Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

TẢN MẠN TỪ VÙNG ĐẤT VĂN CHỈ



Ghi chép của Lê Hoài Lương
Ngày 2-4-2012 vừa rồi, sau hơn nửa năm thi công, những người tổ chức phục dựng và nhân dân xã Ân Thạnh, Hoài Ân trịnh trọng tiến hành lễ tế khánh thành Văn chỉ Hoài Ân. Có thể với phần đông dân chúng, các từ “văn miếu”, “văn chỉ” còn xa lạ, nhưng khi trên nền đất văn chỉ xưa đã nên hình nên vóc những ngôi nhà- đền trang trí nét xưa  với các mái đao cong cổ kính, đẹp uy nghiêm, dường như đang có những chuyển động tích cực, hiệu quả từ các vấn đề truyền thống và phát triển.
                                                           Ảnh chụp của Ngô Văn Cư


*Từ đất khai khoa:
Theo tài liệu tra cứu của Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, người khai khoa của đất Hoài Ân và cũng là khai khoa Bình Định là cụ Hồ Văn Nghĩa, người xã Vĩnh Phước (nay là thôn Vĩnh Viễn, xã Ân Tường Đông, Hoài Ân). Ông đỗ cử nhân hàng 14/16, ân khoa Tân Tỵ (1821), năm Minh Mạng thứ 2, trường thi Gia Định và làm quan tới chức Tham Tri. Năm Tự Đức thứ 20 (1867), các nhà khoa bảng huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn xưa (nay là 2 huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn) tổ chức xây dựng Văn chỉ, cụ Hồ Văn Nghĩa được bầu làm Chỉ trưởng đầu tiên. Sau này khi tách làm hai huyện (1899), những văn thân, khoa bảng Bồng Sơn xây Văn chỉ mới ở làng Phụng Du (Hoài Hảo, Hoài Nhơn bây giờ). Văn chỉ Hoài Ân tồn tại đến năm 1945, Chỉ trưởng cuối cùng là cụ Huỳnh Xước, đỗ cử nhân năm Duy Tân thứ 9 tại Trường thi Bình Định 1915.

Văn miếu và Văn chỉ đều là cái nôi khuyến học, hội tụ những trí tuệ cao nhất của đất nước, của tỉnh, của huyện. Điểm chung là cùng thờ người khai sinh Nho giáo, Đức Khổng Tử. Ông được đời sau tôn vinh là bậc Thánh hiền, là “Vạn thế Sư biểu”, các nho sĩ cả ngàn năm học chữ thánh hiền và lập Văn miếu, Văn chỉ để tri ân bậc Thánh và để đề cao sự học. Văn chỉ còn thờ 72 đệ tử Đức Khổng và những bậc tiền hiền có xuất thân khoa bảng của địa phương, mỗi năm có hai lần xuân kỳ thu tế, 12 tháng 2 và 12 tháng 8, còn hàng ngày có người trông nom, hương khói.

Sách “Đại nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn có viết “người Bình Định hiếu học, trượng nghĩa…”. Với 65 năm tồn tại và tổ chức được 22 khoa thi của Trường Thi Bình Định, trong tổng số 342 cử nhân, Bình Định đã chiếm tới 194 vị với 12 thủ khoa, riêng Hoài Ân- Hoài Nhơn có đến 37 vị, 3 thủ khoa, 1 tiến sĩ! Nên cũng dễ hiểu khi, trên đất học Bình Định, ngoài Văn miếu của tỉnh còn có đến 7 Văn chỉ ở các huyện: nơi tôn vinh sự học và nhân tài đỗ đạt bao giờ cũng song hành.
*Đến Văn chỉ nay:
Tọa lạc ngay trên nền Văn chỉ cũ nhưng cấu trúc mới hôm nay có những kế thừa và phát huy phù hợp. Ngôi chánh điện thờ ngoài bàn thờ Khổng Tử, hai bên có bàn thờ vị khai khoa Hồ Văn Nghĩa và các vị khoa bảng xưa. Bên trái là Nhà bia khoa bảng với 3 bia đá, hai tấm khắc tên tuổi, quê quán, đỗ đạt của các vị Hoài Ân, Hoài Nhơn, một bia đá ghi công tích anh hùng Tăng Bạt Hổ- tuy không thi cử nhưng ông là một trong những chủ soái của phong trào Đông du của đất nước, một nhà khuyến học khuyến tài tầm quốc gia. Bên phải điện thờ là Nhà khuyến học, nơi sinh hoạt cộng đồng với bức chân dung người thầy giáo lớn của Việt Nam: Chu Văn An. Ấn tượng đáng kể là khởi đầu vận động đã có 2 tủ sách khá trang trọng. Nơi đây có “sổ vàng” vinh danh những tấm gương học tập, “sổ vàng” tri ân tấm lòng vàng, tri ân các tổ chức, cá nhân có công phục dựng Văn chỉ, xây dựng Quỹ khuyến học, quỹ “Tâm châu” vượt khó, khuyến tài…

Nói Văn chỉ mới kế thừa và phát huy vốn quý trước đây là ở chỗ ngoài phục dựng, nội dung các sinh hoạt đã có tính phục vụ lợi ích cộng đồng sâu rộng. Hàng năm, ngoài việc làm lễ dâng hương Khổng Tử tháng 4 và xuân thu nhị kỳ tế lễ, Văn chỉ còn là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian kết hợp: bài chòi, hát kết, hát ru… Hằng năm nơi đây tổ chức gặp mặt, tặng thưởng người làm công tác giáo dục tiêu biểu của địa phương nhân ngày 20-11. Trao học bỗng cho học sinh, sinh viên xuất sắc từ Quỹ Khuyến học Tăng Bạt Hổ. Trao học bỗng cho học sinh nghèo hiếu học, quỹ Khuyến học khuyến tài Tâm châu. Nơi đây còn có thể tổ chức các sinh hoạt ngoại khóa cho các trường trong huyện, gặp mặt sinh viên đầu năm… Với Văn chỉ nay, ý nghĩa của tôn vinh sự học, khuyến học đã có tầm bao quát cộng đồng, và nhất là, trong khuyến học có theo cùng, tôn vinh và khuyến dạy.

*Trên miền quê Văn chỉ:
Văn chỉ Hoài Ân đã được xếp hạng Di tích cấp tỉnh ngày 6-3-2012. Liệu có trùng hợp không, khi trên vùng đất Ân Thạnh này có thật nhiều những di tích văn hóa, lịch sử khác và địa phương đang lên kế hoạch xây dựng nơi đây thành “Điểm đến- nguồn cội” ? Xin kể những nét nhấn đáng chú ý tập trung trên địa bàn xã ngoài Văn chỉ. Đó là, Đền thờ anh hùng Tăng Bạt Hổ. Là ngôi chùa cổ Thường Quang Tự, do nhà khoa bảng Trần Quang Thiều xây từ năm 1870, mới làm lại rất bề thế. Là đình làng An Thường mới trùng tu và được xếp hạng văn hóa cấp tỉnh. Nơi đây còn là một phần  di tích “Việt Bắc của Miền Trung” những năm kháng Pháp. Là di tích núi Chéo anh hùng…

Có trùng hợp không khi Ân Thạnh là một trong bốn xã của tỉnh (cùng với Nhơn Lộc- An Nhơn, Bình Nghi- Tây Sơn, Hoài Hương- Hoài Nhơn), được chọn để xây dựng thí điểm “Nông thôn mới”, đến năm 2015 hoàn thành mô hình? Ở đây sẽ hình thành “cánh đồng mẫu lớn” sản xuất với sự liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà tài trợ và nhà nước. Cuộc tìm kiếm, xây dựng một diện mạo mới cho chủ trương “tam nông” trước hết từ sản xuất, và mô hình này gắn với các yếu tố quan trọng: kỹ thuật, công nghệ, năng suất và tiêu thụ sản phẩm. Tất cả chỉ với cái đích cuối: nông dân có lãi khá trở lên!
 Nêu những nét nhấn sáng trên từ vùng đất Văn chỉ để trở lại với việc phục dựng di tích này như một điển hình về mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, về chủ trương “Xã hội hóa”, và nhất là, sự đồng thuận cao trong nhân dân với những việc làm đúng, những việc vì lợi ích cộng đồng.
 Theo đề nghị của UBND Huyện Hoài Ân, và được UBND tỉnh “Đồng ý chủ trương phục dựng văn chỉ Hội Yên…”, ngày  27-7-2011 khởi công các hạng mục, hơn nửa năm sau đã hoàn thành công trình có vốn đầu tư hơn 2 tỉ. Đây là tiền ngân sách huyện và các nhà tài trợ khắp nước. Xem sổ vàng thấy nguồn tài trợ ghi tên, ngoài các doanh nghiệp, các Mạnh thường quân, là có tên hầu hết các vị chức sắc huyện! Và nhân dân. Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất để làm đường vào khu di tích. Chủ trương đúng, cán bộ nêu gương tốt thì nhân dân sẽ hưởng ứng, cùng sự chung tay của xã hội, việc tất thành.
Tất nhiên, bấy nhiêu vẫn còn thiếu một yếu tố quan trọng, yếu tố quyết định: vai trò cá nhân người tâm huyết và uy tín đứng mũi chịu sào cho các kết nối, các vận động.
 Ý tưởng bắt đầu từ một bài báo của Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn mười năm trước. Người tích cực vận động nay, là một cán bộ hưu trí, người nặng tình với quê hương và mọi thành viên gia đình ông đều đi đầu trong các đóng góp. Ông không muốn nêu tên mình và người viết bài này tôn trọng đề nghị đó. Chỉ kể để như một đúc kết vui cho một điều không mới: nơi nào có những đồng tâm từ cán bộ đến nhân dân cho một chủ trương đúng vì lợi ích cộng đồng, chủ trương ấy, công việc ấy sẽ được chung tay. Và chắc rằng những nơi ấy luôn có những con người hết mình vì mọi người.
Đó cũng là một nét đẹp của miền đất Văn chỉ.

LHL
Nguồn:http://maithin.vnweblogs.com/post/937/358841

Không có nhận xét nào: