Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

THÀ RẰNG BỊ LỪA DỐI - Truyện ngắn Ngô Văn Cư



            Khuya!
            Những ngọn đền đường vàng vọt vẫn làm sáng rõ dáng đi xiêu vẹo của Vũ. Bước chân chệnh choạng, hai tay buông thỏng đong đưa theo nhịp đi tự do như đang dò dẫm, Vũ đi bộ về nhà. Đây chẳng biết lần thứ bao nhiêu Vũ say và đi về khuya như thế. Bởi cứ mỗi buổi chiều xong việc, mấy anh em thợ giải mỏi vài ba xị là chuyện thường ngày. Nhưng đôi khi hứng lên, mọi người cũng tới bến. Và khi khuya quá, quán không còn bán hoặc có người đã quắc cần câu thì giải tán. Nhà Vũ gần, chỉ đi bộ quẹo qua vài con hẽm là tới.


Đường vắng!
Thỉnh thoảng, một chiếc xe chạy vụt qua để lại một vùng sáng rực rỡ và một mớ âm thanh ầm ì, hiện lên một vùng khá quen thuộc, nơi Vũ đã đến trọ nhiều tháng. Vũ thấy mình may mắn chọn được khu nhà trọ an toàn này. Những tệ nạn xã hội xa lạ với những người lao động chân chất quen lam quen làm. Bỗng nhiên, Vũ thấy quặn ruột, muốn nôn. Vũ vịn một tay vào gốc cây ven đường cúi rạp người xuống nôn thốc nôn tháo những thứ đã đưa vào mồm hồi chiều. Khi Vũ đứng thẳng, đưa tay áo quẹt ngang chùi miệng thì nghe một tiếng yếu ớt như gió thoảng:
-Anh gì ấy ơi…!
Một luồng lạnh chạy dọc sống lưng, ngẩng đầu lên, Vũ giật thót mình vì đã chạm vào khuôn mặt người con gái đang nhìn. Vũ chợt tỉnh hẳn người. Có lẽ vì đã nôn hết rượu khi chiều, cũng có thể vì đối diện bất ngờ với người con gái xa lạ này. Vũ không lạ gì với những người con gái đứng đường mồi chài đàn ông như thế này nên không mặn mà gì lắm với tiếng gọi nhẹ nhàng kia, dượm chân bước đi. Cô gái lại gọi:
-Anh gì ấy ơi…
Vũ bình tĩnh nhìn cô gái:
-Gì cơ? Cô là ai? Sao giờ này còn ở đây?
Vũ hỏi một thôi dài dồn dập. Cô gái như không còn lựa chọn nào khác trả lời chẳng ăn nhập vào đâu:
-Em đói quá! Anh giúp em… mấy ngày nay em chưa được ăn gì…
Một chiêu bài gì nữa đây! Biết bao mánh lới của gái giang hồ đã làm cho nhiều kẻ ham thích của lạ muốn tìm cảm giác mới bị lâm vào những tình huống oái ăm, khó xử. Vũ nghĩ ngay đến khoảng tiền lương cóp nhặt được trong mấy tháng làm nghề, người vợ ốm yếu và đứa con èo uột ở quê! Nó như cái phao Vũ bám để không bị cuốn vào những nơi mà người đàn ông nào cũng trôi dạt đến khi bạn bè rủ ren! Trước mặt người con gái lạ này, Vũ kịp nghĩ đến vợ con, chắc hẳn cô ta khó làm cho Vũ xao động tình cảm. Khi đã chắc chắn âm thanh phát ra kia từ một cô gái khó có thể hại đến mình, Vũ lên tiếng:
-Sao cô lại nhằm vào tôi?
-Trên đường này chỉ còn có mình anh dừng lại… Anh chỉ cho em một ổ bánh mì… Em đói quá!
Vũ nghĩ đến xếp tiền mệnh giá lớn đã xếp ngăn nắp trong ví. Không thể mở ví ra lúc này cho cô gái thấy được. Biết đâu có đồng bọn của cô nấp ở đâu đấy. Nhưng nếu cô gái thật sự khó khăn, đói khát mà bỏ đi thì lòng không đành, Vũ chọn một giải pháp an toàn:
-Thôi được! Cô đi với tôi đến quán bà Tư Béo ở đầu đường còn điện sáng kia ăn chút gì…
Không đợi đến hết câu, cô gái lí nhí lời cảm ơn và đi theo Vũ. Vũ vội vã đi nhanh ra khỏi nơi ánh sáng mờ ảo này để đến nơi có nhiều ánh sáng và đông người nhằm bảo đảm an toàn khiến cô gái cứ tụt dần về phía sau. Vũ phải nhiều lần bước chậm lại để đợi và nhận ra cô yếu ớt lắm, có lẽ là đói thật! Với một cô gái giữa thành phố mà ai cũng đổ về để kiếm sống như thế này mà bị đói cũng thật lạ. Những kẻ vật vờ đói khát thường là một nửa dân số thế giới tự xưng là phái mạnh nhưng buông tuồng, bất cần, sống bản năng, thiếu kĩ năng kiếm và giữ tiền. Còn các cô gái yếu đuối thường biết cách kiếm tiền dễ dàng, biết cóp nhặt, biết tận dụng những lợi thế của bản thân để vượt qua khó khăn… Thế mà cô gái này rơi vào tình huống không thể xấu hơn. Nhìn cô gái ăn ngon lành, Vũ biết cô ta đói lắm. Sau khi tính tiền cho bà Tư Béo, còn lại một số tiền lẻ, Vũ đưa hết cho cô gái:
-Cô cầm số tiền còn lại này để ngày mai còn có cái ăn…
Cô gái giãy nãy:
-Không! Em không nhận tiền của anh đâu. Được anh cho bữa ăn này là quý lắm rồi. Em không dám nhận thêm tiền của anh… Em tự lo được mà!
-Tối nay cô nghỉ ở đâu?
-Em…
Bà Tư Béo xía vô:
-Bạn gái hả Vũ? Thì dẫn về nhà trọ chứ về đâu nữa…
Cô gái không bỏ lỡ cơ hội:
-Hay là anh cho em nghỉ nhờ một đêm nay thôi!
Vũ dứt khoát: “Không được đâu!” rồi đứng dậy lầm lủi đi về nhà trọ. Đến lúc tra chìa khóa để mở cửa phòng, Vũ giật mình vì cô gái theo đến tận nơi. Vũ bực mình quát: “ vì sao cô cứ theo ám tôi hoài vậy? Cô không được vào phòng tôi đâu!”. “Em ngồi ở ngoài hiên này được mà!”. Vũ mở cửa vừa đủ để lách người vào phòng, chốt cửa lại, tắm rửa qua loa rồi lên giường mặc cho người khách không mời cứ bám riết như món nợ ở ngoài. Vũ cảm thấy bực mình vì vừa mất tiền cho cô gái không quen, vừa bị theo đuổi đến tận cùng hang ổ, không khéo bị hiểu lầm thì khó giữ hạnh phúc gia đình. Không thể nào giải thích cho từng người hiểu được tình huống oái ăm này. Cũng bởi Vũ thấy thương cảm vì người cơ nhỡ chứ nào có tình ý gì với cô gái kia đâu! Cuộc sống Vũ khó khăn nên dễ động lòng trắc ẩn trước những hoạn nạn mà người khác mắc phải. Vũ chỉ giúp đỡ qua đường như một hành động chia sẻ hoạn nạn nên cô gái kia là ai; gia cảnh như thế nào; vì sao mà nên nỗi… cũng không hề quan tâm tìm hiểu. Vũ nhớ lại những ngày đầu đến thành phố này, khi chưa tìm được việc làm, đói rét luôn thường trực… nhiều đêm lang thang đến rả rời đôi chân tìm nơi nghỉ mà ngao ngán; những ngày không tiền bạc phải gặm bánh mì qua bữa mà xót lòng. Nhưng vẫn hơn cô gái bị đói mà Vũ vừa gặp. Nghĩ đến cô gái lạ, Vũ bật dậy hé cửa nhìn. Cô gái vẫn còn ngồi trước cửa, hai tay ôm lấy gối, đầu chúi xuống ngủ gật. Vũ không thể nhẫn tâm, vô cảm trước hình ảnh tội nghiệp trước mắt nên lay gọi cô gái dậy:
-Này cô! Hãy vào phòng mà nghỉ.
Cô gái ngơ ngác:
-Hơ… anh cho em vào nhà? Không, em ngồi đỡ ở đây cũng được… Sáng, em đi ngay mà!
-Không sao đâu! Cứ vào nghỉ… rồi sáng đi đâu thì đi…
Cô gái vào phòng được sắp xếp ngủ trên giường, còn Vũ kê mấy chiếc ghế để nằm. Cô gái áy náy:
-Anh để em ngủ trên ghế cho.
-Hãy mặc tôi. Cô cứ yên tâm ngủ đi… Sáng mai tôi còn phải đi làm…
Vũ nằm đây mà lo lắng. Tự nhiên đưa cô gái vào phòng, trong khi chưa biết cô là ai và bản thân cũng không có nhu cầu gái gú, không hề có ý định lợi dụng… Nhiều tình huống được Vũ đặt ra và suy nghĩ cho đến khi chìm vào giấc ngủ.
Sáng sớm.
Thức dậy, một cánh tay tê cứng vì nằm trên ghế suốt đêm và đầu đau nhức bởi cuộc rượu chiều qua, Vũ nhìn sang chiếc giường, cô gái vẫn còn  ngủ say, có lẽ mệt vì thiếu ăn, thiếu ngủ. Chưa vội đánh thức cô gái, Vũ kiểm tra toàn bộ tài sản của mình. Vài bộ quần áo nhàu nhĩ, ví tiền vẫn còn nguyên và chiếc giường của nhà trọ cô gái đang nằm. Vệ sinh cá nhân xong, Vũ mới đánh thức cô gái, yêu cầu cô ra đi để Vũ còn phải đi làm. Cô gái bỗng nài nỉ:
-Anh làm ơn cho em nghỉ thêm một chút nữa. Anh cứ đi làm đi, khi nào đi em sẽ đóng cửa lại.
