ĐÔI DÒNG TẢN MẠN VỀ THƠ TÌNH NGÔ VĂN CƯ - Hồ Nghĩa Phương


 

Tôi thật sự ngạc nhiên, vì nhà thơ Ngô Văn Cư mạnh dạn xuất bản tập thơ “Tình” cho riêng mình, bởi lẽ hàng ngày “cụ” vẫn xoen xoét trên mạng: “Một mụ Hến, hai mẹ Hến” (biệt danh gọi tên người vợ yêu). Anh em văn nghệ thường gọi tên vui Ngô Văn Cư thành “Cụ CU”, vì tính tếu táo, thích chọc ngoáy với nhau trên mạng xã hội, rồi cười “khà khà…”. Tính tình Ngô Văn Cư quảng giao, gần như không phân biệt bạn cũ mới, độ nổi tiếng của bạn mình, đến đâu cũng cười nói bổ bã “cho vui, vậy mà!”.

Nhà thơ Ngô Văn Cư đa tài, bút lực lúc nào cũng dồi dào đến nay đã xuất bản nhiều đầu sách, nào là: Thơ, truyện ngắn, tạp văn, tản văn… và cả trường ca nữa! Đối với tôi, chỗ thân tình khi nào có sách mới là Ngô Văn Cư gửi tặng với lời dặn dò: Bạn đọc và có đôi lời cảm nhận nhé!”. Tôi thì cẩn thận đọc từng trang viết của bạn, chia sẻ từng nhân vật trong truyện, rung cảm những cảm xúc thơ mà bạn đã sáng tác.


Quen thân nhau khá lâu, thỉnh thoảng có dịp vào xứ Hoài (tên gọi tắt của thị xã  Hoài Nhơn và huyện Hoài Ân) giao lưu với anh em văn nghệ. Khi đến nơi, khi nhận được thông tin là Ngô Văn Cư cưỡi xe máy chạy xuống Bồng Sơn, Tam Quan ngay và luôn! Đôi lần khi có việc, bạn từ quê ra huyện Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi hú hí nhau cùng anh em ngồi lại uống chén trà, cốc bia. nhấm nháp tí mồi và tám chuyện trên trời dưới đất.

Vùng đất nơi bạn ở, tôi từng đi ngang qua khá lâu rồi! Tôi cùng đồng nghiệp lên An Hòa, An Lão công tác hay lội qua sông Lại Giang hợp lưu bởi con sông Kim Sơn và An Lão mùa nước cạn đến một xã phía bên huyện Hoài Ân để thăm người quen. Xứ sở của các nhân vật lịch sử: Chàng Lía, Bùi Điền, Tăng Bạt Hổ..., các địa danh Gò Loi, núi Chéo... Tôi nghe nói ở Hoài Ân có một khu vực trồng chè đặc sản thuộc loại nổi tiếng ở Việt Nam đó là chè Gò Loi ở xã Ân Tường Tây, hương vị thế nào bạn tôi chỉ mới diễn tả chứ tôi chưa mục sở thị. Nơi bạn tôi ở là vùng đất trung du nhiều gò đồi đất đỏ bazan thích hợp với các loại cây đặc sản như: Bưởi da xanh, tiêu, chè... Có thể là nơi ấy, vùng đất khắc nghiệt đầy nắng mưa, dòng sông hẹp chảy xiết.  đã hun đúc cô đọng thành chất văn, chất thơ trong con người Ngô Văn Cư.

Tôi lần giở tập thơ “Tình” của Ngô Văn Cư đọc và ngấm từ bài đầu đến bài cuối để so sánh nó có khác hơn thơ ca ngợi quê hương đất nước, thơ thế sự... của bạn không? Theo dòng chảy cảm xúc của những bài thơ trong tập thơ tình của Ngô Văn Cư từ lời đầu: “Muốn quên nhưng dạ càng thêm nhớ/ Ghi lại chút tình để đọc chơi”. Ở độ tuổi chạm đầu Bảy, có nghĩa là bạn tôi đã không còn trẻ, nhưng thơ thì đâu có trẻ hoặc già. Những tứ thơ cứ vụt hiện ra trong khoảnh khắc thăng hoa đầy cảm xúc. Ngô Văn Cư luận giải: Đêm sẽ rất dài nếu ta chỉ ngồi bó gối nhìn đêm/ Ngày sẽ rất dài nếu ta chỉ ngồi than thở/ Đời sẽ buồn tênh như con dơi treo mình trên cây mục trăm năm” (Phác thảo mùa xuân). Có thể, chúng ta chưa nhận thấy chút thơ tình ướt át nào vì câu thơ trích mang tính triết học về “Tình đời”. Xuân về sẽ trải nắng trên vai, tự nhiên thi sĩ ngồi ngắm chiều buông ra lời thơ bay bổng: “Tự nhiên ngồi ngắm chiều vu vơ/ Xuân sắp tàn mà nắng như mơ” (Tự nhiên mang mùa xuân trên vai). Nỗi nhớ thương vu vơ về hình bóng nào đó mờ ảo xa xăm: Dang tay ôm lấy trời xa/ Nghe tình lan tỏa em và mùa xuân” (Nỗi nhớ tháng ba) hay “Người cũ hồi xưa giờ đâu/ Ngoái nhìn ngày xưa xa ngái” (Hồi xưa chưa nói lời thương”.

Nghe nói đến thơ tình, nhiều người lầm tưởng chắc Ngô Văn Cư viết thơ ướt át lắm nhưng không? Mà chỉ là: Tình người, tình đất thấm đẫm khoảng sân và cánh diều đầy kỷ niệm: “Vui buồn lại nhớ đến ngày xưa/ Hương lúa ngát đồng đất ngóng mưa/ Xa lắc dáng cha trên ruộng cạn/ Mát lòng mẹ nấu bát canh chua” (Riêng trời tuổi thơ). Tác giả cố giả vờ quên nhưng làm sao quên được kí ức và k niệm cũ ăn sâu vào tiềm thức: “Giả vờ như ta chưa hề thân thiết/ Để đêm đêm lòng trăn trở ngậm ngùi” (Bao lần cố giả đò quên) - Rồi: “Đến từ đâu sẽ về nơi đó/ Mà yên lòng ngắm hoa lá yêu nhau” (Nói với chính mình). Tác giả thảng thốt với chính mình trong câu thơ yêu: “Tôi đành vá lại chiêm bao/ Nhuộm xanh tóc bạc chênh chao đợi mùa” (Nghịch mùa). Chúng ta cùng đọc đoạn thơ này: Đôi khi mây vui cùng gió/ Bên trời sương khói nhum hoàng hôn/ Nằm nghe dâu biển nhầu năm tháng/ Chí nhỏ khó mơ giấc vĩnh hằng”. Nói là mơ vậy thôi! Chứ tác giả luôn thể hiện là người chồng chân tình và thật thà khai báo hết với “Mụ Hến”, có lỡ lầm nào đó thì bà xã sẽ tha thứ cho! Lão Cu cười cầu tài, khi phân bua với đồng nghiệp cựu giáo chức hay bạn văn trong các buổi giao lưu “nâng ly lên và hạ xuống. Cuối cùng lão cũng buột miệng: “Cầm bùa còn đợi rủi may/ Thà như chiếc lá cuồng quay giữa trời/ Tôi ngồi thương lấy phận tôi… (Uổng công cầm lá bùa yêu). Còn gì bằng khi Ngô Văn Cư cầm tinh “con ngựa”, lão cứ tung vó trên thảo nguyên mênh mông và cũng kịp dừng lại khi chui vào ngôi nhà hạnh phúc đầy ắp tiếng cười của đàn con cháu vây quanh và đâu đó tiếng cằn nhằn của Mụ Hến vọng sau vách bếp, khi lão Cu đi bù khú với bạn bè về nhà trễ.

Bất chợt tôi đọc bài thơ Tháng giêng còn lạnh: “Có mối tình xưa còn ngái ngủ/ Rót vội vào nhau men ái ân/ Nén lòng ta ngắm mây đầu núi/ Chiều say nghiêng ngả chuyện trăm năm” là tôi nói bất chợt thôi! Chứ xuyên suốt tập thơ tôi thấy Ngô Văn Cư trải cảm xúc thơ tình của mình về tình cảm gia đình, công ơn của đấng sinh thành, trò cũ trường xưa... “Mai mốt thôi ngày nắng gió/ Tìm về lối cũ thơ ngây/ Mong gặp ve kêu phượng thắm/ Ngập ngừng tay ấm bàn tay” (Bài thơ tháng sáu). Ngô Văn Cư  xem những mối tình thoáng qua, coi như một giấc ta bà: “Thôi thì trả chuyện hôm qua /Coi như một giấc ta bà thiên thu”. Không biết lão có buồn không? Chắc là đôi phút thoáng buồn, lắng lòng mình lại:“Xông xênh áo mới về đâu/ Thềm xưa in vết dấu xưa buồn buồn” (Lỡ nhịp giêng hai) hoặc: Chiều nay mây  bay như chiều xưa/ Và em váy ngắn thuở đôi mươi/ Giật mình chẳng biết mơ hay thực/ Mà ta say đắm rất con người” (Chiều tương tư)                                                                                                   

Ngô Văn Cư có những ngày xưa, chiều xưa, mối tình xưa… đầy kỷ niệm: “Người đàn ông im lặng/ Ngồi trong quán vắng/ Nhìn lòng bàn tay đọc ký ức buồn” (Ơi, ngày xưa). Qua tập thơ này, lão đã thành khẩn khai báo với Mụ Hến và bạn văn bằng những câu thơ biện minh: “Ai chưa từng mơ về người khác giới/ Ai chưa từng mơ theo tiếng cười vui”. Tình yêu của Ngô Văn Cư thật nồng nàn say đắm, dù bốn mùa xuân hạ thu đông, dù giêng hai còn nồng nàn tươi mới nõn xuân: “Ta hôn mái tóc mùa xuân mởn/ Tháng giêng nồng nã nét tươi non” (Thoáng xuân tình) và đến nỗi lão còn: “Thôi đành/ tôi dối lòng/ tôi/ Không còn nhớ nữa những hồi/ gọi tên” Một bài lục bát ngắt dòng thật dễ thương. Có những đêm lão Cu say rượu bia hay say tình bên dòng Lại Giang (nay là thị xã Hoài Nhơn) hay bên bờ biển xanh Qui Nhơn (khi còn là thị xã), một chút u buồn cô đơn trống trải nhưng lão cũng tự an ủi mình: “Ta sợ gió cuồng đêm thị xã/ Tóc em chưa đủ dài như đêm/ Nỗi buồn vốn dĩ quen mà lạ/ Liệu gửi được niềm vui nhau không?” (Viết trong đêm thị xã). Mãi vậy, chuyện hợp tan trong tình yêu thoáng qua là rất đỗi bình thường theo quy luật vốn có của nó, dù có chút tiếc nuối: “Trời đất vần xoay đã mặc nhiên/ Trái tim nổi loạn đã tùy duyên/ Đã biết thiên thu trong hiện tại/ Nên yêu. Lòng anh đâu dễ quên” (Lòng anh đâu dễ quên). Tính lão đôi lúc cũng lơ ngơ, thơ thẩn, thẩn thơ rồi lại thẫn thờ: “Thơ thẩn nhìn rêu phong phiến đá/ Bến nước thôi buồn tôi lửng lơ/ Tôi giữ mối tình chưa kịp nói/ Lòng dậy làn hương thuở đâu ngờ” (Một tôi thơ thẩn). Rồi Ngô Văn Cư lại nhớ người, cái người năm xữa năm xưa làm lão chếnh choáng chạm vào đôi mắt lá răm, lão ngu ngơ nhìn môi nàng cười, sao bây giờ nhớ lại thấy đắng nghét như giọt cà phê đong trên đầu lưỡi: “Nhớ một người! Nhớ một người/ Hình như nhớ cả nụ cười hôm nao/ Bây giờ như đĩa dầu hao/ Cà phê môi đắng mà dào dạt tim” (Nhớ người).

Tản mạn với Ngô Văn Cư về thơ “Tình” do lão sáng tác, dĩ nhiên lão còn “giấu bài” chưa tung ra hết những bài thơ tình viết cho quê hương, cho vợ và đàn con cháu, kể cả những mối tình vu vơ thoáng qua, bất chợt “đụng phải” trên cung đường rong ruổi nhất là những “mối tình trên mạng” hiện nay! Vui buồn, hạnh phúc luôn quyện vào đời sống tinh thần của một người sáng tác thơ văn như lão. Tôi biết hiện nay Ngô Văn Cư đang hỗ trợ cho bà xã mình thực hiện các đơn đặt hàng chế biến các món ăn trong lễ tiệc cưới hỏi, giỗ... Mỗi gia đình chọn cho mình một cách làm phù hợp để tăng thu nhập chính đáng ngoài đồng lương hưu của một cựu giáo chức. Nói vậy, chứ Ngô Văn Cư vẫn dành tình yêu cho văn học, cho niềm đam mê sáng tác của mình.  Như chúng ta biết Ngô Văn Cư chưa bao giờ bao giờ vắng mặt các cuộc vui, thỉnh thoảng có “sô” nào hội hè ở Quy Nhơn hay các địa phương khác thì lão Cu đều trưng “chứng cứ” xin phép Mụ Hến vù đi ngay. Câu thơ trích này nói lên tương đối về “Tình” của Ngô Văn Cư:

Bây giờ ngồi quán làm thơ/ Ngồi nhà đọc báo/ Mà chờ cơm sôi/ Hứng lên theo vợ đi chơi/ Mà lòng hổng tiếc một đời.../ Hổng quan... (Tự nịnh)

Tôi trộm nghĩ: Lão Cu (Ngô Văn Cư) đã là “quan anh” rồi!

                                                                  Cuối năm Quý Mão 2023

 

                                                         HỒ NGHĨA PHƯƠNG (Quảng Ngãi)

 


Nhận xét