Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

NGÀY XƯA ĐI HỌC VỠ LÒNG - Tạp bút: Ngô Văn Cư

Hình ảnh có liên quan

    (ảnh trên mạng, chỉ để minh họa., trang trí - không phải của tôi!)


Tôi sinh ra từ một miền quê nghèo, trong một gia đình vừa làm nông trong mỗi vụ mùa và chạy chợ trong những ngày nông nhàn. Vì thế mà cuộc sống có phần thoải mái hơn các gia đình thuần nông khác. Có lẽ vì thế mà anh em chúng tôi được cha mẹ cho đến trường học hành đàng hoàng. Cũng có thể là do truyền thống gia đình, ông nội là người giỏi chữ Nho trong vùng; cha đã qua chương trình Tuyển Sanh, tốt nghiệp Sơ học yếu lược và đang nhăm nhe thi lấy bằng Tiểu học (Ri Me) thì phải bỏ dở. Trong những năm của nửa đầu thế kỷ trước, được học như thế cũng đã đủ vốn liếng kiến thức để thi thố với đời. Khi bè bạn cùng lứa tuổi phải chăn trâu, cắt cỏ, giữ em hay lêu lổng rong chơi thì anh em tôi ngày hai buổi đến trường.


Nỗi nhớ về ngày đầu đi học chỉ còn còn như một vệt khói mờ đi qua miền ký ức. Trẻ em bây giờ đi nhà trẻ, mẫu giáo trong những ngôi trường xây sạch sẽ, khang trang… còn chúng tôi ngày xưa học lớp vỡ lòng ở một “Trường Tư” của một “thầy giáo” mà dân trong vùng tin tưởng gởi con em. Học phí cho thầy là lúa, gạo, khoai, sắn… Lớp học được che bên cạnh đầu hồi nhà; không che phên líp; ngồi trong “lớp” có thể nhìn thấy toàn cảnh thiên nhiên quanh “trường”. Bàn ghế là những tấm gỗ ghép được chôn chặt xuống nền đất. Học trò chừng vài chục em nhưng đủ trình độ. Có em chưa nhận được mặt chữ; có em đã biết làm toán đố và thuộc bảng cửu chương vanh vách… Nhiều khi học trò lớn lớp trên cũng thay mặt thầy giáo chỉ vẽ cho học trò nhỏ hơn và chúng tôi coi đó là chuyện bình thường nhưng rất ngưỡng mộ. Đấy cũng là động lực để cố gắng học giỏi nhằm mong được có dịp phân công truyền lại điều hiểu biết cho lớp sau… Có lẽ vì nể phục sự học nên ai nhập học trước, học lớp trên thì nghiễm nhiên làm anh, làm chị. Tôi được cha mẹ cho đi học sớm nên có mấy anh chị lớn tuổi hơn gọi tôi bằng anh. Cũng oách lắm. Hơn năm mươi năm rồi mà thói quen này vẫn chưa bỏ. Mỗi khi gặp lại vẫn lối xưng hô cũ rất thân tình như người cùng huyết thống.
Học ở “Trường Tư” này, chúng tôi học rất nhiều thứ. Ngoài việc học chữ nghĩa, chúng tôi còn phải học các kỹ năng khi giao tiếp với cuộc sống. Phải học kỹ năng “đi thưa về trình” để cha mẹ khỏi lo lắng. Thế mà cũng có lúc lén ra ao đìa bắt cá lia thia về nuôi; những trưa nắng lén trộm xoài, trộm ổi… vườn nhà để vui vẻ với bạn bè; đôi khi còn lén tắm sông, tắm suối. Phải học kỹ năng tôn trọng người khác. Biết cúi đầu, vòng tay… khi nói chuyện với người lớn tuổi; biết đi bên phải; biết nhường đường; không chen lấn… khi giao thông. Nếu gặp đám tang phải đứng vào lề đường và bỏ mũ chào người đã khuất, dẫu không biết họ là ai. Phải học kỹ năng hòa nhập vào cộng đồng. Biết giữ trật tự, không làm ồn ào… ở chỗ đông người. Biết nhường nhịn, thương yêu “đồng bào”, mặc dù nghĩa của từ này đến khi học lên lớp trên mới hiểu hết ý nghĩa của nó. Có nghĩa là chúng tôi học tất tần tật mọi thứ ở “Trường Tư” để làm hành trang bước vào “Trường Công” là trường của Nhà nước. Những kiến thức vỡ lòng ấy đã trở thành vốn sống của chúng tôi suốt cuộc đời.