Vũ rút ra một tờ giấy bạc:
-Tôi và cô không hề quen biết nhau sao cô cứ bám theo tôi vậy. Hãy cầm số tiền này kiếm chút gì ăn và đi khỏi nơi đây giùm tôi.
-May cho em quá! Em đã gặp được người tốt rồi. Em van anh, anh cứ đi làm đi… Em nghỉ khỏe một chút, em đi ngay thôi mà…
Rồi Vũ lơ đãng nghe cô gái kể về cuộc đời éo le của mình.
Lệ - tên cô gái- yêu một anh công nhân đang thi công tuyến đường ngang qua vùng quê nghèo của Lệ. Biết bao nhiêu lời hứa hẹn nhưng con đường thi công càng dài thì sự gặp mặt của Lệ và Nam – tên người yêu của Lệ - càng thưa thớt. Nhiều lần Lệ đặt vấn đề hôn nhân với Nam thì được hứa hẹn sau khi xong con đường sẽ tổ chức đám cưới, nhưng đất nước ta thì dài mà con đường thì không có điểm cuối. Trong khi đó thời con gái của Lệ đang trở thành đàn bà thực sự với cái thai trong bụng. Nam cho rằng cha mẹ Nam không chấp nhận người con gái chửa trước nên gợi ý đến thành phố này giải quyết cái thai rồi cùng về nhà Nam ra mắt. Gom một số tiền dành dụm được của cha mẹ và bản thân, Lệ cùng Nam đến đây. Sau khi giải quyết xong cái thai thì Nam đã biến mất khỏi thành phố rộng lớn này cùng toàn bộ của cải Lệ mang theo. Hơn mười ngày nay, không tiền bạc, không người quen, ở một nơi xa lạ, Lệ vật vờ sống và lang thang khắp nơi mong thấy được bóng dáng người yêu. Đêm qua, khi không còn sức lực nữa thì gặp Vũ. Hoàn cảnh của Lệ kể giông giống với nhiều hoàn cảnh của các cô gái đứng đường dạt ra từ các nhà chứa nhằm biện minh cho việc làm của mình. Vũ vờ như thông cảm: “Thôi, cô nghỉ đi cho khỏe, quên đi kẻ phụ tình, lừa tiền kia… rồi tìm đường về quê làm lại cuộc đời” nhưng trong lòng lại nghĩ: “Một vở kịch vụng về!”. Khi đã ra khỏi nhà, Vũ còn quay lại dặn:
-Tôi đi làm đến chiều mới về. Khi nào cô đi thì khóa cửa lại giùm tôi, dẫu rằng không có gì đáng giá trong phòng trọ này.
Rồi Vũ lại lặng lẽ đặt một tờ giấy bạc mệnh giá lớn trên ghế để cô gái có tiền về quê, coi như Vũ đã tin câu chuyện kia và lòng bớt áy náy vì thì người hoạn nạn mà không cứu giúp.
Buổi chiều.
Vũ vội về nhà trọ sau khi xong việc.
Cô gái đã không còn.
Trên ghế có mấy tờ bạc đè lên tờ giấy lớn. Hình như là một lá thư cho Vũ.
“Anh ân nhân của em.
Nghe lời của anh, em sẽ quên kẻ bội tình, lừa đảo kia mà đi về quê. Nhưng khi mua xong vé xe, em vẫn còn thừa một số tiền anh cho. Em để lại cho anh vì em biết rằng anh cũng nghèo khổ, kiếm tiền cho vợ con ở quê. Đến cuối tuyến đường, tự khắc em sẽ về được đến nhà.
Em không kịp hỏi tên anh nhưng em không dám gặp anh lần nữa để hỏi vì em biết anh là người tốt mà cả đời này khó tìm ra. Em sợ… Anh đã cứu em đúng lúc, nếu gặp người khác chẳng biết cuộc đời em sẽ về đâu. Em sẽ làm lại cuộc đời và luôn cầu nguyện cho anh và gia đình luôn gặp điều tốt lành.
Chào anh.”
Đọc xong bức thư viết vội, Vũ thấy rằng mình đã hiểu chưa đúng về Lệ, một cô gái đáng thương. Lệ lương thiện đến nỗi trả lại tiền cho Vũ, sau khi thấy vừa đủ về đến quê. Vũ nghĩ đến chàng trai tên Nam kia. Sao lại có hạng người vô hậu như thế! Bây giờ hắn đang ở đâu với số tiền lấy được của Lệ. Hắn có thấy day dứt vì lừa cô gái nhẹ dạ loại bỏ một sinh linh vô tội ra khỏi thế giới này rồi bỏ mặc cô ta giữa thành phố xa lạ.
Vũ gọi tên Nam ra mà nguyền rủa!
Bất chợt, Vũ lại giận Lệ!
Phải chi Lệ cầm số tiền Vũ để lại và đi luôn để Vũ tin rằng câu chuyện Lệ kể là không thật. Thà rằng bị lừa dối!
                                                                                                      Ngô Văn Cư
(Bài đăng trên báo Thời Nay số 496, ngày 16/10/2014)




Không có nhận xét nào: