Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

LỠ NHỊP GIÊNG HAI

Mưa phơn phớt ướt môi son

Tóc mây giấu giọt sầu còn hiền ngoan

Em vui khoe sắc giòn tan

Trời nghiêng bầu nắng rót tràn vào xuân.

Cải ngồng trỗ chẳng ngại ngần

Lòng len lén đợi tình gần ý xa

Giêng hai em vẫn kiêu sa

Nụ cười chưa lỡ nhịp hoa dịu dàng.


Em rơi từng nụ khẽ khàng

Anh cùng với gió nhẹ nhàng đắm say

Qua năm hết tháng cạn ngày                 

Giấc mơ xuân lại trỗ đầy vết thương!

Gặp nơi hẹn cũ bỗng thương

Hoa tàn nguyệt tận giọt sương rầu rầu

Xông xênh áo mới về đâu

Thềm xưa in vết bể dâu buồn buồn.

Ngô Văn Cư

(Bài in trên báo Bình Định ngày 27/3/2022)

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

NHỌC NHẰN MÙA LŨ

 

Tản văn: Ngô Văn Cư

Cơn lũ đã đi qua. Mẹ còn ngồi lại với những đổ nát, hoang tàn thẫn thờ nhìn dòng nước mà xót xa, tiếc rẻ. Ba giấu tiếng thở dài vào lòng, bâng khuâng nhìn khói thuốc bay vòng mà lo lắng cho ngày mai. Lũ trẻ con khấp khởi mong được đến trường sau những ngày dài nghỉ học. Trên đường, ngoài ruộng, trong vườn vẫn còn đầy bùn non bám vào lá, vào hoa khiến cho hàng cây méo mó và cúi oằn xuống. Dạo quanh một vòng khắp xóm thấy nhà cửa chẳng còn thứ gì khô ráo, kể cả những đôi mắt hõm sâu cũng chứa đầy nước mắt và hằn sâu nỗi buồn...

EM MÃI LÀ MÙA XUÂN


                                   Tản văn của Ngô Văn Cư

 

Thế là chẳng bao lâu nữa là Tết về. Dù năm nào cũng chỉ có ba ngày Tết, chưa kịp đi khắp làng chúc mừng năm mới thì Tết đã trôi qua mất, chỉ còn dư ba Tết trong mùa xuân hiền hòa, ấm áp mà rực rỡ. Vậy mà mọi người lại bận rộn đón Tết với tâm tâm trạng háo hức lạ thường. Hoa trong vườn đã hé nụ chuẩn bị đón mưa bụi ngày xuân dù Tết chưa về. Tôi lại nhớ đến chợ hoa ngày Tết mà năm nào cũng rộn ràng từ giữa tháng chạp. Năm nay, dịch covid hoành hành, chẳng biết những chậu hoa có được trưng bày ở chợ hoa hay không, nhưng tôi tin rằng hoa vẫn nở tươi tắn và ngát hương. Tôi nhớ cô bán hoa tết, mà tôi quen miệng gọi là “em”, xúng xính trong bộ quần áo xinh xinh bên những chậu hoa rực rỡ, sau những tháng ngày dài đi về với đồng cao ruộng thấp của một đời quê nhiều mồ hôi hơn tiền của.