Ở Trường Tư không có trống trường; không có giờ giấc ra vào lớp cụ thể. Thường thì thầy giáo thấy học sinh đến đầy đủ thì tiến hành buổi dạy. Khi thầy giáo cho bài tập viết, tập toán đố… ai làm xong trước, nộp bài, thì được “ra chơi”. Học sinh nào làm bài chậm thì cũng phải làm cho xong mới được ra khỏi lớp. Cũng vì thế mà ai cũng cố gắng học, làm bài nhanh, để được có giờ giải lao giữa buổi. Mà cũng lạ! Lớp học thoáng như thế mà chẳng một học sinh nào lật vở chép bài (Bây giờ gọi là xem tài liệu!); không một ai nhận sự giúp đỡ của bạn bằng cách nhận bài giải, nhận đáp số (Bây giờ gọi là nhận phao!)… Một sự tự giác thể hiện tính tự lực, độc lập của học sinh từ ngày đầu chập chững đến trường. Bây giờ, đọc báo thấy nhan nhản những cán bộ sử dụng bằng giả, học giả, kiến thức giả… hòng chui vào cơ quan nhà nước để hưởng bổng lộc mới thấy cái học ngày xưa trọng kiến thức, đạo đức… biết chừng nào.
Cách tổ chức tưởng chừng như lỏng lẻo ấy, nhưng một học sinh nào nghỉ học vài buổi là nếm mùi trốn học ngay! Thầy giáo sẽ cho một số học sinh lớn đến tận nhà “áp tải” đứa lười học đến trường. Nếu chấp nhận đến trường thì những mấy anh chỉ gõ lon sữa, gõ ống tre… để mọi người biết học sinh lười học đã đến lại trường. Còn nếu ngoan cố thì sẽ bị khiêng. Có khi là bắt nhốt vào giỏ mạ hoặc rọ heo… khiêng tới trường và những âm thanh từ ống tre, lon sữa cũng ầm ỉ khắp xóm. Chỉ một lần trốn học và bị bắt đến trường là tởn tới… già! Người nhác gan thì chỉ còn một con đường là gắng học! Đến chuyện học sinh không thuộc bài hoặc vi phạm những điều răn dạy về kỹ năng sống thì chiếc roi mây của thầy giáo quất thẳng tay vào mông để lại những lằn roi bầm tím! Có lẽ cách giáo dục này thể hiện tinh thần của câu ca “Thương cho roi cho vọt; ghét cho ngọt cho ngào!”. Đôi khi biện pháp mạnh và tưởng chừng như phản giáo dục ấy lại hiệu quả trong giáo dục. Trên con đường thu nhập kiến thức của tôi có cả nỗi sợ bị dẫn đến trường và chiếc roi mây của người thầy vở lòng thuở ấy. Tôi chăm chỉ, siêng năng hơn… và, ngày càng nên người. Cảm ơn người thầy đầu tiên của tôi, người chưa hề kinh qua trường sư phạm.
Học ở lớp “Vỡ Lòng” ở “Trường Tư” có khi đến vài năm mới vào được “Trường Công” học lớp Năm (Tương đương với lớp Một bây giờ), và được học trường Tiểu Học Công Lập là niềm hãnh diện cho bản thân và gia đình. Bởi không phải xã nào cũng có trường công, và chỉ có xã đông dân mới mở đến lớp Nhất (Tương đương lớp Năm bây giờ), thường thì chỉ đến lớp Ba. Rồi tôi được vào học lớp năm (bây giờ là lớp một) trường Tiểu học của xã, được mặc đồng phục vào ngày đầu tuần, còn những ngày khác trong tuần thì học sinh có gì mặc nấy! Tôi được gia đình sắm cho một cái cặp táp đựng sách vở và tôi đã giấu vào đó nhiều thứ đồ chơi để trong những giờ giải lao cùng vui với bạn bè.
Tôi đã trở thành người lớn từ những việc nhỏ như thế!

NVC

Không có nhận xét nào: