trên giấy xấu: Tống Trân Cúc Hoa, Truyện Trê Cóc, Lâm Sanh Xuân Nương; đến truyện Kiều, Bích Câu kỳ ngộ, Lục Vân Tiên, Tái sanh duyên… Toàn là thơ, khác với ba tôi, đọc toàn truyện. Xin được dong dài một chút: ông cố ngoại tôi có ba người con rễ: Một là thầy đồ dạy học, một là lý trưởng (như trưởng thôn bây giờ) và một là thầy thuốc. Ông ngoại tôi là thầy thuốc. Những ngày giỗ chạp hoặc những hôm đẹp trời, ba người con rễ cưỡi ngựa về tập họp tại nhà ông cố, vừa là vấn an ông vừa có người đàm đạo kinh sách. Ôi, cái thời mà tìm được một người thông hiểu kinh sách để bàn luận thật khó lắm! Ba anh em rễ vừa là quan hệ gia đình vừa là tri âm tri kỷ rất tâm đầu ý hợp về quan điểm, kiến thức, nhân sinh quan. Có lẽ, mỗi lần về họp mặt, ngoại tôi đều cho má tôi ngồi phía sau lưng ngựa… nên sớm tiếp xúc với văn chương. Tôi không hỏi rõ nhưng có thể má tôi biết chữ từ những cuộc gặp gỡ của mấy ông dượng rễ này hoặc là có thể ai đó đã chỉ cho bài vở lòng trong Tam tự kinh: “Thiên – trời; địa – đất; cử - cất; tồn – còn…” hoặc là có trong tay cuốn Quốc văn giáo khoa thư -  “Sách Quốc ngữ chữ nước ta, con cái nhà đều phải học, miệng thì đọc tai thì nghe, đừng ngủ nhè chớ láu táu…” mà má tôi biết chữ chăng, chứ thời ấy, con gái ít khi được đến trường! Sau này, thời Bình dân học vụ, má tôi từng lên bục giảng để “chống giặc dốt” theo lời kêu gọi của chính phủ. Má tôi được một số người gọi là cô giáo từ việc “chống giặc dốt” này. Dù thế nào, trong lòng tôi, má tôi là người có học và biết chữ, là một kho văn vần mà nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Dong dài như thế để mọi người hiểu được vì sao má tôi lại là người có thể thổi hồn cho tôi yêu thích văn chương mà làm người.
Không rõ khi tôi còn nằm nôi, má tôi đã ru tôi những câu hát nào cho những hôm tôi quấy phá, nhưng chắc chắn là những câu ca dao dân ca thấm đẫm tình người, tình quê! Một nghiên cứu khoa học cho rằng đứa con đã “biết nghe” lời mẹ từ khi còn nằm trong bụng, dẫu là không nghe qua tai vẫn nằm sâu trong vỏ não của người con. Có lẽ tôi đã như thế chăng? Vì cố nhớ nhưng tôi không hình dung ra má tôi ru tôi như thế nào, chắc là giống má ru mấy em tôi! Những câu ca dao buồn cùng với giọng buồn buồn làm não lòng người!
Một lần, hàng xóm tôi có một thanh niên ngỗ nghịch, thường làm cho người mẹ đau lòng, làm ầm ỹ xóm làng. Anh em tôi hiếu kỳ thường rủ sang xem… Má tôi gọi về và dạy cho bài học đầu tiên bằng hai câu:
“Trời sinh những đứa vô nghì
Dẫu cho có sống cũng chẳng làm gì nên thân!”
Tôi không hiểu “vô nghì” là gì nên theo hỏi. Má tôi không giải thích mà bảo hỏi ba. Và được giải thích “vô nghì” là bất nghĩa, sống bội bạc, không tình người, không tình nghĩa thủy chung. Sống như thế thì “không làm gì nên thân, không nên người”. Không lâu sau đó kẻ ngỗ nghịch kia bị một tai nạn khiến sống ngớ ngẫn dỡ khôn dỡ dại. Chỉ có mấy chữ mà vận vào cả một đời người. Tôi bắt đầu yêu văn chương từ những việc nhỏ nhặt như thế; nhưng đâu phải chỉ là văn chương, mà là cuộc sống, là đời! Má chỉ gợi ra và ba tôi dẫn dắt tôi vào cõi văn chương mà vận vào đời sống.
Nhà tôi đông anh em, mấy anh em trai tuổi lại kề cận nên thường “chọc ghẹo” nhau khiến nhà ồn ào. Dĩ nhiên là không phải những trận đánh nhau u đầu mẻ trán mà chỉ “chọc lộn” để người này giận hờn người kia, khóc dỗi nhau và… kiện cáo đến ba má! Má tôi lại dạy một câu mà đến bây giờ tôi thấy vẫn đúng; không chỉ trong phạm vi gia đình – xã hội; mà đến cả dân tộc được gọi là “đồng bào” này. Tôi ghi ra đây để mọi người xem có đúng như tôi nói không? Má tôi cho mấy anh em tôi đứng sắp hàng và buộc lần lượt giải thích câu ca sau:
“Khôn ngoan đánh đá người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!”
Ôi, má tôi vĩ đại biết chừng nào! Bà đã không dạy câu có nghĩa tương tự nhưng hẹp hơn mà sát với tuổi chúng tôi hơn là “Anh em như thể tay chân” mà trao cho mỗi chúng tôi hình ảnh “Gà cùng một mẹ…” để làm hành trang suốt một đời! Đúng là “Anh em khinh trước, làng nước khinh sau!”. Việc xấu trong nhà không xảy ra thì người ngoài không có cơ hội phá hoại!
Khi thấy tôi mê sách, không ai phản đối. Ba tôi chỉ nhắc nhở là không nên đọc nhiều truyện kiếm hiệp, truyện tình cảm ủy mị; còn má tôi chỉ nhắc: “Khôn nghề cờ bạc là khôn dại, dại chốn văn chương ấy dại khôn” (TTX) và dặn: “Ăn có nhai, nói có nghĩ!”. Hình như mỗi khi mở miệng là má tôi tuôn ra những thơ ca, hò vè… khiến tôi thích thú đến nỗi mỗi lần nói chuyện với bè bạn tôi đều vận những câu ca vào câu chuyện. Tôi đã thấm đẫm “văn chương” từ lúc nào không biết. Đến nỗi, trong cặp sách tôi có vài câu thơ “phỏng” theo lời những bài ca của má tôi! Còn bé xíu mà những câu đầy triết lý “lên mặt dạy đời” một cách ngô nghê chép lung tung ở bìa vở, trang giấy nháp. Tôi cứ lén lút làm thơ như thế cho đến một ngày…
Tôi có thơ đăng lên… báo tường của trường!
Bây giờ, nhớ lại, thấy thật tức cười; nhưng lúc bấy giờ là một sự kiện lớn, một bước ngoặc trong cuộc đời của tôi. Tôi nghĩ mình vĩ đại lắm. Có thơ in lên báo tường… rồi sẽ in lên nội san của trường… rồi sẽ được mọi người biết đến! Có khi lại được nhà nghiên cứu nào đó chú ý cất nhắc mình như Hoài Thanh làm Thi Nhân Việt Nam, cũng nên! Nghĩ đến đây mà thấy lòng… lâng lâng! Tôi viết nắn nót, trình bày đẹp từng tiêu đề, trình bày từng bài thơ, kín cả tập vở học trò, rồi… đọc thuộc như là thơ của một thi sĩ nào đó. Mà hình như hối ấy, những thơ tôi viết là được cóp nhặt ý tưởng, ngôn từ, cách hành văn của những nhà thơ tôi đọc được rồi xào qua nấu lại một cách vụng về. Nhiều lần tôi đọc cho má tôi nghe những bài thơ của tôi và “nhờ” góp ý, nhưng lại giấu rằng của một đứa bạn cùng lớp. Má nghe rồi có những nhận xét: “Thơ đọc trúc trắc quá! Hoặc ý ấy người ta đã viết rất hay rồi! Hoặc hãy viết về những điều con biết, con trải qua và cảm nhận…”. Thì ra má tôi biết tôi có… làm thơ! Má dặn: “Con cứ làm những điều con thích nhưng… phải học cho giỏi cái đã! Có giỏi mới có thể thành công. Nhất là trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật!”. Nghe lời má, tôi đã cố học… và không bỏ ước mơ thành… thi sĩ! Nhưng…
Khi vào Trung học đệ nhị cấp (cấp 3), tôi lại theo học ban B (Ban toán). Lao vào những con số và các công thức khô khan nhưng tôi cũng có đôi lần ngoái lại ước mơ lãng mạn của văn chương. Tôi lại có một sổ tay chép những bài thơ yêu thích của các nhà thơ Việt Nam, thế giới (bản dịch là chính!). Tuy nhiên, cái đích của tôi lúc bấy giờ là đậu Tú tài toàn phần để khi bị lùa ra chiến trường vẫn là một sĩ quan. Thiệt tình, là chẳng có một lý tưởng nào trong môi trường giáo dục lấy “nhân bản, dân tộc, khai phóng” làm nguyên tắc giáo dục. Tất cả như một lớp sương mù vây bọc lớp trẻ chúng tôi. Chúng tôi phải tự tìm đường đi! Tôi học sâu về môn khoa học, chuyên ban… để may ra làm được chuyên ngành nào đó khi không còn học nữa, khỏi cầm súng ra chiến trường. Thật ra, hình ảnh người lính về thành phố cũng oách lắm, nhìn thật ngưỡng mộ, nhưng nhiều cái chết tức tưởi, đột ngột luôn báo về cho từng gia đình quân nhân khiến tôi khiếp đảm! Tôi học để khỏi đi lính, thế thôi!
