Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

THẤY GÌ KHI TÔI ĐI TÌM TÔI



(Đọc “Tôi đi tìm tôi” của Vĩnh Tuy)


Tập thơ của Vĩnh Tuy với tựa đề TÔI ĐI TÌM TÔI dày 100 trang, kể cả bìa, rất tròn trịa; khổ 13x18, ngắn hơn khổ sách thông thường; gồm 86 bài thơ với nhiều thể loại là tập thơ thứ hai của nhà thơ, sau tập ĐI DỌC SÔNG QUÊ. Tập thơ được NXB Hội Nhà văn cấp phép và họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền thiết kế bìa. Nhưng thôi, bỏ qua cái hình thức; chúng ta cùng đọc tác phẩm để thấy tác giả tìm thấy gì trong lòng tác giả!

Tôi đi tìm tôi trong mỗi miền quê

Trong tập thơ TÔI ĐI TÌM TÔI có đến 9 bài thơ trong tựa đề nhắc trực tiếp đến quê (Tình quê, Chở tết về quê, Với quê, Ký ức một miền quê, Lời quê, Trăng quê, …) và nhiều bài khác tác giả lại hướng tâm trạng mình về với một miền quê nghèo:
“Tôi về ngồi dưới trăng tròn
Đất phèn
Ruộng cát
Có còn sức xanh?
Tôi rời xa chốn thị thành
Quê nghèo
Chùa cũng vắng tanh
Phận chùa!”
(Tôi đi tìm tôi)
Miền quê ấy, cụ thể là một rẻo đất nhỏ thuộc huyện Hoài Ân, Bình Định, dẫu còn nghèo nhưng là nơi đã cho tác giả sự sống và ươm mầm yêu thương cuộc đời và con người. Nhưng bây giờ vì cuộc sống mà tác giả đã bứt ra khỏi quê, để mỗi lần trở về là mỗi lần thổn thức:
“Ta đang ngồi giữa quê mình
cứ nghe là lạ
trong hình dung quen”
(Giữa quê nhà)
                                Người quê trong Vĩnh Tuy đã hơn nửa phần đời sống ở phố nhưng tác giả như khó hòa nhập vào cuộc sống phồn hoa đô hội. Nhà thơ lạc lõng giữa dòng người tấp nập:
“Đêm giữa phố đất trời thênh thang quá
vạn người qua
chẳng thấy một dáng quen”
(Đêm ở phố)
                                Và, quan trọng là Vĩnh Tuy không hề chối bỏ cái gốc gác nhà quê của mình. Nhà thơ rất tự hào và chẳng chút tự ti khi khẳng định: “Chúng ta/ Một lũ /Sinh ra từ làng.” (Sinh ra từ làng). Nếu chẳng phải yêu lắm quê mình thì khó có thái độ quyết liệt như thế. Khi biết bao kẻ đã chối bỏ quê hương, vong ân quê kiểng ta mới càng trân quý cái tình quê của tác giả. Quê nghèo vật chất, thiếu thốn tiện nghi nhưng thiên nhiên đã hào phóng cho ta một bầu trời quê giàu có:
“Lúc mỏi mệt, ngẫm sự đời
Ta còn giàu lắm, một bầu trời quê!
Chiều nay nhớ lắm ta về
Ngả người trên bãi cỏ quê, một thời…
(Với quê)
                                Phải nói cho rốt ráo là nếu chẳng có một tuổi thơ gắn liền với ruộng đồng thì lòng khó hướng về: “Một thời rơm rạ dễ thương/ Mỏng tan mấy đụn khói vương góc chiều” (Khúc đồng dao). Nhưng cái thời rơm rạ ấy đâu còn nữa. Còn chăng là trong ký ức:
“Miền tuổi thơ mình giờ quá xa xôi
Chẳng chuyến tàu nào về nơi ga ấy
Cổ tích một thời, giấu vào mơ vậy
Có ai về cùng trong giấc mơ tôi?”
(Có ai về cùng trong giấc mơ tôi)
                   Quê hương đâu chỉ là nơi mình sinh ra hoặc nơi mình gắn bó, mà đôi khi mở ra một biên độ vô cùng rộng lớn để mọi người có thể hòa mình vào đó mà yêu lấy quê nhà. Dưới vòm trời này, thiên nhiên ở đâu chẳng thế, chẳng gợi trong lòng người hoài niệm về quê hương một mối cảm hoài:
“Dưới vòm trời đất bao la
chỉ vài bông cỏ cũng là quê hương!”
(Câu chuyện buổi sáng)
                                Chỉ cần quan niệm như thế thì khi đến đâu cũng thấy gần gũi, thân thương như… quê nhà! Mà thật vậy, nơi nào trên mảnh đất thân yêu của nước Việt chẳng là quê hương của dân Việt? Đến với Đăk Klah, tác giả như mang cả núi rừng về với vùng xuôi:
“Bùi ngùi tiếng suối Đăk Klah
Chào em!
Anh lại đường xa xuôi dòng
Mây trời phía núi chập chùng
Sắc xanh của lá đi cùng về xuôi!”
(Bên dòng Đăk Kroong Pung)
                   “Tôi đi tìm tôi”… đã gặp một miền quê riêng của tác giả nhưng cũng là miền quê chung của mọi người. Ta cũng gặp tâm trạng rất nhân văn khi tác giả bộc bạch niềm mơ ước của mình về một miền quê trung du nhiều thiên tai này. Đôi khi tác giả vui mừng  “Mắt cay/ Gợn chút bùi ngùi/ Một thời lấm láp đã lùi về xa/ Bây giờ ngồi giữa tháng Ba/ Ta cùng ta với quê nhà đổi thay”/(Chiều xuân muộn. Được cảnh “quê nhà đổi thay” là một quá trình vất vả của người dân quê. Nhưng chưa hề trọn vẹn niềm vui, để lòng còn trăn trở:
“Giá mà
Đừng có nỗi đau
Quanh năm mưa chỉ một màu pha lê
Bên nhau quanh quẩn cùng quê
Chắt chiu ta với lời thề biếc xanh”
(Giá mà)
                   Dẫu quê còn nghèo nhưng đượm tình đượm nghĩa, nơi ấy đâu chỉ là nơi trú ngụ tâm hồn tác giả, mà là nơi khởi nguồn và lưu dẫn qua nhiều thế hệ. Vĩnh Tuy nói với con như là lời thay mặt một thế hệ nhắn nhủ lại cho thế hệ sau:
“Ru con bằng mấy lời quê
Những khi mỏi mệt hãy về…
Với quê!”
(Lời quê)
                   Ta yêu quý tác giả và tác phẩm vì điều này!

                   Tôi đi tìm tôi trong từng mỗi gia đình, mỗi con người

          Hành trình tôi đi tìm tôi của Vĩnh Tuy là hành trình từ thiên nhiên đến con người; từ làng quê đến gia đình; từ con người đến con người. Trong thơ Vĩnh Tuy ta khó tách rời hình ảnh quê nhà với hình ảnh người mẹ, người cha tảo tần cực khổ để: “Cho con ngày tháng yên bình/ Dáng gầy cha mẹ/ Bóng hình quê hương” (Tình quê). Đó là hình ảnh người cha trong “… một ngày giáp tết/ cha đèo con đi hết nẻo đường quê/ Ra phố/ mua một đôi dép rồi về!”/(Chở tết về quê). Tôi cứ ám ảnh mãi và rươm rướm nước mắt khi bắt gặp hình tượng người cha này. Cứ ngỡ ngày giáp tết cha chở con đi sắm đồ mới. Người con náo nức biết bao nhiêu với hy vọng sẽ được rất nhiều đồ tết. Nhưng… chỉ được đôi dép mới, trong khi ấy “dưới chân cha đôi dép đã mòn quai”, bởi “nhà mình còn nhiều thứ chưa mua”. Và hình ảnh người mẹ như bao người mẹ Việt Nam vì chồng vì con mà “Thương chồng / thương các con thôi / lệch vai gánh cả bầu trời trần ai” (Mẹ tôi). Không khó để mỗi chúng ta gặp người cha, người mẹ như vậy trên đất nước thân yêu này. Họ sống lặng lẽ trong đời như:
“Bù nhìn
An phận kiếp nghèo
Ngẩng đầu hớp mảnh trăng treo giữa trời”
(Mộng du)
Quê nghèo! Những người đàn ông, trai tráng lại bỏ làng ra đi kiếm sống để lại những người mẹ, những người đàn bà cặm cụi với ruộng nương mà khắc khoải:

“Những người đàn bà
trắng đêm, sàng sảy nỗi nhớ con xa
bao lớp trẻ lần lượt ôm giấc mơ về phố!
(Quê tôi vùng lũ)
Nhưng điều này thì chắc chắn:
“Nhưng chẳng ai có thể
gánh gồng thay mẹ
tuổi già và những cơn đau!
(Những điều có thể và không thể)
Phải chăng tác giả Vĩnh Tuy đã tìm thấy mình trong hình ảnh những người thân. Mà cũng có thể là hình ảnh mà tác giả đã lần về trong những ngày xưa cũ:
“Buổi học cuối cùng trôi trong nuối tiếc
Nhìn những chỗ ngồi thầm gọi tên nhau…”
(Buổi học cuối)
Cái thời thật trong trẻo. Chưa phải là tình yêu mà chỉ là chút tình riêng của tuổi học trò nhưng vẫn in đậm trong lòng tác giả:
“tình riêng giờ đã phôi pha
giữa vòng bè bạn, cứ là ta thôi
thầy cô ơi, bạn tôi ơi!
cho tôi gửi lại mấy lời tri ân”
(Một thời đã xa)
Để bây giờ nhìn lại lòng vẫn còn nguyên xao xuyến:
“Vẫn mái tóc lửng đó thôi
làm duyên trên đường đi học
những chiều bất chợt mưa rơi
áo nhàu, rưng rưng em khóc”
(Tuổi nào giờ đã xanh rêu)
Cùng với mạch thơ từ “Đi dọc sông quê” đến “Tôi đi tìm tôi”, Vĩnh Tuy vẫn trung thành với giọng thơ chân chất của mình, ít bứt phá và cũng chính vì thế mà tác giả thành công trong thể thơ lục bát bình dị, dân dã mà sâu lắng. Những thành công về nội dung tư tưởng và nghệ thuật thì dành cho những nhà phê bình nghiên cứu, ở đây, chỉ một vài cảm nhận của một độc giả về một tác phẩm của người bạn văn chương. Ừ thì, ta cùng tác giả:
“Cứ đi!
đi giữa đất trời
trên vai là tiếng ầu… ơi… quê mình!”
(Một khúc hát ru)
Cảm ơn tác giả và tập sách dễ thương!
( Viết ở quê nhà, tháng 4/2020)
Ngô Văn Cư





Không có nhận xét nào: