Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

ĐÂU CHỈ LÀ ĐÔI MẮT

                              (Đọc ĐÔI MẮT THỦY NGUYÊN của Duy Toàn

Một tập sách 254 trang với 3 truyện, có thể gọi là truyện vừa (Tính về độ dài; không ngắn và dung lượng mở rộng biên độ như một tiểu thuyết) của Duy Toàn ( Lưu Lãng Khách) là một tập sách dễ đọc... một mạch. Dễ đọc vì câu chuyện được kể mạch lạc theo trình tự thời gian; nhân vật hoạt động trên trình tự thời gian trước sau ấy. Đó là tâp ĐÔI MẮT THỦY NGUYÊN của Duy Toàn do NXB Hội Nhà văn cấp phép năm 2017.


Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

NÀY EM CÒN NHỚ - thơ Ngô Văn Cư

 Thơ trên báo Bình Định

(Chủ nhật, 15.11.2020)
.
Ngày em tung tăng phố cũ
Lối về in bóng tuổi thơ
Hàng cây thay màu áo mới
Nợ duyên tìm mối đan tơ.

Ngày em áo màu rực rỡ
Mây chiều cõng nắng rong chơi
Anh biết tình anh là gió
Như sông chảy mãi không vơi.

Ngày em chợt xinh như mộng
Yêu thương đầy ắp môi hồng
Anh nghe tiếng chân thui thủi
Tiếng lòng như có như không.

Ngày em xênh xang hạnh phúc
Trăm năm duyên nợ vui buồn
Con đường bỗng dài hun hút
Bóng anh ngã mỗi chiều buông.

Ngày em trở về chân mỏi
Chợt thương sợi tóc nhẹ bay
Thương chiều gom mây và gió
Thương anh một kiếp… thương vay!

Ngày ta gặp nhau giữa phố
Mắt gieo giọt tủi giọt buồn
Đành như ngày xưa bỡ ngỡ
Vờ nhìn vào bóng hoàng hôn.
Ngô Văn Cư

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

LŨ LỤT, HÀNG CỨU TRỢ VÀ ...

 

 


 

Bài trước, tôi đã nói đến LŨ LỤT, NHÀ CAO NHÀ THẤP VÀ HÀNG CỨU TRỢ, bây giờ lại nói đến lũ lụt và hàng cứu trợ thì có nhàm chán hay không? Xin thưa rằng KHÔNG! Bởi vì bây giờ nói ở một khía cạnh khác bằng cách nhìn khác.

LŨ LỤT

Những trận mưa lớn kéo dài thường xảy ra lũ lụt. Lũ thường xảy ra trong thời gian ngắn nhưng dòng chảy với tốc độ cực lớn, có thể cuốn mọi thứ nới dòng chảy đi qua. Nó là kết quả của những trận mưa lớn hoặc do các hồ chứa nước xả ra ở những vùng có độ dốc cao; nơi cây cối bị đốn chặt, phá hủy và đất không còn khả năng giữ nước. Lụt là nước từ sông hồ dâng lên ngập một vùng đất sau khi nước mưa không trôi kịp về biển. Nước lụt dâng chậm hơn lũ và thường ngâm trong một thời gian dài. Như vậy khi có lũ lụt thì nhà trên cao bị lũ quét; nhà dưới thấp thì lụt ngập. Có khi nhà, vườn ở trên cao gặp lũ quét cũng hư hại không kém gì nhà, vườn ở vùng đất thấp bị ngập lụt. Có lẽ từ thực tế ấy mà có câu “Lụt thì lút cả làng” chăng?


Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

LŨ LỤT; NHÀ CAO NHÀ THẤP VÀ HÀNG CỨU TRỢ

 


LŨ LỤT

Sống ở Miền Trung VN mà nói đến chuyện lũ lụt là thừa. Vì chẳng năm nào nước lụt chẳng vào nhà. Có khi đợt lụt này nước vừa rút ra khỏi vườn thì đợt lụt khác đã ùa tới. Nhà ở trên cao còn đỡ chứ nơi chỗ trủng thì cả tháng mất ngủ là chuyện thường. Đâu phải chỉ lo dọn đồ đạc đi và dọn về là xong đâu. Cả trăm thứ không tên trong mùa lụt. Từ cây chổi; cái đòn; cây củi; chai lọ; đến lúa gạo phải dời lên chỗ cao. Những năm còn nhà tranh, nền đất còn phải trữ tro bếp để khi nước rút rồi có thứ rải lên nền nhà cho... mau khô. Ngày trước, dù có lụt to, người dân cũng ung dung lắm, ai cũng tính được con nước sẽ ngập đến bao nhiêu khi người dân nhìn lượng mưa mà... đoán; nhìn nước chân “Có nước đồng nước sông mới nhẩy”. Vì thế mà người dân đủ thời gian mà tránh lụt, di dời vật dụng lên chỗ cao... sự thiệt hại chỉ rơi vào những nhà tạm bợ, khó khăn nên khó khăn càng khó khăn hơn. Bây giờ thì khác rồi. Đôi khi không có “nước đồng” mà nước “sông vẫn nhẩy” vì các hồ chứa nước, thủy điện xả lũ... khiến người dân không kịp trở tay. Đất đá từ núi lở tràn về; nước từ hồ chảy ra, từ trời trút xuống; gió quăng quật... khiến sức người không chịu đựng nổi. Không thể đổ lỗi hết cho các hồ chứa nước, các thủy điện nhưng chắc chắn chúng góp phần không nhỏ trong việc thiên nhiên tàn phá. Bởi ai cũng biết mưa sẽ có lụt nhưng nước lại đọng trong các hồ chứa rồi... xả ra một lượng lớn thì ở hạ lưu chỉ có chết! Nhưng đó không phải là chuyện chính trong bài này. Những người có trách nhiệm sẽ có cách khắc phục! Mà, tôi muốn nói rằng chuyện lũ lụt và khó khăn trong mùa lũ không hề xa lạ với người miền Trung.