Như tôi đã nói: “tôi cũng có đôi lần ngoái lại ước mơ lãng mạn của văn chương”, và có lần tôi ngoái lại và… lún sâu! Ấy là khi tôi có một bài thơ đăng trên một tạp chí tuổi ô mai trước năm 1975. (Bây giờ tôi chẳng nhớ đến tên bài thơ, tên tạp chí và tên tôi ký là gì nữa! Tội…). Ngỡ mình đã vĩ đại lắm rồi, tôi cũng một vài người bạn thành lập một Bút nhóm lấy tên là Cuối Trời. Thật ra, bài vở chỉ có mấy thằng chưa sạch mũi viết. Tự viết. Tự in bằng giấy sáp. Tự ca ngợi. Tự sướng. Tất cả đều tự… Hổng biết ai là người đề xuất cái tên Bút nhóm Cuối Trời mà in được một tập thì trời đã tối om! Dẫu sao, chúng tôi cũng tin tưởng rằng mình sẽ làm được một việc gì đấy. Đúng thế, trong cái bút nhóm này, sau 1975 vẫn có người thỏa mộng văn chương của mình. Như nhà thơ THL (đã chết!) có in một tác phẩm và được đánh giá là nhà thơ nông dân trên một tờ báo địa phương; nhà văn NT với sức viết khủng khiếp đang sở hữu hơn chục đầu sách vừa truyện dài, truyện ngắn, vẫn còn sung sức; tôi thì ì ạch với cái nghiệp văn chương! Sau khi thất bại ở Bút nhóm Cuối Trời, chúng tôi vẫn còn ấp ủ mộng văn chương nhưng chiến sự ngày càng khốc liệt, thanh niên được lùa ra mặt trận nhiều hơn đã ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng thanh niên bấy giờ. Chúng tôi cũng không ngoại lệ! Thôi thì cứ làm tròn nhiệm vụ của mình: Học! Cho đến 30/4/1975…
Ba tôi “định hướng” cho cuộc đời tôi bằng cách gợi ý cho tôi đi vào một trong hai ngành: Giáo dục hoặc y tế! Tôi thì rất sợ thấy… máu, nên chọn ngành sư phạm vậy. Vào trường Cao đẳng sư phạm Quy Nhơn, tôi mới thấy cái ban B (toán) học ở Trung học đệ nhị cấp thật giá trị. Từ ban B (toán) có thể chọn vào các ngành học: Văn, sử, địa lý, vật lý, kỷ thuật… nhưng không thể ngược lại! Tôi chọn ngành Văn! Ba tôi chỉ nói “được” nhưng không vui. Khi đi dạy tôi mới biết cái sự không vui của ba tôi. Ông muốn tôi đi vào ngành giáo dục, y tế để khỏi “dây dưa” vào chính trị - xã hội! Và tôi cũng nhận ra sai lầm khi chọn môn văn để dạy! Tôi lại vật lộn với những tác phẩm mang tính chiến đấu cao, tính dân tộc rõ ràng, tính đại chúng đến độ ai cũng hiểu… để cảm thấu; nhưng lại dạy theo sách giáo khoa và sách hướng dẫn vì đó là pháp lệnh! Nếu tôi chọn dạy toán thì liền mạch hơn và đỡ vất vả hơn. Suốt quãng đường dạy học, gần như tôi không viết được gì. Tôi dạy văn nhưng văn chương đã rời bỏ tôi. Tôi lo chuyện cơm áo gia đình và trường lớp đã ngốn hết thời gian của tôi. Cho đến khi... tôi lại có thơ đăng lên báo tường!
Số là như thế này: Trường tôi đang dạy bỗng nhiên muốn làm một lễ kỷ niệm ngày thành lập trường; và món tinh thần không thể thiếu của giáo viên là làm một tờ báo tường. Và, tôi cũng có một bài tham gia. Sau đó, lãnh đạo cấp xã họp và đánh giá bài thơ của tôi rằng còn mang dáng dấp tiểu tư sản (!) dù đã nhiều năm gột bỏ; rằng còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân; rằng tự phụ; rằng không chịu sự lãnh đạo của các cấp chính quyền; và cùng nhiều cái “rằng” khác có thể bắt tội tôi bất cứ lúc nào. Bởi trong bài thơ có đoạn: “Tôi như viên bi trong trò chơi tuổi trẻ/Ta lại lăn một vòng/Một vòng bi lặng lẽ/ tưởng như là hư không/ Giữa sân đời mênh mông…” “… điều này thật bất ngờ/ Khi có viên bi ngời sáng nhất/Chọn chỗ nằm yên nơi góc khuất/ Không một ai ngó ngàng…” để đi đến kết luận “Vẫn còn/ Những viên bi lăn…”. (Trích trong bài NGẪM). Dĩ nhiên là chưa phải làm bản tường thuật hay kiểm điểm gì nhưng bị “chất vấn” nhiều quá, thật mỏi mệt! Vì chuyện này mà tôi có một quyết định: IN THƠ! Tôi lục tìm những bài thơ tôi viết tùy hứng trong những tập giáo án cũ, trong những vỏ bao thuốc lá, trong những tờ giấy nháp… gom lại và gởi đến NXB Đà Nẵng. (Những bài thơ nắn nót khi còn đi học đã thất lạc và … dở ẹc, nên tôi hổng quan tâm). Tập thơ ĐIỀU BÂY GIỜ MỚI NÓI được ra đời từ sự việc như thế. Tôi nghĩ, đây là tập đầu tiên và cũng là cuối cùng của mình chỉ nhằm để khẳng định một quan điểm như là lời thanh minh. Lúc ấy, nhà văn LHL có nhận xét trên báo BĐ rằng: “Đây là một gương mặt mới toanh của văn nghệ Bình Định. Mới vì dù làm thơ đã lâu, người thầy giáo này chưa hề gởi in các báo. Dù quen thuộc hay lần đầu xuất hiện, làm thơ là dám dấn thân và chấp nhận…” Rất đúng với tôi lúc bấy giờ! Nhưng tôi vẫn viết về những điều tôi suy nghĩ, nghiền ngẫm, bắt gặp… cảm xúc trong cuộc sống. Và tâm niệm mình viết cho mình giải tỏa cái đam mê viết lách…
Nhưng như cái nghiệp văn nó ám vào tôi. Một thời gian dài, tôi vẫn viết và… cất kỹ! Sau khoảng 5 năm, kể từ ngày tôi in tập thơ đầu tiên, Hội VHNT tỉnh có tổ chức một cuộc thi thơ, thông báo về tới tận… trường! Tôi lại lục tìm những bài thơ tương đối “sạch sẽ” để gởi dự thi, vì tôi đang là Tổ trưởng bộ môn văn, phải làm gương! Và cũng không mong đợi gì… nhưng bất ngờ là có… giải, một bài thơ viết về tình bạn! Bài thơ ấy được đăng báo giới thiệu những bài thơ đạt giải. Như vậy, tôi lại có thơ… đăng báo. Tôi lại tẫn mẫn gởi những bài thơ kẹp trong giáo án để dự thi các cuộc thi thơ mà tôi biết để “đo” cái năng lực viết của mình, chứ không hề nghĩ sẽ đi vào văn chương bằng… giải thưởng! Bất ngờ là cuộc thi nào tôi gởi bài cũng… có giải. Dù không có giải cao nhưng vẫn là… giải thưởng! Tôi lại gom thơ để… in tiếp! Rồi lặng lẽ viết, lặng lẽ in, lặng lẽ… Đến bây giờ tôi đã viết được gần chục đầu sách và hơn chục rưỡi giải thưởng về lĩnh vực văn học nghệ thuật! Cũng rất đúng như LHL nhận xét khi kết thúc bài viết về tập thơ đầu tiên của tôi: Đã có những tín hiệu để hy vọng tác giả "đi xa hơn ngõ" nếu không chùn bước trước lộ trình nghiệt ngã của văn chương.”
“Dẫu đường xa tít tắp                                                 
Bắt đầu tự ngõ thôi!”
(Chiêm nghiệm – trích Điều bây giờ mới nói)
Tôi đã ra khỏi ngõ nhưng đường thì xa tít tắp… và tôi vẫn còn đứng bên lề cuộc chơi văn chương nhìn mọi người tung tăng…
(Định viết nữa… nhưng chán nói đến chuyện này rồi!)
NVC









Nhận xét